- Giá vàng nhẫn hạ nhiệt
Sau chuỗi tăng cả triệu đồng chỉ trong vài phiên trước đó, giá vàng nhẫn trong nước hôm 15/3 đã quay đầu giảm mạnh.
Sau khi tăng vọt cả triệu đồng chỉ trong vài ngày, giá vàng nhẫn trong nước đã ghi nhận dấu hiệu hạ nhiệt khi quay đầu giảm trong phiên sáng 15/3. Hiện giá vàng nhẫn được các doanh nghiệp trong nước giao dịch phổ biến ở mức 54,2 triệu đồng/lượng (mua) và 55 triệu/lượng (bán).
Cụ thể, giá vàng nhẫn loại 99,99% hiện được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 54,1 - 55 triệu/lượng, giảm 100.000 đồng so với cuối ngày hôm trước đó. Tuy vậy, nếu so với phiên 9/3 cuối tuần trước, mức tăng mà vàng nhẫn SJC mang lại cho nhà đầu tư vẫn ở mức gần 950.000 đồng/lượng.
Mức giảm mạnh hơn được ghi nhận với giá vàng nhẫn tại DOJI, hiện phổ biến giao dịch ở mức 53,9 - 54,75 triệu/lượng (mua vào - bán ra). So với phiên liền trước trước, giá vàng nhẫn do DOJI niêm yết đã giảm mạnh 450.000 đồng/lượng chiều mua vào và 500.000 đồng/lượng chiều bán.
Tương tự, tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng nhẫn tròn trơn hôm nay được mua vào ở mức 54,2 triệu/lượng và bán ra ở 55,2 triệu/lượng, giảm 300.000 đồng so với hôm 14/3.
Tương tự, tại các doanh nghiệp như Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý, Mi Hồng, VietAGold… hiện giá bán ra vàng nhẫn đều dao động quanh mốc 55 triệu đồng/lượng, phổ biến giảm 150.000-300.000 đồng/lượng so với phiên trước nhưng vẫn tăng 700.000-800.000 đồng so với giữa tuần trước.
- Công ty của ông Phạm Nhật Vượng hé lộ giá thuê xe điện
Mới đây nhất, công ty của ông Vượng tiếp tục hé lộ thêm về bảng giá dịch vụ cho thuê đối với 3 mẫu ôtô điện bao gồm VinFast VF e34, VinFast VF5 và VinFast VF8 Eco. Theo đó, VinFast VF e34 giá cho thuê 11 triệu đồng/tháng kèm giá thuê pin theo tháng là 3,16 triệu đồng, số km tối đa là 2.500 km, đơn giá của 1 km phụ trội 1.265 đồng/km.
Với VinFast VF5, mức giá cho thuê 9,5 triệu đồng/tháng, giá thuê pin 2,7 triệu đồng/tháng, số km tối đa là 2.500 km, đơn giá của 1 km phụ trội 1,082 đồng/km.
Đối với VinFast VF8 Eco, mức giá cho thuê 20 triệu đồng/tháng, giá thuê pin 4,64 triệu đồng/tháng, số km tối đa là 2.500 km, đơn giá của 1 km phụ trội 1,850 đồng/km.
Theo thông tin từ GSM mức giá trên áp dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải. Thời điểm này GSM chưa triển khai cho cá nhân thuê ôtô điện.
- Bốn ngân hàng có vốn Nhà nước đồng loạt hạ lãi suất huy động
Bắt đầu từ hôm 15/3, lãi suất huy động ở kỳ hạn 12 tháng của VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank sẽ chỉ ở mức 7,2% thay vì 7,4% như trước và đây là mức thấp nhất thị trường hiện nay.
Sáng 15/3, nhóm 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đồng loạt giảm 0,2% kỳ hạn 12 tháng xuống còn 7,2% so với mức niêm yết tuần trước. Đây là mức lãi suất huy động thấp nhất thị trường có cùng kỳ hạn ở các ngân hàng thương mại cổ phần khác.
Trong tuần trước, cả 4 ngân hàng này cũng đã đồng loạt giảm 0,2% ở kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng từ 6% xuống còn 5,8% tháng so với cuối tháng 2/2023; từ trên 12 tháng đến trên 36 tháng từ 7,4% xuống còn 7,2%. Riêng kỳ hạn 12 tháng cả 4 ngân hàng này đều giữ nguyên ở mức 7,4%.
Khảo sát biểu lãi suất niêm yết của nhiều ngân hàng đầu giờ sáng ngày 15/3 cho thấy, chỉ còn 2 ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động trên 9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng là VietBank (9,2%) và ABBank (9,1%). Còn lại khá nhiều ngân hàng áp dụng mức lãi suất 8,4%-8,9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Việc giảm lãi suất huy động của nhóm "Big 4" này nhằm hưởng ứng chủ trương giảm các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ 0,5% đến 1% bắt đầu từ ngày 15/3.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm. Riêng lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
- Huy động thành công gần 36.600 tỉ đồng qua kênh trái phiếu chính phủ
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trong tháng 2-2023, HNX đã tổ chức 12 đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành với khối lượng trúng thầu đạt 36.595 tỉ đồng, tương đương tỷ lệ trúng thầu thành công đạt 79,12%.
TTXVN dẫn thông tin từ HNX cho biết, lũy kế hai tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 69.427 tỉ đồng, đạt 64,28% kế hoạch quí 1 và 17,36% kế hoạch năm 2023. Trong đó, trái phiếu chủ yếu có kỳ hạn phát hành 10 năm và 15 năm với tỷ trọng lần lượt là 52,19% và 45,21%.
Đáng chú ý, lãi suất trúng thầu tháng 2 tiếp tục có xu hướng giảm, tại phiên đấu thầu cuối tháng, lãi suất trúng thầu trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 15 năm đạt lần lượt là 4,12% và 4,32%, giảm 0,24% so với lãi suất tại phiên cuối cùng của tháng trước.
Trên thị trường thứ cấp, giao dịch trái phiếu có diễn biến sôi động với tổng giá trị giao dịch tăng 96,32% so với tháng trước, đạt 111.489 tỉ đồng, bình quân đạt 5.574 tỉ đồng/phiên; trong đó, giao dịch mua bán thông thường (outright) chiếm 65,16% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, còn lại là giao dịch mua bán lại (repos).
- 89.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp chậm thanh toán
Theo FiinRatings, 67 doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu. Trong đó, 63 doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ và 4 doanh nghiệp đã thực hiện tái cơ cấu nợ thông qua giãn kỳ hạn.
Trong báo cáo Trái phiếu doanh nghiệp mới công bố, FiinRatings cho biết tháng 2 ghi nhận tổng cộng 3 lô trái phiếu phát hành thành công trị giá 2.000 tỉ đồng.
Như vậy, khối lượng phát hành riêng lẻ trong tháng 2/2023 chỉ tương đương 17,4% so với tháng liền kề, nhưng tổng giá trị phát hành đã tăng đáng kể trên nền phát hành thấp của tháng trước.
Quy mô trái phiếu mua lại trước đáo hạn trong tháng 2/2023 đạt gần 6.000 tỉ đồng, tương đương 65,9% so với tháng 1/2023 và tăng gần 36% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, theo số liệu của FiinRatings, tính đến ngày 8/3/2023, số lượng doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu đã lên đến 67, trong đó có 63 doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ và 4 doanh nghiệp đã thực hiện tái cơ cấu nợ thông qua việc giãn kỳ hạn.
Tổng giá trị các lô TPDN được ghi nhận chậm thanh toán đạt 89.300 tỉ đồng, chiếm gần 55% lượng trái phiếu đang lưu hành của các doanh nghiệp trên.
Tính trên tổng giá trị TPDN phi tài chính đang lưu hành, tỷ lệ nợ xấu từ các lô trái phiếu ở mức 11,3%. Riêng đối với các tổ chức phát hành là doanh nghiệp bất động sản, tỷ lệ nợ xấu ở mức cao hơn là 18,7%.