- Giá vàng hôm 10/12: Giá vàng thế giới tiếp đà phục hồi
Giá vàng thế giới rạng sáng 10/12 tiếp đà phục hồi với giá vàng giao ngay tăng 8,3 USD lên mức 1.797,9 USD/ounce. Vàng tương lai tháng 2 giao dịch lần cuối ở mức 1.810,7 USD/ ounce, tăng 9,2 USD so với rạng sáng ngày trước đó.
Giá vàng thế giới trong phiên giao dịch cuối của tuần vẫn giữ được đà phục hồi bất chấp dữ liệu mới công bố cho thấy áp lực lạm phát tăng cao hơn dự kiến trong tháng 11. Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ 6, chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này đã tăng 0,3% trong tháng trước, tăng so với mức dự báo của các nhà kinh tế là 0,2%.
Vàng đang đứng vững ngay cả khi đồng USD tăng cao hơn trong phản ứng ban đầu với dữ liệu lạm phát mới nhất. Một số nhà phân tích đã nói rằng mặc dù áp lực lạm phát gia tăng có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải duy trì lập trường chính sách tiền tệ tích cực của mình, nhưng nền kinh tế đang tiến gần đến điểm giới hạn. Họ lưu ý rằng chính sách tiền tệ của Fed có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái, điều này sẽ có lợi cho vàng.
Trước giờ mở cửa phiên giao dịch sáng 10/12, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 66,30 - 67,10 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.
Vàng Doji niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,15 - 67,00 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào. Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,3- 67 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp giao dịch ở mức 66,32 - 66,99 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá 2 chiều 52,93 - 53,78 triệu đồng/lượng.
- Loạt công ty liên quan Shark Thủy nợ bảo hiểm hàng chục tỷ đồng
Nhiều công ty liên quan đến ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) đang nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của nhân viên tới hàng chục tỷ đồng.
Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội vừa công khai danh sách các doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) 6 đến 24 tháng trên địa bàn. Trong đó, loạt công ty liên quan đến ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) đang nợ bảo hiểm các loại tới hàng chục tỷ đồng.
Đơn cử, Công ty CP phát triển giáo dục Igarten có 732 lao động đang nợ bảo hiểm 16 tháng với số tiền hơn 14,3 tỷ đồng; Công ty CP Giáo dục Tư duy và Sáng tạo CMS là công ty liên kết với Apax Holdings cũng nợ đóng gần 7 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty CP đầu tư và phân phối Egame, Công ty CP tập đoàn đầu tư Ecapital, Công ty Cổ phần Apax Global do ông Thủy làm người đại diện pháp luật cũng nợ bảo hiểm 8-21 tháng với tổng số tiền hơn 4,6 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 16/11, Cục Thuế TP Hà Nội cũng đã ra 17 quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Apax Holdings tại 9 ngân hàng và các chi nhánh với tổng số tiền hơn 5,62 tỷ đồng.
- 1 tháng nhập khẩu kỷ lục gần 23.000 ô tô
Theo thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan, trong tháng 11, cả nước nhập khẩu tới 22.736 ô tô nguyên chiếc, tổng kim ngạch 468 triệu USD, tăng 58,8% về lượng và tăng 46,7% về kim ngạch so với tháng 10/2022.
Lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong tháng 11 là con số kỷ lục từ trước đến nay. Đây cũng là tháng đầu tiên có lượng xe nhập khẩu đạt từ 20.000 chiếc trở lên.
Tính chung 11 tháng cả nước nhập khẩu 151.590 ô tô nguyên chiếc, tổng kim ngạch đạt 3,4 tỷ USD, tăng 4,7% về lượng và tăng 5,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả nhập khẩu trong 11 tháng qua gần bằng con số kỷ lục của cả năm ngoái (năm 2021 cả nước nhập khẩu gần 160.000 xe, tổng kim ngạch 3,65 tỷ USD).
Về thị trường nhập khẩu, Indonesia đã vượt Thái Lan trở thành nhà cung cấp ô tô lớn nhất cho Việt Nam với 63.987 xe, kim ngạch 934,4 triệu USD.
Thái Lan vẫn dẫn đầu về kim ngạch với 61.101 xe, kim ngạch đạt 1,2 tỷ USD.
Trung Quốc đạt 16.240 xe, kim ngạch 670 triệu USD, tuy nhiên, dòng xe chủ yếu từ thị trường này là ô tô tải, ô tô chuyên dụng.
Với 141.328 xe, riêng 3 thị trường trên chiếm tới 93,23% lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu của cả nước.