Điểm tin kinh doanh 12/10: sau 4 phiên giảm, giá xăng dầu quay đầu tăng trở lại

Việt Báo (Tổng hợp)| 12/10/2022 07:00

Điểm tin kinh doanh 12/10: sau 4 phiên giảm, giá xăng dầu quay đầu tăng trở lại; tỉnh Kiên Giang cần gấp 73.560 m3 xăng dầu

- Sau 4 phiên giảm, giá xăng dầu quay đầu tăng trở lại

Cụ thể, với vùng 1, giá xăng RON95 được điều chỉnh tăng từ mức 21.440 đồng/lít lên 22.007 đồng/lít (tăng thêm 560 đồng/lít)

Giá xăng E5RON92 tăng từ mức 20.730 đồng/lít lên 21.292 đồng/lít, tăng thêm 560 đồng/lít.

Tăng mạnh nhất là các mặt hàng dầu do diễn biến giá dầu thế giới trong thời gian qua tăng liên tục ở mức cao. Cụ thể, dầu diesel 0.05S tăng từ 22.208 đồng/lít lên mức giá hiện hành là 24.187 đồng/lít (tăng 2.179 đồng/lít)

Dầu hỏa tăng từ mức 21.688 đồng/lít lên mức 22.820 đồng/lít (tăng 1.132 đồng/lít). Dầu mazut 180CST 3.5S hiện có giá 14.094 đồng/lít được giữ nguyên.

- Tỉnh Kiên Giang cần gấp 73.560 m3 xăng dầu

Một số thương nhân đầu mối cung ứng xăng dầu nhỏ giọt khiến cho nhiều cây xăng ở Kiên Giang bán cầm chừng hoặc hết hàng.

Ngày 11/10, lãnh đạo Sở Công Thương Kiên Giang cho biết đã tham mưu UBND tỉnh này về việc đề nghị Bộ Công Thương cung ứng khẩn 73.560 m3 xăng dầu cho các thương nhân. Đề xuất này nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu không bị đứt gãy từ thương nhân đầu mối đến hệ thống bán lẻ.

Toàn tỉnh Kiên Giang có 608 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu thuộc hệ thống phân phối của 8 thương nhân phân phối có trụ sở tại địa phương và 15 thương nhân phân phối ngoài tỉnh.

Những ngày qua, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại Kiên Giang đóng cửa hoặc bán nhỏ giọt khiến cho tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Tình hình này ngày nghiêm trọng hơn khi có nhiều cửa hàng bán lẻ đóng cửa, thông báo hết xăng dầu.

- Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu

Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang suy giảm và có thể hoàn toàn đình trệ trong năm tới.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva đã cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái trong năm 2023, khi các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới mạnh tay tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Động thái này có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng.

Người đứng đầu IMF cũng nhấn mạnh rằng 1/3 nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái. Bà dự đoán những quốc gia này có thể có mức tăng trưởng âm trong quý cuối cùng của năm 2022 và quý đầu của năm 2023.

Theo ước tính của IMF, thiệt hại toàn cầu do suy thoái kinh tế có thể lên tới 4.000 tỷ USD vào năm 2026, tương đương với quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức.

- Vàng SJC đi xuống sau 5 phiên tăng sốc

Sau khi bật tăng lên mức cao nhất trong vòng một tháng qua, đầu giờ chiều 11/10, giá vàng SJC đảo chiều giảm mạnh.

Đầu giờ chiều 11/10, giá vàng miếng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 65,8 – 66,8 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng so với giá chốt phiên chiều qua. Có thời điểm doanh nghiệp này điều chỉnh giảm tới 600.000 đồng/lượng ở cả hai chiều, sau đó phục hồi nhẹ.

Tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng khác như Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Phú Quý… đang neo giá mua và bán đối với vàng miếng SJC ở mức 65,7 – 66,7 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa phiên hôm trước.

Sau 5 ngày tăng giá liên tiếp, giá vàng SJC bật lên quanh vùng 67,2 – 67,3 triệu đồng/lượng, tương đương mức lợi nhuận của chuỗi phiên tăng giá đạt khoảng 1,7 – 1,8 triệu đồng/lượng, thì đến chiều nay thương hiệu vàng do NHNN độc quyền sản xuất đang rơi khá nhanh.

- Khủng hoảng năng lượng trầm trọng: các nước châu Âu chi tới 500 tỷ Euro ứng phó

Theo số liệu được cung cấp bởi Viện Nghiên cứu Bruegel (Bỉ), Châu Âu đã chi số tiền “khủng” lên tới gần 500 tỷ euro (496 tỷ USD) trong năm ngoái để giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Cụ thể, số liệu ước tính của Bruegel cho thấy 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã dành 314 tỷ euro để triển khai các biện pháp trợ giá năng lượng cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, là nước chi nhiều nhất với 100 tỷ Euro. Trong khi Anh đã phân bổ 178 tỷ euro nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng ở nước này.

Các nước như Italia, Croatia, Hy Lạp, và Latvia cũng đã chi hơn 3% GDP của mỗi quốc gia để tung ra các biện pháp hỗ trợ cần thiết.

Tuy nhiên, theo Bruegel, nếu tính cả việc các chính phủ có dư địa tài chính lớn hơn đã tiến hành quốc hữu hóa, cứu trợ, cung cấp các khoản vay thì riêng các nước EU đã có thể đã chi đến gần 450 tỷ euro.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 12/10: sau 4 phiên giảm, giá xăng dầu quay đầu tăng trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO