- Giá vàng: Tăng không đáng kể
Giá vàng hôm 10/9 ở trong nước phần lớn đi ngang, chỉ có giá vàng PNJ tăng nhẹ. Trong khi đó, giá vàng thế giới có xu hướng giảm.
Tại thời điểm 13 giờ 45 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 78,5 - 80,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm 9/9.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 78,5 - 80,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm 9/9. Phú Quý SJC giao dịch ổn định, với mức giá tương tự 78,5 - 80,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trong khi đó, giá vàng nhẫn tăng nhẹ. Cụ thể, vàng nhẫn PNJ ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh giao dịch ở mức 77,35 - 78,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào - bán ra so với chốt phiên hôm 9/9.
Như vậy, trong một tháng qua (từ ngày 10/8 đến 10/9), giá vàng miếng SJC đã tăng 2 triệu đồng/lượng cả ở hai chiều mua vào và bán ra.
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên ngày 9/9 tại Mỹ tăng 8,8USD lên 2.506,4USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng 10/9, giá vàng đảo chiều giảm 4,1 USD xuống 2.502,3USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12-2024 trên sàn Comex New York tăng 8,1USD, tương ứng tăng 0,32% lên mức 2.532,7USD/ounce.
Một vài số liệu quan trọng sẽ được công bố trong tuần này, trong đó có Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2024, dự kiến công bố ngày 11-/, sau đó là Chỉ số giá sản xuất (PPI) công bố ngày 12/9. Nhà phân tích thị trường Tim Waterer tại KCM Trade cho biết, nếu dữ liệu CPI công bố tuần này thấp hơn dự kiến, vàng sẽ có xu hướng tăng giá mạnh. Tuy nhiên, hiện tại đồng USD tăng giá đang trở thành “rào cản” đối với vàng.
- Chuyên gia dự báo sốc về giá vàng nếu Fed cắt giảm lãi suất
Mặc dù giá vàng đang gặp kháng cự quanh ngưỡng 2.510 USD, nhưng các chuyên gia dự đoán nếu Fed đưa ra động thái cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9, giá có thể tiếp đà tăng mạnh và thiết lập các kỷ lục mới…
ING dự đoán giá vàng trung bình trong quý 4/2024 sẽ quanh ngưỡng 2.580 USD, dẫn đến mức trung bình năm là 2.388 USD. Đà tăng sẽ tiếp tục kéo dài sang năm sau với mức giá trung bình năm 2025 là 2.700 USD/ounce.
Trong một nhận định tương tự, ông Jateen Trivedi, Phó Chủ tịch Nghiên cứu Phân tích Hàng hóa và Tiền tệ tại LKP Securities cho biết: “Kỳ vọng cắt giảm 0,25 điểm phần trăm đã được phản ánh vào giá nhưng vàng đang gặp ngưỡng kháng cự ở vùng 2.510-2.520 USD. Điều này cho thấy để có đòn bẩy đưa giá vàng tăng thêm, sẽ cần một mức cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hơn”.
Cũng theo ông Trivedi, suy đoán về các mức độ cắt giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hành trình giá của kim loại quý trong ngắn hạn. “Thị trường sẽ theo dõi sát sao các dữ liệu sắp tới như chỉ số giá tiêu dùng lõi (PCE), các số liệu về lạm phát, bảng lương phi nông nghiệp và dữ liệu về tỷ lệ thất nghiệp để có thêm manh mối về lộ trình của Fed. Không thể loại trừ khả năng tâm lý thị trường thay đổi và ảnh hưởng đến giá vàng trước thềm cuộc họp chính sách vào 18-19/9”, ông Jateen Trivedi giải thích.
Nhu cầu đối với các quỹ ETF vàng cũng đang tăng trở lại. Dòng vốn chảy vào các quỹ ETF toàn cầu cũng ghi nhận xu hướng tích cực trong bốn tháng liên tiếp, với tất cả các khu vực đều có dòng tiền tích cực, trong đó các quỹ phương Tây dẫn đầu vào tháng 8. Việc nắm giữ vàng trong các quỹ ETF thường tăng khi giá vàng tăng, và ngược lại.
Trước đó, lượng nắm giữ vàng trong các quỹ ETF đã giảm trong giai đoạn đầu năm 2024 khi giá vàng giao ngay đạt mức cao mới. Tuy vậy, dòng tiền cuối cùng đã trở lại mức dương vào tháng 5.
- Cổ phiếu chăn nuôi 'hút' tiền sau siêu bão Yagi
Cổ phiếu chăn nuôi bứt phá trong bối cảnh giá heo hơi tiếp tục tăng cao trở lại trong những ngày gần đây.
Thị trường chứng khoán mở cửa phiên 10/9 với sắc xanh nhưng nhanh chóng giảm xuống dưới tham chiếu, nhà đầu tư ngoại bán ròng 226 tỷ đồng tính đến kết phiên sáng.
Nhóm cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu nhận được sự quan tâm đáng kể. Sau sự tăng trưởng của nhóm thép vào ngày hôm qua, sáng 10/9, các cổ phiếu bán lẻ, tiêu dùng và chăn nuôi như MSN, VNM, SAB, DBC, BAF, HAG, PAN, MML, VLC, VSN, LTG, NAF, VHC, ANV, IDI... đều giao dịch khởi sắc.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu nông nghiệp, chăn nuôi như HAG, BAF, DBC... bất ngờ hút tiền và tăng mạnh từ 3% đến hơn 6%, khớp từ vài triệu đến hàng chục triệu đơn vị. Các cổ phiếu khác cùng ngành là NAF, AGM, PAN cũng đang tăng mạnh, dù thanh khoản thấp hơn.
Cổ phiếu chăn nuôi bứt phá trong bối cảnh giá heo hơi tiếp tục tăng cao trở lại trong những ngày gần đây.
- Bảo hiểm Bảo Việt ghi nhận 437 vụ yêu cầu bồi thường liên quan đến cơn bão số 3
Tính đến thời điểm hiện tại, Bảo hiểm Bảo Việt đã ghi nhận tổng cộng 437 vụ yêu cầu bồi thường liên quan đến cơn bão số 3.
Các yêu cầu bồi thường chủ yếu liên quan đến các loại hình tổn thất về: bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản như bảo hiểm xe ô tô, bảo hiểm nhà tư nhân, các công trình xây dựng, nhà xưởng, kho bãi, máy móc thiết bị, cầu cảng và hàng hóa.
Dựa trên đánh giá sơ bộ, tổng giá trị tổn thất của các vụ bồi thường tính đến sáng ngày 10/9/2024 ước tính lên tới gần 385 tỷ đồng. Bảo hiểm Bảo Việt hiện đang tích cực làm việc khẩn trương để đánh giá và xử lý các yêu cầu bồi thường nhằm hỗ trợ nhanh chóng và chính xác cho tất cả các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão.
Đồng thời, Bảo hiểm Bảo Việt cũng đã nhanh chóng triển khai các phương án tạm ứng bồi thường tới khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp đang có thiệt hại nhằm hỗ trợ khách hàng sớm ổn định và quay lại sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
- Bán tháo tăng vọt, VN-Index giảm mạnh nhất 24 phiên
Áp lực bán bất ngờ dâng cao trong phiên chiều 10/9, đẩy thanh khoản tăng gấp rưỡi phiên sáng nhưng cổ phiếu giảm giá la liệt. VN-Index kết phiên bốc hơi 12,5 điểm (-0,99%) với số mã giảm giá nhiều gấp 3,4 lần số mã tăng. Nhóm cổ phiếu trụ vẫn là tác nhân chính đẩy thị trường rơi vào tình trạng “xả lũ”...
Áp lực bán bất ngờ dâng cao trong phiên chiều 10/9, đẩy thanh khoản tăng gấp rưỡi phiên sáng nhưng cổ phiếu giảm giá la liệt. VN-Index kết phiên bốc hơi 12,5 điểm (-0,99%) với số mã giảm giá nhiều gấp 3,4 lần số mã tăng. Nhóm cổ phiếu trụ vẫn là tác nhân chính đẩy thị trường rơi vào tình trạng “xả lũ”.
VN30-Index đóng cửa giảm 1%, chỉ còn 5 mã tăng nhưng tới 24 mã giảm, trong đó 14 mã giảm hơn 1% giá trị. Trong Top 10 vốn hóa của VN-Index, có 6 mã giảm rất mạnh là VCB giảm 1,33%, BID giảm 1,12%, CTG giảm 1,41%, VIC giảm 1,6%, HPG giảm 1,76% và TCB giảm 1,77%.
Tính về ảnh hưởng điểm số, cổ phiếu ngân hàng gây áp lực lớn nhất với VCB, BID, TCB, SSB, CTG. Trong đó, SSB giảm tới 6,08%. Đây là mức giảm mạnh nhất một ngày của SSB kể từ cuối tháng 6/2024, đồng thời đẩy giá cổ phiếu này rơi xuống mức thấp nhất 3 năm. Nhóm ngân hàng nói chung rất tiêu cực, trong 27 mã nhóm này chỉ có 3 mã tăng là TPB, PGB và LPB.
Nhóm cổ phiếu thực phẩm phiên sáng rất mạnh, chiều 10/9 vẫn giữ được màu xanh nhưng nhiều mã cũng đã suy yếu một chút. DBC còn tăng 2,25%, BAF tăng 4,67%, HAG tăng 2,4%, VHC tăng 0,57%, PAN tăng 2,67%, ANV tăng 1,43%, LTG tăng 4,67%, MSN thậm chí đảo chiều thành giảm 0,27%. Dù vậy một số có cải thiện như VLC tăng 3,66%, NAF tăng 5,16%...
Ngay cả nhóm cổ phiếu khỏe nhất thị trường cũng chao đảo thì phần còn lại chắc chắn rơi vào trạng thái tiêu cực. Độ rộng sàn HoSE lúc đóng cửa chỉ còn 94 mã tăng/320 mã giảm, tệ hơn nhiều so với phiên sáng (131 mã tăng/226 mã giảm). Không chỉ vậy, VN-Index buổi sáng mới có 72 cổ phiếu giảm quá 1%, cuối phiên lên tới 137 mã.
Rất nhiều cổ phiếu chịu áp lực bán mạnh khiến giá giảm sâu với thanh khoản cao. Toàn sàn HoSE có 23 cổ phiếu giảm từ 1% tới 4% với thanh khoản vượt quá 100 tỷ đồng mỗi mã. Không có gì ngạc nhiên, nhiều blue-chips xuất hiện thanh khoản lớn như HPG giảm 1,76%, VPB giảm 1,09%, VRE giảm 4,48%, TCB giảm 1,77%, VIC giảm 1,6%...
Nhóm bất động sản, chứng khoán cũng xuất hiện các đại diện rơi vào cảnh bán tháo dữ dội: SSI giảm 1,52% khớp tới 432,5 tỷ đồng; HCM giảm 1,03% khớp 341,1 tỷ; VIX giảm 2,58% với 245 tỷ; VCI giảm 1,45% với 203,6 tỷ; VND giảm 4,61% với 148,6 tỷ; FTS giảm 2,77% với 143,1 tỷ. Bất động sản có PDR giảm 4,69% khớp 305 tỷ; DXG giảm 4,21% khớp 297,8 tỷ; NVL giảm 3,79% với 157,9 tỷ; NTL giảm 5,79% với 126,4 tỷ… Tính tiêng nhóm giảm quá 1% cuối phiên ở HoSE đã chiếm tới 48,6% tổng giá trị khớp lệnh sàn này.
Sàn HoSE chiều 10/9 tăng vọt thanh khoản 55% so với buổi sáng, đạt 8.466 tỷ đồng. Rổ VN30 cũng tăng gần 69%, đạt 4.202 tỷ. So với chốt buổi sáng, cả rổ VN30 còn duy nhất MWG là không thay đổi, còn lại đều suy yếu.