- Doanh nghiệp Việt ‘hứng’ 60.000 cuộc tấn công mã độc tống tiền, nhiều gấp 80 lần Singapore
Doanh nghiệp Việt Nam là đích đến của gần 60.000 cuộc tấn công mã độc tống tiền trong số 290.000 vụ nhắm vào các doanh nghiệp Đông Nam Á, gấp 80 lần so với Singapore.
Kaspersky vừa công bố số liệu cho thấy, trong năm 2023, đã có gần 290.000 cuộc tấn công ransomware (mã độc tống tiền) nhắm vào các tổ chức trong khu vực Đông Nam Á.
Các chuyên gia của công ty an ninh mạng toàn cầu nhấn mạnh rằng các tổ chức, dù hoạt động theo bất kỳ loại hình hay quy mô nào, đều phải tăng cường khả năng bảo mật CNTT khi ransomware, đặc biệt là các loại mã độc nhắm vào mục tiêu cụ thể, đang tiếp tục trở thành các mối đe doạ nguy hại cho các tổ chức trong khu vực.
Số lượng các vụ tấn công ransomware nhắm vào các DN Đông Nam Á trong năm vừa qua được ghi nhận cao nhất ở Thái Lan, theo đó, đã có 109.315 sự cố bị phát hiện và ngăn chặn. Indonesia theo sát với 97.226 vụ và Việt Nam là 59.837 vụ. Trong khi đó, Philippines đứng thứ tư với 15.312 mã độc độc hại, theo sau là Malaysia với 4.982 vụ và Singapore với 741 vụ.
Theo đại diện Kaspersky khu vực Đông Nam Á, các doanh nghiệp trong khu vực cần tìm kiếm các công nghệ an ninh mạng cung cấp khả năng chống ransomware tuyệt đối được chứng nhận trong các bài thi của bên thứ ba, bởi vì không phải tất cả các giải pháp an ninh mạng nào cũng có hiệu quả như nhau.
- OpenAI bị kiện tại châu Âu
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Tổ chức bảo vệ dữ liệu châu Âu - Noyb, cùng với một công dân châu Âu bị ảnh hưởng, ngày 29/4 đã đệ đơn kiện OpenAI, nhà cung cấp dịch vụ hỏi đáp trực tuyến kết hợp trí tuệ nhân tạo ChatGPT, vì đã vi phạm Quy định bảo vệ dữ liệu chung của châu Âu (GDPR).
Tổ chức này, do nhà hoạt động bảo vệ dữ liệu Max Schrems người Áo đồng sáng lập, đã cáo buộc OpenAI cung cấp thông tin sai lệch về dữ liệu cá nhân của một “nhân vật của công chúng” giấu tên mà lại không cho phép chỉnh sửa hoặc xóa theo quy định.
Ông Schrems trước đó đã khiến Meta, công ty mẹ của mạng xã hội Facebook phải lao đao trong 2 vụ kiện và 2 lần lật ngược các thỏa thuận dữ liệu quan trọng giữa Mỹ và châu Âu trước Tòa án Công lý châu Âu.
Trong tranh chấp với OpenAI, Noyb cáo buộc công ty Mỹ này từ chối quyền của người dân ở châu Âu theo quy định trong GDPR. Trường hợp cụ thể được nêu trong vụ kiện nói trên liên quan đến ngày sinh không chính xác của một nhân vật nổi tiếng nhưng OpenAI lại không cho phép sửa dữ liệu.
Noyb còn cáo buộc OpenAI đã không phản hồi thỏa đáng yêu cầu cung cấp thông tin của người khiếu nại. Mặc dù quy định GDPR cho phép người dùng quyền yêu cầu cung cấp bản sao của tất cả dữ liệu cá nhân nhưng OpenAI không tiết lộ dữ liệu được xử lý, nguồn hoặc người nhận.
Luật sư Maartje de Graaf của Noyb cho biết nghĩa vụ tuân thủ yêu cầu cung cấp thông tin áp dụng cho tất cả các công ty và tất nhiên công ty nào cũng ghi lại dữ liệu được sử dụng để ít nhất có thể biết được nguồn thông tin.
Noyb đã kêu gọi Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Áo (DSB) điều tra các hoạt động xử lý dữ liệu của OpenAI. Tổ chức này đề nghị làm rõ về những biện pháp mà OpenAI đã thực hiện để đảm bảo tính chính xác của dữ liệu cá nhân, đồng thời đề nghị phạt tiền OpenAI để đảm bảo tuân thủ các quy định trong tương lai.
- Samsung chiếm chưa tới 1% thị phần điện thoại thông minh ở Trung Quốc
Tập đoàn Samsung giữ ngôi vị nhà sản xuất điện thoại thông minh số một thế giới nhưng chỉ chiếm 0,8% thị phần tại Trung Quốc từ 2018 đến nay.
Vài ngày trước, tập đoàn Samsung công bố điện thoại thông minh đầu tiên dành riêng cho thị trường Trung Quốc sau bảy năm - Galaxy C series. Chữ "C" là viết tắt của China (Trung Quốc).
Chosun Daily dẫn lời ông Roh Tae-moon, Chủ tịch kiêm Giám đốc kinh doanh trải nghiệm di động của Samsung Electronics, trong họp báo hồi tháng 7/2023: "Chúng tôi đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp, bao gồm cả việc thành lập một nhóm đổi mới tại Trung Quốc để cải thiện tình hình thị phần điện thoại thông minh lao dốc".
Sammyfans nhận định Galaxy C là nỗ lực của hãng điện thoại thông minh Hàn Quốc nhằm vượt lên mức thị phần chưa đến 1% suốt 6 năm qua. Galaxy C55 5G là biến thể của phiên bản điện thoại thông minh M55 mà hãng tại Ấn Độ nhưng có thiết kế khác biệt. Máy có mặt sau bằng da với hai màu cam và đen. Tuy nhiên, việc Samsung có thể thành công không vẫn là câu hỏi mở.
Báo cáo của Counterpoint Research ngày 24/4 cho thấy Samsung có 0% thị phần điện thoại thông minh tại Trung Quốc trong quý đầu tiên năm 2024. Thị trường tỷ dân đang được thống trị bởi Vivo (17,4%), Honor (16,1%), Apple (15,7%), Huawei (15,5%), Oppo (15,3%) và Xiaomi (14,6%).
- Sony Xperia 1 VI sẽ có giá đắt hơn cả iPhone 15 Pro Max
Sony đã xác nhận những chiếc điện thoại mang nhãn hiệu Xperia tiếp theo sẽ được giới thiệu vào ngày 17/5.
Ở thời điểm xác nhận, công ty Nhật Bản không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về các sản phẩm sẽ được ra mắt vào tháng tới. Mặc dù vậy, không khó để đoán rằng dòng sản phẩm sắp ra mắt của Sony rất có thể sẽ bao gồm các mẫu tiếp theo của dòng Xperia hiện tại từ công ty như Xperia 1 VI, Xperia 5 VI và Xperia 10 VI.
Mặc dù ở thời điểm hiện tại không có nhiều thông tin về những chiếc điện thoại sắp ra mắt của Sony nhưng một báo cáo từ Đài Loan cho thấy rằng ít nhất một trong những thiết bị này, cụ thể là Xperia 1 VI, sẽ có giá khá đắt.
Tuy giá có thể khác nhau tùy theo thị trường, nhưng khách hàng ở Đài Loan được cho là sẽ được cung cấp Xperia 1 VI với giá không dưới 1.225 USD (31 triệu đồng). Con số này cao hơn so với số tiền 1.199 USD (30,4 triệu đồng) mà Apple yêu cầu cho iPhone 15 Pro Max, chưa kể đây là mức giảm giá so với giá gốc dự kiến là 1.290 USD (32,69 triệu đồng).
Giá của Xperia 1 VI cũng tương đương với giá khởi điểm của Galaxy S24 Ultra hàng đầu từ Samsung, vốn có giá từ 1.299 USD. Vẫn còn phải xem liệu chiếc smartphone cao cấp sắp ra mắt của Sony có đủ hấp dẫn để thuyết phục khách hàng lựa chọn nó thay vì các lựa chọn thay thế khác từ các thương hiệu điện thoại lớn hơn hay không.
- 94 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử
Hiện có 94 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử, trong đó có nhiều "ông lớn" như: Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netfix, Apple...
Năm 2023, doanh thu quản lý thuế từ hoạt động thương mại điện tử đạt 3,5 triệu tỷ đồng (gần 146,28 tỷ USD), với số thuế đã nộp là 97.000 tỷ đồng. Cơ quan thuế siết quản lý trong lĩnh vực đầy tiềm năng này thông qua chia sẻ dữ liệu đắt giá từ cơ quan công an, ngân hàng hay sàn thương mại điện tử.
Cũng theo Tổng cục Thuế, hiện đã có 94 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử, trong đó có Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netfis, Apple...
"Số thuế đã nộp trong 4 tháng đầu năm 2024 là 2.998 tỷ đồng. Số đã nộp lũy kế từ khi triển khai là 14.572 tỷ đồng, trong đó, khai trực tiếp qua cổng là 11.744 tỷ đồng, kê khai nộp thay là 2.828 tỷ" - Tổng cục Thuế thông tin.