Điểm tin công nghệ 8/2: Người dùng Android Singapore không thể cài ứng dụng không rõ nguồn gốc

Việt Báo (Tổng hợp)| 08/02/2024 06:00

Sinh viên đại học bị Taylor Swift dọa kiện; YouTube ‘quay xe’, chuẩn bị ra ứng dụng cho Vision Pro

chplay-768x432.jpg

- Người dùng Android Singapore không thể cài ứng dụng không rõ nguồn gốc

Theo CNA, người dùng hệ điều hành Android tại Singapore sẽ tự động bị chặn cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc.

Đây là một phần trong chương trình thí điểm nhằm bảo vệ người dùng trước hành vi lừa đảo bằng phần mềm độc hại tốt hơn do Google hợp tác với Cơ quan An ninh mạng Singapore (CSA) phát triển.

“Singapore là quốc gia đầu tiên bắt đầu thí điểm tính năng này trên thiết bị Android theo từng giai đoạn trong vài tuần tới. Tính năng được xây dựng dựa trên nền tảng hệ thống bảo vệ Play Protect hiện có”, theo thông cáo báo chí từ Google.

Khi người dùng cố cài đặt một ứng dụng từ nguồn không rõ bên ngoài Play Store, tính năng bảo vệ mới sẽ tiến hành chặn tự động nếu phát hiện ứng dụng yêu cầu cấp quyền truy cập thời gian thực thường bị lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo tài chính.

Ở cập nhật Play Protect gần nhất, người dùng được khuyến nghị quét ứng dụng thời gian thực nhằm kiểm tra mã độc. Tính năng bảo vệ sau khi hoàn thành quét sẽ gửi thông báo.

Giám đốc phụ trách bảo mật Google Eugene Liderman cho biết tính năng bảo vệ nâng cao của Play Protect đã được triển khai đầy đủ tại Singapore vào tháng 11.2023, giúp xác định hơn 515.000 ứng dụng có khả năng gây hại, tiến hành chặn hoặc cảnh báo người dùng gần 3,1 triệu lần.

- JSR vướng vào cuộc tranh chấp bằng sáng chế

Một "cuộc chiến" bằng sáng chế trị giá hàng tỷ USD đã nổ ra về một công nghệ có thể thay đổi tương lai của ngành sản xuất chip, khiến Đại học Mỹ phải đối đầu với một công ty sắp thuộc sở hữu của một quỹ được Chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn.

Theo truyền thông đưa tin tập đoàn sản xuất vật liệu chip JSR của Nhật Bản đang có tranh chấp bằng sáng chế với trường đại học bang New York về công nghệ chip đột phá.

Theo một hồ sơ được đưa ra vào tuần trước, cơ sở nghiên cứu của trường đại học cáo buộc rằng Inpria, một công ty con của JSR Nhật Bản, đã bán các sản phẩm vật liệu chip dựa trên công nghệ do một trong các giáo sư của trường phát minh ra. Cơ sở này đã yêu cầu bồi thường thiệt hại lên tới 4,3 tỷ USD vì cáo buộc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

JSR là nhà cung cấp chất quang dẫn hàng đầu, hóa chất chuyên dụng dùng để in thiết kế mạch trên tấm bán dẫn chip, cho các nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, bao gồm Samsung Electronics, TSMC và Intel.

Trọng tâm của tranh chấp về sở hữu trí tuệ là công nghệ được thương mại hóa bởi Inpria, một công ty khởi nghiệp về vật liệu hóa học tách ra từ Đại học Bang Oregon mà JSR mua lại với giá 514 triệu USD vào năm 2021. Công ty này nổi tiếng với các chất quang dẫn chứa kim loại, được các nhà nghiên cứu coi là công cụ thay đổi cuộc chơi tiềm năng để phát triển các máy in thạch bản cực tím (EUV) cực kỳ tinh vi và tiết kiệm chi phí, rất quan trọng cho việc sản xuất chip cao cấp.

Các nhà phân tích tin rằng công nghệ mà Inpria đang phát triển là một lý do khiến Chính phủ Nhật Bản muốn ngăn chặn việc JSR rơi vào sở hữu nước ngoài.

Đơn khiếu nại gửi lên Tòa án quận ở New York khẳng định chất cản oxit kim loại ban đầu được phát minh bởi giáo sư cơ sở nghiên cứu Robert Brainard và nhóm của ông, đồng thời cáo buộc lnpria bán sản phẩm và nộp bằng sáng chế mới sử dụng IP của mình, trị giá từ 2,4 tỷ USD đến 4,3 tỷ USD, vi phạm hợp đồng được ký giữa quỹ và công ty con của JSR.

- Google kêu gọi thắt chặt quy định đối với các phần mềm gián điệp

Ngày 6/2, Google lên tiếng chỉ trích một loạt công ty phần mềm gián điệp mà hãng công nghệ này cho rằng đang cho phép sử dụng các công cụ tấn công mạng nguy hiểm để đánh cắp dữ liệu, đồng thời kêu gọi Mỹ cùng các đồng minh làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn tình trạng này.

Các công ty phần mềm gián điệp thường nói rằng sản phẩm của họ nhằm mục đích phục vụ an ninh quốc gia của chính phủ. Tuy nhiên, các phần mềm này nhiều lần bị phát hiện được sử dụng để đánh cắp dữ liệu từ điện thoại của người dùng trong thập niên qua. Công nghệ gián điệp ngày càng chịu sự giám sát chặt chẽ hơn kể từ khi phần mềm gián điệp Pegasus của công ty NSO (Israel) được tìm thấy trên điện thoại của nhiều người trên toàn cầu.

Theo báo cáo của Google, các nhà nghiên cứu cho rằng mặc dù NSO được biết đến nhiều hơn nhưng vẫn có hàng chục công ty nhỏ hơn đang phát triển công nghệ gián điệp cho mục đích sử dụng độc hại, cung cấp nhiều dịch vụ xâm nhập vào điện thoại và vượt qua các biện pháp bảo mật mới nhất mà Apple và Google áp dụng cho hệ điều hành iOS và Android của họ. Google liệt kê một số công ty như Cy4Gate, RCS Labs và Negg Group của Italy, công ty Intellexa của Hy Lạp và Variston của Tây Ban Nha.

Negg Group khẳng định công ty tập trung vào an ninh mạng nhưng Google cho rằng phần mềm của công ty này bị phát hiện đã được sử dụng để theo dõi người dân ở Italy, Malaysia và Kazakhstan. Google cũng cho rằng Variston đã tạo ra phần mềm lây nhiễm virus độc hại cho thiết bị người dùng thông qua các trình duyệt Google Chrome, Mozilla Firefox hoặc các ứng dụng trên iOS. Google kêu gọi cần có những quy định chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn việc phát triển các phần mềm gián điệp. Hiện các công ty này chưa đưa ra bình luận gì trước báo cáo của Google.

apple-vision-pro-vision-os.jpg

- Sinh viên đại học bị Taylor Swift dọa kiện

Một sinh viên Đại học Central Florida bị phía Taylor Swift gửi thư dọa kiện vì người này đã theo dõi các chuyến bay riêng của nữ ca sĩ và đăng lên mạng.

Ngày 6/2, Washington Post đưa tin luật sư của Taylor Swift đã gửi thư cho Jack Sweeney, sinh viên Đại học Central Florida (Mỹ), yêu cầu nam sinh này ngừng theo dõi các chuyến bay riêng của nữ ca sĩ và đăng tải thông tin lên mạng xã hội. Lá thư này đã được gửi từ tháng 12/2023.

Trong thư, phía Taylor Swift kêu gọi nam sinh "ngừng theo dõi và quấy rối" vì việc bị theo dõi đã khiến nữ ca sĩ phải sống trong tình trạng thường xuyên lo sợ cho sự an toàn của bản thân. Nếu sinh viên này vẫn tiếp tục theo dõi, luật sư sẽ có biện pháp pháp lý để chống lại hành vi này.

"Với bạn, đây có thể là một trò tiêu khiển, hoặc là cách mà bạn muốn để có được danh tiếng và sự giàu có, nhưng đó lại là vấn đề sinh tử đối với khách hàng của chúng tôi. Cô Swift đã xử lý những kẻ theo dõi và cả những cá nhân muốn làm hại cô ấy", luật sư của Taylor Swift viết trong thư.

Ngoài ra, luật sư cũng đề cập đến những tranh chấp của Sweeney và Elon Musk trong quá khứ. Trước khi theo dõi chuyến bay của Taylor Swift, nam sinh này cũng từng theo dõi hoạt động bay của CEO Tesla và đăng lên mạng xã hội. Mark Zuckerberg và Tom Cruise cũng từng là đối tượng theo dõi của Sweeney.

- YouTube ‘quay xe’, chuẩn bị ra ứng dụng cho Vision Pro

Không lâu sau khi tuyên bố chưa có ý định phát triển ứng dụng dành cho Vision Pro, giờ đây YouTube lại tiết lộ đã lên lịch trình xây dựng phiên bản này.

Hiện có hơn 600 ứng dụng dành riêng cho kính thực tế hỗn hợp Vision Pro của Apple, nhưng danh sách này không có tên YouTube. Vài tuần trước, nền tảng chia sẻ video trực tuyến của Google tuyên bố không có kế hoạch phát triển một ứng dụng như vậy.

Tuy nhiên, mọi thứ đã quay ngoắt 180 độ khi đại diện YouTube chia sẻ với The Verge rằng họ đang phát triển ứng dụng Vision Pro "theo lộ trình".

Thời gian cụ thể vẫn chưa được tiết lộ. Trước mắt, YouTube hỗ trợ Vision Pro qua trình duyệt Safari trên kính hỗn hợp của Apple.

“Chúng tôi không có bất kỳ kế hoạch cụ thể nào để chia sẻ vào thời điểm này, nhưng có thể xác nhận rằng ứng dụng Vision Pro nằm trong lộ trình của chúng tôi”, người phát ngôn của YouTube cho biết qua email.

Theo thông lệ, các công ty thường không bỏ qua cơ hội kinh doanh mỗi khi một sản phẩm mới xuất hiện, như cách YouTube tuyên bố vào tháng trước. Việc họ nhanh chóng đổi ý thì càng bất thường hơn.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 8/2: Người dùng Android Singapore không thể cài ứng dụng không rõ nguồn gốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO