Điểm tin công nghệ 29/3: Smartphone bán chạy nhất Trung Quốc không phải hàng nội địa

Việt Báo (Tổng hợp)| 29/03/2023 06:00

Bản cập nhật quan trọng dành cho iPhone đời cũ; Còn gần 2 triệu thuê bao di động chưa chuẩn hóa thông tin

- Smartphone bán chạy nhất Trung Quốc không phải hàng nội địa

iPhone 13 là mẫu smartphone bán chạy nhất năm 2022 tại Trung Quốc, trong khi iPhone 13 Pro Max, 13 Pro xếp lần lượt thứ 2 và 3.

Dữ liệu từ hãng nghiên cứu Counterpoint Research cho thấy iPhone 13 là smartphone bán chạy nhất Trung Quốc trong năm 2022, với thị phần 6,6%.

Doanh số của iPhone 13 tại Trung Quốc tăng hơn gấp đôi so với 2021. Model này đóng góp 37% doanh thu cho Táo khuyết tại đất nước tỷ dân.

2 vị trí tiếp theo trong danh sách 10 smartphone bán chạy nhất Trung Quốc cũng thuộc về dòng iPhone 13, lần lượt là iPhone 13 Pro Max (thị phần 2,2%) và iPhone 13 Pro (1,9%).

Bộ ba iPhone 13, 13 Pro và 13 Pro Max chiếm 60% tổng số iPhone bán ra tại Trung Quốc trong năm 2022. Đây là lần đầu tiên có mẫu iPhone Pro lọt vào danh sách smartphone bán chạy ở quốc gia này.

- Bản cập nhật quan trọng dành cho iPhone đời cũ

Người dùng iPhone 6s, iPhone 7 và những dòng iPad thế hệ tương đương cần nhanh chóng cập nhật bản vá mới nhất để đảm bảo an toàn.

Bên cạnh các bản cập nhật iOS 16.4 và iPadOS 16.4, Apple đồng thời phát hành iOS 15.7.4 và iPadOS 15.7.4, dành cho những người sử dụng sản phẩm cũ, không thể nâng cấp lên phần mềm mới nhất.

Theo Macrumors, điều quan trọng đối với chủ nhân iPhone hoặc iPad đời cũ là cập nhật càng sớm càng tốt vì iOS 15.7.4 và iPadOS 15.7.4 đi kèm các bản sửa lỗi bảo mật quan trọng.

Theo ghi chú phát hành của Apple, bản cập nhật này giải quyết một danh sách dài các lỗ hổng bảo mật, bao gồm lỗi WebKit đang bị khai thác thường xuyên.

"Quá trình xử lý nội dung trên trang web có chứa mã độc có thể dẫn đến thực thi mã tùy ý. Apple được báo cáo rằng lỗ hổng này bị khai thác tích cực", ghi chú phát hành iOS 15.7.4 và iPadOS 15.7.4 lưu ý.

Những người dùng thiết bị chạy iOS 16 và iPadOS 16 không cần phải lo lắng vì lỗ hổng đã được khắc phục trong iOS 16.3.1. Bản cập nhật cũng vá những lỗi WebKit khác chưa bị xâm nhập, đồng thời khắc phục các sự cố bảo mật với Calendar, Camera, Find My…

- Nvidia công bố nghiên cứu mới về giải pháp sử dụng AI để tối ưu hóa thiết kế chip

Ngày 27/3, Nvidia, nhà thiết kế chip máy tính hàng đầu thế giới, được sử dụng để xây dựng mô hình Trí tuệ Nhân tạo (AI) công bố nghiên cứu mới, phân tích phương thức sử dụng AI để phát triển các thiết kế chip.

Ngày 27/3, Nvidia phát hành một bài báo, cho thấy doanh nghiệp có thể sử dụng kết hợp những kỹ thuật AI để đưa ra những phương pháp được tối ưu hóa đặt các nhóm bóng bán dẫn lớn. Bài báo nhằm mục đích cải thiện bài báo năm 2021 của Google thuộc Alphabet, những phát hiện của tác giả bài viết trở thành chủ đề gây tranh cãi.

Nghiên cứu của Nvidia được thực hiện trên cơ sở của công trình nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Texas phát triển, sử dụng công nghệ Máy học tăng cường và thêm một cấp AI thứ hai lên trên lớp công nghệ đó để có được kết quả tối ưu hơn.

Nhà nghiên cứu khoa học hàng đầu của Nvidia, Bill Dally, cho biết nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng do những cải tiến trong sản xuất chip đang chậm lại, chi phí trên mỗi bóng bán dẫn trong những thế hệ công nghệ sản xuất chip mới hơn hiện cao hơn các thế hệ trước.

- Cơ quan liên bang Mỹ bị cấm sử dụng phần mềm gián điệp có nguồn gốc nước ngoài

Tổng thống Mỹ J.Biden vừa ký ban hành sắc lệnh hành pháp, hạn chế các cơ quan thuộc chính phủ sử dụng những phần mềm gián điệp nguồn gốc nước ngoài có khả năng hack điện thoại di động, lấy dữ liệu và theo dõi vị trí người dùng.

Theo đó, sắc lệnh cấm các Bộ và cơ quan liên bang sử dụng phần mềm gián điệp thương mại phổ biến với chính phủ nước ngoài lạm dụng, có thể nhắm mục tiêu là người Mỹ ở nước ngoài hoặc gây ra rủi ro bảo mật khi cài đặt trên hệ thống của chính phủ Mỹ. Lệnh cấm chỉ có hiệu lực với spyware do các công ty thương mại phát triển và phát hành, không áp dụng với những công cụ do các cơ quan tình báo Mỹ chế tạo.

Công ty thương mại spyware nổi bật nhất hiện nay là NSO Group với khách hàng là chính phủ các nước như Mexico, Ấn Độ hay Ả Rập Saudi.

Ngoài ra, có một số trường hợp ngoại lệ cho phép các cơ quan Mỹ sử dụng phần mềm gián điệp thương mại, chẳng hạn: Cục Phòng chống ma tuý (DEA) đã triển khai một công cụ do công ty Paragon (Israel) sản xuất có tên Graphite trong hoạt động nghiệp vụ.

Cơ quan chức năng cho hay, họ không có kế hoạch yêu cầu DEA chấm dứt sử dụng công cụ này, tuy nhiên sẽ xem xét lại quyết định nếu có bằng chứng cho thấy công cụ hack của Paragon đã bị các chính phủ khác lạm dụng.

Ngày 27/3, một quan chức cấp cao trong chính quyền ông Biden cho biết, ít nhất 50 nhân viên chính phủ tại 10 quốc gia, đã bị tấn công bằng phần mềm gián điệp, trong đó có công cụ Pegasus do NSO Group phát triển.

- Còn gần 2 triệu thuê bao di động chưa chuẩn hóa thông tin

Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), đến sáng ngày 28-3, đã có hơn 1,72 triệu thuê bao di động thực hiện chuẩn hóa thông tin trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và còn gần 2 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa.

So với với khoảng 3,8 triệu thuê bao chưa chuấn hoá thông tin vào ngày 15-3, số thuê bao đã thực hiện chuẩn hoá thông tin so với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong 13 ngày qua đạt 44,68%, theo TTXVN.

Theo Cục Viễn thông, số lượng thuê bao thực hiện chuẩn hóa trong các ngày gần đây có dấu hiệu chững lại. Với tốc độ hiện tại, nếu sau ngày 31-3, các thuê bao này không thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao theo yêu cầu thì sẽ bị các nhà mạng khóa liên lạc một chiều gọi đi. Các thuê bao này sẽ được các nhà mạng nhắn tin nhắc về việc chuẩn hoá thông tin.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 29/3: Smartphone bán chạy nhất Trung Quốc không phải hàng nội địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO