- Apple phản đối tiêu chuẩn USB-C mà Ấn Độ yêu cầu
Trong khi tất cả các nhà sản xuất bao gồm Samsung đã đồng ý với kế hoạch của Ấn Độ thì Apple lại đang phản đối.
Apple đã nói với nhà chức trách Ấn Độ rằng mục tiêu sản xuất thiết bị của hãng sẽ bị ảnh hưởng nếu New Delhi tuân theo Liên minh châu Âu và yêu cầu các iPhone hiện tại phải có cổng sạc USB-C.
Ấn Độ muốn thực hiện quy định của Liên minh Châu Âu - yêu cầu điện thoại thông minh phải có cổng sạc USB-C phổ thông và đang đàm phán với các nhà sản xuất về việc đưa ra yêu cầu này ở Ấn Độ trước tháng 6 năm 2025. Trong khi tất cả các nhà sản xuất bao gồm Samsung đã đồng ý với kế hoạch của Ấn Độ thì Apple lại đang phản đối.
Apple cho hay nếu Ấn Độ tuân theo quy định của EU và yêu cầu những chiếc iPhone hiện có phải có cổng sạc USB-C thì điều đó có thể sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của hãng tại nước này.
Trong nhiều năm, Apple đã cung cấp cổng kết nối Lightning độc đáo trên iPhone. Tuy nhiên, EU ước tính một cổng sạc duy nhất chung cho tất cả các thiết bị sẽ tiết kiệm khoảng 271 triệu USD cho người tiêu dùng và Ấn Độ cho biết động thái này sẽ giảm rác thải điện tử và giúp ích cho người dùng.
Trong cuộc họp kín ngày 28/11 do Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ chủ trì, Apple đã đề nghị được miễn các quy định trên cho các mẫu iPhone hiện có, đồng thời cảnh báo rằng hãng sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng các mục tiêu sản xuất đặt ra theo chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) của Ấn Độ.
PLI là một dự án quan trọng của Thủ tướng Narendra Modi và cung cấp cho các nhà sản xuất điện tử ở Ấn Độ những ưu đãi tài chính để đầu tư mới và tăng doanh số bán điện thoại mỗi năm. Chương trình này đã được các nhà cung cấp của Apple như Foxconn sử dụng rộng rãi để mở rộng sản xuất iPhone trong nước.
Biên bản dẫn lời các giám đốc điều hành phụ trách tuân thủ sản phẩm và quy định của Apple cho biết nếu quy định được thực hiện trên các mẫu điện thoại di động cũ hơn, Apple sẽ không thể đáp ứng các mục tiêu PLI.
- Cảnh báo nạn dùng mã độc đánh cắp thông tin ngân hàng
Ngày 9/12, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Công an TPHCM cho biết, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng tội phạm dùng các loại mã độc đánh cắp thông tin, mã hóa dữ liệu của người dùng để chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là giả mạo các ứng dụng trực tuyến tăng cao vào dịp cuối năm 2023.
Phòng PA05 cho biết, các đối tượng sử dụng câu chuyện ngụy trang hợp lý để dẫn dụ nạn nhân cài đặt ứng dụng mã độc, như: giả danh công an khu vực yêu cầu đăng ký định danh mức 2 VneID; cập nhật thông tin bảo hiểm xã hội (BHXH) trên ứng dụng VSSID để được hưởng quyền lợi bảo hiểm lao động ở mức cao; giả mạo nhân viên ngân hàng đề nghị tạo tài khoản ngân hàng mới, mở thẻ tín dụng để được hưởng hạn mức ưu đãi.
Đặc biệt, các đối tượng đã lợi dụng lỗ hổng trên một số trang mạng điện tử có đuôi .gov.vn hay .com.vn để cài backlink dowload ứng dụng (app) làm nạn nhân tưởng nhầm đây là ứng dụng của các trang mạng chính thống của cơ quan Nhà nước. Vì thế, nhiều người dân yên tâm, chủ quan nên tải và cài đặt trên điện thoại (smart phone) hoặc máy tính của cá nhân, công ty mình.
Khi đó, mã độc lây nhiễm trên thiết bị, các đối tượng sẽ giám sát hoạt động của thiết bị. Khi nạn nhân mở ứng dụng trong danh sách mục tiêu, nó sẽ hiển thị giao diện đăng nhập giả mạo chèn lên giao diện thật để đánh lừa người dùng tương tác đăng nhập.
Khi đó, thông tin đăng nhập của người dùng vào ứng dụng Internet Banking sẽ được mã độc gửi về cho đối tượng. Với các dòng smartphone chạy hệ điều hành Android, mã độc có thể không cần người dùng cấp quyền truy cập danh bạ, camera, micro… điện thoại mà vẫn có thể can thiệp vào hệ thống điện thoại.
Các nguồn tin thân cận cho biết Apple không đưa ra đánh giá tác động đối với hoạt động sản xuất trong cuộc họp trên và Bộ Công nghệ Thông tin đã quyết định xem xét yêu cầu của hãng này và đưa ra quyết định sau đó.
- EU đạt thỏa thuận lịch sử về luật quản lý trí tuệ nhân tạo
Với thỏa thuận này, EU đang tiến gần hơn đến việc trở thành khu vực đầu tiên ban hành luật quản lý trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo hãng tin AP, các nhà đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) ngày 8/12 đã đạt được thỏa thuận về các quy tắc AI toàn diện đầu tiên trên thế giới, mở đường cho việc giám sát pháp lý đối với công nghệ được sử dụng trong các dịch vụ AI phổ biến như ChatGPT.
Các nhà đàm phán từ Nghị viện châu Âu và 27 nước thành viên đã thống nhất về những khác biệt, bao gồm AI tạo sinh và việc cảnh sát sử dụng giám sát nhận dạng khuôn mặt, để ký một thỏa thuận chính trị thăm dò cho Đạo luật Trí tuệ nhân tạo.
Ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp của EU Thierry Breton viết trên mạng xã hội X hôm 8/12: "Lịch sử! Với thỏa thuận chính trị về Đạo luật AI vừa được ký kết, EU trở thành lục địa đầu tiên đặt ra các quy tắc rõ ràng về việc sử dụng AI".
Kết quả đột phá trên được đưa ra sau các cuộc đàm phán kín trong tuần này, với phiên đầu tiên kéo dài 22 giờ trước khi vòng thứ hai bắt đầu vào sáng 8/12.
Với thỏa thuận này, EU đang tiến gần hơn đến việc trở thành khu vực đầu tiên ban hành luật quản lý trí tuệ nhân tạo (AI).
EU đã sớm dẫn đầu trong cuộc đua toàn cầu nhằm ngăn chặn các mối nguy hiểm của việc tạo ra những ứng dụng với trí thông minh cao có thể đe dọa loài người khi đề xuất luật quản lý AI vào năm 2021.
Tuy nhiên, sự bùng nổ gần đây của AI tạo sinh đã khiến các quan chức châu Âu phải vội vã cập nhật một đề xuất được coi là bản thiết kế chi tiết cho thế giới.
- Anh điều tra quan hệ đối tác giữa Microsoft và OpenAI
Cơ quan giám sát cạnh tranh và thị trường (CMA) của Anh đang điều tra mối quan hệ hợp tác giữa Tập đoàn công nghệ Microsoft và công ty khởi nghiệp phát triển trí tuệ nhân tạo OpenAI.
Theo thông báo ngày 8/12, CMA đang lấy ý kiến từ cả hai doanh nghiệp Mỹ này, cùng các bên thứ ba có liên quan. CMA nêu rõ mục đích của cuộc điều tra là nhằm xác định liệu mối quan hệ đối tác "bao gồm cả những phát triển gần đây" giữa Microsoft và OpenAI có "dẫn đến tình huống sáp nhập giữa hai bên hay không và nếu trường hợp này xảy ra, vụ sáp nhập có thể gây ảnh hưởng thế nào đối với sự cạnh tranh tại Anh".
Cuộc điều tra được tiến hành trong bối cảnh hồi cuối tháng trước, Microsoft thông báo rằng một đại diện của "người khổng lồ trong lĩnh vực phần mềm" này đã được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị mới của OpenAI với tư cách quan sát viên. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi nội bộ OpenAI rơi vào tình trạng hỗn loạn do hội đồng quản trị của công ty ở thời điểm đó đã sa thải Giám đốc điều hành (CEO) Sam Altman và rồi lại mời ông quay trở lại làm việc vì vấp phải làn sóng phản đối từ nhân viên và các nhà đầu tư.
Theo lập luận của CMA, các tiêu chí đáp ứng "tình huống sáp nhập có liên quan" có thể bao gồm "việc mua lại cổ phần thiểu số hoặc, trong một số trường hợp, là các thỏa thuận thương mại như thỏa thuận gia công phần mềm".
CMA cho rằng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại cả cơ hội và rủi ro cho khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, cũng như trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng. Cơ quan này đồng thời nhấn mạnh “sự cần thiết phải cạnh tranh bền vững” giữa những công ty tham gia lĩnh vực phát triển AI.
- Bùng nổ ứng dụng "khỏa thân hóa” phụ nữ trên mạng
Ứng dụng và trang web sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để loại bỏ quần áo nữ giới trong ảnh đang ngày càng phổ biến.
Theo công ty phân tích mạng xã hội Graphika, chỉ riêng tháng 9 vừa qua đã có 24 triệu người truy cập vào những trang web kể trên.
Graphika cho biết thêm nhiều ứng dụng và trang web trong số này sử dụng mạng xã hội để tiếp thị.
Chẳng hạn như, kể từ đầu năm 2023, lượng đường dẫn quảng bá cho ứng dụng "khỏa thân hóa" phụ nữ đã tăng hơn 2.400% trên các nền tảng xã hội, bao gồm X (trước đây là Twitter) và Reddit, Bloomberg đưa tin ngày 8-12.
Những dịch vụ này sử dụng AI để tái tạo lại ảnh chụp, khiến người trong ảnh gốc bị khỏa thân. Phần lớn nạn nhân là nữ.
Đây là một phần trong xu hướng đáng lo ngại về nội dung khiêu dâm không có sự đồng thuận đang được phát triển và phát tán do những tiến bộ của AI.
Sự phổ biến của xu hướng nêu trên làm dấy lên nhiều câu hỏi về pháp lý và đạo đức, nhất là khi ảnh được lấy từ mạng xã hội và phát tán mà không có sự đồng thuận, kiểm soát hoặc nhận thức của chủ thể.
Một trong những ứng dụng "khỏa thân hóa" đã trả tiền để được quảng cáo trên nền tảng YouTube của Google. Ứng dụng này xuất hiện đầu tiên khi người dùng tìm kiếm với cụm từ "khỏa thân".
Người phát ngôn của Google cho biết công ty không cho phép quảng cáo "chứa nội dung khiêu dâm". Người này nói thêm Google "đã xem xét những quảng cáo được đề cập và đang xóa những quảng cáo vi phạm chính sách của công ty".
X và Reddit chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Bloomberg.