Điểm tin kinh doanh 11/5: Giá vàng tăng dựng đứng, vượt 92 triệu

Việt Báo (Tổng hợp)| 11/05/2024 06:00

Các ngân hàng tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 5/2024; Nhà băng đua phát hành trái phiếu

gia-vang.jpg

- Giá vàng tăng dựng đứng, vượt 92 triệu

Theo cập nhật giá vàng ngày 10/5, thị trường vàng trong nước tiếp tục tăng cực mạnh lên mốc kỷ lục mới hơn 92 triệu đồng/lượng.

Theo đó, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 90,1 triệu đồng/lượng mua vào và 92,42 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TPHCM, giá vàng SJC ngày 10/5 đang mua vào mức tương tự so với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng, nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng. Như vậy, so với chốt phiên trước, giá vàng SJC tăng cực mạnh 2,9 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

Giá vàng Doji hôm nay tại khu vực Hà Nội đang là 89,9 triệu đồng/lượng mua vào và 91,2 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 3,1 triệu đồng mỗi lượng ở chiều mua vào và tăng 2,9 triệu đồng mỗi lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên trước. Giá vàng Doji ngày 10/5 ở TPHCM đang mua vào và bán ra tương tự so với khu vực Hà Nội.

Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 89,9 triệu đồng/lượng mua vào và 92,2 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 89,9 triệu đồng/lượng mua vào và 92,2 triệu đồng/lượng bán ra.

Như vậy, giá vàng trong nước hôm ngày 10/5, tiếp tục tăng cực mạnh lên mức kỷ lục mới ở một số thương hiệu vàng.

Giá vàng nhẫn hôm 10/5, đảo chiều tăng mạnh hơn 1 triệu đồng/lượng, cùng xu hướng với giá vàng miếng.

Cụ thể, PNJ và SJC niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 74,6-76,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu áp dụng giá vàng nhẫn ở mức cao hơn là 75,28-76,78 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

D0ji niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 75,3-76,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Theo cập nhật giá vàng thế giới tính đến chiều 10/5 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ngày 10/5 tăng mạnh với vàng giao ngay tăng 38,3 USD lên 2.345,9 USD/ounce.

Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.353,1 USD/ounce, tăng 30,8 USD so với rạng sáng cùng ngày.

Sự suy yếu của đồng USD đã hỗ trợ mạnh mẽ cho xu hướng tăng giá của kim loại loại màu vàng trong ngày 9/5 (giờ Mỹ). Cụ thể, chỉ số US Dollar Index giảm 0,32% xuống mức 105 đã làm tăng sức hấp dẫn của vàng với người mua nắm giữ tiền tệ khác.

- Các ngân hàng tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 5/2024

Tính từ đầu tháng 5, đã có 12 ngân hàng tăng lãi suất huy động. Trước đó, 16 nhà băng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng 4/2024.

Biểu lãi suất tiết kiệm tại Techcombank vừa được điều chỉnh, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 9/5. Mức tăng trung bình 0,1 điểm % tại tất cả các kỳ hạn so với lần điều chỉnh gần nhất.

Trước đó một ngày, tức ngày 8/5, Techcombank cũng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm. Mức tăng trung bình 0,3-0,4 điểm %.

Như vậy chỉ trong 2 ngày liên tiếp, "ông lớn" ngân hàng Techcombank đã 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm.

Cùng ngày, SeABankcũng công bố biểu lãi suất mới, kỳ hạn 12 tháng thêm 0,3%/năm, áp dụng cho mọi mức tiền gửi. Theo đó, lãi suất kỳ hạn này hiện nằm khoảng 4,35 - 4,55%/năm.

PGBank cũng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm với mức tăng 0,4%/năm ở kỳ hạn 12 và 13 tháng, lần lượt lên mức 4,7%/năm và 4,8%/năm. Kỳ hạn từ 18 tháng trở lên tăng 0,2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 18 tháng hiện ở mức 5%/năm, kỳ hạn 24 đến 36 tháng tăng ở mức 5,4%/năm.

Tương tự, TPBank tăng đồng loạt lãi suất ở các kỳ hạn. Cụ thể, nhà băng này tăng 0,2%/năm đối với các kỳ hạn từ 1 đến dưới 12 tháng, và tăng 0,2 - 0,4%/năm tại kỳ hạn 18 - 36 tháng.

Như vậy, kể từ đầu tháng 5 đến nay đã có tới 12 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất gồm ACB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, CB, Bac A Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank.

- Nhà băng đua phát hành trái phiếu

Theo báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tháng 4 của FiinRatings, thị trường TPDN ghi nhận 13 giao dịch phát hành với tổng giá trị 13.900 tỷ đồng từ 6 doanh nghiệp và ngân hàng.

Báo cáo của FiinRatings cho biết, bên cạnh nhóm ngành bất động sản vẫn chiếm ưu thế, các ngân hàng cũng tăng mạnh hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu. Hai ngành này chiếm lần lượt 56% và 43% tổng giá trị phát hành trong tháng 4.

Trong đó, Techcombank phát hành 1 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 3.000 tỷ đồng, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất 3,7%/năm. MSB phát hành 2 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 2.800 tỷ đồng, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất 3,9%/năm. MBBank phát hành 6 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 2.000 tỷ đồng, đều có kỳ hạn trên 5 năm và lãi suất từ 6,2-6,8%/năm.

Theo nhận định của FiinRatings, các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong bối cảnh thanh khoản thị trường có dấu hiệu giảm dư thừa, thể hiện ở lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã nhảy vọt lên mức trên 4% trong tháng 4.

Đây là kết quả của việc NHNN liên tục hút thanh khoản qua kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) thời gian vừa qua; đồng thời huy động tiền gửi từ dân cư của các tổ chức tín dụng cũng giảm tốc trong quý I, ghi nhận mức giảm 0,76% so với cuối năm 2023 (số liệu của Tổng cục thống kê).

705521195-1688705522137825835808-1705984442773-1705984443359939079482-1705984857885-1705984858071716212164-1706059251816-170605925194671330396-17150745267541978494707.jpg

- Thêm một thương hiệu ô tô Trung Quốc “bước chân” vào Việt Nam

Thương hiệu ô tô Trung Quốc GAC công bộ chính thức gia nhập thị trường Việt Nam thông qua nhà phân phối Tan Chong.

Tập đoàn Tan Chong mới đây chính thức được chỉ định bởi GAC MOTOR, trở thành nhà nhập khẩu, phân phối các dòng xe máy xăng và phụ tùng của thương hiệu GAC tại Việt Nam.

Thương hiệu GAC sẽ được Tập đoàn Tan Chong phân phối thông qua công ty con TCSV (TC Services Việt Nam) và được uỷ quyền tham gia phân phối bán lẻ các loại ô tô, cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa và phụ tùng thay thế theo pháp luật Việt Nam.

Tan Chong là một trong những tập đoàn ô tô lớn nhất tại Malaysia, hiện sở hữu mạng lưới kinh doanh tại 16 quốc gia, trong đó, thị trường Đông Nam Á đặc biệt được chú trọng, bao gồm 8 quốc gia: Malaysia, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia, Myanmar, Indonesia và Việt Nam.

- Trung Quốc mua cua ghẹ Việt Nam nhiều nhất

Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Canada và Anh đang là 5 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cua ghẹ và các loại giáp xác khác của Việt Nam.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan ngày 10.5 cho biết trị giá xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam trong tháng 3.2024 đạt hơn 18 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước. Tính lũy kế 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 52 triệu USD, tăng 75% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý trong quý này, xuất khẩu cua ghẹ và giáp xác khác sang Trung Quốc-Hồng Kông tăng phi mã 395% so với cùng kỳ năm 2023. Với tốc độ tăng trưởng này, Trung Quốc-Hồng Kông đang vượt lên dẫn đầu về nhập khẩu nhóm sản phẩm nói trên từ Việt Nam.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 11/5: Giá vàng tăng dựng đứng, vượt 92 triệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO