- Apple chuyển nguồn lực phát triển iPad sang Việt Nam
Apple đang phối hợp với BYD, nhà lắp ráp iPad chủ chốt tại Trung Quốc, để chuyển nguồn lực giới thiệu sản phẩm (NPI) sang Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên “Nhà Táo” chuyển NPI của một sản phẩm chủ chốt sang sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này.
NPI là quy trình sản xuất bao gồm từ khâu lên kế hoạch, phác thảo ý tưởng cho đến lắp ráp sản phẩm. Quy trình này yêu cầu nguồn lực từ cả doanh nghiệp công nghệ và đối tác cung ứng linh kiện, chẳng hạn như kỹ sư và đầu tư vào trang thiết bị nghiên cứu để thử nghiệm tính năng sản phẩm.
Hiện nay, hầu hết NPI của Apple đều được tiến hành tại Trung Quốc và Cupertino, nơi đặt trụ sở chính của gã khổng lồ iPhone. Năm ngoái, BYD cũng là đối tác đầu tiên của Apple chuyển dây chuyền lắp ráp iPad sang Việt Nam. Các nguồn tin của Nikkei cho hay, dây chuyền được chuyển giao dành cho sản xuất thử nghiệm mẫu iPad sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng Hai năm sau và có mặt trên thị trường vào nửa cuối năm 2024.
Dữ liệu ba quý năm 2023 của IDC cho thấy, Apple đang là công ty nắm giữ thị phần thị trường tablet lớn nhất, với 36,6%. Trong khi đó, theo Counterpoint Research, chỉ khoảng 10% lượng iPad được lắp ráp tại Việt Nam trong năm nay, phần lớn vẫn được sản xuất tại đại lục.
- Nhật Bản hỗ trợ 830 triệu USD cho doanh nghiệp phát triển chip
Hai hãng điện tử Nhật Bản là Toshiba và Rohm đã quyết định hợp tác trong dự án tăng cường sản xuất chất bán dẫn điện nhằm củng cố vị thế trong lĩnh vực linh kiện cho xe điện.
Phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn tờ Nikkei Asia ngày 7/12 cho biết hai hãng điện tử Nhật Bản là Toshiba và Rohm đã quyết định hợp tác trong dự án tăng cường sản xuất chất bán dẫn điện nhằm củng cố vị thế trong lĩnh vực linh kiện cho xe điện.
Theo đó, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản sẽ hỗ trợ 120 tỷ yen (830 triệu USD) trong tổng số 380 tỷ yên mà hai công ty dự định đầu tư cho dự án. Rohm và Toshiba sẽ điều hành việc sản xuất tại các nhà máy tương ứng của mỗi công ty tại Ishikawa và Miyazaki.
Thế mạnh của Rohm là sản xuất các chất bán dẫn điện tiên tiến được làm bằng cacbua silic, vật liệu mang lại hiệu suất chuyển đổi năng lượng cao. Trong khi Toshiba mạnh về các thiết bị silicon thông thường, cung cấp cho nhiều đối tượng khách hàng bao gồm các công ty đường sắt và điện lực. Vì vậy, việc hợp tác của hai công ty được dự đoán sẽ mang lại sức mạnh tổng hợp trong việc bán hàng, phát triển sản phẩm và sản xuất.
Hiện Rohm đang lên kế hoạch đầu tư 510 tỷ yen vào toàn bộ hoạt động kinh doanh cacbua silic trong vòng 7 năm cho đến năm tài chính 2027 và tăng doanh số bán thiết bị điện cacbua silic lên 270 tỷ yen vào năm đó, gấp 9 lần doanh số của năm tài chính 2022. Việc Toshiba xử lý các chất bán dẫn silicon thông thường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Rohm tập trung đầu tư vào các sản phẩm tiên tiến hơn.
Theo công ty chuyên phân tích và tư vấn toàn cầu Omdia, thị trường bán dẫn điện toàn cầu đạt 26,1 tỷ USD vào năm ngoái và nhu cầu từ các nhà sản xuất xe điện đang gia tăng đều đặn. Tesla của Mỹ đang sử dụng chất bán dẫn cacbua silic cho xe của hãng và các linh kiện này cũng ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong các trung tâm dữ liệu.
Hiện Toshiba nắm giữ 3,7% thị phần toàn cầu và Rohm 3,2%, lần lượt chiếm vị trí thứ bảy và thứ chín, trong khi đồng hương Mitsubishi Electric đứng thứ tư.
- Người dân có thể tự cập nhật bằng lái xe lên VNeID
Bộ Công an cho biết, tháng 12/2023, đơn vị này sẽ cố gắng để người dân được tự cập nhật các dữ liệu cá nhân liên quan như giấy phép lái xe lên VNeID và xác thực.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng về kết quả thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử tháng 11 và triển khai nhiệm vụ tháng 12/2023 của Bộ Công an, tính đến ngày 24/10 đã tích hợp thành công hơn 9,9 triệu hồ sơ giấy phép lái xe lên VneID.
Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT cùng Bộ Công an tiếp tục phối hợp xác thực, làm sạch hơn hàng triệu dữ liệu thông tin GPLX (trên tổng số 34,8 triệu bằng lái) dạng PET.
Bộ Công an phấn đấu tích hợp, đồng bộ dữ liệu giấy phép lái xe nhằm phục vụ nộp phạt vi phạm giao thông trên VNeID; nghiên cứu triển khai nộp phạt vi phạm giao thông thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông trên ứng dụng này (thông qua chức năng ví điện tử).
Trong tháng cuối năm, Bộ Công an tiếp tục đẩy mạnh cấp tài khoản định danh điện tử mức 2, phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ phát triển ít nhất 10 tiện ích trên VNeID. Đặc biệt, người dân sẽ được phép được tự cập nhật dữ liệu cá nhân (giấy phép lái xe...) lên ứng dụng này.
- Mạng xã hội X vẫn thu hút người dùng bất chấp doanh thu từ quảng cáo giảm
Giám đốc điều hành (CEO) của mạng xã hội X Linda Yaccarino cho biết, kể từ đầu tháng 12/2023 đến nay, mạng xã hội này đã có 10 triệu người đăng ký sử dụng.
Thông báo trên được bà Yaccarino đăng tải trên X vào ngày 7/12. Mặc dù vậy, X hiện chưa bình luận về con số này. Hồi tháng 7/2023, tỷ phú Elon Musk, chủ sở hữu công ty X, cho biết mạng xã hội của ông đã có tới 540 triệu người dùng hàng tháng. X đạt được dấu mốc mới trong bối cảnh mạng xã hội đang đứng trước nguy cơ đánh mất 75 triệu USD doanh thu từ hoạt động quảng cáo sau khi một loạt thương hiệu lớn, trong đó có Apple, Disney, Warner Bros Discovery, Comcast, Lions Gate Paramount Global và IBM, tạm ngừng chiến dịch quảng cáo trên nền tảng này.
Các hãng trên đưa ra quyết định sau khi ngày 16/11, tổ chức Media Matters -chuyên giám sát truyền thông tại Mỹ - công bố báo cáo chỉ ra quảng cáo của một loạt thương hiệu nổi tiếng ở Mỹ trên mạng xã hội X dường như hiển thị bên cạnh nội dung gây kích động và thù hận. Cuối tháng 11/2023, X đã khởi kiện tổ chức tổ chức Media Matters với cáo buộc hủy hoại danh tiếng của X.
Các nhà phân tích mới đây cho biết nhiều nhà quảng cáo có khả năng sẽ rời bỏ công ty truyền thông xã hội X của ông Musk sau khi tỷ phú này "phàn nàn" một số tên tuổi lớn nhất trong ngành truyền thông tại sự kiện New York Times DealBook vì đã rời bỏ nền tảng này.
Walt Disney và Warner Bros. Discovery đã đình chỉ quảng cáo trên mạng xã hội X vào đầu tháng 11/2023 sau khi ông Elon Musk bày tỏ sự ủng hộ quan điểm thiếu căn cứ liên quan tới người Do Thái của một người dùng.
- Meta bị kiện ở Mỹ với cáo buộc là 'mảnh đất màu mỡ cho những kẻ suy đồi'
Tiểu bang New Mexico của Mỹ đã cáo buộc Meta, công ty mẹ của Facebook, phục vụ người dùng chưa đủ tuổi, tạo không gian cho những kẻ suy đồi có mưu đồ xấu nhằm vào trẻ em.
Trong đơn kiện dân sự được đệ trình chống lại Meta và CEO Mark Zuckerberg vào thứ Tư vừa qua, Tổng chưởng lý của tiểu bang này cho biết họ đã thực hiện một cuộc điều tra bí mật về các nền tảng Facebook, Instagram và Messenger trong vài tháng.
Các nhà điều tra nhận thấy Meta đã thất bại trong việc loại bỏ tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em (CSAM) khỏi các nền tảng của mình. Hồ sơ vụ kiện nhấn mạnh Facebook và Instagram là “mảnh đất màu mỡ” để các đối tượng tiến hành hoạt động buôn người, phát tán hình ảnh và thực hiện một số hành vi lệch lạc nhắm vào trẻ em. Ngoài ra, trẻ em có thể dễ dàng khai không đúng độ tuổi để đủ điều kiện tạo tài khoản trên hai nền tảng này.
Vụ kiện xuất hiện trong bối cảnh các mối quan tâm của lưỡng đảng của Mỹ ngày càng tăng về sự an toàn của thanh thiếu niên và người dùng trẻ tuổi trên phương tiện truyền thông xã hội.
CEO Meta Zuckerberg dự kiến sẽ xuất hiện tại một phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ vào tháng 1 tới về chủ đề "An toàn Trẻ em trực tuyến", cùng với các CEO của nền tảng mạng xã hội khác như X, Snap và TikTok.