- Bộ Công Thương yêu cầu đầu mối, phân phối xăng dầu ký cam kết cung ứng
Bộ Công Thương yêu cầu các thương nhân đầu mối và phân phối ký biên bản cam kết về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ, hoàn thành trước ngày 16/11.
Bộ Công Thương vừa có công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường và các cục quản lý thị trường về giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm và ký cam kết với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình.
"Đồng thời tiến hành ký biên bản cam kết về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đối với tất cả thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối trên địa bàn, hoàn thành xong trước ngày 16/11", Bộ trưởng yêu cầu.
- Giá vàng hôm 12/11: Giá vàng thế giới, trong nước tăng mạnh
Giá vàng thế giới rạng sáng 12/11 tiếp đà tăng vọt với giá vàng giao ngay tăng 15,6 USD lên mức 1.771,3 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.769,4 USD/ ounce, tăng 15,7 USD so với rạng sáng ngày trước đó.
Giá vàng trong nước rạng sáng hôm 12/11 đảo chiều tăng mạnh với mức tăng cao nhất là 300.000 đồng/ lượng. Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 66,6 triệu đồng/lượng mua vào và 67,62 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.
Giá vàng DOJI ở khu vực Hà Nội đang niêm yết ở mức 66,5 triệu đồng/lượng mua vào và 67,5 triệu đồng/ lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu đang mua vào và bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội.
Với giá vàng trong nước đảo chiều tăng mạnh và giá vàng thế giới neo ở mức 1.771,3 USD/ounce (tương đương gần 53,1 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới được rút ngắn xuống còn khoảng 14,5 triệu đồng/ lượng.
- Vừa lãi 1.001 tỉ đồng, bầu Đức bán “heo ăn chuối” online
Kênh thương mại điện tử bán thịt “heo ăn chuối” Bapi của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) chính thức ra mắt với khả năng xử lý 10.000 đơn hàng/ngày, dự kiến năm sau tăng gấp 10
Ông Đinh Văn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty CP Bapi HAGL, cho biết sau đại dịch COVID-19, người Việt đã thành thạo trong việc mua sắm trên kênh thương mại điện tử nên HAGL rất kỳ vọng vào việc thúc đẩy kinh doanh qua kênh online. Ngoài website https://bapi.com.vn, HAGL còn có ứng dụng (app) Bapi và kênh online của các chuỗi thực phẩm có quầy Bapi.
"Để mở một cửa hàng Bapi Food thường phải mất vài tuần, từ tìm kiếm mặt bằng, thiết kế, tuyển nhân viên, lắp đặt phần mềm,… với chi phi đầu tư ban đầu 600 - 700 triệu đồng. Chi phí này rất lớn khi HAGL muốn mở cả ngàn điểm bán. Kênh online có thể giải quyết được vấn đề này khi không cần phải đầu tư cửa hàng Bapi Food mà chỉ cần các kho hàng và điểm bán Bapi tại các cửa hàng, siêu thị (shop in shop) để phủ thị trường, rút ngắn thời gian giao hàng. Hệ thống của chúng tôi đầu tư để có thể xử lý 10.000 đơn/ngày trong năm nay và tăng lên 100.000 đơn hàng năm 2023" - ông Lộc tiết lộ.
- Việt Nam không còn nằm trong danh sách giám sát về thao túng tiền tệ của Mỹ
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính Hoa Kỳ về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”, Việt Nam đã được đưa ra khỏi danh sách giám sát về thao túng tiền tệ.
Báo cáo của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, tháng 11 tiếp tục xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính dựa trên cơ sở ba tiêu chí: Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ, Thặng dư cán cân vãng lai; và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.
Trong báo cáo kỳ này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa 7 nền kinh tế vào danh sách giám sát, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Singapore, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc). Đồng thời, Bộ Tài chính Hoa Kỳ kết luận không có đối tác thương mại lớn nào của Hoa Kỳ thao túng tiền tệ trong khoảng thời gian từ tháng 7/2021 – 6/2022.
Liên tiếp trong 2 kỳ báo cáo, Việt Nam chỉ vượt ngưỡng 1 tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ với Hoa Kỳ, do đó đã được Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa ra khỏi danh sách giám sát.
- Chi phí nhập khẩu thực phẩm toàn cầu gần 2.000 tỉ đô la
Chi tiêu toàn cầu cho nhập khẩu thực phẩm dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 1.940 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết trong một báo cáo hôm 11/11. Theo báo cáo, nhiều nước nghèo, dễ bị tổn thương về kinh tế, đang phải chi trả nhiều hơn để nhập khẩu lương thực nhưng lại nhận được khối lượng ít hơn.
Con số nói trên tăng hơn 128,6 tỉ đô la Mỹ so với mức dự báo của FAO hồi tháng 6 và tăng 10% so với năm ngoái do giá cả thực phẩm bao gồm ngũ cốc tăng mạnh trong năm qua. Chi phí nhập khẩu thực phẩm dự kiến tiếp tục tăng ngay cả khi chỉ số giá thực phẩm của FAO đã giảm trong bảy tháng liên tiếp, phản ánh sự sụt giảm của giá hàng hóa.
Chi phí nhập khẩu thực phẩm toàn cầu của FAO được tính toán dựa vào giá cả các mặt hàng từ trái cây, rau quả đến hải sản, ca cao, trà và gia vị, cũng như đồ uống và các mặt hàng chủ lực như ngũ cốc và thịt.