Điểm tin công nghệ 7/4: Apple kêu gọi đảo ngược lệnh cấm nhập khẩu đồng hồ thông minh

Việt Báo (Tổng hợp)| 07/04/2024 06:00

Meta bắt đầu gắn nhãn nội dung video, âm thanh và hình ảnh do AI tạo ra; Tesla ra mắt taxi tự lái vào tháng 8/2024

iphone-16-pro-se-tro-nen-bat-bai-nho-dieu-gi-maxresdefault-1711330768-424-width1280height720.jpg

- Meta bắt đầu gắn nhãn nội dung video, âm thanh và hình ảnh do AI tạo ra

Gã khổng lồ Meta vào thứ Sáu (5 tháng 4) cho biết họ sẽ bắt đầu dán nhãn cho các phương tiện truyền thông do AI tạo ra từ tháng 5, trong bối cảnh mối rủi ro về công nghệ giả dạng deepfake đang gia tăng.

Công ty truyền thông xã hội này nói thêm rằng họ sẽ không còn xóa các hình ảnh và âm thanh bị thao túng mà không vi phạm các quy tắc của mình nữa, thay vào đó dựa vào việc ghi nhãn và ngữ cảnh hóa để không vi phạm quyền tự do ngôn luận.

Những thay đổi này được đưa ra như một phản ứng trước những lời chỉ trích từ ban giám sát của gã khổng lồ công nghệ, cơ quan xem xét độc lập các quyết định kiểm duyệt nội dung của Meta.

Hội đồng quản trị vào tháng 2 đã yêu cầu Meta khẩn trương xem xét lại cách tiếp cận của mình đối với các phương tiện truyền thông bị thao túng do những tiến bộ to lớn trong AI.

Cảnh báo của hội đồng được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về việc lạm dụng tràn lan các ứng dụng hỗ trợ trí tuệ nhân tạo để tạo thông tin sai lệch trên các nền tảng trong năm bầu cử quan trọng không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới.

Nhãn có tên "Được tạo bằng AI" mới của Meta sẽ xác định nội dung được tạo hoặc thay đổi bằng AI, bao gồm video, âm thanh và hình ảnh. Ngoài ra, nhãn nổi bật hơn sẽ được sử dụng cho nội dung được cho là có nguy cơ gây hiểu lầm cao cho công chúng.

- Ra mắt cẩm nang phòng chống tấn công mã hóa tống tiền trên mạng

Hiện nay đang xuất hiện hình thức tấn công mã hóa tống tiền (Ransomware) nhằm vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Trước thực trạng này, Cục An toàn thông tin đã xây dựng cẩm nang về một số biện pháp phòng chống, giảm thiểu rủi ro từ tấn công Ransomware cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia.

Trước thực trạng này, Cục An toàn thông tin đã xây dựng cẩm nang về một số biện pháp phòng chống, giảm thiểu rủi ro từ tấn công Ransomware cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia. Cẩm nang phòng chống, giảm thiểu rủi ro từ tấn công Ransomware là tài liệu hữu ích giúp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chủ động phòng tránh và bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng của đơn vị trước các nguy cơ tấn công mạng tiềm ẩn.

Các tổ chức, doanh nghiệp có thể tải cẩm nang tại địa chỉ: https://khonggianmang.vn. Bên cạnh một số chỉ dẫn về cách khôi phục hệ thống sau khi phát hiện bị tấn công Ransomware, cẩm nang cũng hướng dẫn cụ thể 9 biện pháp phòng chống, giảm thiểu rủi ro từ tấn công Ransomware cho các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu chung là bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia.

- Tesla ra mắt taxi tự lái vào tháng 8/2024

Ngày 5/4, tỷ phú Elon Musk cho biết hãng xe Tesla của ông sẽ cho ra mắt taxi tự lái (robotaxi) vào mùa Hè này. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh việc áp dụng phương tiện tự lái đang gặp phải những trở ngại về tốc độ vì lý do an toàn.

Ông chủ hãng sản xuất ô tô điện không cung cấp thông tin chi tiết về kế hoạch trên, song cho biết sự kiện ra mắt Tesla Robotaxi sẽ diễn ra vào ngày 8/8. Sau thông báo này trên mạng xã hội X, cổ phiếu của Tesla đã tăng hơn 3%.

Tỷ phú Musk từ lâu đã tự hào về những gì Tesla đang thực hiện trên hệ thống dành cho ô tô điện tự lái. Trong một bài đăng trên X vào tháng 3/2024, ông viết: “Những mẫu xe Tesla với FSD (tự lái hoàn toàn) sẽ siêu phàm đến mức trong tương lai sẽ có vẻ kỳ lạ khi con người lái ô tô!". Ông Musk cũng cho biết chủ sở hữu xe Tesla có FSD sẽ có thể sử dụng ô tô của họ như robotaxi.

Tuy nhiên, việc triển khai các phương tiện tự lái ở Mỹ vẫn đang đối mặt với nhiều thử thách và khó khăn do cả cơ quan quản lý và công chúng đều lo ngại về mức độ an toàn.

6522497_cover-nhung-tin-don-moi-nhat-ve-airpods-4-tinhte-tuanhtran.jpg

- Apple kêu gọi đảo ngược lệnh cấm nhập khẩu đồng hồ thông minh

Ngày 5/4, Apple đã kêu gọi tòa phúc thẩm liên bang Mỹ đảo ngược quyết định trước đó của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) về cấm nhập khẩu một số đồng hồ Apple, vốn đang vướng vào vụ tranh chấp bằng sáng chế với công ty công nghệ y tế Masimo.

Trong lập luận của mình, Apple nhấn mạnh rằng quyết định của ITC dựa trên "một loạt các phán quyết về bằng sáng chế có những khiếm khuyết lớn". Theo Apple, lệnh cấm không thể có hiệu lực vì một thiết bị đeo của Masimo được cấp bằng sáng chế "hoàn toàn chỉ là giả thuyết" khi hãng này nộp đơn khiếu nại ITC vào năm 2021. Tập đoàn công nghệ này cũng lập luận rằng các bằng sáng chế của Masimo không hợp lệ và khẳng định đồng hồ của Apple không vi phạm.

Công ty Masimo có trụ sở tại bang California đã khiếu nại ITC vào năm 2021, với cáo buộc Apple đánh cắp bí mật thương mại liên quan đến công nghệ đo nồng độ oxy trong máu và vi phạm bằng sáng chế của Masimo. Tháng 10/2023, ITC ghi nhận thiết bị cảm biến của Apple đo nồng độ oxy trong máu vi phạm bản quyền của Masimo, theo đó ITC quyết định cấm nhập khẩu các mẫu đồng hồ thông minh Series 9 và Ultra 2 có thiết bị cảm biến này. Lệnh cấm này dự kiến có hiệu lực từ ngày 26/12/2023. Tuy nhiên, Apple đã thuyết phục được tòa án Mỹ tạm dừng lệnh cấm một ngày sau đó (27/12/2023) trong thời gian tòa xem xét kháng cáo của Apple.

Đến ngày 17/1, tòa phúc thẩm liên bang Mỹ đã khôi phục lệnh cấm, khiến Apple phải loại bỏ tính năng đo nồng độ oxy trong máu khỏi những chiếc đồng hồ được bán trong thời gian kháng cáo, điều mà Apple cho biết có thể kéo dài ít nhất một năm.

- Các công ty AI dễ gặp kiện tụng vi phạm bản quyền

Sự nở rộ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), bao gồm các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT, mô hình tạo ảnh như DALL-E… đã làm dấy lên nhiều tranh cãi về vấn đề bản quyền.

Do dữ liệu đào tạo những mô hình này thường bao gồm cả nội dung có bản quyền như sách, bài viết trực tuyến...

Các công ty AI từng bị kiện vì vấn đề bản quyền. Cụ thể, vào năm ngoái, tờ New York Times đã cáo buộc OpenAI sử dụng những nội dung có bản quyền của tờ báo để đào tạo mô hình của mình mà không được phép. Tờ New York Times đưa ra bằng chứng cả ChatGPT (do OpenAI tạo ra) và Bing Chat (cấp phép GPT từ OpenAI) có khả năng sao chép gần như hoàn toàn một bài báo của New York Times nếu câu lệnh được đưa ra một cách khéo léo.

Phủ nhận cáo buộc, OpenAI phản hồi đó là một trục trặc ngoài ý muốn do tình trạng “nhiễu dữ liệu” chứ không phải cố ý sao chép. Tuy nhiên, phía New York Times phản bác, ngay cả khi đây là một sự vô ý, việc “rò rỉ” nội dung thông qua chatbot AI có thể khiến suy giảm lượng người tìm kiếm và đọc văn bản gốc ở tờ báo, làm tổn hại tới hoạt động kinh doanh.

Vụ việc này phần nào nêu lên những vấn đề hóc búa về vấn đề AI và bản quyền. Ngay cả khi các công ty không cố tình sao chép những nội dung có bản quyền, việc đào tạo các mô hình lớn về dữ liệu quét trên web vẫn có nguy cơ dính phải các nội dung đó. Khi AI sao chép đoạn trích của những nội dung có bản quyền, nguyên văn hoặc ở dạng diễn giải, nó có được tính là vi phạm bản quyền không? Pháp luật xử lý việc cung cấp nội dung có bản quyền một cách vô ý, nhưng có khả năng gây thiệt hại như thế nào?.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 7/4: Apple kêu gọi đảo ngược lệnh cấm nhập khẩu đồng hồ thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO