Điểm tin công nghệ 3/1: iPhone 15 được ưu tiên thời lượng pin hơn hiệu suất

Việt Báo (Tổng hợp)| 03/01/2023 06:00

iPhone 15 được ưu tiên thời lượng pin hơn hiệu suất; Viễn thông bão hòa, doanh nghiệp trông mong dịch vụ số

- iPhone 15 được ưu tiên thời lượng pin hơn hiệu suất: Quyết định đúng của Apple

Còn hơn 9 tháng nữa dòng iPhone 15 mới ra mắt nhưng đã có rất nhiều tin đồn về smartphone thế hệ tiếp theo của Apple, đặc biệt là chip A17 Bionic.

Bắt đầu xuất hiện các thông tin về chip A17 Bionic cho dòng iPhone 15. Một số nguồn cho biết chip này của Apple sẽ mang lại hiệu suất tốt hơn và ít ngốn pin hơn.

Theo trang 9to5 Mac, dòng iPhone 15 sẽ được tập trung nhiều vào việc cải thiện thời lượng pin hơn là hiệu suất xử lý.

Cụ thể là TSMC, nhà sản xuất chip chính cho Apple, đã chú trọng đến hiệu quả sử dụng năng lượng hơn là hiệu suất khi thảo luận về quy trình 3 nanomet dành cho dòng iPhone 15.

Apple đang sử dụng quy trình 4 nanomet của TSMC trong chip A16 Bionic cho iPhone 14 Pro nhưng có thể chuyển sang 3 nanomet ngay đầu năm 2023.

TSMC đã và đang dẫn đầu ngành sản xuất chip trong việc sử dụng các quy trình ngày càng tiên tiến. A17 Bionic cũng như chip M2 Pro trong các sản phẩm Mac sẽ được sản xuất theo quy trình 3 nanomet của TSMC.

Có khả năng iPhone 15 Pro và Ultra (Pro Max) sẽ được trang bị A17 Bionic, trong khi iPhone 15 và 15 Plus dùng A16 Bionic.

A17 Bionic (3 nanomet) sẽ nhanh hơn A16 Bionic (4 nanomet) đôi chút và ít hao pin hơn nhiều. Trang Bloomberg cho biết A17 Bionic sẽ tiêu thụ điện năng ít hơn 35% so với A15 Bionic (5 nanomet) và mang đến hiệu năng tốt hơn.

- Toan tính của Tim Cook tại Nhật Bản

Trong chuyến đi ngày 15/12, Tim Cook đã gặp mặt Thủ tướng Nhật Bản để tìm cách ngăn chặn những đạo luật chống độc quyền hà khắc tương tự EU.

CEO Tim Cook đã yêu cầu Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tăng cường bảo mật người dùng bằng cách siết chặt quy định phân phối ứng dụng trên iPhone. Thảo luận giữa hai bên đã diễn ra trong buổi gặp gỡ đối thoại vào tháng 12/2022, Nikkei đưa tin.

Ở thị trường châu Âu, Apple đã gặp khó khi chính phủ các nước yêu cầu iPhone cho phép tải các ứng dụng bên thứ 3 mà không cần thông qua App Store. Ngay sau đó, Tim Cook đã ghé thăm Nhật Bản để tìm cách ngăn những đạo luật tương tự diễn ra ở quốc gia châu Á. Theo Nikkei, đây là chuyến đi đến Nhật Bản đầu tiên của CEO Apple trong 3 năm trở lại đây.

Cook đã gặp Thủ tướng Fumio Kishida hôm 15/12, nhắc đến khoản đầu tư hơn 100 tỷ USD của Apple vào chuỗi cung ứng Nhật Bản trong suốt 5 năm qua. Vị CEO khẳng định tập đoàn công nghệ Mỹ sẽ tiếp tục đầu tư phát triển tại quốc gia này. Nói với báo giới, Cook cho biết Thủ tướng Nhật Bản rất hài lòng với mối quan hệ hợp tác giữa hai bên và khoản đầu tư khổng lồ của Apple.

- Viễn thông bão hòa, doanh nghiệp trông mong dịch vụ số

Thị trường viễn thông năm 2022 tăng trưởng chậm, các doanh nghiệp tìm kiếm dư địa phát triển mới từ dịch vụ công nghệ số.

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, năm 2022, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 138.000 tỷ đồng, chỉ tăng 1,6% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của ngành viễn thông năm 2022 ước đạt 44.500 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2021. Năm 2022, đóng góp của ngành viễn thông vào GDP ước đạt 76.452 tỷ đồng.

Còn theo nhận định của E&Y, thị trường di động Việt Nam có tính cạnh tranh cao, ngày càng trở nên bão hòa với tỷ lệ sử dụng SIM đạt 137% vào năm 2020. Cạnh tranh xoay quanh giá cả và mức giá cước thấp đã khiến ngành di động Việt Nam giảm khả năng sinh lời. Hơn nữa, sự phụ thuộc vào các dịch vụ trả trước gây áp lực mạnh lên doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU). Dịch vụ cơ bản như SMS, thoại giảm sút, chỉ còn đóng góp 60% vào doanh thu dịch vụ di động…

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng chung của thị trường chậm lại do có quá nhiều nhà khai thác, cạnh tranh giữa các nhà mạng ngày càng quyết liệt hơn khi thị phần di động Việt Nam đa số thuộc sở hữu của 3 nhà mạng lớn nhất gồm MobiFone, Viettel, VinaPhone chiếm trên 90%. Xu hướng tiêu dùng data bùng nổ cùng với sự phát triển công nghệ di động 4G/5G, tạo áp lực lớn lên các nhà mạng trong việc cân bằng giữa mục tiêu đầu tư phát triển vùng phủ sóng/gánh nặng đáp ứng nguồn vốn, tài chính với các mục tiêu tăng trưởng (doanh thu, lợi nhuận hàng năm).

Những con số từ các doanh nghiệp đầu đàn cũng cho thấy sự suy giảm của dịch vụ viễn thông truyền thống. Viettel, nhà mạng đang dẫn đầu về thị phần thuê bao di động với hơn 54%, kết thúc năm 2022 doanh thu hợp nhất (cả trong nước và nước ngoài) tăng trưởng 6,06%, nhưng doanh thu dịch vụ viễn thông trong nước chỉ tăng trưởng 3,8%.

Tại MobiFone, năm 2022 chỉ hoàn thành 94,43% kế hoạch năm. Trong kế hoạch năm 2023, MobiFone đặt mục tiêu tập trung đẩy mạnh kinh doanh data để bù đắp cho sự sụt giảm doanh thu các dịch vụ viễn thông di động.

Với VNPT, năm 2022, tổng doanh thu tập đoàn này chỉ tăng 2% so với năm 2021, đạt 97,5% kế hoạch.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 3/1: iPhone 15 được ưu tiên thời lượng pin hơn hiệu suất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO