- Giá vàng: Đồng loạt đứng yên
Giá vàng hôm 15/9 ở thị trường trong nước, vàng miếng và vàng nhẫn đều đồng loạt đứng yên ở tất cả các thương hiệu.
Vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng: 78,5 triệu đồng/lượng mua vào, 80,5 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 14/9 ở cả 2 chiều).
Vàng SJC Phú Quý: 78,5 triệu đồng/lượng mua vào, 80,5 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 14/9 ở cả 2 chiều).
Vàng DOJI tại Hà Nội và DOJI tại TP Hồ Chí Minh: 78,5 triệu đồng/lượng mua vào, 80,5 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 14/9 ở cả 2 chiều).
Giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 78,5 triệu đồng/lượng mua vào, 80,5 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 14/9 ở cả 2 chiều). Vàng nhẫn tròn trơn được doanh nghiệp giao dịch ở mức 77,8 triệu đồng/lượng mua vào, 79,08 triệu đồng/lượng bán ra.
Vàng nhẫn PNJ tại TP Hồ Chí Minh và vàng PNJ tại Hà Nội: 77,95 triệu đồng/lượng mua vào, 79,1 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 14/9 ở cả 2 chiều).
Như vậy, giá vàng miếng và vàng nhẫn trong nước hôm 15/9 không có biến động ở tất cả các thương hiệu, giao dịch trên mức 80 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới chiều 15/9 đứng ở mức 2.578,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai đứng ở mức 2.606,2 USD/ounce.
Nhận định về giá vàng, các chuyên gia cho rằng, vàng đã trải qua một chặng đường dài đầy trở ngại và quyết định chính sách tiền tệ sắp tới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đánh dấu sự khởi đầu một hành trình mới của kim loại quý này. Giới phân tích và nhà đầu tư tỏ ra lạc quan về giá vàng sẽ tiếp tục tăng, dự kiến đạt mốc kỷ lục không tưởng 3.000 USD/ounce.
- Chứng khoán 'ngóng' sự kiện quan trọng tuần này
Thị trường trải qua tuần giao dịch khá ảm đạm với 2 phiên cuối tuần thanh khoản chạm đáy từ tháng 4/2023 đến nay. Dường như, tâm lý nhà đầu tư đang chịu ảnh hưởng lớn từ diễn biến, hậu quả nặng nề của cơn bão số 3, gây gián đoạn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp. Thị trường cũng đang chờ phản ứng của Ngân hàng Nhà nước sau động thái cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Kết tuần, VN-Index giảm 1,75% so với tuần trước về mức 1.251 điểm. Khối ngoại bán ròng 1.132 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Một số ngành có diễn biến tiêu cực hơn thị trường chung như cổ phiếu bảo hiểm đồng loạt giảm giá trước lo ngại chi phí bồi thường bảo hiểm gia tăng do cơn bão số 3. Hai ngành có vốn hóa lớn khác là Ngân hàng và Bất động sản cũng đồng thời giảm điểm. NVL chạm sàn do những thông tin bất lợi về khả năng không được giao dịch ký quỹ.
Giao dịch trầm lắng tuần qua được giới phân tích nhìn nhận trên một số phương diện tác động, trong đó tâm lý thận trọng tiếp bao trùm trước những diễn biến vĩ mô quan trọng. Thị trường cũng đang chờ phản ứng của Ngân hàng Nhà nước sau động thái cắt giảm lãi suất của Fed. Cơn bão lớn nhất hàng chục năm qua đổ bộ vào miền Bắc cũng gây gián đoạn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp.
Tuần này, theo nhóm phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), chứng khoán toàn cầu sẽ hướng sự chú ý tới cuộc họp chính sách tiền tệ của một số ngân hàng trung ương lớn như Mỹ, Anh, Trung Quốc. Fed dự kiến sẽ bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất kể từ cuộc họp lần này.
- Trái thanh long vụ thuận vẫn cho lãi hơn 10.000 đồng/kg
Hiện nay, tuy vào mùa thuận nhưng trái thanh long ở tỉnh Tiền Giang vẫn giá ở mức cao, nhà vườn có lãi khá. Nhà vườn đang tích cực chăm sóc chuẩn bị thu hoạch đại trà.
Ở thời điểm này, giá trái thanh long ruột đỏ trên dưới 20.000 đồng/kg, riêng loại 1 giá trên 25.000 đồng/kg, cao hơn tháng trước từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Ở vụ thuận, vườn cây thanh long để cho ra hoa tự nhiên không phải “xử lý” bằng hình thức xông điện như mùa nắng; đồng thời không phải tốn chi phí cho khâu bơm tưới nước nên mỗi kg thanh long nhà vườn thu lãi hơn 10.000 đồng.
Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 9.000 ha đất trồng cây thanh long; trong đó diện tích vườn cho thu hoạch khoảng 7.500 ha, năng suất đạt gần 35 tấn/ha, sản lượng trên 260.000 tấn/năm. Vùng sản xuất thanh long chủ lực tập trung ở 4 huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phước và Gò Công Đông. Thanh long là một trong các loại cây ăn trái cho kinh tế cao nhất trong 11 loại cây ăn trái đặc sản chủ lực của Tiền Giang cho lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/ha/năm.
Để giúp xuất khẩu trái thanh long, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã hỗ trợ nhà vườn xây dựng 80 mã số vùng trồng thanh long cùng diện tích hơn 6.140 ha, cấp xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia, Trung quốc; đồng thời xây dựng được trên 2.300 ha thanh long đạt tiêu chuẩn GAP; trong đó, có 2.196 ha đạt chứng nhận VietGAP cùng 110 ha đạt chứng nhận GlobalGAP. Đối với trái thanh long Chợ Gạo đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
- Mưa bão có thể giúp tiêu thụ tôn mạ của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) tại miền Bắc tăng 36%
Dưới tác động của mưa bão tại miền Bắc, sản lượng tiêu thụ tôn mạ của Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG) trong quý 4 NĐTC 2024 có thể tăng 36% so với cùng kỳ niên độ trước.
Luỹ kế 3 quý đầu niên độ tài chính (NĐTC) 2024, Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG - sàn HoSE) ghi nhận tổng doanh thu đạt 29.162 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ niên độ trước nhờ sự phục hồi mạnh mẽ từ nhu cầu trong nước cùng sự ổn định tại thị trường xuất khẩu.
Tính riêng trong quý 3 NĐTC 2024 (quý 2/2024), sản lượng tiêu thụ tôn mạ của Tập đoàn Hoa Sen đạt hơn 415.300 tấn, tăng 36,1% so với cùng kỳ niên độ trước và tăng 10,6% so với quý liền trước.
Đáng chú ý, mặc dù tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 40% tổng sản lượng tiêu thụ trong quý 3 NĐTC 2024 nhưng nhu cầu đã tăng hơn 42% so với cùng kỳ NĐTC 2023 với sự dẫn dắt nhu cầu tại miền Trung và tại miền Bắc. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ tại miền Trung và miền Bắc đã lần lượt tăng 113% và 50% so với quý liền trước.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Rồng Việt, thị trường nội địa sẽ trở thành động lực chính cho Tập đoàn Hoa Sen trong nửa cuối năm trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang đối mặt với nhiều thách thức.
Cụ thể, do ảnh hưởng của mùa mưa bão, sản lượng tôn mạ tiêu thụ tại thị trường miền Bắc trong quý 4 NĐTC 2024 đạt 65.222 tấn, tăng 36% so với cùng kỳ niên độ trước. Tại miền Nam, với việc các hoạt động xây dựng bất động sản nhà ở và khu công nghiệp dần tăng tốc, sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn Hoa Sen dự kiến đạt 82.635 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ niên độ trước.
- Mỹ muốn siết hàng nhập khẩu miễn thuế của Shein và Temu
Nhà Trắng đang tìm cách siết chặt thuế nhập khẩu, nhắm đến những lô hàng giá trị thấp được miễn thuế của các sàn thương mại điện tử lớn từ Trung Quốc như Shein và Temu.
Theo Nikkei, chính phủ Mỹ cho biết động thái này nhằm hạn chế số lượng các lô hàng có giá trị thấp nhập khẩu vào Mỹ mà không cần chịu thuế theo quy định “de minimis”.
Quy định này nằm trong Luật Thương mại Mỹ từ năm 1930, cho phép các kiện hàng có giá trị dưới một ngưỡng nhất định được miễn thuế nhập khẩu. Quy định vốn dĩ được thiết kế để đơn giản hóa thủ tục hải quan cho các lô hàng nhỏ.
Hiện nay, các kiện hàng có giá trị dưới 800 USD nhập khẩu vào Mỹ được miễn thuế theo quy định “de minimis”.
Tuy nhiên, theo thống kê từ Nhà Trắng, số lô hàng hưởng lợi từ quy định này đã tăng vọt từ 140 triệu lên hơn 1 tỷ chỉ trong vòng một thập kỷ. Theo ước tính công bố bởi Ủy ban Hạ viện Mỹ vào năm ngoái, Shein và Temu chiếm 30% tổng số lô hàng hưởng quy định “de minimis”.
Trong một tuyên bố, Nhà Trắng kêu gọi Quốc hội thông qua luật này trong năm nay nhằm bảo vệ người tiêu dùng, người lao động và doanh nghiệp Mỹ.