Điểm tin kinh doanh 15/6: Vàng hướng tới tuần tăng giá đầu tiên trong 4 tuần

Việt Báo (Tổng hợp)| 15/06/2024 06:00

Thị trường chứng khoán vẫn duy trì tăng trưởng khá; Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước ngọt

gia-vang-11.3.jpg

- Vàng hướng tới tuần tăng giá đầu tiên trong 4 tuần

Giá vàng châu Á tăng trong phiên 14/6 và đang hướng tới tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần, do số liệu kinh tế mới của Mỹ cho thấy sức ép giá giảm bớt, qua đó củng cố tâm lý lạc quan rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ giảm lãi suất trong thời gian tới.

Khoảng 13 giờ 54 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 2.311,39 USD/ounce. Kim loại quý này đã tăng 0,5% giá trị trong tuần này. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ đã tăng 0,4% lên 2.326,40 USD/ounce.

Nhà phân tích hàng hóa của ANZ, bà Soni Kumari, cho biết thị trường đang cố gắng tìm kiếm manh mối từ những bình luận của các quan chức Fed. Nhìn chung, thị trường dự đoán sẽ có hai lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, vì các số liệu cho thấy lạm phát đang giảm và đi theo hướng mong muốn của Fed.

Dữ liệu công bố ngày 13/6 cho thấy giá sản xuất của Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 5/2024, một dấu hiệu khác cho thấy lạm phát đang giảm. Thông tin này tạo thêm niềm tin rằng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024.

Số liệu trên được công bố sau báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp hơn dự kiến, được công bố ngay trước cuộc họp của Fed ngày 12/6. Tại cuộc họp này, Fed đã lùi thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất sang tháng 12/2024.

Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch đang thấy 67% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024, so với 63% trước khi có dữ liệu về giá sản xuất.

Lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,1% lên 29,02 USD/ounce, giá bạch kim tăng 1,2% lên 957,75 USD/ounce và giá palladium tăng 0,6% lên 888,52 USD/ounce.

Tại Việt Nam, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

- Dầu hướng đến tuần tăng giá mạnh nhất trong 2 tháng

Giá dầu châu Á giảm nhẹ trong phiên 14/6 trong bối cảnh thị trường đánh giá tác động của việc lãi suất Mỹ duy trì ở mức cao hơn dự kiến. Tuy nhiên, dầu thô vẫn hướng tới tuần tăng giá mạnh nhất hơn 2 tháng qua nhờ những dự báo tích cực về nhu cầu dầu và nhiên liệu.

Khoảng 13 giờ 46 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 42 xu Mỹ, tương đương 0,5%, xuống 82,33 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 51 xu Mỹ, tương đương 0,7%, xuống mức 78,11 USD/thùng.

Mặc dù vậy, cả dầu Brent và WTI đều tăng hơn 3% trong tuần này. Đây là tuần tăng giá mạnh nhất kể từ ngày 5/4.

Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã giữ nguyên dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu tăng trưởng tương đối mạnh trong năm 2024 và Ngân hàng Goldman Sachs dự báo nhu cầu nhiên liệu của Mỹ sẽ ổn định trong mùa Hè năm nay.

Những yếu tố này đã giúp đảo ngược đà giảm giá của tuần trước, do thỏa thuận của OPEC và các nước sản xuất đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ về việc bắt đầu giảm sản lượng háng 9/2024 gây ra.

Nhà phân tích thị trường Tim Waterer của KCM Trade tại Australia, nhận định nhìn chung, đây có thể được coi là một tuần phục hồi đối với thị trường dầu mỏ. Sẽ không ngạc nhiên nếu giá dầu tiếp tục tăng cao hơn khi triển vọng nhu cầu vẫn sáng sủa. Diễn biến nhu cầu dầu mỏ của Bắc bán cầu trong mùa Hè sẽ đóng vai trò quan trọng.

Bên cạnh đó, việc Nga cam kết đáp ứng các nghĩa vụ sản xuất theo thỏa thuận OPEC+, sau khi thừa nhận đã vượt hạn ngạch sản xuất trong tháng 5/2024, cũng giúp củng cố thêm cho thị trường.

Tuy nhiên, đà tăng giá của dầu trong tuần này đã giảm bớt sau khi Fed giữ nguyên lãi suất và lùi thời điểm bắt đầu giảm lãi suất sang tháng 12.

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2029, sau đó đi ngang ở mức khoảng 106 triệu thùng/ngày vào cuối thập kỷ.

Thị trường cũng đang tập trung vào các cuộc đàm phán ngừng bắn đang diễn ra ở Gaza. Nếu được giải quyết, những cuộc đàm phán này sẽ giảm bớt lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu từ khu vực này.

- Thị trường chứng khoán vẫn duy trì tăng trưởng khá

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương, trong nửa đầu năm 2024, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn hoạt động ổn định, an toàn, minh bạch và thanh khoản cao, tiếp tục khẳng định là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế. Thị trường vẫn duy trì tăng trưởng khá, mặc dù nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng.

Báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại buổi làm việc với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) mới đây, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Quyền Chủ tịch HOSE cho biết, về chỉ số và giá trị vốn hóa, đến ngày 10/6, chỉ số VN-Index đạt 1.290,67 điểm, tăng 14,2% so với cuối năm 2023; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tại HoSE đạt 5,26 triệu tỷ đồng, tăng 15,3% so với cuối năm 2023.

Từ đầu năm đến ngày 10/6, thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 96,8 tỷ chứng khoán, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 2,3 triệu tỷ đồng. Tính bình quân theo ngày, khối lượng giao dịch đạt 913,2 triệu chứng khoán/ngày, với giá trị giao dịch đạt 21.612 tỷ đồng/ngày, tăng lần lượt 41,3% về khối lượng và 94,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Về giao dịch nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN), lũy kế từ đầu năm đến 10/6, NĐTNN đã bán ròng gần 1,1 tỷ chứng khoán tương ứng giá trị bán ròng 38.143 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2023, NĐTNN mua ròng 72,1 triệu chứng khoán, nhưng về giá trị đã bán ròng 757 tỷ đồng). Khối lượng và giá trị giao dịch của NĐTNN lần lượt chiếm 8,4% và 9,6% khối lượng và giá trị giao dịch toàn thị trường.

Về tổ chức thị trường và quản lý, vận hành hệ thống giao dịch, từ đầu năm đến 10/6, Sở GDCK TP.HCM đã tổ chức vận hành 106 phiên giao dịch thông suốt, an toàn, ổn định, năng lực hệ thống đáp ứng đủ và an toàn đối với quy mô lệnh hiện tại.

Về hoạt động niêm yết và đấu giá, tính đến 10/6, có 527 mã chứng khoán (394 mã cổ phiếu, 19 mã chứng chỉ quỹ và 114 mã chứng quyền có bảo đảm) được chính thức niêm yết và giao dịch trên HoSE. Tổng khối lượng niêm yết đạt 157,4 tỷ chứng khoán, với giá trị niêm yết 1,57 triệu tỷ đồng, tăng 1,6% về khối lượng và tăng 2,3% về giá trị so với cuối năm 2023.

Về tình hình niêm yết tại HOSE, trong 6 tháng đầu năm 2024 không có nhiều biến động so với cùng kỳ, ngoại trừ hoạt động niêm yết cổ phiếu mới khả quan hơn với 05 mã cổ phiếu niêm yết mới tương ứng khối lượng 1,56 tỷ cổ phiếu (Năm 2023 chỉ có 05 mã mới với khối lượng 269 triệu cổ phiếu).

“Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình thị trường tại HOSE có diễn biến khá tích cực, thanh khoản duy trì ở mức cao so với năm 2023. Tuy nhiên, giao dịch của NĐTNN là điểm đáng lưu ý khi liên tục bán ròng, với giá trị bán ròng lũy kế trên 38.000 tỷ đồng”, bà Nguyễn Thị Việt Hà cho biết.

kinh-te-hoi-phuc-thanh-toan-khong-tien-mat-lan-toa-2-.jpg

- NHNN yêu cầu báo cáo các giao dịch vàng có giá trị lớn, đáng ngờ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các đơn vị được phép kinh doanh vàng miếng rà soát các giao dịch đáng ngờ, gửi báo cáo đánh giá rủi ro rửa tiền về NHNN trước ngày 15/7/2024.

Đó là nội dung đáng chú ý trong Công văn 4885 do Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN gửi các ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh, mua bán vàng miếng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán về việc rà soát các giao dịch đáng ngờ, gửi báo cáo đánh giá rủi ro rửa tiền về NHNN trước ngày 15/7.

Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức kinh doanh, mua bán vàng miếng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, Nghị định số 19/2023/NĐ-CP…

Đồng thời, NHNN cũng yêu cầu các đơn vị trên nghiêm túc chấp hành việc báo cáo giao dịch có giá trị lớn theo quy định tại Điều 25; báo cáo giao dịch đáng ngờ theo quy định tại Điều 26 của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 và thực hiện báo cáo bổ sung (nếu có) theo quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền; kịp thời báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến giao dịch đáng ngờ.

Các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh vàng, các trung gian thanh toán rà soát, cập nhật và gửi bổ sung báo cáo đánh giá rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, báo cáo kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật, thông tin cán bộ đầu mối về phòng, chống rửa tiền (nếu có thay đổi)... về Cục Phòng, chống rửa tiền theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền và hướng dẫn tại Thông tư số 09/2023/TT-NHNN trước ngày 15/7/2024.

- Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước ngọt

Theo Bộ Tài chính, tăng thuế với đồ uống có đường sẽ góp phần giảm sâu răng, béo phì, tiểu đường, giúp làm giảm bớt tỷ lệ mắc các bệnh khác, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, cơ quan này tiếp tục giữ nguyên đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.

Cụ thể, Bộ đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát bao gồm đồ uống hương liệu, nước giải khát có chứa cà phê, chè, nước trái cây và các loại đồ uống từ ngũ cốc... (trừ sữa và sản phẩm từ sữa) có hàm lượng đường trên 5 gram/100ml là 10%.

"Điều này nhằm kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên... và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ", cơ quan quản lý nhìn nhận.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 15/6: Vàng hướng tới tuần tăng giá đầu tiên trong 4 tuần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO