- Giá vàng: Đồng loạt tăng mạnh
Theo cập nhật giá vàng mới nhất tính đến đầu giờ chiều 14/7, giá vàng trong nước ngày 14/7 được niêm yết cụ thể bởi nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, đá quý.
Theo đó, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 66,75 triệu đồng/lượng mua vào và 67,37 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP.HCM, giá vàng SJC ngày 14/7 đang mua vào mức tương tự so với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng.
Giá vàng Doji tại khu vực Hà Nội đang là 66,7 triệu đồng/lượng mua vào và 67,35 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng Doji ngày 14/7 ở TP.HCM đang mua vào và bán ra thấp hơn 50.000 đồng/lượng so với khu vực Hà Nội.
Giá vàng PNJ đang thu mua ở mức 66,75 triệu đồng/lượng và bán ra mức 67,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 66,77 triệu đồng mua vào, 67,33 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng 24K Rồng Thăng Long ngày 14/7 của Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá hai chiều mua vào – bán ra là 56,11 - 56,96 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng trong nước ngày 14/7, đồng loạt tăng ở các thương hiệu vàng.
Theo cập nhật giá vàng thế giới tính đến đầu giờ chiều 14/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ngày 14/7 tiếp đà tăng với vàng giao ngay tăng 3,5 USD lên mức 1.960 USD/ounce. Vàng tương lai tháng 8 giao dịch lần cuối ở mức 1.963,8 USD/ounce, tăng 1,8 USD so với rạng sáng ngày trước đó.
Vàng có được mức tăng khiêm tốn và giữ được mức cao nhất trong 3 tuần khi báo cáo lạm phát khác được công bố cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất tích cực nhất trong 40 năm của mình. Đây được xem là tín hiệu lạc quan đối với thị trường hàng hóa, bao gồm cả kim loại quý.
Dự báo về xu hướng giá vàng, các chuyên gia cho rằng vàng đang hoạt động trong môi trường thuận lợi. Bên cạnh áp lực lãi suất giảm, nhu cầu từ các ngân hàng trung ương và xu hướng phi đô la hóa đang diễn ra trên toàn cầu.
Với giá vàng trong nước tăng và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 1.960 USD/ounce (tương đương gần 56,3 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng ngày 14/7 tại thị trường vàng trong nước và thế giới là gần 11 triệu đồng/lượng.
- Quỹ ngoại đua nhau thoái vốn khỏi Thế giới Di động
Bất chấp cổ phiếu MWG của Thế giới Di động ghi nhận sự hồi phục tích cực trong thời gian gần đây, nhiều quỹ ngoại vẫn bán ra cổ phiếu.
Arisaig Asian Fund Limited, quỹ thành viên thuộc Arisaig Partners quản lý, vừa thông báo đã bán ra hơn 2,2 triệu cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động vào ngày 7/7. Ước tính theo thị giá MWG đóng cửa ngày diễn ra giao dịch (45.500 đồng/cp), quỹ ngoại này có thể thu về 100 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu MWG.
Sau giao dịch, Arisaig Asian Fund Limited giảm sở hữu tại MWG từ 81,1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,55%) xuống còn 78,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,39%). Tỷ lệ sở hữu của cả nhóm quỹ ngoại liên quan cũng theo đó giảm từ 7,09% xuống còn 6,93%, tương ứng 101,4 triệu cổ phiếu MWG.
Mặc dù đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của Thế giới Di động, song quỹ ngoại Arisaig Partners vẫn mạnh tay bán ra cổ phiếu MWG.
Kể từ sau khi mua hơn 4 triệu cổ phiếu vào đầu tháng 2 để nâng sở hữu lên 118,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 8,12%), các quỹ thành viên thuộc nhóm Arisaig Partners đã có nhiều giao dịch cổ phiếu MWG, phần lớn nghiêng về chiều bán. Chỉ sau 5 tháng, nhóm quỹ ngoại này đã bán ròng tổng cộng 17,5 triệu cổ phiếu MWG. Trong đó, động thái bán ròng chủ yếu đến từ Arisaig Asian Fund Limited với tổng khối lượng 24,9 triệu đơn vị.
Động thái bán ròng mạnh thời gian gần đây của nhóm quỹ này có phần gây bất ngờ, bởi MWG là một trong những cổ phiếu ưa thích nhất của Arisaig Partners tại thị trường Việt Nam. Nhóm quỹ ngoại này từng nhiều lần khẳng định việc đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ và không có tư duy giao dịch cổ phiếu. Trong một báo cáo vào giữa năm ngoái, Arisaig Partners đánh giá rất cao tiềm năng tăng trưởng của MWG, đặc biệt là Bách Hoá Xanh. Quỹ ngoại còn nhận định mảng bán lẻ bách hoá sẽ vươn lên đóng góp phần lớn vào doanh thu của MWG trong 5 năm tới.
Trước đó, ngày 11/4, quỹ Arisaig Asia Fund Limited đã bán ra 2.397.200 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu; ngày 24/5, nhóm quỹ liên quan Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd bán ra 1.338.300 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 8,08% về còn 7,99% vốn điều lệ; và ngày 21/6, quỹ Arisaig Asia Fund Limited bán ra thêm 668.900 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 6% về còn 5,96% vốn điều lệ.
Đáng chú ý, ngày 3/4, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital đã bán ra 979.600 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 8,01% về còn 7,94% vốn điều lệ. Trong đó, quỹ Amersham Industries Limited bán ra 1 triệu cổ phiếu và quỹ Hanoi Investments Holdings Limited mua vào 20.400 cổ phiếu.
Đáng chú ý, động thái thoái vốn của các quỹ ngoại diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu MWG đang ghi nhận đà phục hồi trong thời gian gần đây. Tính từ ngày 24/5 đến ngày 13/7, cổ phiếu MWG tăng 30% từ 37.950 đồng lên 49.350 đồng/cp. Tuy nhiên, mức giá này vẫn còn thấp hơn gần 40% so với đỉnh đạt được cách đây hơn một năm.
- Các tổ chức tín dụng đồng thuận giảm lãi suất cho vay
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 của các tổ chức hội viên. Tại hội nghị, các tổ chức tín dụng đều bày tỏ đồng thuận với lời kêu gọi giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%.
Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các hội viên giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và người dânHiệp hội Ngân hàng kêu gọi các hội viên giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và người dân
Trong hội nghị, bà Nguyễn Thị Xuân, Trưởng ban Pháp luật và Nghiệp vụ của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các tổ chức tín dụng đã tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất và kinh doanh. Các ngân hàng thương mại đã áp dụng nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ khác nhau cho các doanh nghiệp.
Các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất cho dư nợ hiện tại và cho vay mới nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Sau khi Ngân hàng Nhà nước nới lỏng hạn mức tín dụng và cung cấp giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, nhiều ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay từ 0,5% đến 1,5% mỗi năm.
Hiện tại, mức lãi suất huy động đã ổn định và giảm từ 1% đến 2% so với cuối năm 2022, tạo cơ sở giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vì tác động của nền kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn, nhu cầu tín dụng giảm và việc hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế cũng gặp khó khăn, dẫn đến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022.
- Trung Quốc không còn là nước xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ
5 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc chiếm khoảng 13,4% tổng hàng hóa nhập khẩu của Mỹ, mức thấp nhất trong 19 năm...
Trung Quốc đã mất vị trí là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2023 - lần đầu tiên trong 15 năm qua - vào tay Mexico và Canada.
Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của Mỹ từ tháng 1 đến tháng 5/2023 đã giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 169 tỷ USD.
Theo đó, Trung Quốc chiếm khoảng 13,4% tổng hàng hóa nhập khẩu của Mỹ, mức thấp nhất trong 19 năm và giảm 3,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch nhập khẩu hàng giảm ở nhiều danh mục, đáng chú ý chất bán dẫn giảm tới 50%.
Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa từ Mexico của Mỹ tăng lên 195 tỷ USD, mức cao kỷ lục cho giai đoạn 5 tháng đầu năm, còn nhập khẩu hàng hóa từ Canada tăng lên 176 tỷ USD.
Cùng với đó, các quốc gia Đông Nam Á cũng tăng cường xuất khẩu vào Mỹ. Nhập khẩu của Mỹ từ Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tăng vọt lên 124 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay - con số lớn thứ hai từ trước đến nay cho giai đoạn này. Tỷ trọng của hàng hóa ASEAN trong tổng nhập khẩu của Mỹ đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua.
- Cơ quan Năng lượng quốc tế giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới
Ngày 13/7, trong báo cáo thị trường dầu mỏ tháng 7, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay.
Ngày 13/7, trong báo cáo thị trường dầu mỏ tháng 7, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay, nhưng "những cơn gió ngược kinh tế vĩ mô dai dẳng" có nghĩa là nhu cầu dầu mỏ sẽ không tăng nhanh như dự kiến trước đây.
Cơ quan giám sát năng lượng toàn cầu cho biết nhu cầu dự kiến sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày vào năm 2023, dẫn đến mức trung bình 102,1 triệu thùng/ngày. Nhưng dự đoán đó thấp hơn 220.000 thùng/ngày so với dự đoán trước đó – lần đầu tiên cơ quan này hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay.
Báo cáo của IEA nhận định Trung Quốc, được thúc đẩy nhờ tăng cường sử dụng hóa dầu, sẽ chiếm 70% lợi nhuận toàn cầu sau khi nước này mở cửa trở lại nền kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, sự phục hồi của Trung Quốc đã khởi đầu chậm chạp và cho đến nay không thể mở rộng ra ngoài lĩnh vực du lịch và dịch vụ, với sự phục hồi kinh tế đang mất đà sau khi phục hồi hồi đầu năm.
IEA cho biết mức tiêu thụ ở các nước phát triển và châu Âu rộng lớn hơn vẫn còn thấp và nhập khẩu vào các nước châu Phi đã giảm do giá nhiên liệu trong nước cao sau khi trợ cấp bị loại bỏ. Báo cáo cho biết những khó khăn kinh tế vĩ mô dai dẳng, thể hiện rõ qua sự sụt giảm sâu trong sản xuất, đã khiến IEA lần đầu tiên điều chỉnh lại ước tính tăng trưởng năm 2023 ở mức thấp hơn trong năm nay.
Nhu cầu dầu thế giới đang chịu áp lực từ môi trường kinh tế đầy thách thức, đặc biệt là do chính sách tiền tệ thắt chặt đáng kể ở nhiều nước tiên tiến và đang phát triển trong 12 tháng qua. IEA cho biết lượng dầu dự trữ toàn cầu có vẻ “tương đối thoải mái” và đã phục hồi lên mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2021.