Điểm tin kinh doanh 15/6: Giá vàng châu Á giảm xuống mức thấp nhất của 5 tuần

Việt Báo (Tổng hợp)| 15/08/2023 06:00

Dòng tiền sôi động, cổ phiếu chứng khoán đua nhau lập đỉnh mới; Tỉ giá USD/VND 'nổi sóng', áp sát mốc 24.000 đồng

gia-vang-cua-ngoc-thang-16888632109871807014085.jpeg

- Giá vàng châu Á giảm xuống mức thấp nhất của 5 tuần

Giá vàng châu Á rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 5 tuần vào chiều 14/8, khi đồng USD mạnh lên trước khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 7.

Thị trường hy vọng biên bản trên có thể định hướng kỳ vọng về lãi suất trong tương lai.

Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.912,29 USD/ounce vào lúc 14 giờ 13 phút (giờ Việt Nam), chạm mức thấp nhất kể từ ngày 7/7. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng giảm 0,1% xuống 1.944,20 USD/ounce.

Lợi suất trái phiếu của Mỹ tăng, qua đó nâng đồng USD lên mức cao nhất kể từ ngày 7/7 sau khi báo cáo công bố vào thứ Sáu tuần trước (11/8) cho thấy giá sản xuất tại Mỹ tăng nhẹ hơn dự kiến trong tháng 7. Trong khi đó, chi phí dịch vụ tăng trở lại với tốc độ nhanh nhất trong gần một năm.

Ông Clifford Bennett, nhà kinh tế trưởng tại công ty môi giới tài chính ACY Securities cho biết đồng USD dường như đang có xu hướng tăng cao hơn. Thị trường cuối cùng cũng hiểu rằng mặc dù chu kỳ tăng lãi suất của Fed đang tạm dừng, lãi suất thương mại và lợi suất trái phiếu vẫn có khả năng tiếp tục lên cao hơn.

Lãi suất và lợi suất trái phiếu kho bạc đồng loạt lên cao, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng không sinh lãi được định giá bằng đồng USD như vàng.

Thị trường tuần này sẽ dành nhiều sự chú ý vào báo cáo doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp của Trung Quốc, dự kiến được công bố vào thứ Ba (15/8). Các thị trường cũng đang chờ đợi báo cáo doanh số bán lẻ của Mỹ vào ngày thứ Ba, sau đó là biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed vào thứ Tư (16/8).

Ông Bennett cho biết biên bản tuần này chắc chắn sẽ mang tính “diều hâu”. Do đó, vàng có thể vẫn chịu áp lực và có thể giảm xuống mức thấp 1.900 USD/ounce, thậm chí 1.880 USD/ounce.

Phản ánh sự quan tâm của nhà đầu tư đối với vàng, SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng do họ nắm giữ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1/2020.

Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,4% xuống 22,59 USD/ounce. Giá bạch kim cũng giảm 0,5% xuống 908,02 USD/ounce.

Tại Việt Nam, vào lúc 14 giờ 45 phút ngày 14/8, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66,90 - 67,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

- Huawei công bố báo cáo kinh doanh nửa đầu năm 2023

Huawei công bố báo cáo kinh doanh nửa đầu năm 2023, ghi nhận kết quả hoạt động kinh doanh tổng thể theo đúng với dự báo.

Trong nửa đầu năm 2023, Huawei ghi nhận mức doanh thu 42,96 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái với tỷ suất lợi nhuận ròng đạt 15,0%. Theo đó, doanh thu từ mảng kinh doanh cơ sở hạ tầng ICT và thiết bị tiêu dùng của Huawei lần lượt đạt 23,10 tỷ USD và 14,30 tỷ USD.

Trong khi đó, mảng kinh doanh Cloud, Digital Power và giải pháp ô tô thông minh (Intelligent Automotive Solution – IAS) của Huawei lần lượt đạt doanh thu 3,33 tỷ USD; 3,34 tỷ USD và 137,8 triệu USD.

Trong nửa đầu năm 2023, hoạt động kinh doanh cơ sở hạ tầng ICT của Huawei tiếp tục phát triển bền vững và ổn định. Mảng thiết bị tiêu dùng cũng ghi nhận dấu hiệu tăng trưởng. Đặc biệt, có sự phát triển mạnh mẽ trong hai hoạt động kinh doanh của Huawei Cloud và Huawei Digital Power. Ngoài ra, các sản phẩm của chúng tôi tham gia vào lĩnh vực phương tiện kết nối thông minh cũng tiếp tục giữ vững khả năng cạnh tranh trên thị trường, Bà Mạnh Vãn Chu, Chủ tịch Luân phiên của Huawei chia sẻ.

- Dòng tiền sôi động, cổ phiếu chứng khoán đua nhau lập đỉnh mới

Thị trường tiếp tục có thêm phiên tăng điểm cùng thanh khoản sôi động, trong đó nhóm cổ phiếu chứng khoán là điểm sáng 14/8 hàng loạt mã lập đỉnh mới trong năm.

Nếu trong phiên cuối tuần trước thị trường chứng kiến màn độc diễn của nhóm cổ phiếu bluechip với tâm điểm là VIC, thì trong phiên sáng nay, dòng tiền đã lan tỏa giúp VN-Index duy trì đà tăng trong trạng thái khá tích cực. Thị trường tạm khép lại phiên sáng ở vùng giá cao nhất nhưng chưa thể chinh phục lại mốc 1.240 điểm do thiếu sự đồng thuận của nhóm VN30 bởi trạng thái giao dịch phân hóa.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn duy trì sắc xanh nhờ lực cầu sôi động. Tuy nhiên, VN-Index chưa thể tiến xa bởi thiếu động lực tăng của nhóm cổ phiếu bluechip. Thậm chí, có thời điểm một số mã lớn giật lùi hoặc nới rộng biên độ giảm đã đẩy chỉ số chung về sát mốc tham chiếu.

Thị trường tiếp tục có thêm phiên giao dịch sôi động với tổng giá trị trên sàn HOSE vượt xa mức 20.000 tỷ đồng và dù chỉ số chung chỉ tăng nhẹ gần 5 điểm nhưng hàng loạt mã vừa và nhỏ tiếp tục xác lập vùng đỉnh mới trong năm. Điển hình là nhóm cổ phiếu chứng khoán.

Sau phiên sáng tăng khá tốt, lực cầu tiếp tục chảy mạnh đã tiếp sức cho cuộc chạy đua của các cổ phiếu chứng khoán. Trong đó, VND dù lỗi hẹn sắc tím nhưng đã đóng cửa ấn tượng khi tăng 6,7%, xác lập mức giá cao nhất trong năm nay tại 21.400 đồng/CP, cùng thanh khoản vượt trội trên thị trường.

Một mã ấn tượng khác là VIX cũng xác lập mức giá cao nhất mới trong năm nay. Kết phiên, VIX tăng 4,9% lên mức cao nhất ngày và cũng là mức cao nhất năm nay tại 17.000 đồng/CP, thanh khoản đột biến lên tới 40,85 triệu đơn vị, gần gấp đôi mức trung bình của 10 phiên giao dịch gần đây.

Ngoài ra, các mã khác trong ngành cũng đều nới rộng biên độ so với phiên sáng nay, như SSI vẫn dẫn đầu trong nhóm VN30 khi chốt phiên tăng 3,6% cùng thanh khoản lên tới hơn 30 triệu đơn vị; HCM tăng 3,9% và khớp 8,77 triệu đơn vị, VCI tăng 3,8%, còn lại phần lớn đều tăng trên 2%.

Mặc dù nhóm cổ phiếu chứng khoán đua nhau tăng tốc, nhưng anh cả nhóm bất động sản là VIC đuối sức khi kết phiên chỉ còn tăng 1%, chỉ đóng góp 0,66 điểm vào chỉ số chung, khiến thị trường hạ độ cao.

Bên cạnh đó, nhiều mã khác trong ngành cũng thu hẹp biên độ tăng như VHM tăng chưa tới 0,5%, NVL chỉ tăng 1,67%, DXG nhích nhẹ 0,74%, DIG, PDR tăng hơn 3%...

Tuy nhiên, ở top vừa và nhỏ vẫn có nhiều mã tỏa sáng. Trong đó, cặp CII và TCH đóng cửa duy trì sắc tím với thanh khoản sôi động, lần lượt đạt 23,4 triệu đơn vị và hơn 19,68 triệu đơn vị; ngoài ra HPX chỉ giao dịch phiên chiều và tiếp tục có thêm phiên tăng trần, đóng cửa tại mức giá 6.200 đồng/CP với khối lượng dư mua trần lên tới 4,16 triệu đơn vị…

Cổ phiếu đóng góp lớn nhất vào chỉ số chung là BID khi đóng cửa tăng gần 2%, góp 1,15 điểm vào chỉ số chung, tuy nhiên không đủ sức để gánh cho sự điều chỉnh của anh cả VCB khi kết phiên giảm 1,55%, lấy đi hơn 1,9 điểm của chỉ số chung. Cổ phiếu giao dịch sôi động nhất ngành là SHB đóng cửa đứng giá tham chiếu với khối lượng khớp lệnh hơn 21,8 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thép giao dịch khởi sắc với HPG đóng cửa tăng 1,6% lên mức 28.150 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh chỉ thua VND, đạt 44,95 triệu đơn vị; NKG tăng 4,1% lên 20.300 đồng/CP và khớp 17,78 triệu đơn vị, HSG tăng 1,3% lên 20.100 đồng/CP và khớp gần 11,5 triệu đơn vị.

Đóng cửa, sàn HOSE có 315 mã tăng và 159 mã giảm, VN-Index tăng 4,63 điểm (+0,38%) lên 1.236,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch nhích nhẹ so với phiên hôm qua, đạt hơn 1.106 triệu đơn vị, giá trị đạt 23.544 tỷ đồng, tăng 9,29% về lượng và tăng 10,65% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 73,33 triệu đơn vị, giá trị 1.576,8 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, nhóm HNX30 duy trì đà tăng mạnh mẽ, tiếp tục dẫn dắt thị trường đi lên.

Chốt phiên, sàn HNX có 123 mã tăng và 73 mã giảm, HNX-Index tăng 5,19 điểm (+2,12%) lên 250,19 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 132,87 triệu đơn vị, giá trị gần 2.340 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,8 đơn vị, giá trị 71,23 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 tăng tới hơn 19 điểm khi có tới 21 mã tăng và chỉ còn 5 mã mất điểm. Trong đó, cổ phiếu giảm sâu nhất là SLS giảm 3%, LHC giảm 2,7%, còn lại PVC, DVM, TVD giảm nhẹ trên dưới 1%.

Trái lại, hầu hết các cổ phiếu tăng đều có biên độ hơn 1%, đáng kể là cặp bất động sản L14 và CEO cùng kết phiên tăng trần. Trong đó, CEO ấn tượng bởi mức thanh khoản sôi động, đạt gần 15,8 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần tới hơn 10 triệu đơn vị.

Tiếp theo đó là cổ phiếu HUT dù không bứt phá thành công mức giá trần nhưng đã ghi nhận phiên giao dịch ấn tượng. Đóng cửa, HUT tăng 7,5% lên mức 27.400 đồng/CP cùng thanh khoản đạt hơn 4 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, nhóm bất động sản và chứng khoán cũng là điểm sáng trên sàn HNX. Trong đó, ở nhóm chứng khoán, SHS đóng cửa tăng 5% lên mức 16.800 đồng/CP với thanh khoản vượt trội đạt 32,17 triệu đơn vị, MBS tăng 4,4% lên 19.100 đồng/CP và khớp 4,52 triệu đơn vị, BVS tăng 3,5% lên 26.600 đồng/CP…

Ở nhóm bất động sản, ngoài các mã trên, nhiều mã khác cũng tăng tốt cả về giá cùng thanh khoản sôi động một vài triệu đơn vị như IDC tăng 2,9%, LIG tăng 4,9%, IDJ tăng 4,1%, NTC tăng 2,8%...

Trên UPCoM, thị trường liên tục đổi sắc nhưng đã may mắn duy trì đà tăng điểm.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,18 điểm (+0,19%) lên 93,46 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 59,73 triệu đơn vị, giá trị 846,89 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 29,24 triệu đơn vị, giá trị 298,13 tỷ đồng, trong đó riêng DGT thỏa thuận 22,7 triệu đơn vị, giá trị hơn 194 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR lấy lại mốc tham chiếu 20.800 đồng/CP và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với gần 7,13 triệu đơn vị giao dịch thành công. Trong khi cổ phiếu cùng ngành là OIL kết phiên tăng 2,7% lên mức giá cao nhất ngày 11.500 đồng/CP, khớp lệnh gần 1,7 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu chứng khoán trên UPCoM vẫn giao dịch khởi sắc với SBS tăng 3,5% và thanh khoản chỉ thua BSR với hơn 3,51 triệu đơn vị, TCI tăng 8,5%, AAS tăng 3,6%...

Trên thị trường phái sinh, có 2 hợp đồng tương lai VN30 tăng và 2 hợp đồng giảm, đều trong biên độ hẹp. Trong đó, VN30F2308 đáo hạn vào tuần sau giảm nhẹ 0,4 điểm xuống 1.239,1 điểm, khớp lệnh 208.756 đơn vị, khối lượng mở 52.926 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, có 2 mã giao dịch sôi động nhất thị trường, đều đạt hơn 1,82 triệu đơn vị là CMBB2211 và CSTB2304, lần lượt đóng cửa tại mốc tham chiếu 60 đồng/cq và giảm 1,9% xuống 1.050 đồng/cq.

- Tỉ giá USD/VND 'nổi sóng', áp sát mốc 24.000 đồng

Sáng 14/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.848 VND đổi 1 USD, tăng 11 đồng so với cuối tuần trước và là mức kỷ lục kể từ đầu năm 2023.

Với biên độ +/-5% theo quy định hiện hành, tỷ giá quy đổi mà các ngân hàng được phép giao dịch hôm 14/8 sẽ dao động từ 22.655 – 25.040 đồng/USD.

Khảo sát của VietTimes cho thấy, tỷ giá quy đổi USD sang VND ở các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng, lên sát ngưỡng 24.000 đồng/USD.

Cụ thể, cập nhật lúc 15h30 ngày 14/8, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở mức 23.630 – 23.970 đồng/USD (mua vào – bán ra), tăng 60 đồng so với cuối tuần trước.

Tương tự, BIDV cũng điều chỉnh tăng giá USD thêm 35 đồng so với thời điểm chốt phiên giao dịch hôm 11/8 ở cả hai chiều mua và bán, lên mức 23.640 – 23.940 đồng/USD.

Còn VietinBank công bố giá mua USD ở mức 23.645 đồng/USD, bán ra ở mức 23.985 đồng/USD, lần lượt tăng 95 đồng ở chiều mua và 15 đồng ở chiều bán so với chốt phiên cuối tuần trước.

Ở khối ngân hàng tư nhân, Techcombank niêm yết giá mua/bán USD ở mức 23.653 – 23.993 đồng, tăng 63 đồng ở cả chiều mua và chiều bán. Eximbank niêm yết tỷ giá ở mức 23.660 – 23.960 đồng/USD (mua vào – bán ra).

Đáng chú ý, Sacombank thậm chí niêm yết giá mua-bán USD bằng tiền mặt lên tới 23.600 – 24.003 đồng/USD, tăng khoảng 50 đồng so với cuối tuần trước.

Tính đến 16h00 ngày 14/8 (theo giờ Việt Nam), chỉ số Dollar Index - đơn vị đo lường sức mạnh của đồng USD so với giỏ 6 đồng tiền chủ chốt khác - giảm nhẹ 0,06% xuống 102,4 điểm. Dù vậy, chỉ số này đã ghi nhận mức tăng 2,9% trong 1 tháng qua.

Báo cáo phân tích mới đây của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, biến động tăng của tỷ giá thời gian gần đây là do chênh lệch cao giữa lãi suất USD và VND.

VDSC dự báo, tỷ giá USD/VND trong nửa cuối năm 2023 có thể kiểm định lại ngưỡng 24.500 đồng/USD. Tỷ giá cuối năm kỳ vọng ở mức 24.200 đồng/USD.

- Philippines đàm phán mua thêm gạo Việt Nam

Philippines đang đàm phán để nhập khẩu thêm gạo từ Việt Nam nhằm tìm cách hạ nhiệt giá gạo trong nước thời gian qua.

Báo Thanh Niên dẫn nguồn tờ PhilStar, mới đây Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Domingo Panganiban cho biết đã nhận được báo giá thấp hơn từ 30 USD đến 40 USD mỗi tấn từ các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam sau cuộc đàm phán mới nhất.

Ngoài ra, Philippines đang đàm phán với Ấn Độ để mua thêm gạo. Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo từ cuối tháng 7.

Năm nay, phía Philippines muốn Ấn Độ xuất khẩu gạo trên cơ sở nhân đạo. Điều này sẽ cho phép Philippines nhập khẩu thêm 300.000 tấn đến 500.000 tấn gạo trong năm nay.

Trước tình hình giá gạo thế giới nhiều biến động, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines cho hay nước này cần mua thêm gạo Việt Nam và Ấn Độ nhằm hạ nhiệt giá trong nước. Việc nhập khẩu gạo từ hai nước sẽ giúp giảm giá vì tăng dự trữ quốc gia. Ngay cả khi không nhập khẩu, Philippines vẫn có đủ gạo dùng trong 52 đến 57 ngày vào cuối năm.

Đất nước Philippines cũng là một trong những nhà sản xuất gạo lớn nhất thế giới, nhưng nước này thường mua gạo từ các nhà cung cấp lớn như Thái Lan và Việt Nam để bù đắp thiệt hại sản xuất do các cơn bão gây ra. Họ dự kiến cần nhập 2,5 triệu tấn gạo trong năm nay, so với mức khoảng 3,5 triệu tấn vào 2022.

Thời gian gần đây, giá gạo ở nước này đang tăng "đột biến" tương đương với cuộc khủng hoảng gạo năm 1998.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 15/6: Giá vàng châu Á giảm xuống mức thấp nhất của 5 tuần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO