Điểm tin kinh doanh 16/2: Vàng miếng SJC lại bỏ xa giá vàng thế giới, chênh lệch hơn 19 triệu đồng/lượng

Việt Báo (Tổng hợp)| 16/02/2024 06:00

Thủ tướng yêu cầu trình đề án gỡ khó Vietnam Airlines trong tháng 2; Chứng khoán rộn ràng sau kỳ nghỉ Tết, VN-Index vượt mốc 1.200 điểm

gia-vang-hom-nay-5-2-1-1707098376-967-width1600height1067.jpg

- Vàng miếng SJC lại bỏ xa giá vàng thế giới, chênh lệch hơn 19 triệu đồng/lượng

Chênh lệch giá vàng trong nước với giá thế giới quy đổi lại tăng vọt. Vàng miếng SJC có nhịp giảm sâu đầu giờ sáng nhưng đã bật lên ngay trong ngày, kéo chênh lệch với giá thế giới trở lại mức kỷ lục từng thiết lập cuối năm 2023.

Mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá vàng trong nước ghi nhận phiên biến động mạnh trong phiên. Vàng miếng SJC tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC) mở cửa giảm sâu hơn triệu đồng mỗi chiều nhưng đến nay mức giảm đã thu hẹp đáng kể. Giá vàng giao dịch ở mức 76 - 78,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm lần lượt 500.000 đồng và 600.000 đồng so với trước Tết.

Chênh lệch giá mua - bán ở mức 2,3 triệu đồng/lượng. Dù giá vàng miếng SJC biến động mạnh, người mua dù mua vào ở mức thấp nhất trong phiên (77,7 triệu đồng/lượng) vẫn chưa thể có lãi bù phần chênh lệch trên.

Các hãng vàng khác cũng thay đổi giá liên tục trong phiên “mở hàng” khai xuân. Ở thời điểm hiện tại, giá vàng miếng SJC bán ra thấp nhất tại PNJ, cũng lên tới 78 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, hãng vàng nhận thu mua vàng miếng giá cao nhất là Mi Hồng (77 triệu đồng/lượng) và Bảo Tín Minh Châu (76,45 triệu đồng/lượng). Đây cũng là hai đơn vị giữ mức chênh lệch giá mua bán thấp nhất trên thị trường. Giá mua - bán tại Vàng Mi Hồng chỉ chênh 1 triệu đồng mỗi lượng. Hãng vàng này đã mở cửa trở lại từ hôm qua (mùng 5 Tết) và điều chỉnh giá vàng giảm sâu ở cả hai chiều sau cú rơi của vàng thế giới. Giá vàng tại Mi Hồng tăng 700.000 đồng/lượng chiều mua vào và 900.000 đồng/lượng chiều bán ra.

Có phần ổn định hơn, vàng nhẫn 9999 tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC) giảm 200.000 đồng mỗi chiều, giao dịch ở mức 63,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 64,4 triệu đồng/lượng (bán ra). Trong khi đó, tại Bảo Tín Minh Châu, vàng trang sức cũng tiếp tục giảm sau khi tuột khỏi mốc 66 triệu đồng/lượng trước Tết. Hiện giá vàng nhẫn tròn trơn Vàng Rồng Thăng Long giao dịch ở mức 64,69 triệu đồng (mua vào) và 65,79 triệu đồng/lượng (bán ra). Giá vàng trang sức 24K thấp hơn khi được mua vào ở mức 64,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 65,45 triệu đồng/lượng (bán ra).

Trái với diễn biến ở trong nước, giá vàng thế giới ổn định khi chỉ đi ngang quanh mốc 1993 USD/ounce. Trước đó, vàng thế giới đã tuột khỏi mốc 2.000 USD/ounce ngay sau khi số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ được công bố. CPI tháng 1 tăng 0,3% và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù giảm so với mức 3,4% của tháng 12/2023, con số trên vẫn vượt dự báo khi phần lớn các nhà kinh tế kỳ vọng lạm phát tháng 1 tăng 0,2%, tương ứng mức tăng hàng năm của CPI là 2,9%.

- Nvidia “soán ngôi” Alphabet trở thành công ty có giá trị lớn thứ 3 ở Mỹ

Ngày 14/2, nhà sản xuất chip giá trị nhất thế giới Nvidia đã “soán ngôi” tập đoàn Alphabet trở thành công ty có giá trị lớn thứ 3 ở Mỹ, khi các nhà đầu tư trông đợi báo cáo quý của nhà sản xuất này.

Giá cổ phiếu của Nvidia đã tăng 2,46%, đưa giá trị của tập đoàn này lên 1.825 tỷ USD, trong khi giá cổ phiếu của Alphabet tăng 0,55%, đưa giá trị của công ty mẹ Google lên 1.821 tỷ USD.

Nvidia là công ty được hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc đua của các công ty công nghệ trong việc ứng dụng AI vào sản phẩm và dịch vụ. Mức tăng giá cổ phiếu mới nhất của Nvidia đến một ngày sau khi kết thúc phiên giao dịch với giá trị vốn hóa thị trường cao hơn Amazon lần đầu tiên sau hai thập kỷ.

Vốn hóa thị trường của Amazon đứng ở mức 1.776 tỷ USD sau khi giá cổ phiếu của hãng này tăng 1,39% trong phiên 14/2.

Nvidia kiểm soát khoảng 80% thị trường chip AI cao cấp. Vị thế này đã đẩy giá cổ phiếu của hãng tăng 47% trong năm nay sau khi tăng hơn gấp ba lần trong năm 2023.

- Meta đưa CEO của đối tác sản xuất chip chủ chốt vào Ban Giám đốc

Meta Platforms ngày 14/2 đã đưa Giám đốc điều hành (CEO) Broadcom, Hock Tan, vào Ban Giám đốc.

Broadcom là một trong những đối tác của Meta trong cả những tham vọng về trung tâm dữ liệu và nỗ lực thiết kết chip riêng, và cũng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khách hàng thiết kế chip riêng của họ cho trí tuệ nhân tạo (AI).

Công nghệ sản xuất chip với khả năng truyền và xử lý dữ liệu nhanh đã trở thành lĩnh vực cạnh tranh chính khi các hệ thống AI cần lượng lớn thông tin.

Trong đơn gửi nhà chức trách về việc bổ nhiệm ông Tan vào Ban Giám đốc, Meta cho biết đã chi khoảng 500 triệu USD cho các linh kiện và các dịch vụ thiết kế của Broadcom trong năm 2023.

Trong khi Nvidia dẫn đầu về thị phần chip AI vạn năng, tất cả các công ty công nghệ lớn nhất, trong đó có Meta, Google, Amazon.com và Microsoft đều đang thiết kế chip tùy biến để bổ sung vào các sản phẩm của Nvidia.

khach-hang-quet-ma-qr-de-thanh-toan-mua-sam-2-.jpg

- VinFast chính thức giới thiệu dải xe điện tay lái nghịch

VinFast Auto lần đầu tiên giới thiệu đến thị trường dải xe điện tay lái nghịch trong khuôn khổ sự kiện Triển lãm Ô tô Quốc tế Indonesia (IIMS) 2024. Tại sự kiện, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tham quan và ký tặng lên mẫu xe VinFast VF 5 trưng bày tại gian hàng của VinFast. Việc chính thức ra mắt thị trường Indonesia đánh dấu bước tiến tiếp theo trong kế hoạch mở rộng toàn cầu của VinFast, đồng thời khẳng định cam kết thúc đẩy phát triển giao thông bền vững tại quốc gia vạn đảo và trên toàn cầu.

Tại IIMS 2024, VinFast trưng bày các mẫu xe VF 5, VF e34, VF 6, VF 7, VF 8, VF 9 thuộc phân khúc từ A-SUV đến E-SUV. Indonesia là quốc gia đầu tiên VinFast giới thiệu sản phẩm tay lái nghịch. VF 5, VF e34, VF 6 và VF 7, thuộc phân khúc từ A đến C, dự kiến sẽ là các mẫu xe đầu tiên ra mắt thị trường trong thời gian tới.

Về hạ tầng trạm sạc, VinFast sẽ hợp tác với các nhà cung cấp tại Indonesia để phát triển mạng lưới trạm sạc rộng khắp trên toàn quốc, nhằm mang đến trải nghiệm tiện lợi cho khách hàng Indonesia, đồng thời góp phần thúc đẩy giao thông xanh tại thị trường.

Theo chiến lược phát triển dài hạn tại Indonesia, VinFast sẽ xây dựng cơ sở sản xuất có công suất lên đến 50.000 xe điện mỗi năm. Với mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa lên đến 40%, dự án nhà máy VinFast dự kiến sẽ tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm và thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện địa phương. Khi đưa vào sản xuất, Indonesia cũng sẽ là một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu của VinFast.

- Thủ tướng yêu cầu trình đề án gỡ khó Vietnam Airlines trong tháng 2

Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước trình đề án gỡ khó cho Vietnam Airlines trong tháng 2 này.

Đây là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các Tập đoàn, Tổng công ty nêu tại hội nghị để xem xét, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao; chủ động cùng với các Tập đoàn, Tổng công ty làm việc với các Bộ, cơ quan quản lý Nhà nước liên quan để sớm tìm giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban khẩn trương trình Thường trực Chính phủ các Đề án, Dự án để báo cáo kết quả, trình Bộ Chính trị, Quốc hội.

Với Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2026, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban trình trong tháng 2.

- Chứng khoán rộn ràng sau kỳ nghỉ Tết, VN-Index vượt mốc 1.200 điểm

Thị trường chứng khoán “chào sân” phiên đầu tiên của năm Giáp Thìn với sắc xanh bao phủ. Chỉ số VN-Index kết thúc phiên 15/2 đã vượt ngưỡng 1.200 điểm…

Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực trong phiên giao dịch đầu sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, VN-Index khép lại phiên 15/2 tăng 3,97 điểm (0,33%) chính thức vượt lên mốc 1.202 điểm.

Toàn sàn HOSE có 321 mã tăng giá, 81 mã đứng giá tham chiếu và 153 mã giảm giá. Thanh khoản cải thiện duy trì khá tốt với giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE vượt 18.000 tỷ đồng.

Sàn HNX có 106 mã tăng và 56 mã giảm, HNX-Index tăng 1,71 điểm (+0,74%), lên 232,75 điểm. UpCoM-Index tăng 0,71 điểm (+0,81%), lên 90,06 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là động lực chính cho đà tăng của VN-Index. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngân hàng Big 4 tỏ ra yếu thế hơn hẳn so với nhóm cổ phiếu ngân hàng tư nhân.

Cụ thể, trong khi BID đứng giá tham chiếu, VCB giảm 0,11%, CTG giảm 1,41% thì TCB tăng tới 2,95% và trở thành cổ phiếu tác động tích cực nhất tới VN-Index, bên cạnh đó, VPB tăng 1,02%, MBB tăng 2,77%, VIB tăng 1,84%, SHB tăng 2,15%, EIB tăng 1,6%, OCB tăng 5,3%, MSB tăng kịch trần.

Dòng tiền bị hút vào cổ phiếu ngân hàng khiến cho các ngành khác giao dịch khá ảm đạm. Dễ thấy nhất là ở nhóm chứng khoán. Theo đó, SSI, VND, ORS đều đứng giá tham chiếu, trong khi HCM giảm 1,1%, VIX giảm 1,38%, FTS giảm 0,51%, CTS giảm 1,12%, VDS giảm 0,82%. Tuy nhiên, vẫn có mã vọt lên, đó là TVB tăng kịch trần.

Đối với nhóm bất động sản, sắc xanh cũng áp đảo với nhiều cái tên nổi bật như: NVL tăng 1,16%, DIG tăng 1,47%, DXG tăng 1,63%, HDG tăng 1,49%, TCH tăng 1,49%. Ở chiều ngược lại, BCM giảm 0,47%, KBC giảm 0,48%, PDR giảm 1,16%, NLG giảm 1,13%.

Sắc xanh cũng lấn át sắc đỏ ở nhóm sản xuất với nhiều mã tăng tốt có thể kể đến: HPG tăng 1,95%, SAB tăng 1,04%, BHN tăng 2,86%, ANV tăng 1,8%, NKG tăng 1,64%, IDI tăng 3,54%, STK tăng 1,44%, GIL tăng kịch trần. Ở chiều ngược lại, GVR giảm 1,58%, DGC giảm 0,83%, VGC giảm 1,14%, BMP giảm 1,89%.

Cổ phiếu năng lượng, hàng không và bán lẻ đều phân hoá: GAS và PGV cùng đứng giá tham chiếu trong khi POW tăng 0,44%, PLX tăng 1,58%; VJC giảm 0,76% nhưng HVN tăng 0,4%; MWG và PNJ giảm lần lượt 1,61% và 0,33% còn FRT và DGW lại lần lượt có thêm 0,32% và 3,42%.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 16/2: Vàng miếng SJC lại bỏ xa giá vàng thế giới, chênh lệch hơn 19 triệu đồng/lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO