- Giá vàng bất ngờ tăng trở lại
Theo cập nhật giá vàng hôm ngày 12/6, thị trường vàng trong nước tiếp tục giữ nguyên giá vàng miếng, giá vàng nhẫn và thế giới có xu hướng tăng.
Theo đó, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 74,98 triệu đồng/lượng mua vào và 76,98 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TPHCM, giá vàng SJC ngày 12/6 đang mua vào và bán ra mức tương tự so với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng. Như vậy, so với chốt phiên trước, giá vàng SJC giữ nguyên ở cả hai chiều mua vào và bán ra.
Giá vàng Doji hôm nay tại khu vực Hà Nội đang là 74,98 triệu đồng/lượng mua vào và 76,98 triệu đồng/lượng bán ra, giữ nguyên ở cả hai chiều so với chốt phiên trước. Giá vàng Doji ngày 12/6 ở TPHCM đang mua vào và bán ra tương tự so với khu vực Hà Nội.
Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 74,98 triệu đồng/lượng mua vào và 76,98 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 75,5 triệu đồng/lượng mua vào và 76,98 triệu đồng/lượng bán ra.
Như vậy, giá vàng trong nước hôm ngày 12/6, giữ nguyên ở một số thương hiệu vàng.
Giá vàng nhẫn hôm ngày 12/6, giữ nguyên hoặc tăng nhẹ ở một số thương hiệu vàng, không cùng xu hướng với giá vàng miếng.
Cụ thể, giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại Doji niêm yết ở ngưỡng 73,45-74,80 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
So với mở cửa phiên giao dịch hôm 11/6, giá vàng nhẫn Doji tăng 100.000 đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra.
Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn ở ngưỡng 72,8-74,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
So với mở cửa phiên giao dịch hôm 11/6, giá vàng nhẫn SJC giữ nguyên cả hai chiều mua vào và bán ra.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở ngưỡng 73,43-74,73 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với mở cửa phiên giao dịch hôm 11/6, giá vàng nhẫn 9999 tại Bảo Tín Minh Châu đi ngang.
Theo cập nhật giá vàng thế giới tính đến chiều 12/6 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ngày 12/6 nhích nhẹ với vàng giao ngay tăng 6 USD lên 2.316,2 USD/ounce.
Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.333,8 USD/ounce, tăng 6,8 USD so với rạng sáng qua.
Giá vàng tăng nhẹ bất chấp sự phục hồi của đồng USD khi các nhà đầu tư vẫn đang "ngóng" dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ và kết quả cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để biết chi tiết về kế hoạch cắt giảm lãi suất so với mục tiêu lạm phát của ngân hàng trung ương.
- Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 13/6
Thông tin lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 13/6 về các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.
* SHB: CTCP Tập đoàn T&T, tổ chức có liên quan đến ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB – HOSE) đã bán bất thành 74,5 triệu cổ phiếu SHB đăng ký bán từ ngày 13/5 đến 10/6 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Như vậy, hiện tại tổ chức trên vẫn đang nắm giữ hơn 361,88 triệu cổ phiếu SHB, tỷ lệ 9,99%.
* KOS: CTCP Đầu tư Leo Regulus, cổ đông lớn, tổ chức có liên quan đến ông Nguyễn Việt Cường – Chủ tịch HĐQT CTCP Kosy (KOS – HOSE) đăng ký bán 3 triệu cổ phiếu KOS từ ngày 17/6 đến 15/7 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Dự kiến giao dịch thành công, cổ đông trên sẽ giảm sở hữu tại KOS xuống còn 22,2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 10,25%.
* TDM: CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM – HOSE) thông qua việc chào mua công khai 6,82 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 24,26% của CTCP Cấp thoát nước Cần Thơ (CTW), với giá 20.360 đồng/cổ phiếu.
* DC4: CTCP Xây dựng DIC Holdings (DC4 – HOSE) thông báo, ngày 28/6 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức 2023 theo tỷ lệ 10:1, tương đương DC4 sẽ phát hành thêm hơn 5,24 triệu cổ phiếu mới trong đợt này.
* TMS: CTCP Vinaprint, cổ đông của CTCP Transimex (TMS – HOSE) đăng ký mua 100.000 cổ phiếu TMS từ ngày 14/6 đến 12/7 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Dự kiến giao dịch thành công, cổ đông trên sẽ nâng sở hữu tại TMS lên hơn 699.000 cổ phiếu, tỷ lệ 0,44%.
* TRA: Ngày 17/6 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức đợt 2 năm 2023 của CTCP Traphaco (TRA – HOSE), ngày đăng ký cuối cùng là 18/6. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 20%, thanh toán bắt đầu từ ngày 04/7/2024.
* MWG: Ngày 28/6 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức của CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG – HOSE), ngày đăng ký cuối cùng là 01/7. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 5%, thanh toán bắt đầu từ ngày 10/7/2024.
* NSC: Ngày 24/6 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức đợt 1 năm 2023 của CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Trung ương (NSC – HOSE), ngày đăng ký cuối cùng là 25/6. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 20%, thanh toán bắt đầu từ ngày 27/4/2024.
* DCM: Ngày 12/6, HĐQT CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM – HOSE) đã có nghị quyết thông qua việc trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 20%. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức vào 25/6/2024 và thanh toán bắt đầu từ ngày 11/7/2023.
* HAH: Ngày 24/6 tới đây, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH – HOSE) sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 100:15, tương đương HAH sẽ phát hành thêm hơn 15,82 triệu cổ phiếu mới trong đợt này.
* TNG: CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG – HNX) thông qua việc chào bán 4 triệu trái phiếu riêng lẻ, giá chào bán bằng mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, tương đương tổng giá trị theo mệnh giá là 400 tỷ đồng, kỳ hạn 48 tháng. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý II đến quý IV/2024.
* DNC: CTCP Điện nước lắp máy Hải Phòng (DNC – HNX) thông qua kế hoạch phát hành hơn 1,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 25%. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III/2024.
* VCM: Ông Thân Thế Hà, Ủy viên HĐQT CTCP BV LIFE (VCM – HNX) đăng ký bán toàn bộ hơn 210.000 cổ phiếu VCM sở hữu, tỷ lệ 7,02%. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 14/6 đến 28/6 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
- VN-Index trở lại mốc 1.300 điểm sau 2 năm
Phiên giao dịch ngày 12-6 ghi nhận dòng tiền bất ngờ tăng tốc mạnh mẽ vào buổi chiều, giúp chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam vượt mốc tâm lý 1.300 điểm sau hai năm nhờ lực kéo từ nhóm ngân hàng và bất động sản.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12-6, chỉ số VN-Index tăng 15,78 điểm, tương ứng tăng 1,23%, lên mức 1.300,19 điểm; còn chỉ số HNX-Index tăng 1,9 điểm, tương ứng tăng 0,77%, lên mức 248,31 điểm. Tâm lý thị trường cũng lạc quan với sắc xanh áp đảo, thị trường nghiêng về phía bên mua với 471 mã tăng và 299 mã giảm.
Trong phiên sáng, thị trường giao dịch khá ảm đảm, tâm lý thận trọng sau phiên giảm điểm ở nhiều nhóm ngành nghề vào phiên hôm qua với lực bán có nhỉnh hơn. Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều, dòng tiền mua vào bắt đầu tăng dần, và đến gần cuối phiên tăng tốc mạnh mẽ, tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã giúp cho thị trường có phiên khởi sắc ngày hôm nay.
Theo đó, sắc xanh áp đảo trong rổ cổ phiếu VN30 (nhóm 30 mã vốn hóa lớn nhất thị trường) với 27 mã tăng và 3 mã giảm. Chỉ số VN-30 tăng 23,5 điểm, tương ứng tăng 1,8%. Nhìn chung, hai nhóm trụ cổ phiếu là ngân hàng và bất động sản đã giúp VN-Index vượt cản thành công.
Trong đó đáng kể là cổ phiếu VPB tăng 6%, FPT tăng hơn 4%, MSN, MBB, SSI, BCM đều tăng trên 2%. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu POW, SAB lại giảm quanh 1% (sau khi đã tăng đáng kể những phiên gần đây).
Thanh khoản hôm nay giảm nhẹ so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt gần 770 triệu cổ phiếu, giảm hơn 10%, còn giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 20.174 tỉ đồng, giảm 9,4%.
Khối ngoại vẫn tiếp tục chuỗi bán ròng, phần nào ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Trên HOSE khối ngoại bán ròng gần 630 tỉ đồng, tập trung vào các mã FPT, VHM, VRE hay VNM.
Như vậy, sau hai năm, VN-Index đã lấy lại mốc 1.300 điểm, mốc tâm lý quan trọng sau khi suy giảm từ giai đoạn tháng 6-2022, với nhiều vấn đề nội tại trong nền kinh tế và chưa giải quyết được hết cho đến nay.
Trong phiên giao dịch ngày hôm 11/6, thị trường đã nỗ lực tăng lên nhưng không thành công. VN-Index giảm khiên tâm lý nhà đầu tư thận trọng. Tuy nhiên, điểm tích cực là lực bán không quá mạnh.
Sau phiên giao dịch hôm 11/6, Công ty chứng khoán VCBS đánh giá lực cầu mạnh mẽ đã giúp nhóm cổ phiếu VN30 vượt vùng đỉnh cũ là 1.320 điểm và tiếp tục xu hướng tăng. Tương tự, Công ty chứng khoán KBSV đánh giá thị trường đóng cửa trên mốc đỉnh ngắn hạn, cho thấy lực cầu phần nào đã có sự đồng thuận và cơ hội vượt ngưỡng cản tâm lý 1.300 ngày càng rõ nét, trước khi có thể gặp áp lực rung lắc trở lại quanh vùng 1.330 điểm.
- Cục Hàng hải vào cuộc giám sát khi giá vận chuyển hàng hóa container tăng mạnh
Hiện chỉ số container thế giới tăng 12% đến 4.716 USD đối với container 40'; tình hình tắc nghẽn cảng biển xảy ra tại một số cảng tại châu Á.
Trước diễn biến giá vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển đi các nước châu Âu và Mỹ đang có xu hướng tăng mạnh, Cục Hàng hải Việt Nam tăng cường giám sát giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển.
Hiện chỉ số container thế giới tăng 12% đến 4.716 USD đối với container 40'; tình hình tắc nghẽn cảng biển xảy ra tại một số cảng tại châu Á và tình hình mất cân bằng vỏ container phục vụ hàng xuất khẩu và nhập khẩu.
Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các cảng vụ hàng hải phối hợp với các Chi cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan chức năng, hiệp hội, đơn vị có liên quan tăng cường giám sát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển thực hiện niêm yết giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển (giá và phụ thu ngoài giá) và việc tuân thủ hiệu lực của việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá theo quy định tại Nghị định số 146/2016/NĐ-CP ngày 02/11/2016 của Chính phủ quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển.
Các cảng vụ hàng hải phối hợp với các Chi cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan chức năng, hiệp hội, đơn vị có liên quan theo dõi và báo cáo khi có tình hình tắc nghẽn tại các cảng biển; theo dõi và báo cáo khi có bất thường về mất cân bằng vỏ container phục vụ hàng xuất nhập khẩu.
Đối với Chi cục Hàng hải Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh và Chi cục Hàng hải Việt Nam tại thành phố Hải Phòng, Cục Hàng hải Việt Nam giao Chi cục Hàng hải Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Chi cục Hàng hải Việt Nam tại Hải Phòng, các Cảng vụ Hàng hải tại Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và Hải Phòng theo dõi số liệu thống kê về việc tăng, giảm giá, phụ thu ngoài giá đối với một số hãng tàu có cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container đi châu Âu và Mỹ bao gồm: Maersk, MSC, СМА- CGM, ONE, Hapag-Lloyd, Evergreen, HMM, COSCO, Yang Minh, OÔCL.
Đồng thời, chủ động làm việc với đại diện các hãng tàu trên tại Việt Nam và các đơn vị có liên quan để nắm bắt nguyên nhân tăng, giảm giá dịch vụ khi có dấu hiệu tăng, giảm mạnh và các vấn đề liên quan khác đến hãng tàu.
- Thế giới có thể sẽ dư thừa nhiều dầu mỏ vào năm 2030
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa công bố báo cáo thường niên cho thấy, thế giới có thể sẽ dư thừa nhiều dầu mỏ vào năm 2030 do sản lượng tăng mạnh, trong khi quá trình chuyển đổi năng lượng sạch khiến nhu cầu giảm.
Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự kiến sẽ chững lại ở mức 106 triệu thùng/ngày vào cuối thập kỷ này trong khi khả năng cung cấp tổng thể có thể đạt 114 triệu thùng/ngày, dẫn đến dư thừa khoảng 8 triệu thùng/ngày - kịch bản mà thị trường dầu mỏ phải chuẩn bị đối phó, IEA cho biết.
Dự báo này được đưa ra vài ngày sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (OPEC+) cho biết có khả năng sẽ loại bỏ dần việc cắt giảm sản lượng vào mùa Thu này, được thực hiện với nỗ lực hỗ trợ giá dầu trước những lo ngại nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Trong báo cáo IEA lưu ý rằng các nước châu Á đang phát triển nhanh như Trung Quốc, cùng với lĩnh vực hàng không và hóa dầu vẫn sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ, đạt mức 102 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
Tuy nhiên, sự chuyển đổi sang sử dụng xe điện (EV) cùng với việc tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu cho các phương tiện thông thường và việc các nước Trung Đông giảm sử dụng dầu mỏ để sản xuất điện sẽ giúp hạn chế mức tăng nhu cầu chung xuống khoảng 2% vào năm 2030.
Đồng thời, năng lực sản xuất dầu dường như sẽ tăng vọt, dẫn đầu là Mỹ và các quốc gia khác ở châu Mỹ, sẽ khiến dự báo dư thừa 8 triệu thùng - điều từng xảy ra trong thời gian phong tỏa phòng chống COVID-19 trong năm 2020.