Điểm tin Kinh doanh 16/7: Giá vàng: Vàng nhẫn bằng giá vàng miếng

Việt Báo (Tổng hợp)| 16/07/2024 06:00

Hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ chậm trả trái phiếu trong tháng 7/2024; Tỷ phú giàu thứ 2 châu Á công bố kế hoạch xây cảng biển ở Đà Nẵng

gia-vang-hom-nay-baohatinh-vn.jpg

- Giá vàng: Vàng nhẫn bằng giá vàng miếng

Giá vàng hôm 15-7, ở thị trường trong nước, vàng miếng và vàng nhẫn đều đồng loạt đứng yên. Giá vàng nhẫn đã bằng với giá vàng miếng. Trong khi đó, giá vàng thế giới giảm.

Vàng SJC tại Hà Nội và vàng SJC tại Đà Nẵng: 75,48 triệu đồng/lượng mua vào, 76,98 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 14/7 ở cả 2 chiều).

Vàng SJC Phú Quý: 75,8 triệu đồng/lượng mua vào, 76,98 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 14/7 ở cả 2 chiều).

Vàng DOJI tại Hà Nội và DOJI tại TP Hồ Chí Minh: 74,98 triệu đồng/lượng mua vào, 76,98 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 14/7 ở cả 2 chiều).

Giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 75,88 triệu đồng/lượng mua vào, 76,98 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 14/7 ở cả 2 chiều). Vàng nhẫn tròn trơn được doanh nghiệp giao dịch ở mức 75,68 triệu đồng/lượng mua vào, 76,98 triệu đồng/lượng bán ra.

Vàng nhẫn PNJ tại TP Hồ Chí Minh và vàng nhẫn PNJ tại Hà Nội: 75,15 triệu đồng/lượng mua vào, 76,6 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 14/7 ở cả 2 chiều).

Như vậy, giá vàng trong nước hôm 15-7, giá vàng miếng vẫn “bất động”, trong khi đó giá vàng nhẫn tròn trơn tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được giao dịch bằng giá so với giá vàng miếng ở chiều bán ra.

Giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới chiều 15-7 giảm. Vàng giao ngay đứng ở mức 2.403,4 USD/ounce, giảm 10,3 USD/ounce so với sáng nay. Giá vàng tương lai đứng ở mức 2.407,8 USD/ounce.

Nhận định về xu hướng giá vàng, một số nhà phân tích cho rằng, giá vàng thế giới đang trên đà phục hồi khi thị trường gia tăng kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất vào đầu tháng 9. Trong tuần trước, giá vàng đã tiến gần đến mức cao nhất từ trước đến nay thiết lập vào tháng 5 vừa qua là 2.450,07 USD/ounce, sau khi các dữ liệu kinh tế tại Mỹ được công bố.

Từ đầu năm tới nay, giá vàng thế giới đã tăng 16% nhờ sự hỗ trợ bởi xu hướng mua bổ sung dự trữ ngoại hối mạnh mẽ của các Ngân hàng Trung ương toàn cầu, sự gia tăng trong nhu cầu vàng vật chất của người dân, đặc biệt là ở Trung Quốc, cũng như nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.

- Tỷ phú giàu thứ 2 châu Á công bố kế hoạch xây cảng biển ở Đà Nẵng

Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani có kế hoạch xây dựng cảng biển tại Việt Nam, trong bối cảnh tập đoàn của ông đang tìm cách phát triển cơ sở hạ tầng ở nước ngoài.

Nguồn tin từ báo chí quốc tế cho biết Giám đốc điều hành Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế Adani (Adani Ports and Special Economic Zone), ông Karan Adani, con trai cả của tỷ phú Gautam Adani, nói trong một cuộc phỏng vấn rằng công ty đã nhận được phê duyệt sơ bộ từ Chính phủ Việt Nam để phát triển cảng biển mới tại Thành phố Đà Nẵng.

Ông tiết lộ dự án sẽ có bến container và bến đa năng để xử lý nhiều loại hàng hóa khác nhau. Tuy nhiên dự án đang ở giai đoạn lập kế hoạch ban đầu và tổng mức đầu tư cần thiết vẫn chưa được quyết định.

Theo ông Karan, cảng dự kiến được xây dựng ở Đà Nẵng sẽ là cảng quốc tế thứ 4 của Tập đoàn Adani, chỉ sau cảng Haifa ở Israel, cảng Colombo tại Sri Lanka và cảng Dar es Salaam ở Tanzania.

Tập đoàn Adani thuộc sở hữu của tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani, người giàu thứ 2 ở châu Á. Trong đó Adani Ports thuộc Tập đoàn là nhà vận hành cảng biển lớn thứ 4 tại Ấn Độ.

- Hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ chậm trả trái phiếu trong tháng 7/2024

Theo Vis Ratings, 60% TPDN đáo hạn trong tháng 7/2024 có khả năng không trả được nợ gốc, chủ yếu thuộc nhóm ngành bất động sản dân cư. Trong 12 tháng tới có khoảng 207.000 tỷ đồng TPDN đáo hạn, 27% có rủi ro cao chậm trả.

Báo cáo trái thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) công bố hôm nay của Vis Ratings cho thấy, tỷ lệ trái phiếu chậm trả trong nửa đầu năm 2024 vẫn ở mức cao.

Riêng trong tháng 6/2024, hai trái phiếu công bố chậm trả lần đầu phát hành bởi Công ty TNHH Đầu tư Big Gain và CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận với tổng giá trị TPDN lưu hành là 2.160 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận chậm trả nợ gốc trị giá 2.080 tỷ đồng nghìn. Công ty hiện đang sở hữu dự án điện mặt trời Thiên Tân, mặc dù đã phát điện lên lưới, nhưng bị trễ thời hạn hưởng giá điện ưu đãi (FIT). Với khoản lỗ ghi nhận năm 2023 là 242 tỷ đồng, chuyên gia phân tích công ty này có khả năng trả nợ yếu.

Tính tới cuối tháng 6/2024, tỷ lệ trái phiếu chậm trả toàn thị trường ở mức 15,6%, giảm so với mức 15,9% ở cuối tháng 5/2024.

Về cơ cấu nợ trái phiếu: Vào tháng 6/2024, 8 tổ chức phát hành hoàn trả một phần nợ trái phiếu chậm trả thuộc các lĩnh vực Bất động sản dân cư, Tổ chức tài chính khác và Xây dựng. Tổng số tiền hoàn trả là 1.57 nghìn tỷ đồng, tương đương với 12% tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành của nhóm này.

Phần lớn giá trị hoàn trả trái phiếu chậm trả gốc, lãi trong tháng 6/2024 là của 3 tổ chức phát hành thuộc nhóm Bất động sản dân cư là Sài Gòn Glory, Đầu tư Kinh doanh Bất động sản S-Homes và DCT Partners Việt Nam. Ba tổ chức phát hành này đã tích cực hoàn trả trái phiếu chậm trả gốc, lãi trong nửa đầu năm 2024.

Tỷ lệ thu hồi đối với trái phiếu chậm trả toàn thị trường tăng 0,5% lên 18,1% trong tháng 6/2024. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi của nhóm ngành nng lượng giảm 1.8% xuống 17,6% so với cuối tháng 5/2024 do có trái phiếu chậm trả gốc, lãi phát sinh mới vào tháng 6/2024.

Theo ước tính của Vis Ratings, trong tháng 7/2024, ước tính có khoảng 60% TPDN đáo hạn có nguy không trả được nợ gốc đúng hạn (khoảng 5.400 tỷ đồng). Trong đó, 5.200 trái phiếu rủi ro do các công ty thuộc nhóm ngành Xây dựng và Bất động sản dân cư phát hành như Nova Land, Nam Land, Big Gain, Đại Thịnh Phát và Kita Invest trước đây không trả lãi đúng hạn vào năm 2023.

a1.jpeg

- Thủ phủ chanh dây trước nguy cơ "vỡ trận"

Hai năm trở lại đây, giá chanh dây xô đang xuống rất thấp khiến người trồng chỉ biết nhìn thị trường đi xuống mà không có phương án thích ứng.

Phát triển diện tích ồ ạt khiến thủ phủ chanh dây Gia Lai đang đứng trước nguy cơ "vỡ trận". Hai năm trở lại đây, giá chanh dây xô đang xuống rất thấp khiến người trồng chỉ biết nhìn thị trường đi xuống mà không có phương án thích ứng.

Trước đó ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cũng đã đưa ra nhiều khuyến cáo về phát triển diện tích theo đúng định hướng, tuy nhiên, khi người dân thấy loại cây trồng nào đang trên đà được giá là tự ý nhân rộng diện tích và đều vỡ trận vì điệp khúc xưa "được mùa mất giá - được giá mất mùa".

Từ những năm 2021-2022, Gia Lai được mệnh danh là thủ phủ chanh dây bởi loại cây này cho giá trị kinh tế cao, dễ chăm sóc, vòng thu hoạch ngắn nên người dân đã chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng thậm chí cả cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu sang trồng chanh dây.

Thực tế những năm đó, người dân Gia Lai đã có thu hoạch cao, một viễn cảnh hấp dẫn khiến cho ngành nông nghiệp của tỉnh cũng tin tưởng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tăng diện tích lên hơn 25.000 ha.

Tuy nhiên, chỉ đến giữa năm 2023, giá chanh dây “tụt dốc không phanh”, từ 17.000 đồng/kg xuống còn 3.000 đồng/kg (chanh múc) đã khiến cho ngành hàng triệu đô trở nên mất phương hướng.

- Nhà đầu tư ngoại bán ròng hơn 1.800 tỷ đồng trong phiên 15/7, tâm điểm là cổ phiếu ngân hàng

Khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh bán ròng với tổng giá trị lên tới hơn 1.800 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần so với phiên trước, trong đó tâm điểm bán ra là cặp đôi cổ phiếu ngân hàng gồm HDB và STB.

Trên sàn giao dịch HOSE, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 38,85 triệu đơn vị, tổng giá trị 1.257,03 tỷ đồng, giảm 3,78% về khối lượng nhưng tăng 4,9% về giá trị so với phiên cuối tuần qua (ngày 12/7).

Ở chiều ngược lại, khối này bán ra 86,79 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.876,16 tỷ đồng, tăng 48,27% về khối lượng và 46,73% về giá trị so với phiên trước.

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 47,94 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 1.619,13 tỷ đồng, tăng 164% về lượng và 112,5% về giá trị so với phiên trước.

Hôm 15/7, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu TNH với khối lượng 3,97 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 113,47 tỷ đồng. Tiếp theo là NLG được mua ròng 1,76 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 76,56 tỷ đồng.

Trái lại, cổ phiếu HDB dẫn đầu danh mục bị bán ròng mạnh nhất với khối lượng 16,76 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng đạt 408,5 tỷ đồng.

Đứng ở vị trí thứ 2 cũng là cổ phiếu nhóm ngân hàng – STB bị bán ròng 11,22 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng đạt 333,71 tỷ đồng.

Ngoài ra, khối ngoại còn bán ròng mạnh các mã khác như SAB đạt 178,77 tỷ đồng, SCS đạt 118,74 tỷ đồng, VCB đạt 96,38 tỷ đồng…

Trên sàn giao dịch HNX, khối ngoại mua vào 1,61 triệu đơn vị, giá trị đạt 39,96 tỷ đồng, tăng 13,33% về lượng và 19,71% về giá trị so với phiên trước.

Ở chiều ngược lại, khối này bán ra 2,51 triệu đơn vị, giá trị bán ra đạt 83,09 tỷ đồng, tăng 87,84% về lượng và 153,71% về giá trị so với phiên trước.

Do đó, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 900.920 đơn vị, giá trị bán ròng đạt 43,13 tỷ đồng; trong khi phiên trước đó mua ròng 82.130 đơn vị, tổng giá trị mua ròng đạt 0,63 tỷ đồng.

Phiên hôm 15/7, khối ngoại mua ròng cổ phiếu TIG với khối lượng 730.500 đơn vị, giá trị mua ròng đạt 11,94 tỷ đồng. Các cổ phiếu còn lại chỉ được mua ròng trên dưới 1 tỷ đồng.

Trái lại, khối này bán ròng mạnh nhất cổ phiếu IDC với khối lượng 534.900 đơn vị, giá trị bán ròng đạt 32,28 tỷ đồng.

Các mã bị bán ròng mạnh tiếp theo là PVS đạt 5,76 tỷ đồng, TNG đạt 4,58 tỷ đồng, DTD đạt 3,77 tỷ đồng…

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại mua vào 427.500 đơn vị, giá trị mua vào đạt 21,71 tỷ đồng, tăng 9,46% về lượng nhưng giảm 40,9% về giá trị so với phiên trước.

Ngược lại, khối này bán ra 2,3 triệu đơn vị, giá trị đạt 216,32 tỷ đồng, gấp 2,7 lần về lượng và gần 5 lần về giá trị so với phiên trước.

Do đó, phiên này khối ngoại đã bán ròng 1,87 triệu đơn vị, giá trị bán ròng đạt 194,61 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần về lượng và tăng mạnh về giá trị so với phiên trước chỉ bán ròng 6,66 tỷ đồng.

Hôm 15/7, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu VEA với giá trị đạt 6,38 tỷ đồng, tương đương khối lượng mua ròng đạt 137.300 đơn vị. Tiếp theo là MCH được mua ròng 5,56 tỷ đồng.

Trong khi đó, cổ phiếu ACV bị bán ròng mạnh nhất với khối lượng 1,74 triệu đơn vị, giá trị đạt 200,17 tỷ đồng.

Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 15/7, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 50,73 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng đạt 1.856,87 tỷ đồng, tăng mạnh 173,6% về lượng và tăng 141,8% về giá trị so với phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 12/7 (bán ròng 767,96 tỷ đồng).

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin Kinh doanh 16/7: Giá vàng: Vàng nhẫn bằng giá vàng miếng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO