- Giá vàng bất ngờ tăng trở lại, khuyến nghị người dân thận trọng khi tham gia giao dịch
Sau khi giảm mạnh xuống quanh mức 88 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra vào sáng 13/5, thì chiều cùng ngày, giá vàng SJC đã bất ngờ tăng trở lại và dừng quanh mốc 90 triệu đồng/lượng.
Trước diễn biến giá vàng hiên tại, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu bán vàng miếng cung ứng ra thị trường với khối lượng và tần suất phù hợp với nhu cầu thị trường. Đồng thời khuyến nghị người dân cần thận trọng khi tham gia giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro trước tình hình biến động giá vàng của thị trường vàng quốc tế và việc điều hành, kiểm soát thị trường vàng trong thời gian tới.
Trên thị trường, giá vàng niêm yết tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở mức 87,5 - 90 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 1,3 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm 12/5. Trong khi đó, tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, giá vàng niêm yết ở mức 87,5 - 89 triệu đồng/lượng (mua vào và bán ra), tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm 12/5. Tương tự SJC, giá vàng niêm yết tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu ở mức 87 - 89 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên ở chiều mua vào và giảm nhẹ 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm 12/5.
Trước đó, chỉ cách vài giờ, giá vàng được ghi nhận lúc 9 giờ giảm mạnh. Theo đó, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 85,85 - 88,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); giảm 3,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 2,8 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm 12/5. Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 85,5 - 87,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); giảm 500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giữ nguyên mức giá niêm yết ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm 12/5. Riêng Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 87 - 89,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm 12/5.
Ngày 14/5, dự kiến tại phiên đấu thầu lần thứ 6, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên tổng khối lượng chào thầu là 16.800 lượng vàng, loại vàng miếng SJC. Mức giá tham chiếu được điều chỉnh tăng lên 88 triệu đồng/lượng, cao hơn mức giá tham chiếu tại phiên đấu thầu gần nhất (85,3 triệu đồng/lượng).
Trong lần đấu thầu này, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm khối lượng đấu thầu tối thiểu của mỗi thành viên được phép đặt thầu xuống còn 5 lô (tương đương 500 lượng vàng); trong khi phiên trước, cơ quan quản lý đã giảm khối lượng đấu thầu tối thiểu từ 14 lô xuống 7 lô. Khối lượng đấu thầu tối đa lần này tăng từ mức 20 lô (tương đương 2.000 lượng) lên 40 lô (tương đương 4.000 lượng). Bước giá dự thầu 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô (100 lượng). Đây là lần thứ 6, Ngân hàng Nhà nước gọi thầu vàng miếng. Trong 5 lần trước đó, chỉ có 2 lần đấu thầu thành công với khối lượng trúng thầu mỗi lần là 3.400 lượng vàng.
- 30 đại diện doanh nghiệp ở Quảng Ninh bị hoãn xuất cảnh vì nợ thuế
Theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh, việc hoãn xuất cảnh là hoạt động thường xuyên của đơn vị đối với các doanh nghiệp nợ thuế quá hạn, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Chỉ tính từ 1/5 đến nay, Cục Thuế Quảng Ninh đã liên tục ra thông báo đề nghị tạm hoãn xuất cảnh tới 30 giám đốc doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn.
Riêng từ ngày 13/5, có tới 6 giám đốc doanh nghiệp nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh đến khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước.
Cụ thể, đó là các giám đốc, người đại diện hợp pháp của các doanh nghiệp: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thương mại và Dịch vụ Bình An-Quảng Ninh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hà Thành-Chi nhánh Quảng Ninh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại 836, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bất động sản Thịnh Vượng, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thương mại-Dịch vụ Phúc An, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Đông Bắc.
Lý do tạm hoãn xuất cảnh đối với giám đốc các doanh nghiệp trên là doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
- Ấn Độ có thể xem xét dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu gạo
Chính phủ Ấn Độ có thể xem xét dỡ bỏ các hạn chế về xuất khẩu gạo được áp đặt từ năm ngoái, trong bối cảnh sản lượng gạo dư thừa lớn và kỳ vọng lượng mưa “trên mức bình thường” có thể hỗ trợ tích cực cho mùa vụ kharif (vụ hè tính từ gieo cấy lúa trong mùa mưa tháng 6 và thu hoạch trong tháng 10).
Các nguồn tin chia sẻ với Financial Express rằng Chính phủ sẽ đánh giá việc gieo trồng lúa trong vụ kharif trước khi kêu gọi dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu. Một quan chức cho biết: “Do triển vọng của vụ thu hoạch kharif có vẻ tích cực, chúng tôi sẽ xem xét dỡ bỏ các hạn chế đối với xuất khẩu gạo”.
Việc gieo trồng lúa kharif, cung cấp đến 80% tổng sản lượng lúa của Ấn Độ, thường được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 7, khi lượng mưa tăng dần trên khắp đất nước.
Tháng trước, Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) dự báo lượng mưa sẽ ở “trên mức bình thường” trong tháng 6 - 9 năm nay, với 90% khả năng lượng mưa ở mức từ “bình thường đến vượt mức”. Năm ngoái, tình trạng mưa không đều và dưới mức bình thường đã ảnh hưởng đến sản lượng lúa.
Một quan chức cho biết: “Sản lượng gạo dư thừa và triển vọng gió mùa dồi dào là điềm báo tích cực cho triển vọng dỡ bỏ các hạn chế đối với xuất khẩu gạo”.
- Chính phủ đồng chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ dự án điện gió Trường Sơn (Lào)
Chính phủ giao Bộ Công thương chỉ đạo EVN và các cơ quan liên quan đàm phán ký kết hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư đảm bảo chắc chắn và đầy đủ cơ sở pháp lý, hiệu quả kinh tế khi nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có văn bản chấp thuận đề nghị của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc nhập điện gió từ Lào về Việt Nam ở dự án nhà máy điện gió Trường Sơn, cũng như chủ trương đầu tư lưới điện đấu nối. Việc nhập khẩu và đầu tư phù hợp với quy hoạch điện VIII và các quy định liên quan.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhập khẩu điện từ dự án điện gió Trường Sơn công suất 250 MW về Việt Nam phù hợp chủ trương nhập khẩu điện theo Hiệp định ký kết giữa Chính phủ hai nước.
Theo, EVN tổng công suất nguồn điện tại Lào được duyệt chủ trương nhập khẩu đến năm 2025 khoảng 1.977 MW, thấp hơn quy mô 3.000 MW theo hiệp định đã ký.
Việc nhập khẩu và đấu nối đường dây 220 kV cũng được Bộ Công Thương nhìn nhận là phù hợp với Quy hoạch điện VIII.
Theo Quy hoạch, tổng công suất nhập khẩu điện từ Lào có thể lên tới 5.000-8.000 MW vào năm 2030, tăng lên 11.000 vào năm 2050. Cùng đó, ngành điện cũng quy hoạch 550 km đường dây dự phòng cho tăng trưởng phụ tải và phát triển các nguồn khu vực, gồm nhập khẩu.
- Cổ phiếu 'họ' Apec tăng trần khi cựu lãnh đạo từng bị bắt xuất hiện
Phiên giao dịch ngày 13/5, dòng tiền “chạy” sang nhóm cổ phiếu nhỏ (penny), trong đó cổ phiếu “họ” Apec đồng loạt tăng trần - đà tăng xuất hiện sau đại hội cổ đông của API hồi cuối tuần trước, có sự xuất hiện của ông Nguyễn Đỗ Lăng - cựu thành viên Hội đồng quản trị API.
Trong nhóm penny, cổ phiếu “họ” Apec gây chú ý với việc APS, API và IDJ đồng loạt tăng trần. Đà tăng của bộ ba này xuất hiện sau đại hội cổ đông của API hồi cuối tuần trước. Đặc biệt, đại hội có sự xuất hiện của ông Nguyễn Đỗ Lăng - cựu thành viên Hội đồng quản trị API.
Cần phải nói thêm rằng, tháng 6/2023, ông Nguyễn Đỗ Lăng cùng lãnh đạo Apec từng vướng lùm xùm, bị khởi tố, tạm giam về tội Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại nhóm doanh nghiệp.