- Người dùng sắp có thể gửi và nhận iMessage trên máy tính
iMessage, tính năng nhắn tin độc quyền trên điện thoại của Apple sắp được Microsoft tích hợp vào ứng dụng Message của Windows 11.
Theo Insider, người dùng Apple sẽ sớm có thể gửi và nhận tin nhắn từ iMessage trên máy tính chạy hệ điều hành Windows. Ngoài nhắn tin, các chức năng khác như thực hiện và nhận cuộc gọi, xem thông báo cũng được tích hợp.
Cụ thể, số lượng nhỏ người dùng trong Windows Insiders — cộng đồng người dùng Windows được tiếp cận trước các tính năng mới và đóng góp ý kiến phản hồi — sẽ nhận bản thử nghiệm ứng dụng Phone Link cho iOS trên Windows 11 bắt đầu ngày 1/3, theo Microsoft cho biết trong một bài đăng trên blog.
Theo người phát ngôn Microsoft tiết lộ với Insider, Phone Link hỗ trợ thiết bị chạy iOS ghép nối iPhone và máy tính qua kết nối Bluetooth, đồng nghĩa người dùng có thể gửi và nhận tin nhắn iMessages mà không cần đến iPhone.
- Tây Ninh: Tỉnh đầu tiên của Việt Nam ra mắt mini app trên Zalo
Nhằm đơn giản hoá thao tác sử dụng, giúp người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận các tiện ích công do chính quyền cung cấp. Tỉnh Tây Ninh cho ra mắt phiên bản mini app “Tây Ninh Smart” ngay trên nền tảng công nghệ Zalo. Không cần phải tải, cài đặt từng ứng dụng riêng lẻ hay đăng ký tài khoản mới. Từ nay, tất cả các thông tin và tiện ích của “Tây Ninh Smart” sẽ được truy cập trực tiếp ngay trên Zalo.
Hiện phiên bản mini app “Tây Ninh Smart” trên Zalo đang cung cấp các tiện ích như: Nộp hồ sơ trực tuyến; Phản ánh hiện trường; Hỏi đáp trực tuyến; Đăng ký cửa hàng 4.0; Thanh toán học phí trực tuyến; Xem truyền hình: Radio trực tuyến; Cập nhật các tin tức tuyên truyền từ chính quyền địa phương…. Dự kiến, nhiều tiện ích sẽ được phát triển khi số lượng người dân quan tâm nhiều hơn.
Để sử dụng, ngay trên Zalo người dân chỉ cần tìm kiếm từ khóa "Tây Ninh Smart”, sau đó chọn mini app “Tây Ninh Smart” là có sử dụng các tiện ích.
- Apple chi thêm 1,1 tỷ USD mở rộng trung tâm thiết kế vi mạch tại Đức
Ngày 2/3, "gã khổng lồ" công nghệ Apple của Mỹ cho biết tập đoàn này sẽ chi thêm 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD) để mở rộng trung tâm thiết kế vi mạch (microchip) tại thành phố Munchen của Đức.
Apple cho biết khoản đầu tư trên sẽ được chi cho việc thành lập ba khu nghiên cứu và phát triển mới tại trung tâm Muchen hiện nay - nơi có khoảng 2.000 kỹ sư đang làm việc.
Số tiền đầu tư trên dự kiến được phân bổ trong vòng 6 năm tới và đây là khoản đầu tư mới nhất sau cam kết đầu tư 1 tỷ euro được đưa ra vào năm 2021 khi Apple đưa Munchen trở thành trụ sở "trung tâm thiết kế Silicon" của tập đoàn này.
Ông Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, cho biết các nhóm kỹ sư ở Munchen của hãng đang đi đầu trong việc phát triển các công nghệ mới cho các sản phẩm của "Trái táo cắn dở".
- Tấn công mạng gây ra sự cố tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2022
Để bảo đảm an toàn thông tin mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn tiếp tục tăng cường công tác giám sát, chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam trong tháng 3/2023.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tháng 2/2023 vừa qua, số địa chỉ IP nằm trong mạng botnet (mạng máy tính ma) là 382.606 địa chỉ, giảm 51,9% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số này đã giảm mạnh và giảm liên tục sau đợt triển khai chiến dịch bóc gỡ mã độc năm 2022.
Cũng trong tháng 2/2023, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 1.687 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 36,7% so với tháng 1/2023 và tăng 33,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng tăng chủ yếu là phishing (các trang web, đường dẫn lừa đảo được đối tượng xấu lập ra để thu thập thông tin dữ liệu của người dân).
- Dự án cấy chip vào não người của tỷ phú Elon Musk gặp trở ngại lớn
Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã bác đơn đăng ký thử nghiệm lâm sàng cấy chip vào não người của công ty Neuralink do tỷ phú Elon Musk sáng lập.
FDA đã đưa ra những lo ngại an toàn cần Neuralink phải xử lý trước khi đưa vào thử nghiệm trên người.
Một số nhân viên của Neuralink cho biết FDA đã chỉ ra hàng chục thiếu sót trong các đợt thử nghiệm trước đó để làm lý do bác bỏ đơn đăng ký từ hồi năm ngoái. Theo FDA, các sợi nhỏ liên kết chip với não của người có thể di chuyển, làm thay đổi chức năng não, gây viêm nhiễm, vỡ mạch máu và làm hỏng các mô. FDA cũng lo ngại não bị tổn thương trong quá trình gỡ bỏ thiết bị.
Tương tự như pin lithium cung cấp năng lượng cho xe điện Tesla, trong trường hợp bị đốt cháy hàng giờ ở nhiệt độ 1.600 độ C nếu bị tác động sai cách, pin lithium trong chip của Neuralink có thể gây tổn thương não. FDA muốn Neuralink chứng minh bằng các nghiên cứu trên động vật trước rằng loại pin này rất khó có khả năng bị hỏng hóc.
Để xử lý những lo ngại về an toàn mà FDA chỉ ra, tỷ phú Musk đã gấp rút tiến hành các thí nghiệm trên động vật. Tuy nhiên, hành vi này đã khiến Bộ Nông nghiệp để mắt tới và đang xem xét khả năng vi phạm Đạo luật Phúc lợi Động vật sau khi có báo cáo về hành vi ngược đãi động vật. Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang điều tra xem liệu Neuralink có tuân thủ đúng các quy trình an toàn khi xử lý các con chip lấy từ não động vật hay không.