Điểm tin kinh doanh 1/5: Giá vàng: Duy trì ở ngưỡng cao

Việt Báo (Tổng hợp)| 01/05/2024 06:00

Xuất khẩu rau quả đạt gần 2 tỉ đô la trong 4 tháng đầu năm 2024; Chứng khoán tháng 4 "kém vui", cổ phiếu công nghệ và bán lẻ vẫn "làm tốt"

gia-vang-hom-nay-26-4-1-1714095340-833-width1600height1066.jpg

- Giá vàng: Duy trì ở ngưỡng cao

Giá vàng chiều 30-4 ở thị trường trong nước tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao ngay cả trong kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5.

Cụ thể, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 83 - 85,2 triệu đồng/lượng, giữ nguyên mức giá so với phiên chốt hôm 29/4.

Vàng Doji Hà Nội niêm yết giá vàng ở mức 82,6 - 84,8 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 đứng nguyên ở mức 74,8 - 76,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với phiên trước đó.

Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 83 - 85,2 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn niêm yết ở mức 73,8 - 75,6 triệu đồng/lượng, giữ nguyên mức giá so với phiên chốt hôm 29/4.

Phú Quý SJC đang niêm yết vàng miếng SJC với giá 82,9 - 84,9 triệu đồng/lượng, giữ nguyên so với phiên hôm 29/4 ở cả hai chiều mua vào-bán ra.

Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Mạnh Hải giao dịch quanh mức 82,65 - 84,75 triệu đồng/lượng, giá mua không tăng, trong khi giá bán tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng chiều bán so với hôm 29/4.

Trong khi đó, giá vàng miếng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu được niêm yết giao dịch ở mức 82,95 - 84,80 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với hôm 29/4.

Giá vàng nhẫn SJC 9999 hiện giao dịch mua vào 73,8 triệu đồng/lượng, bán ra 75,5 triệu đồng/lượng.

Thời điểm trưa 30-4, giá vàng thế giới đang giao quanh mức 2.328 USD/ounce. Giá vàng tương lai của Mỹ tăng 0,4% ở mức 2.357 USD. Ở mức này của vàng thế giới, giá vàng SJC quy đổi đạt khoảng 72,66 triệu đồng/lượng. Như vậy, hiện giá vàng miếng trong nước cao hơn giá thế giới khoảng 12-13 triệu đồng/lượng.

- Xuất khẩu rau quả đạt gần 2 tỉ đô la trong 4 tháng đầu năm 2024

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng giá trị xuất khẩu rau quả trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 1,8 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu rau quả trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 1,8 tỉ đô la Mỹ. Trong ảnh là nhân công chế biến chuối xuất khẩu tại một hợp tác xã. Ảnh: HÙNG LÊ

Theo TTXVN, đây là lần đầu tiên xuất khẩu rau quả của Việt Nam vượt 1 tỉ đô la Mỹ trong những tháng đầu năm. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành rau quả đang được kỳ vọng lập lên kỷ lục xuất khẩu mới trong năm nay.

Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu đang dần có những quy định khắt khe hơn khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong cạnh tranh. TTXVN dẫn thông tin từ Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, để đảm bảo xuất khẩu hàng hóa sang các nước, các đơn vị cần đảm bảo chất lượng sản phẩm. Việc có hơn 80% sản phẩm trái cây xuất khẩu là hàng tươi cũng đang là điều bất lợi. Để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị, đòi hỏi ngành này phải đầu tư chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm thay vì chỉ bán hàng thô.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 5,6 tỉ đô la Mỹ là con số kỷ lục mà ngành rau quả đạt được trong năm vừa qua. Theo nhận định của các chuyên gia, cùng với việc xây dựng và quản lý tốt vùng trồng để tạo nên những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu bền vững và kiểm soát thu hoạch, việc cập nhật kịp thời những yêu cầu kỹ thuật từ nhà nhập khẩu sẽ giúp nông sản tiếp cận được vào các thị trường lớn, hướng đến đạt mục tiêu xuất khẩu 6-6,5 tỉ đô la rau quả trong năm nay.

- Xuất khẩu dệt may trong quý I/2024 đạt 9,5 tỷ USD

Xuất khẩu dệt may trong quý I/2024 đạt 9,5 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tất cả thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam đều tăng trưởng khá.

Thông tin từ Bộ Công Thương, xuất khẩu dệt may trong quý I/2024 đạt 9,5 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tất cả thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam đều tăng trưởng khá. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 3,42 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ; xuất khẩu sang EU đạt 855 triệu USD, tăng 3,2%; Nhật Bản vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt với kim ngạch 1 tỷ USD, tăng 10,1%.

Đáng chú ý, tính đến hết tháng 3/2024, nhiều DN dệt may đã có đơn hàng đến tháng 9/2024, thậm chí có DN đã nhận đơn hàng đến hết năm nay.

Hay như Công ty CP May KLW Việt Nam, tính đến hết quý I/2024, công ty đã xuất khẩu được trên 460.000 sản phẩm, giải quyết việc làm cho trên 600 lao động. Hiện, May KLW Việt Nam đang là đối tác tin cậy của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như: Hugo Bos, Puma, DKNY, Tommy Bahama… Ở thời điểm hiện tại, DN đã có đơn hàng đến quý III/2024.

145241_vna_potal_hai_phong_100_so_cua_hang_ban_le_xang_dau_tren_dia_ban_thanh_pho_phat_hanh_hoa_don_dien_tu_tung_lan_ban_stand.jpg

- Chứng khoán tháng 4 "kém vui", cổ phiếu công nghệ và bán lẻ vẫn "làm tốt"

Tháng 4, hầu hết các nhóm cổ phiếu và các nhóm ngành đều chịu áp lực điều chỉnh theo diễn biến thị trường chung. Tuy nhiên, trên thị trường có 3 nhóm ngành vẫn giữ được sắc xanh bao gồm: Du lịch, công nghệ thông tin và bán lẻ.

Chứng Khoán Nhất Việt (VFS) vừa có đánh giá tổng quan thị trường chứng khoán tháng 4. Theo VFS, điểm nhấn chính trong diễn biến của VN-Index trong một tháng vừa qua là nhịp sụt giảm mạnh từ vùng 1.270 điểm xuống vùng 1.180 điểm trước những rủi ro về vĩ mô như tỷ giá tăng mạnh, xung đột chính trị trên thế giới...

Diễn biến này đã hoàn toàn kết thúc xu hướng tăng ngắn hạn bắt đầu từ tháng 11/2023 những điểm tích cực là quy luật tăng điểm trung – dài hạn từ cuối năm 2022 vẫn chưa bị vi phạm. Hiện tại, VN-Index đang tạm thời nhận được sự hỗ trợ tại vùng 1.180 điểm, tương ứng với đường trung bình động SMA 120 phiên, và ghi nhận những diễn biến hồi phục kỹ thuật trong một tuần qua.

Theo ghi nhận của VFS, thanh khoản tháng 4 đạt khoảng gần 16 tỷ cổ phiếu, giảm nhẹ so với tháng 3 nhưng vẫn tương đương với trung bình 5 tháng gần nhất. Tương ứng giá trị giao dịch trung bình hằng ngày sụt giảm xuống khoảng 21 nghìn tỷ đồng/phiên từ mức đỉnh gần 27 nghìn tỷ đồng/phiên nhưng đây vẫn được coi là mức cao.

Thanh khoản tập trung vào những phiên giảm trong khi những phiên tăng điểm diễn ra với thanh khoản thấp cho thấy áp lực bán vẫn lớn và dòng tiền vẫn còn thận trọng theo chiều tăng giá, đặc biệt là trước kỳ nghỉ lễ dài. Diễn biến thanh khoản cũng củng cố cho kịch bản VN-Index vẫn chưa kết thúc nhịp điều chỉnh và chỉ đang hồi phục kỹ thuật.

Các chuyên gia từ VFS cho rằng, hầu hết các nhóm cổ phiếu và các nhóm ngành đều chịu áp lực điều chỉnh theo diễn biến thị trường chung. Nhóm cổ phiếu bất động sản, dịch vụ tài chính và xây dựng là 3 nhóm ngành có mức giảm mạnh nhất thị trường khi có mức giảm từ 9 - 10% trong tháng vừa qua. Nguyên nhân do đây là những nhóm ngành có độ tương quan mạnh với thị trường nên khi thị trường điều chỉnh đây cũng sẽ là những nhóm giảm điểm mạnh nhất.

Tuy nhiên, trên thị trường có 3 nhóm ngành vẫn giữ được sắc xanh bao gồm: Du lịch, công nghệ thông tin và bán lẻ.

Nhóm ngành du lịch tăng 11,3%, cổ phiếu đóng góp cho đà tăng của nhóm này là HVN.

Nhóm công nghệ thông tin tăng 7,88% với dẫn dắt là FPT trước thông tin Tập đoàn FPT công bố hợp tác chiến lược với đại gia công nghệ NVIDIA về thúc đẩy nghiên cứu trí tuệ nhân tạo.

Nhóm bán lẻ tăng 6,77% với đà dẫn dắt đến từ 2 cổ phiếu là FRT và MWG khi đây đều là những cổ phiếu có câu chuyện riêng, kết quả kinh doanh quý 1 tích cực và cho thấy còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.

"Trong bối cảnh diễn biến điều chỉnh chưa được xác nhận là đã kết thúc, nhà đầu tư vẫn nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp và theo dõi thêm diễn biến giá tại vùng 1.200 – 1.230 điểm để đánh giá khả năng tạo đáy của thị trường" - VFS lưu ý

Công ty chứng khoán cũng đưa ra hai hướng kịch bản cho thị trường chứng khoán tháng tới.

Với kịch bản 1, VN-Index tiếp tục chịu áp lực giảm điểm về vùng 1.100 – 1.130 điểm. Nhà đầu tư nên tiếp tục giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp và chờ đợi VN-Index cân bằng trở lại.

Với kịch bản 2, VN-Index hồi phục với sự hỗ trợ của dòng tiền, vượt lên khỏi cặp đường trung bình động SMA 10 và 20 phiên. Đây có thể là tín hiệu cho thấy áp lực điều chỉnh đã kết thúc và nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trở lại, tập trung vào nhóm các cổ phiếu khỏe hơn thị trường trong thời gian qua.

- Dragon Capital "gom" thêm 4,7 triệu cổ phiếu MWG

Sau khi mua thành công, nhóm Dragon Capital tăng tỷ lệ sở hữu tại MWG lên tới hơn 91,4 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 6,25%.

Theo báo cáo mới gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) từ Dragon Capital, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện giao dịch về thay đổi sở hữu cổ phiếu MWG của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động.

Theo đó, nhóm quỹ thuộc Dragon Capital đã mua tổng cộng 4,7 triệu cổ phiếu MWG. Trong số này, Venner Group Limited mua nhiều nhất với 1,2 triệu cổ phiếu, Amersham Industries Limited, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company, và Hanoi Investment Holdings Limited đều mua 1 triệu cổ phiếu, trong khi KB Vietnam Focus Balanced Fund mua 339.000 cổ phiếu và Norges Bank mua 120.000 cổ phiếu MWG.

Sau giao dịch này, nhóm cổ đông này đã tăng sở hữu đến ngày 25/4 lên hơn 91,4 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 6,25% của vốn cổ phần.

Trên thị trường, giá cổ phiếu MWG đã chốt phiên vào ngày 26/4 với mức giá là 54.900 đồng/cp, đồng nghĩa với việc tăng 14% so với mức giá cách đây một tuần và tăng 22% so với mức giá cách đây 3 tháng, gần kề mức đỉnh trong vòng 1 năm là 57.500 đồng/cổ phiếu được lập vào ngày 13/9/2023.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 1/5: Giá vàng: Duy trì ở ngưỡng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO