- Thị trường 'khó nhằn' của Apple
Doanh số kính thực tế hỗn hợp trong quý I giảm đến 33% so với cùng kỳ năm ngoái do ít model mới. Đây là bối cảnh thị trường khó khăn khi Apple chính thức bán sản phẩm vào năm 2024.
Theo thống kê của hãng nghiên cứu Counterpoint Research, doanh số kính thực tế hỗn hợp (XR), bao gồm thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) trên toàn cầu trong quý I giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý do khiến thị trường kính thông minh quý I suy giảm đến từ lượng thiết bị ra mắt ít ỏi. Cụ thể, dòng sản phẩm dẫn đầu là Meta Quest không được nâng cấp trong 2 năm (Meta Quest 3 ra mắt vào ngày 1/6 tức quý II - PV).
Dù vậy, Karn Chauhan, nhà phân tích của Counterpoint Research, nhận định thị trường đã tránh khỏi nguy cơ suy giảm nghiêm trọng hơn. Lý do đến từ doanh số tốt của Sony PlayStation VR2, cũng như việc Meta giảm giá Quest 2.
Meta vẫn là thương hiệu kính XR bán chạy nhất. Tính đến hết quý I, dòng sản phẩm Meta Quest bán được tổng cộng 20 triệu thiết bị, trong đó Quest 2 chiếm khoảng 18 triệu chiếc.
Dù ra mắt từ lâu, Meta Quest 2 vẫn ghi nhận doanh số ổn định nhờ đợt giảm giá vào đầu năm. Với việc công bố bản nâng cấp Quest 3 trong quý II, doanh số kính XR của Meta được dự báo tiếp tục duy trì ổn định.
Tuy nhiên, thị phần kính XR của Meta trong quý I chỉ đạt 49%. Con số này kém hơn mức 77% cùng kỳ năm ngoái, cũng là tỷ lệ thấp nhất từ khi Quest 2 ra mắt vào quý IV/2020.
Theo Chauhan, lý do khiến thị phần của Meta giảm mạnh đến từ sự xuất hiện của PlayStation VR2, mẫu kính VR dùng cho máy chơi game PlayStation 5.
Trong quý I, thị phần kính XR của Sony là 32%, doanh số PS VR2 cao hơn 1,2 lần so với bản tiền nhiệm sau 3 tháng lên kệ.
Pico và DPVR lần lượt xếp thứ 3, 4 với thị phần 7% và 6%. Pico được ByteDance, công ty mẹ của TikTok, mua lại vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, thất bại trong việc tạo ra thói quen sử dụng thực tế và thiếu nội dung chất lượng cao khiến doanh số quý I của Pico giảm đến 38%.
Với DPVR, doanh số của công ty chủ yếu đến từ những đối tác doanh nghiệp lâu năm, thường xuyên đặt hàng vài nghìn chiếc. Tuy nhiên, đơn hàng từ các công ty giáo dục bị chậm khiến doanh số quý I của DPVR giảm 40%.
Xếp thứ 5 trong danh sách là HTC với thị phần 1%, những thương hiệu khác có tổng thị phần trong quý I là 5%.
- Meta ra mắt ứng dụng Threads cạnh tranh với Twitter
Cuộc chiến giữa các mạng xã hội hàng đầu mới đây lại được 'hâm nóng' khi Meta cho ra mắt một ứng dụng mới mang tên Threads, được coi là 'đối thủ nặng ký' của Twitter.
Ông chủ Meta Mark Zuckerberg đã có bài đăng đầu tiên trên ứng dụng để chào mừng người dùng mới và cho biết chỉ trong 2 giờ đầu kể từ khi ra mắt, Threads đã ghi nhận 2 triệu lượt đăng ký tài khoản.
Theo một bài đăng trên blog của Meta, Threads có nhiều điểm tương đồng với Twitter khi cho phép đăng tải các bài viết ngắn tối đa 500 ký tự, có thể đính kèm đường link, hình ảnh và video kéo dài đến 5 phút.
Người dùng có thể tương tác với các bài đăng này qua việc bấm nút "like", đăng lại hoặc trả lời, song không thể nhắn tin trực tiếp với tài khoản khác.
Các tên tuổi lớn như Billboard, HBO, NPR và Netflix đã lập tức có tài khoản trên Threads chỉ vài phút sau khi ứng dụng được ra mắt, cũng như một số ngôi sao khác như Shakira hay Giám đốc vận hành (COO) Meta Sheryl Sandberg.
Theo hãng tin Reuters, ứng dụng Threads không hiển thị bất cứ quảng cáo nào. Giám đốc điều hành của công ty tiếp thị Influential Ryan Detert cho biết Meta đã tiếp cận nhiều influencer (người có tầm ảnh hưởng) trên mạng xã hội và khuyến khích họ đăng tải trên Threads ít nhất 2 lần/ngày như một cách thức thu hút thêm người dùng.
Tuy Threads là một ứng dụng độc lập nhưng người dùng có thể đăng nhập sử dụng thông tin trên Instagram của họ và theo dõi cùng một tài khoản, theo đó có thể khiến việc truy cập Threads tiện lợi hơn rất nhiều.
Việc liên kết giữa 2 ứng dụng cũng được đảm bảo về quyền riêng tư khi người dùng có thể tùy chọn việc công khai liên kết này. Instagram là dịch vụ mạng xã hội chia sẻ hình ảnh và video với 2 tỷ tài khoản hoạt động hằng tháng.
- Quân đội Mỹ thử nghiệm thành công mô hình AI thực hiện nhiệm vụ quân sự
Hãng Bloomberg ngày 5/7 đưa tin một nhóm chuyên gia quân đội Mỹ đã thành công trong thử nghiệm một mô hình ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thực hiện một nhiệm vụ quân sự.
Đại tá không quân Mỹ Matthew Strohmeyer cho biết đây là lần đầu tiên thử nghiệm một mô hình ngôn ngữ lớn để thực hiện một nhiệm vụ quân sự. Các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) được đào tạo dựa trên một lượng lớn dữ liệu internet nhằm giúp AI dự đoán và phản hồi giống như con người đối với yêu cầu của người dùng. Đây cũng là mô hình chính được sử dụng trong các chatbot “làm mưa làm gió” hiện nay như ChatGPT của OpenAI hay Bard của Google.
Theo Bloomberg, Bộ Quốc phòng Mỹ tiến hành thử nghiệm dựa trên 5 mô hình LLM, tập trung vào việc phát triển nền tảng tích hợp dữ liệu và kỹ thuật số trong quân đội. Đại tá Strohmeyer cho biết hiện nay việc yêu cầu cung cấp thông tin từ một bộ phận cụ thể trong lực lượng vũ trang có thể mất nhiều giờ hoặc nhiều ngày nếu nhân viên sử dụng điện thoại hay đến tận nơi tìm hiểu. Tuy nhiên, với một công cụ AI, công việc này có thể hoàn thành trong 10 phút.
Chia sẻ về cuộc thử nghiệm, Đại tá Strohmeyer cho biết thử nghiệm đã được tiến hành với các dữ liệu ở cấp độ mật và công nghệ này có thể được quân đội triển khai trong tương lai rất gần.
Đại tá Strohmeyer nêu rõ nhóm thử nghiệm của quân đội đã cung cấp cho các mô hình này những thông tin nghiệp vụ bí mật để trả lời các câu hỏi nhạy cảm. Mục đích lâu dài của việc luyện tập này là cập nhật hệ thống quân sự của Mỹ để có thể sử dụng dữ liệu được AI hỗ trợ trong việc ra quyết định cũng như các thiết bị cảm biến và hỏa lực.
Hiện tại, nhóm thử nghiệm sẽ yêu cầu các LLM lập kế hoạch ứng phó với một cuộc khủng hoảng toàn cầu đang leo thang, bắt đầu từ quy mô nhỏ và sau đó chuyển sang khu vực rộng lớn hơn như Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
- OpenAI nỗ lực ngăn chặn lừa đảo bằng AI
Tập đoàn OpenAI ngày 5/7 thông báo kế hoạch đầu tư vào các nguồn lực quan trọng và thành lập một nhóm nghiên cứu mới nhằm tìm cách đảm bảo công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hoạt động an toàn cho con người – thậm chí có thể áp dụng vào công nghệ tự giám sát.
Ông Ilya Sutskever, người đồng sáng lập OpenAI và trưởng bộ phận giám sát của OpenAI, ông Jan Leike nhận định: “Sức mạnh của siêu trí tuệ có thể dẫn đến sự suy giảm quyền lực, hoặc thậm chí là sự tuyệt chủng của loài người”, đồng thời dự đoán AI siêu thông minh - hệ thống có khả năng thông minh hơn con người - có thể xuất hiện trong thập kỷ này.
Hai nhà lãnh đạo tập đoàn cho biết hiện tại chưa có giải pháp để điều khiển hay kiểm soát AI siêu thông minh, do đó cần có những bước đột phá trong "nghiên cứu liên kết", tập trung vào việc đảm bảo AI vẫn mang lại lợi ích cho con người.
Trong 4 năm tới, OpenAI sẽ dành 20% sức mạnh tính toán được đảm bảo để giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, công ty đang thành lập một nhóm mới mang tên Superalignment, hoạt động với mục tiêu tạo ra một nghiên cứu căn chỉnh AI theo cấp độ con người, sau đó sẽ mở rộng thông qua một lượng lớn sức mạnh tính toán. Điều này đồng nghĩa với việc các hệ thống AI sẽ được đào tạo thông qua các phản hồi của con người, từ đó sẽ hỗ trợ đánh giá và thực hiện các nghiên cứu căn chỉnh thay cho mỗi cá nhân.
- Ấn Độ tham vọng sản xuất con chip đầu tiên vào cuối năm 2024
Với nỗ lực mở rộng chuỗi cung ứng công nghệ, Ấn Độ tiết lộ mong muốn sản xuất con chip nội địa đầu tiên trong vòng 18 tháng.
Bộ trưởng Công nghệ thông tin (CNTT) và điện tử Ấn Độ Ashwini Vaishnaw cho biết, công ty bán dẫn Micron Technology của Mỹ sẽ khởi công nhà máy lắp ráp và kiểm tra chip tại Gujarat vào tháng 8. Dự án của Micron Technology trị giá 2,75 tỷ USD, bao gồm cả tài trợ từ Chính phủ Ấn Độ.
Ông Vaishnaw cũng tiết lộ, bộ phận Sứ mệnh bán dẫn Ấn Độ (ISM) đang tích cực làm việc để thu hút hỗ trợ từ các đối tác cung ứng nguồn khác, bao gồm nhà cung ứng hóa học, khí đốt, thiết bị sản xuất, cùng các công ty quan tâm đến mở nhà máy sản xuất đĩa bán dẫn (silicon wafer).
Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, ông Vaishnaw khẳng định Ấn Độ là nước thiết lập một ngành công nghiệp mới nhanh nhất thế giới. “Tôi không chỉ nói về một công ty mới, đây là ngành công nghiệp hoàn toàn mới với cả nước”, ông chia sẻ. “18 tháng là thời hạn chúng tôi đặt mục tiêu nhà máy sản xuất sản phẩm đầu tiên – chính là ngày 24/12”.