- Ứng dụng iPhone tại Trung Quốc phải có giấy phép của chính phủ
Apple bắt đầu yêu cầu tất cả các ứng dụng mới muốn phát hành trên App Store Trung Quốc phải cung cấp giấy phép của chính phủ.
Từ cuối tuần trước, Apple bắt đầu yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng nộp “hồ sơ nhà cung cấp nội dung Internet (ICP)” khi muốn niêm yết ứng dụng mới trên App Store Trung Quốc. Hồ sơ ICP là đăng ký bắt buộc để website hoạt động hợp pháp trong nước. Các đối thủ của Apple như Huawei, Tencent đã triển khai chương trình từ năm 2017.
Được công bố lần đầu vào tháng 8/2023, quy định mới của Trung Quốc buộc mọi nhà phát triển phải chứng minh họ có một công ty hoặc có liên kết với một công ty đăng ký ở đây. Đây là trở ngại lớn với doanh nghiệp nước ngoài.
Ngày 29/9, Thời báo Phố Wall đưa tin các lãnh đạo Apple đã gặp nhà chức trách Trung Quốc trong những tháng gần đây. Giới chức yêu cầu công ty Mỹ thực hiện nghiêm quy định quản lý ứng dụng, cấm các ứng dụng ngoại chưa được đăng ký. Thay đổi này nhằm giảm các trường hợp lừa đảo qua mạng, khiêu dâm và nội dung trái phép khác.
Bắc Kinh luôn siết chặt quản lý với các mạng xã hội phương Tây song ứng dụng của họ vẫn có thể truy cập qua chợ ứng dụng. Quy định mới sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp như X, WhatsApp, Facebook. Người dùng Trung Quốc hiện dùng VPN để vượt tường lửa và chính phủ muốn đóng lỗ hổng đó.
Hơn 1.000 ứng dụng ngoại chưa đăng ký trên App Store có thể bị xử lý. Chúng cần phải bị xóa bỏ để Apple tuân thủ quy định của Trung Quốc. Nó cũng sẽ phần nào tác động đến doanh thu của Apple vì họ đang cung cấp nhiều ứng dụng hơn so với đối thủ nội địa.
- Google, HP bắt đầu sản xuất máy tính ở Ấn Độ
Kế hoạch sản xuất này sẽ giúp cung cấp các thiết bị tính toán giá cả phải chăng cho các tổ chức giáo dục, trường học và cơ quan giáo dục tại Ấn Độ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái giáo dục kỹ thuật số trong nước.
Theo Devdiscourse, các thiết bị Chromebook đang được sản xuất tại Flex Facility gần Chennai, nơi HP đã sản xuất nhiều loại máy tính xách tay và máy tính để bàn kể từ tháng 8/2020.
Từ năm 2020 trở đi, HP đã mở cơ sở sản xuất này để tạo ra nhiều loại máy tính xách tay và máy tính để bàn. Hãng cũng theo sau các đối thủ như Samsung và Apple trong việc đáp ứng nhu cầu nội địa bằng cách sản xuất tại địa phương.
Người phát ngôn của HP cũng xác nhận hoạt động sản xuất Chromebook đã bắt đầu ở Ấn Độ. Những chiếc Chromebook mới có sẵn trực tuyến với mức giá từ 15.990 Rs (4,67 triệu đồng) cho mỗi chiếc.
- Giá cước Internet tại Việt Nam nằm trong nhóm rẻ nhất thế giới
Trong danh sách 20 quốc gia có giá cước Internet cố định rẻ nhất thế giới, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 12.
Theo báo cáo nghiên cứu về mức giá cước sử dụng dịch vụ mạng Internet tại 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới của Cable.co.uk, công ty chuyên tư vấn và so sánh các dịch vụ truyền hình cáp, Internet và viễn thông có trụ sở tại Lichfield (Anh), Sudan là quốc gia có giá cước Internet trung bình rẻ nhất thế giới, chỉ 2,3 USD cho một tháng sử dụng Internet.
Xếp thứ 2 trong danh sách này là Kazakhstan, với mức giá cước internet trung bình 5,11 USD/tháng.
Các vị trí tiếp theo nằm trong top 5 quốc gia có giá cước Internet cố định rẻ nhất thế giới bao gồm Moldova (giá cước trung bình 7,03 USD/tháng), Belarus (7,34 USD/tháng) và Romania (7,57 USD).
Việt Nam xếp thứ 4 tại khu vực châu Á, thứ 12 trên thế giới và số một tính riêng tại khu vực Đông Nam Á về giá cước Internet rẻ nhất. Người dùng tại Việt Nam sẽ phải chi ra trung bình 10,99 USD (tương đương 260.000 đồng) cho một tháng sử dụng Internet.
- Dùng Facebook không quảng cáo sẽ mất phí
Meta đề xuất thu phí người dùng trong khu vực để không bị quảng cáo làm phiền khi sử dụng Facebook, Instagram.
Cụ thể: Theo đề xuất trình lên nhà chức trách châu Âu, Meta sẽ tính phí người dùng trên máy tính là 10,46 USD/tháng cho tài khoản chính và 6,28 USD cho những tài khoản liên kết.
Mức phí dành cho mỗi tài khoản trên thiết bị di động sẽ tăng lên 13,61 USD, do Meta phải trả phí hoa hồng cho 2 cửa hàng ứng dụng của Apple và Google. Lựa chọn trả phí có thể sẽ áp dụng vào tháng tới.
Theo đó, người dùng có thể lựa chọn giữa tiếp tục dùng Facebook, Instagram không quảng cáo cá nhân hóa hoặc trả tiền để sử dụng dịch vụ mà không có bất kỳ quảng cáo nào, theo nguồn tin của WSJ.
Thu phí đánh dấu bước ngoặt lớn với Meta. Trước đó, CEO Mark Zuckerberg luôn nhấn mạnh dịch vụ của hãng luôn miễn phí và được quảng cáo hỗ trợ để có sẵn với tất cả mọi đối tượng thu nhập. Tại một hội thảo năm 2018, ông khẳng định: “Bạn không cần hàng nghìn USD để kết nối với những người sử dụng dịch vụ của chúng tôi”.
Người dùng các khu vực khác có thể chưa có tùy chọn này vì đề xuất của Meta chủ yếu là một cách để thoát khỏi yêu cầu của nhà chức trách EU trước khi thu thập dữ liệu phục vụ quảng cáo cá nhân hóa.
- Hàng tỷ điện thoại thông minh có nguy cơ bị tấn công qua... bộ não của thiết bị - chip Qualcomm
Qualcomm mới đây đã tiết lộ 4 lỗ hổng zero-day trong chip sử dụng cho hàng tỷ điện thoại thông minh và các thiết bị khác trên khắp thế giới. Các lỗ hổng đã bị khai thác trong một số cuộc tấn công có mục tiêu, cho phép hacker chiếm quyền kiểm soát các thiết bị hoặc đánh cắp dữ liệu nhạy cảm.
Qualcomm cho biết: “Có thông tin từ Google Threat Analysis Group và Google Project Zero rằng CVE-2023-33106, CVE-2023-33107, CVE-2022-22071 và CVE-2023-33063 có thể đang bị khai thác nhắm vào mục tiêu cụ thể”.
Qualcomm đã phát hành các bản vá cho các lỗ hổng và kêu gọi các nhà sản xuất thiết bị (OEMs) cập nhật sớm nhất có thể. Tuy nhiên, cho đến khi các bản vá được triển khai rộng rãi, người dùng các thiết bị ảnh hưởng bởi lỗ hổng vẫn sẽ đối diện nguy cơ tấn công.