Điểm tin kinh doanh 14/10: Bộ Công Thương giải đáp vì sao giá bán buôn cao hơn giá bán lẻ xăng dầu?

Việt Báo (Tổng hợp)| 14/10/2022 07:00

Bộ Công Thương giải đáp vì sao giá bán buôn cao hơn giá bán lẻ xăng dầu?; giá USD tại ngân hàng tăng vọt lên 24.200 đồng/USD

- Bộ Công Thương giải đáp vì sao giá bán buôn cao hơn giá bán lẻ xăng dầu?

Vừa qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã kiến nghị liên quan đến tỉ lệ chiết khấu không phù hợp, giá mua cao hơn giá bán khiến họ chịu thua lỗ. Từ đó, dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu phải thường xuyên đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng, dầu bán ra.

Liên quan đến vấn đề này, phía Bộ Công Thương thông tin, mức chiết khấu là mức giảm giá của đơn vị bán xăng dầu cho đơn vị mua xăng dầu so với giá bán lẻ xăng dầu. Nhà nước chỉ quản lý và điều hành giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và điều hành kinh tế vĩ mô, không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu.

- Hàng nghìn tỷ đồng tiền gửi đã quay lại SCB

Tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho hay, báo cáo nhanh của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), trong ngày 12/10, khách hàng gửi tiền trở lại ngân hàng này đạt gần 6.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với ngày trước đó là hơn 1.600 tỷ đồng.

Tính đến ngày 12/10 - ngày thứ ba liên tiếp hoạt động của SCB đã đi vào ổn định trở lại và ngân hàng này cũng đang có nhiều sản phẩm ưu đãi thu hút khách hàng quay trở lại giao dịch.

- Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng từ 3,27-3,51%

Hôm 13/10, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá 9 tháng và định hướng công tác điều hành giá những tháng cuối năm 2022, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,27-3,51%.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thời gian qua, kinh tế phục hồi nhanh và hầu hết ở các ngành, lĩnh vực. Nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên nhưng nhìn chung, mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát.

Chỉ số tiêu dùng CPI tháng 9-2022 tăng 0,4% so với tháng trước. So với tháng 12-2021, CPI tháng 9 tăng 4% và tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2022, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 1,88%.

Theo Bộ Tài chính, giá xăng dầu dự báo vẫn biến động phức tạp, khó dự đoán. Trong khi đó, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng theo quy luật vào giai đoạn chuyển mùa và thời điểm lễ Tết cuối năm. Giá thịt lợn có thể biến động tăng các tháng cuối năm nếu nguồn cung không được đảm bảo.

Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch có sự phục hồi trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Việc tập trung triển khai đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào cuối năm có thể làm tăng nhu cầu các mặt hàng vật tư xây dựng, có thể tác động đến giá cả nếu nguồn cung không đáp ứng kịp thời…

Theo đó, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,27-3,51%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,2%-3,5%. Ngân hàng nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,4% (dao động khoảng 0,2%).

- Giá USD tại ngân hàng tăng vọt lên 24.200 đồng/USD

Giá USD trên thị trường tự do cũng tăng mạnh, giá bán USD phổ biến ở mức 24.340 đồng đến 24.360 đồng/USD, cao hơn giá bán USD tại các NHTM khoảng 150 đồng – 160 đồng/USD.

Ngày 13/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục niêm yết tỷ giá trung tâm tăng 17 đồng lên 23.497 đồng/USD. Trong ngày, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đã tăng vọt lên 24.200 đồng/USD, gần chạm mức trần áp dụng về tỷ giá trong ngày của NHNN ở mức 24.202 đồng/USD.

Ghi nhận giá USD tại các điểm thu đổi ngoại tệ tại TPHCM cho thấy, giá USD trên thị trường tự do cũng tăng mạnh, giá bán USD phổ biến ở mức 24.340 đồng đến 24.360 đồng/USD, cao hơn giá bán USD tại các NHTM khoảng 150 đồng – 160 đồng/USD.

- 70% doanh nghiệp có thể thắt chặt chi tiêu quảng cáo năm 2023

Ngân sách truyền thông năm 2023 sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái, nhiều hơn đáng kể so với những ước tính trước đây.

Theo khảo sát từ liên đoàn các nhà quảng cáo thế giới (WFA) và Ebiquity, biến động từ cuộc cuộc chiến Ukraine - Nga cộng với những tác động kéo dài từ đại dịch Covid-19 đang gây áp lực lên các nhà quảng cáo, khiến họ phải phân bổ lại ngân sách quảng cáo trong năm 2023.

Gần một phần ba (29%) doanh nghiệp trên toàn cầu đang có kế hoạch giảm chi tiêu quảng cáo vào năm 2023, 40% dự định duy trì ngân sách bằng với mức của năm 2022. Chỉ có 1/3 số doanh nghiệp còn lại muốn tăng chi tiêu.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 14/10: Bộ Công Thương giải đáp vì sao giá bán buôn cao hơn giá bán lẻ xăng dầu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO