Điểm tin công nghệ 4/2: Facebook đạt mốc hơn 2 tỷ lượt người dùng mỗi ngày

Việt Báo (Tổng hợp)| 04/02/2023 06:00

Bộ Công Thương yêu cầu giải trình việc phải nhập iPhone 14 kèm các sản phẩm khác; Vận hành siêu bot ChatGPT 'ngốn' bao nhiêu tiền mỗi ngày?

- Bộ Công Thương yêu cầu giải trình việc phải nhập iPhone 14 kèm các sản phẩm khác

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) yêu cầu các nhà bán lẻ của Apple tại Việt Nam giải trình việc phải nhập iPhone 14 Series kèm sản phẩm khác.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã gửi văn bản đề nghị các AAR (đại lý ủy quyền chính hãng của Apple tại Việt Nam) giải trình, xác minh việc phải nhập iPhone 14 Series kèm các sản phẩm khác.

Trong văn bản gửi đến các đại lý bán lẻ ủy quyền của Apple tại Việt Nam, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thông tin việc các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh về tình trạng Apple bán kèm sản phẩm.

Theo đó, cơ quan này ghi nhận việc các AAR để nhập được dòng iPhone 14 đã phải nhập kèm theo nhiều sản phẩm khác của Apple như MacBook, iPad, chuột, bàn phím, đồng hồ thông minh theo ràng buộc với nhà phân phối của hãng tại Việt Nam.

Nhằm xác minh thông tin này, Cục đề nghị các AAR tại Việt Nam phối hợp giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu làm rõ các nội dung liên quan.

- Vận hành siêu bot ChatGPT 'ngốn' bao nhiêu tiền mỗi ngày?

Theo Goldstein, một GPU NVIDIA A100 duy nhất có khả năng chạy mô hình 3 tỉ tham số trong khoảng 6ms. Với tốc độ này, một GPU NVIDIA A100 có thể mất 350 mili giây để tạo ra chỉ một từ trên ChatGPT. Với hơn 175 tỉ tham số, để có đưa ra câu trả lời ChatGPT sẽ cần ít nhất năm GPU A100 để tải mô hình và văn bản.

Trung bình, mỗi GPU A100 tốn khoảng 3 USD mỗi giờ sử dụng, đồng nghĩa với 0,0003 USD cho mỗi từ được tạo ra đối với ChatGPT. Trung bình, mỗi câu trả lời của AI này chứa 30-40 từ, tương đương 1 cent (0,01 USD). Với một đoạn hội thoại ngắn 5-10 câu trả lời mỗi ngày, số tiền sẽ là 0,05-0,1 USD. Nếu một triệu cuộc hội thoại diễn ra, mức phí là 50.000-100.000 USD, 3 triệu USD mỗi tháng. Đây có thể là mức tối thiểu, chưa tính đến các chi phí khác để phát triển và vận hành mô hình.

- Doanh nghiệp có nhiều lợi ích với dịch vụ bảo mật được quản lý

Kết quả của cuộc khảo sát tại Báo cáo Kinh tế Bảo mật CNTT mới nhất của Kaspersky cho thấy có 3 lợi ích mà MSSP (dịch vụ bảo mật được quản lý) mang đến cho các doanh nghiệp tại Đông Nam Á.

Lợi ích đầu tiên là đội ngũ CNTT làm được nhiều việc hơn với chi phí ít hơn. Các công ty Đông Nam Á coi trọng việc tiếp cận với kiến thức và nguồn lực sâu rộng từ các chuyên gia công nghệ an ninh mạng bên ngoài. Khoảng 55,8% trong số các công ty này cho biết MSSP cung cấp kiến thức chuyên môn đặc biệt, 54,7% đang giúp họ đáp ứng các yêu cầu tuân thủ và giảm rủi ro pháp lý, đồng thời 50,4% nhận ra rằng MSSP đang loại bỏ sự phức tạp khỏi các quy trình kinh doanh. Họ tin rằng việc hợp tác với MSSP là một cú hích cho nhóm CNTT nội bộ với tất cả các tài nguyên và kỹ năng mà đơn vị thứ ba mang đến.

Thứ hai là giảm chi phí. Đây là một trong những lợi ích lớn nhất của MSSP đối với 49,4% công ty trong khu vực. Việc duy trì một danh sách các chuyên gia an ninh mạng có chuyên môn cao trong nội bộ là rất tốn kém đối với mọi công ty thuộc mọi loại hình và quy mô. Sử dụng MSSP có thể giảm chi phí nhân sự và chi phí bảo mật CNTT ban đầu chẳng hạn như chi phí lớn cho nhân viên toàn thời gian, các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt cũng như đào tạo và nâng cao nhận thức của nhân viên.

Các doanh nghiệp hiện đang bắt đầu coi bảo mật là chi phí hoạt động, có tính đến chi phí khi xảy ra sự cố như cơ sở dữ liệu bị tấn công, thời gian ngừng hoạt động tốn kém, tổn thất của khách hàng và thiệt hại về uy tín có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận.

Lợi ích thứ 3 là khả năng mở rộng. Những người được phỏng vấn tại Đông Nam Á (48,5%) nhận thấy rằng làm việc với MSSP đang giúp tổ chức của họ trở nên linh hoạt trước những yêu cầu thay đổi. Họ có thể thêm tài nguyên theo từng bước hoặc chỉ trong một khoảng thời gian nhất định.

- Quảng cáo trên YouTube giảm, doanh thu công ty mẹ Google không đạt kỳ vọng

Đối mặt với bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc, các nhà quảng cáo ngày càng thắt chặt chi tiêu trên YouTube khiến doanh thu quý 4/2022 của Alphabet, công ty mẹ Google không đạt như kỳ vọng của giới đầu tư.

Trong kết quả kinh doanh quý 4/2022, doanh thu của Alphabet chỉ dừng lại ở mức 76,05 tỷ USD, thấp hơn mức dự đoán 76,53 tỷ USD của giới phân tích. Trong đó, doanh thu quảng cáo trên YouTube của công ty ở quý cuối cùng của năm 2022 ghi nhận 7,96 tỷ USD, giảm 8% so với mức 8,63 tỷ USD cùng kỳ năm trước đó.

- Facebook đạt mốc hơn 2 tỷ lượt người dùng mỗi ngày

Một nghiên cứu gần đây cho biết mạng xã hội Facebook với tuổi đời gần 20 vẫn đang tiếp tục phát triển với nhiều dự án mới và trên báo cáo mới nhất thì hoạt động quý 4 của Facebook nói riêng và của Meta nói chung, người ta tiết lộ rằng nền tảng này đã có thêm 16 triệu người đăng ký chỉ trong quý vừa qua.

Do đó, việc Facebook vượt mốc 2 tỷ lượt người dùng mỗi ngày là điều không có gì bất ngờ. Mặc dù đây là một con số ấn tượng nhưng đây không phải là công ty duy nhất thuộc Meta đạt được con số cao như vậy. Gần đây, số lượng người truy cập hằng ngày trên dịch vụ trò chuyện WhatsApp đã vượt qua con số 2 tỷ.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 4/2: Facebook đạt mốc hơn 2 tỷ lượt người dùng mỗi ngày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO