- Giá vàng: Giữ mức 76,98 triệu đồng/lượng
Theo ghi nhận, giá vàng chiều 10-6 vẫn được giữ nguyên, chưa thay đổi so với tuần trước. Hiện giá bán vàng miếng SJC là 76,98 triệu đồng/lượng.
Giá vàng Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng mua vào, bán ra ở mức 74,98-76,98 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) mua vào, bán ra ở mức 72,6 - 74,2 triệu đồng/lượng; trong khi giá vàng nhẫn của Tập đoàn Doji niêm yết ở mức 73,45 - 74,9 triệu đồng/lượng.
Giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội mua vào, bán ra niêm yết ở mức 74,98-76,98 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng mua vào, bán ra ở mức 73,45-74,9 triệu đồng/lượng.
Tương tự, giá vàng DOJI tại TP Hồ Chí Minh mua vào, bán ra ở mức 74,98-76,98 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 mua vào, bán ra ở mức 73,45-74,9 triệu đồng/lượng.
Giá vàng PNJ tại TP Hồ Chí Minh mua vào, bán ra ở mức 74,98-76,98 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn mua vào, bán ra ở mức 72,6 - 74,4 triệu đồng/lượng.
Vàng PNJ tại Hà Nội mua vào, bán ra ở mức 74,98-76,98 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn mua vào, bán ra ở mức 72,6 - 74,4 triệu đồng/lượng.
Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào, bán ra ở mức 75,5 - 76,98 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long mua vào, bán ra ở mức 73,38 - 74,68 triệu đồng/lượng.
Giá vàng Phú Quý mua vào, bán ra ở mức 75,5-76,980 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng ở mức 2.297 USD/ounce, tăng 4 USD/ounce so với sáng qua. Giá vàng thế giới hiện tương đương gần 72 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế, phí. Như vậy, giá vàng miếng SJC chỉ còn cao hơn thế giới hơn 4 triệu đồng/lượng.
Như vậy việc giá vàng miếng SJC liên tục giảm sau khi Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp được giới phân tích nhận định đã đưa mức chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế quy đổi về mức hợp lý, phù hợp với mục đích bán can thiệp vàng của Ngân hàng Nhà nước.
- NHNN giữ nguyên giá bán vàng, chuyên gia đề xuất đánh thuế giao dịch vàng
Hôm 10/6, giá bán vàng của NHNN là 75,98 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với ngày 6 và 7/6 vừa qua. Trên thị trường, giá vàng miếng SJC giao dịch ở mức 76,98 triệu đồng/lượng.
Thông báo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, giá bán vàng miếng SJC trực tiếp cho 4 ngân hàng và Công ty SJC cho ngày hôm nay (10/6) là 75,98 triệu đồng/lượng. NHNN sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới ở mức phù hợp.
Theo đó, giá vàng miếng SJC được 4 ngân hàng thương mại Nhà nước Công ty SJC bán ra thị trường là 76,98 triệu đồng/lượng. Còn giá vàng SJC do Công ty SJC thu mua vào từ người dân ở mức 74,98 triệu đồng/lượng.
Về giải pháp khắc phục những dấu hiệu bất ổn trong thị trường vàng hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi đề xuất NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng.
Theo vị chuyên gia này, việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng; giải pháp trên có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng.
Bên cạnh đó việc áp dụng thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hiện nay các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản…. cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.
- Xuất khẩu thuỷ sản có thể đạt 4,4 tỷ USD trong 6 tháng
VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 sẽ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,4 tỷ USD.
Sáng 10-6, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức hội nghị toàn thể hội viên năm 2024. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong số các sản phẩm chính, có mực, bạch tuộc và các loại cá khác (cá biển, cá nước ngọt) có giá trị xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, giảm lần lượt 1% và 3%. Xuất khẩu tôm và cá tra tăng nhẹ, lần lượt tăng 7% và 4%, trong khi xuất khẩu cua ghẹ tăng mạnh nhất (tăng 84%), cá ngừ cũng tăng tích cực (tăng 22%), xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ (tăng 13%).
Trong Top 4 thị trường hàng đầu, chỉ có Mỹ có dấu hiệu tích cực hơn với tăng trưởng 7%, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU gần như chỉ tương đương cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%.
Tuy vậy, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Kỳ vọng sau quý II, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại vào quý III, là thời điểm nhu cầu cao phục vụ lễ Tết cuối năm.
- 2 kịch bản cho VN-Index trong tháng 6
Nhóm phân tích ABS đưa ra 2 kịch bản dự báo diễn biến VN-Index trong tháng 6.
Ở kịch bản 1 với xác suất cao (kịch bản tích cực), thị trường tiếp tục cải thiện yếu tố thanh khoản và khối lượng giao dịch khi điểm số tăng đồng thuận với khối lượng giao dịch tăng. Chỉ số VN-Index nếu đóng cửa tuần giao dịch trên ngưỡng 1.305 điểm (phá qua kháng cự 2 của tháng 5) trong nửa đầu tháng 6, thị trường chung xác nhận diễn biến tích cực và tiếp tục tăng trưởng nhịp tiếp theo lên chinh phục mức kháng cự phía trên.
Trong kịch bản này, các cổ phiếu vốn hóa lớn cần giữ vững sự ổn định, VN-Index duy trì phía trên các đường trung bình trượt MA10/20 ngày, dòng tiền có sự lan tỏa vào các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Tại đây thị trường tích lũy trong biên độ dao động hẹp 1.260- 1.286 điểm, hấp thụ áp lực cung và đi lên. Mốc hỗ trợ của xu hướng ngắn hạn là 1.250-1.260, là mốc quản trị rủi ro đối với giao dịch ngắn hạn.
Còn với kịch bản 2 xác suất thấp (kịch bản rủi ro), thị trường chưa thể vượt qua vùng kháng cự 1.305 điểm và giảm qua mốc hỗ trợ 1.250-1.260, thị trường vẫn tiềm ẩn pha điều chỉnh ngắn hạn, hoàn thành kết cấu điều chỉnh tuần. Tuy nhiên đây lại là cơ hội rất tốt cho thị trường tăng trưởng pha lên trung hạn bền vững trong thời gian tương đối dài, rất phù hợp để nhà đầu tư trung - dài hạn có thể gia tăng khối lượng cổ phiếu nắm giữ. Với kịch bản này nhà đầu tư nên quan tâm giải ngân ở mốc Hỗ trợ 2 và Hỗ trợ 3 trên đây.
Với kịch bản tích cực là chủ đạo, ABS khuyến nghị nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ cổ phiếu và gia tăng khối lượng theo thời điểm phù hợp tại các mốc hỗ trợ mạnh.
Đối với nhà đầu tư ưa thích giao dịch ngắn hạn có thể giao dịch dựa vào các mốc kháng cự và hỗ trợ đề xuất đối với VN-Index và cổ phiếu cụ thể. Các cổ phiếu đề xuất là các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành ưu tiên như nêu ở phần trên. Trong đó lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành, có triển vọng KQKD tốt và/ hoặc cổ phiếu vừa và nhỏ nhưng triển vọng tăng trưởng mạnh hoặc có câu chuyện riêng. Ngoài ra, cần đảm bảo yếu tố mô hình tích lũy đủ về mặt khối lượng và thời gian, còn dư địa tăng giá.
- Xe điện Trung Quốc tắc nghẽn tại châu Âu, nhiều cảng biến thành "bãi đỗ xe"
Các hãng sản xuất xe điện Trung Quốc phớt lờ nhu cầu thị trường, ra sức bán sản phẩm ra nước ngoài với giá rẻ để chiếm thị phần, gây nên tình trạng chất đống tại các cảng nước ngoài.
Caixin đưa tin, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề và các biện pháp bảo hộ thương mại ở châu Âu và Mỹ là một trong những rủi ro chính. Ngày 14/5, Mỹ đã công bố tăng mức thuế tới 100% đối với xe điện của Trung Quốc. Liên minh châu Âu cũng đang tiến hành điều tra chống trợ cấp đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất và rất có khả năng sẽ áp dụng biện pháp tăng thuế.
Đồng thời, tốc độ tăng trưởng của thị trường xe điện châu Âu đã chậm lại và vấn đề xe điện không bán được đã thu hút sự chú ý. Dữ liệu do tổ chức SNE Research của Hàn Quốc công bố ngày 7/6 cho thấy trong 4 tháng đầu năm nay, có tổng cộng 881.000 xe thuần điện và plug-in hybrid đã được bán ra ở châu Âu, mức tăng hàng tháng là 8,6%, nhưng tỷ lệ xe điện trên toàn thị trường ô tô toàn cầu giảm 2,4 điểm phần trăm xuống còn 22,4%. SNE cho biết do các nước lớn ở châu Âu loại bỏ trợ cấp cho xe điện, tốc độ tăng trưởng của xe điện thuần túy ở châu Âu đã chậm lại đáng kể.
Tờ Automotive News của Mỹ cũng cho biết, hàng chục nghìn ô tô nhập khẩu đang chất đống ở các cảng biển châu Âu, trong đó phần lớn được chở đến từ Trung Quốc. Một số nhà sản xuất ô tô đã thuê diện tích lớn tại cảng để đỗ xe và cho biết những chiếc ô tô này đã mắc kẹt khá lâu, không có đủ xe tải để vận chuyển đi.
Đối mặt với những nút thắt như doanh số bán hàng chậm lại và năng lực vận chuyển không đủ, nhiều hãng sản xuất xe điện Trung Quốc đã chất đống xe tại các cảng châu Âu, biến các bến cuối thành “bãi đỗ xe”.