Điểm tin công nghệ 30/6: Apple tiến sát cột mốc lịch sử

Việt Báo (Tổng hợp)| 30/06/2023 06:00

'Cha đẻ' của AI cảnh báo mối nguy từ trí tuệ nhân tạo; Vẫn chưa khắc phục triệt để tình trạng SIM điện thoại không chính chủ

apple_rani-1-.jpg

- Apple tiến sát cột mốc lịch sử

Giá cổ phiếu của Apple đã leo lên mức kỷ lục, giúp doanh nghiệp này gần chạm ngưỡng vốn hóa thị trường 3.000 tỷ USD, cột mốc mà chưa có doanh nghiệp nào khác từng đạt được.

Cụ thể, cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone đã tăng 0,6%, đóng cửa phiên giao dịch ở mức 189,25 USD, đưa vốn hóa thị trường của Apple lên 2.980 tỷ USD, theo dữ liệu từ Refinitiv. Đây là phiên giao dịch thứ hai liên tiếp cổ phiếu của Apple kết phiên ở mức giá kỷ lục mới.

Apple chưa từng kết thúc một phiên giao dịch với vốn hóa thị trường trên 3.000 tỷ USD. "Táo khuyết" đã tạm thời vượt ngưỡng 3.000 tỷ USD trong giao dịch ngày 3/1/2022 trước khi đóng phiên ngay dưới ngưỡng đó.

Đà tăng trưởng mới nhất trong cổ phiếu của công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới này là kết quả từ sự hồi phục mạnh mẽ trong năm nay của nhóm doanh nghiệp công nghệ.

Giá cổ phiếu Apple đã tăng 46% trong năm 2023, trong khi Nvidia tăng 185%, trở thành công ty sản xuất chip đầu tiên có vốn hóa thị trường trên 1.000 tỷ USD. Cổ phiếu Tesla và Meta Platforms đã tăng giá gấp đôi trong năm nay. Con số này của Microsoft cũng là dương 40%.

Kỷ lục vốn hóa mới của Apple đã tới sau khi doanh nghiệp này ra mắt mẫu kính thực tế ảo Vision Pro vào 5/6. Đây được cho là sản phẩm rủi ro nhất của hãng kể từ sau iPhone cách đây hơn một thập kỷ.

Bên cạnh đó, báo cáo tài chính quý gần nhất của Apple công bố vào tháng 5 cho thấy cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm so với cùng kỳ, dù vẫn vượt kỳ vọng của các nhà phân tích. Bên cạnh lộ trình mua lại cổ phiếu vững chắc, những kết quả tài chính càng củng cố vị thế của Apple là kênh đầu tư an toàn trong giai đoạn kinh tế toàn cầu bất ổn.

Theo dữ liệu từ Refinitiv, đà tăng giá gần đây của cổ phiếu Apple đã vượt dự đoán từ các nhà phân tích về triển vọng doanh thu của doanh nghiệp. Cổ phiếu này đang có thị giá cao gấp 29 lần lợi nhuận dự kiến, mức cao nhất kể từ tháng 2/2022.

- 'Cha đẻ' của AI cảnh báo mối nguy từ trí tuệ nhân tạo

Một trong những nhà tiên phong phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mới đây đã hối thúc chính phủ các nước trên thế giới hành động để ngăn chặn viễn cảnh máy móc kiểm soát xã hội loài người.

Ngày 28/6, nhà khoa học Geoffrey Hinton tại Đại học Toronto đã có bài diễn thuyết tại Hội nghị công nghệ Collision diễn ra ở thành phố Toronto, Canada. Hội nghị quy tụ hơn 30.000 nhà sáng lập các công ty khởi nghiệp, nhà đầu tư và nhân viên làm việc trong lĩnh vực công nghệ, mong muốn học hỏi kinh nghiệm làm chủ làn sóng AI bùng nổ thời gian qua.

Trong bài diễn thuyết, ông Hinton cho rằng cần nghiêm túc đánh giá rủi ro của AI. Trước khi AI trở nên thông minh hơn con người, giới nghiên cứu và các nhà phát triển cần nỗ lực tìm hiểu về nguy cơ công nghệ này có thể tìm cách và giành quyền kiểm soát trong tương lai. Ông cảnh báo rằng những rủi ro của AI nên được xem xét một cách nghiêm túc bất chấp những người chỉ trích rằng ông đang thổi phồng vấn đề. Ông nêu rõ: "Tôi nghĩ điều quan trọng là mọi người phải hiểu rằng đây không phải là khoa học viễn tưởng... mà đó là một rủi ro thực sự mà chúng ta phải nghĩ đến và cần tìm ra cách ứng phó".

Ông Hinton cũng bày tỏ quan ngại việc AI làm gia tăng nguy cơ bất bình đẳng, khi phần lớn năng suất khổng lồ của AI sẽ mang lại lợi ích cho người giàu thay vì thành phần lao động. Ông cũng chỉ rõ mối nguy từ tin giả do các chatbot dựa trên AI như ứng dụng ChatGPT tạo ra.

Trước đó hồi tháng 5, Geoffrey Hinton, người được mệnh danh là “cha đẻ” của AI, tuyên bố từ chức tại tập đoàn công nghệ Google sau hơn một thập niên cống hiến. Chia sẻ với báo giới, ông cho biết quyết định rời Google để có thể tự do cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn của AI đối với con người.

- FPT được vinh danh Top doanh nghiệp phát triển bền vững 2023

Tại Lễ Công bố Top 50 Doanh nghiệp Phát triển bền vững tại Việt Nam (Top 50 CSA) 2023 do Tạp chí Nhịp cầu Đầu Tư tổ chức, FPT vinh dự nhận giải thưởng doanh nghiệp có hoạt động CSR nổi bật.

Những đơn vị nhận giải thưởng là đại diện tiêu biểu của doanh nghiệp thực hiện chiến lược phát triển bền vững, cam kết tăng trưởng xanh, và thể hiện giá trị trong việc thúc đẩy sự phát triển chung của cộng đồng.

Trong lễ trao giải năm nay, FPT nhận được đánh giá cao với các hoạt động trách nhiệm xã hội nổi bật, được xét duyệt bởi hội đồng thẩm định là lãnh đạo của các tổ chức kinh tế - tài chính như HSBC, Deloitte, PwC Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn ICED thuộc Đại học Quốc gia TP HCM… dựa trên các tiêu chí gồm: cải thiện chính sách lao động, môi trường làm việc đa dạng, công bằng và hòa nhập; các chính sách hướng đến bảo vệ môi trường; các hoạt động thiện nguyện, tình nguyện cải thiện các vấn đề tại địa phương…

Dựa trên chiến lược kinh doanh, FPT xây dựng định hướng và chiến lược phát triển bền vững đảm bảo sự hài hòa của ba yếu tố: phát triển kinh tế, hỗ trợ cộng đồng và bảo vệ môi trường. Đồng thời, khi xác lập các chương trình hành động, FPT cũng tham chiếu với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc và bộ tiêu chuẩn GRI Standards. Trong suốt hành trình 35 năm phát triển, FPT luôn chú trọng các hoạt động hỗ trợ cộng đồng với mong muốn chung tay mang đến những lợi ích tốt nhất cho các bên liên quan.

- Nhiều nội dung vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), một số dịch vụ và phương thức cung cấp nội dung mới phát sinh trên mạng như livestream phát tán thông tin nhanh, trong đó có thông tin tiêu cực nhưng yêu cầu gỡ bỏ lại mất thời gian.

Trong nửa đầu năm nay, tỷ lệ tin xấu, độc, sai sự thật được phát hiện và xác minh trên mạng xã hội được ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời ước đạt khoảng 93%, không đổi so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, từ 1-1-2023 đến 14-6-2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 2.468 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước; bôi nhọ các thương hiệu, cá nhân, tổ chức, đạt tỷ lệ 90%.

Ngoài ra, nền tảng này cũng gỡ bỏ 3 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; khóa 8 tài khoản thường xuyên đăng tải tin giả, thông tin xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước; gỡ 54 page quảng cáo, mua bán hóa đơn.

TikTok đã chặn, gỡ bỏ 407 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực, đạt tỷ lệ 92%; Trong đó có 145 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.

- Vẫn chưa khắc phục triệt để tình trạng SIM điện thoại không chính chủ

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), việc chưa khắc phục được triệt để tình trạng SIM điện thoại không chính chủ gây ảnh hưởng lớn đến xã hội và người dân.

Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 74.473 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 53% kế hoạch năm 2023.

Ngành viễn thông nộp ngân sách ước đạt 19.338 tỷ đồng, giảm 18,56% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 39,47% kế hoạch năm 2023.

Hiện số thuê bao băng rộng di động đạt 85,7 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 86,17 thuê bao/100 dân), tăng 5,67% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 95,2% kế hoạch năm 2023.

Dù lĩnh vực viễn thông có sự phát triển nhưng theo Bộ TT-TT, một trong những khó khăn hiện nay là chưa khắc phục được triệt để tình trạng SIM điện thoại không chính chủ, SIM chưa chuẩn hóa thông tin thuê bao ảnh hưởng lớn đến xã hội, người dân, khách hàng viễn thông.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 30/6: Apple tiến sát cột mốc lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO