Điểm tin kinh doanh 10/2: Ngược chiều thế giới, vàng trong nước đồng loạt mất giá

Việt Báo (Tổng hợp)| 10/02/2023 06:00

Ngược chiều thế giới, vàng trong nước đồng loạt mất giá; Kinh doanh chứng khoán, đầu tư thua lỗ, loạt ngân hàng vẫn lãi vượt 20.000 tỷ đồng

- Giá vàng hôm ngày 9/2: Ngược chiều thế giới, vàng trong nước đồng loạt mất giá

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 150.000 đồng/lượng ở chiều bán ra trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng ngày 9/2 giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 350.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, hiện niêm yết lần lượt ở mức 66,55 – 67,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 66,55 – 67,35 triệu đồng/lượng.

Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay giảm 130.000 đồng/lượng so với hôm qua, hiện đứng ở mức 54,09 – 54,94 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng nhẹ 3,1 USD lên 1.875,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng lên mức 1.878,8 USD/ounce.

Giá vàng tương lai giao tháng 4/2023 trên sàn Comex New York tăng 5,9 USD lên 1.890,7 USD/ounce.

Với mức giá khoảng 1.878,8 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 54,52 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 12,85 triệu đồng/lượng.

- Cổ phiếu lớn bị “đánh sập”, VN30-Index bốc hơi 1,25%

Loạt cổ phiếu blue-chips “bổ nhào” giảm giá cuối phiên khiến xu hướng điều chỉnh ngày càng rõ nét hơn. VCB, VHM, VJC, BID và nhiều mã khác chịu sức ép bán ra tăng vọt trong đợt ATC, đẩy những nhà đầu tư lỡ mua giá cao chịu cảnh lỗ nặng ngay trong phiên...

Loạt cổ phiếu blue-chips “bổ nhào” giảm giá cuối phiên khiến xu hướng điều chỉnh ngày càng rõ nét hơn. VCB, VHM, VJC, BID và nhiều mã khác chịu sức ép bán ra tăng vọt trong đợt ATC, đẩy những nhà đầu tư lỡ mua giá cao chịu cảnh lỗ nặng ngay trong phiên.

VN-Index kết phiên giảm 0,76% tương đương mất 8,19 điểm. VN30-Index giảm tới 1,25%, trong khi Midcap tăng nhẹ 0,04%, Smallcap tăng 0,47%. Chỉ riêng cơ cấu chỉ số này cũng cho thấy nhóm blue-chips đang rất yếu.

Khối ngoại chiều 9/2 bất ngờ bán ra tăng vọt. Cụ thể, khối này xả trên HoSE là 1.061,9 tỷ đồng trong khi mua vào 748,4 tỷ đồng. Do phiên chiều bán ròng, nên tính chung cả ngày vị thế của khối ngoại chỉ còn +11 tỷ đồng. STB đã bị xả, buổi sáng còn ghi nhận mức mua ròng 318,1 tỷ đồng thì hết phiên chỉ còn 282,1 tỷ đồng. Các mã bị bán đột biến là BCM -86,9 tỷ, VHM -60,7 tỷ, VNM -55,7 tỷ, VIC -38,3 tỷ, MSN -24,3 tỷ, DGC -20,1 tỷ.

- VinFast hợp tác với E.ON Drive phát triển hạ tầng sạc tại các cửa hàng VinFast ở châu Âu

VinFast và E.ON Drive, một trong những công ty dịch vụ công cộng cho di chuyển điện hóa châu Âu vừa cho hay sẽ hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng sạc tại mạng lưới cửa hàng và dịch vụ hậu mãi của VinFast tại các thị trường châu Âu.

Theo thỏa thuận, hai công ty sẽ hợp tác triển khai các điểm sạc nội bộ và trạm sạc công cộng trên toàn bộ hệ thống VinFast Store tại 3 nước Pháp, Đức và Hà Lan. Trong giai đoạn đầu, khoảng 200 cổng sạc AC và DC (150 kW) sẽ được lắp đặt, cung cấp dịch vụ sạc cho khách hàng VinFast.

E.ON Drive cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án cơ sở hạ tầng sạc của VinFast, từ việc lựa chọn phần cứng phù hợp cho trạm sạc AC và DC qua phân tích và lập kế hoạch kỹ thuật, đến lắp đặt và vận hành các điểm sạc.

VinFast hiện đã khai trương và đưa vào vận hành 13 cửa hàng tại Paris, Cologne, Berlin, Frankfurt, Munich, Oberhausen, Amsterdam, The Hague, Rotterdam. Đây là điểm khởi đầu cho hệ thống bán lẻ và dịch vụ sẽ được phát triển rộng khắp châu Âu. Đầu năm 2023, các trạm sạc đầu tiên tại VinFast Store ở Hà Lan đã được hoàn thành lắp đặt bởi Vandebron, một công ty thành viên của E.ON.

- Vừa báo lợi nhuận kỷ lục, Sabeco (SAB) muốn thâu tóm thêm 2 công ty

Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) vừa ban hành quyết định thông qua chủ trương triển khai đề xuất nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco Group) và Công ty Cổ phần Tập đoàn bao bì Sài Gòn (Saigon Packaging Group) phù hợp theo quy định của pháp luật.

Sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết, 2 công ty này sẽ trở thành công ty con của Sabeco.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022, Sabeco đạt doanh thu hơn 10.029 tỷ đồng trong quý này, tăng mạnh so với ba quý đầu năm, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, công ty lãi sau thuế 1.076 tỷ đồng trong quý này, giảm 23% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Sabeco đạt 35.235 tỷ đồng, tăng gần 33% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt gần 5.500 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của công ty từ trước đến nay.

- Kinh doanh chứng khoán, đầu tư thua lỗ, loạt ngân hàng vẫn lãi vượt 20.000 tỷ đồng

Theo thống kê, năm 2022, có tới 7 nhà băng ghi nhận lãi trước thuế vượt 20.000 tỷ đồng, trong đó có nhóm ngân hàng quốc doanh.

Vietcombank tiếp tục là "quán quân" ngành ngân hàng với lãi trước thuế cao nhất lịch sử, đạt gần 37.359 tỷ đồng, tăng gần 36% so với năm trước. Động lực chính thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng đến từ thu nhập lãi thuần tăng gần 11.000 tỷ đồng và giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng hơn 2.000 tỷ đồng.

2 ngân hàng quốc doanh khác là BIDV và VietinBank cũng có kết quả kinh doanh khả quan, đều hoàn thành kế hoạch đề ra. Trong đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VietinBank đạt hơn 21.113 tỷ đồng, cao hơn 20% so với năm 2021. BIDV đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 23.058 tỷ đồng.

Một cái tên khác trong nhóm Big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước) là Agribank. Tuy chưa công bố báo cáo tài chính quý 4 và cả năm 2022 nhưng theo tiết lộ của Phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Phượng, nhà băng này đã cơ bản hoàn thành kế hoạch được Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước giao năm 2022. Như vậy, ước tính lợi nhuận Agribank cũng vượt ngưỡng 20.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận của mỗi ngân hàng trong nhóm Big 4 năm 2022 đều tăng trưởng mạnh và xấp xỉ ngưỡng một tỷ USD. Trong "câu lạc bộ" tăng trưởng vượt 20.000 tỷ đồng, mức tăng trưởng mạnh nhất phải kể đến BIDV, với tỷ lệ lên tới 70%.

Còn ở nhóm ngân hàng tư nhân, Techcombank tiếp tục dẫn đầu với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 25.600 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Dù đứng thứ 2 toàn hệ thống, nhưng so với kế hoạch lợi nhuận 27.000 tỷ đồng đề ra hồi đầu năm, ngân hàng này mới thực hiện được gần 95%.

Đứng sau Techcombank, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của MB đạt 22.729 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2021.

VPBank là cái tên tiếp theo góp mặt trong danh sách lãi trên 20.000 tỷ đồng. Dù lợi nhuận quý 4/2022 giảm 47% so với cùng kỳ, song nhờ kết quả kinh doanh tích cực của những quý trước đó, VPBank vẫn lọt vào nhóm tăng trưởng mạnh nhất hệ thống với lợi nhuận lũy kế cả năm đạt 21.219 tỷ đồng, tăng 47,7% so với năm 2021.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 10/2: Ngược chiều thế giới, vàng trong nước đồng loạt mất giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO