Điểm tin công nghệ 30/9: Doanh số iPad và MacBook giảm, Apple cắt bớt đơn đặt hàng chip 3 nanomet vào 2024

Việt Báo (Tổng hợp)| 30/09/2023 06:00

Cảnh báo ứng dụng YouTube giả mạo có thể chiếm quyền điều khiển điện thoại từ xa; Meta dùng dữ liệu người dùng Facebook, Instagram để dạy trí tuệ nhân tạo

49561-96981-macbook-air-ipad-pro-xl.jpg

- Doanh số iPad và MacBook giảm, Apple cắt bớt đơn đặt hàng chip 3 nanomet vào 2024

Ming-Chi Kuo cho biết nhu cầu về chip 3 nanomet của Apple sẽ thấp hơn dự kiến vào năm 2024.

Các chipset dựa trên quy trình sản xuất 3 nanomet vừa xuất hiện trên thị trường, trong đó Apple A17 Pro là sản phẩm đầu tiên. Tuy nhiên, nhà phân tích nổi tiếng Ming-Chi Kuo của hãng TF International Securities cho rằng nhu cầu về chip 3 nanomet có thể không mạnh trong năm 2024.

Apple dường như sẽ cắt giảm đơn đặt hàng chip 3 nanomet vào năm 2024, buộc ASML phải giảm lượng giao máy in thạch bản cực tím (EUV) khoảng 20 - 30%.

Theo Ming-Chi Kuo, nhu cầu về chip 3 nanomet của Apple sẽ thấp hơn dự kiến vào năm tới. Ông cho rằng điều này là do sự sụt giảm đáng kể về số lượng MacBook và iPad được bán ra vào năm 2023, giảm lần lượt khoảng 30% và 22% xuống còn 17 triệu và 48 triệu chiếc.

“Sự sụt giảm mạnh được cho là do nhu cầu làm việc tại nhà kết thúc và sự hấp dẫn của người dùng với các thông số kỹ thuật mới (Apple Silicon và Mini-LED) giảm dần. Hướng tới năm 2024, nhu cầu 3 nanomet của Apple bị ảnh hưởng tiêu cực do thiếu động lực tăng trưởng cho MacBook và iPad”, ông viết trên blog của mình.

Ming-Chi Kuo gợi ý rằng điều này có thể dẫn đến việc ASML, hãng cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới có trụ sở tại Hà Lan, giảm lượng vận chuyển thiết bị EUV vào năm 2024 khoảng 20 - 30%.

Ngoài ra, nhà phân tích của TF International Securities cho biết nhu cầu 3 nanomet của Qualcomm trong năm 2024 cũng sẽ thấp hơn dự kiến do Huawei quyết định ngừng sử dụng chip Qualcomm và tỷ lệ thâm nhập Exynos 2400 trên smartphone Samsung cao hơn dự kiến.

- Meta dùng dữ liệu người dùng Facebook, Instagram để dạy trí tuệ nhân tạo

Meta Platforms đã sử dụng các bài đăng công khai trên Facebook và Instagram để đào tạo trợ lý ảo Meta AI mới của mình.

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, Nick Clegg – Chủ tịch Các vấn đề toàn cầu Meta – cho biết công ty sử dụng các bài viết Facebook và Instagram công khai để đào tạo trợ lý ảo AI mới. Tập đoàn không dùng những đoạn chat cá nhân của người dùng và cũng áp dụng các biện pháp để lọc thông tin riêng tư khỏi bộ dữ liệu công khai.

“Chúng tôi đã cố gắng loại trừ các tập dữ liệu có nhiều thông tin cá nhân”, ông Clegg cho biết và nói thêm rằng, “phần lớn” dữ liệu được Meta sử dụng để đào tạo là công khai.

Bình luận được ông Clegg đưa ra giữa lúc các hãng công nghệ như Meta, OpenAI, Google đang bị chỉ trích vì sử dụng thông tin lấy từ Internet mà không được sự cho phép để đào tạo các mô hình AI.

Meta AI là sản phẩm quan trọng nhất trong số các công cụ AI hướng tới người tiêu dùng đầu tiên của Meta. Sự kiện năm nay của công ty công nghệ Mỹ chủ yếu thảo luận về trí tuệ nhân tạo, không giống như các hội nghị trước đây tập trung vào thực tế ảo và tăng cường.

- Cảnh báo ứng dụng YouTube giả mạo có thể chiếm quyền điều khiển điện thoại từ xa

Người dùng YouTube phải hết sức cẩn trọng khi tải xuống ứng dụng YouTube trên điện thoại. Mới đây, các chuyên gia công nghệ đã phát hiện ra ít nhất ba ứng dụng YouTube giả mạo chứa trojan (mã độc) có thể chiếm quyền điều khiển từ xa smartphone và lấy cắp dữ liệu của người dùng.

Các nhà nghiên cứu an ninh mạng từ SentinelLabs cho biết, họ đã tìm thấy một mối đe dọa có tên là Transparent Tribe (APT36) có khả năng sử dụng những trang mạng xã hội giả mạo để phán tán ứng dụng YouTube. Nhưng thực tế, ứng dụng này lại là phần mềm độc hại có tên CapraRAT.

Google cũng đã xác nhận rằng, ứng dụng độc hại nói trên không có trên CH Play chính thức. Trojan điều khiển từ xa này có thể đánh cắp tất cả các loại dữ liệu của người dùng như tin nhắn, nhật ký cuộc gọi, GPS... sau đó gửi đến máy chủ phát tán. Trojan cũng có thể chụp ảnh màn hình, ghi đè và sửa đổi các tập tin hệ thống của thiết bị.

2 trong số 3 ứng dụng giả mạo được đặt tên là YouTube, trong khi ứng dụng còn lại có tên là Piya Sharma - theo tên một MC nổi tiếng Ấn Độ. Tất cả các ứng dụng này đều yêu cầu rất nhiều quyền khi cài đặt. Dấu hiệu nhận biết là ứng dụng trông có vẻ giống trình duyệt web hơn là ứng dụng YouTube chính thức.

- TP.HCM khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động tuần lễ chuyển đổi số

Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 2023, TP.HCM sẽ tổ chức nhiều hoạt động trong Tuần lễ chuyển đổi số để khuyến khích người dân tham gia.

Ngày 29/9, Sở TT&TT TP.HCM đã tổ chức buổi họp báo hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 2023, chuỗi sự kiện và Tuần lễ chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, Tuần lễ chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 với chủ đề: “Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số”, sẽ bao gồm các chuỗi sự kiện được tổ chức kéo dài xuyên suốt trong tháng 10/2023.

Ông Võ Minh Thành, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết, tại các triển lãm này không chỉ có doanh nghiệp mà thành phố còn mở cửa cho tất cả người dân tham gia. Đồng thời, người dân khi tham quan tại triển lãm sẽ được cung cấp dịch vụ chữ ký số miễn phí từ các tổ chức, doanh nghiệp, tham gia các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt…

Đặc biệt, tại các sự kiện triển lãm ngày 17-18/10, TP.HCM cũng dành sẵn một khu riêng để trưng bày các sản phẩm chuyển đổi số của UBND TP.HCM cùng các Sở, ban, ngành như hệ thống dịch vụ công trực tuyến, bản đồ số TP.HCM, tổng đài 1022… để người dân có thể trải nghiệm và đánh giá.

- Giả mạo tin nhắn ngân hàng là chiêu thức lừa đảo phổ biến

Theo báo cáo của Kaspersky, một trong những chiêu thức lừa đảo phổ biến là giả mạo tin nhắn ngân hàng để phát tán phần mềm độc hại.

Số lượng mối đe dọa nhắm vào các doanh nghiệp tại Việt Nam được Kaspersky phát hiện và ngăn chặn đã có bước nhảy vọt so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tổng số lần phát hiện phần mềm độc hại vào nửa đầu năm 2022 là 1.240, trong khi năm 2023 là 25.194 vụ.

Tội phạm mạng đang cố gắng phát tán phần mềm độc hại và phần mềm không mong muốn khác tới thiết bị của nhân viên bằng việc sử dụng bất kỳ phương tiện cần thiết nào, chẳng hạn như khai thác lỗ hổng, email lừa đảo và tin nhắn văn bản giả mạo.

Một trong những chiêu thức lừa đảo phổ biến là giả mạo tin nhắn ngân hàng. Nạn nhân sẽ nhận được liên kết qua tin nhắn SMS, WhatsApp, Messenger hoặc một số ứng dụng nhắn tin khác. Nếu người dùng nhấp vào liên kết, mã độc sẽ được tải lên hệ thống.

Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á chia sẻ: “Doanh nghiệp vẫn là mục tiêu béo bở của tội phạm mạng khi khu vực này tạo ra 50% tổng GDP toàn cầu của Việt Nam và tạo thành xương sống cho nền kinh tế của đất nước.”

Tội phạm mạng nhắm vào các doanh nghiệp với đủ loại mối đe dọa từ phần mềm độc hại được ngụy trang dưới dạng phần mềm kinh doanh cho đến các trò lừa đảo tinh vi và lừa đảo qua email. Các doanh nghiệp cần phải luôn cảnh giác cao độ, vì một cuộc tấn công mạng có thể dẫn đến tổn thất nghiêm trọng về tài chính và danh tiếng cho một công ty.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 30/9: Doanh số iPad và MacBook giảm, Apple cắt bớt đơn đặt hàng chip 3 nanomet vào 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO