Điểm tin công nghệ 29/10: 6 tháng, người Việt chi 2 tỷ USD sắm điện thoại, vào top mạnh chi nhất khu vực châu Á

Việt Báo (Tổng hợp)| 29/10/2023 06:00

Google trả 26,3 tỉ USD để là công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt và smartphone năm 2021; Mạng xã hội X của Elon Musk ra mắt hai gói đăng ký cao cấp mới

iphone-15-pro-max-ra-mat-da-co-vien-titan-phim-action-gia-cao-nhat-lich-su-3.jpg

- 6 tháng, người Việt chi 2 tỷ USD sắm điện thoại, vào top mạnh chi nhất khu vực châu Á

Tính từ tháng 1 đến 6, tổng thị trường di động của châu Á đạt hơn 100 tỷ USD, ước tính kết thúc năm là 200 tỷ USD. Trong đó, người dùng ở Việt Nam chi 2 tỷ USD.

Xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 8/2023 thu về hơn 5,1 tỷ USDTừ ngày 27/10, sử dụng số điện thoại định danh để chống cuộc gọi lừa đảo

Theo thống kê của Công ty phân tích GfK, thị trường công nghệ viễn thông và bán lẻ điện thoại của Việt Nam nửa đầu 2023 chưa có dấu hiệu phục hồi. Doanh số toàn ngành giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, điện thoại vẫn đóng góp tỷ trọng lớn nhất. Tính từ tháng 1 đến 6, tổng thị trường di động của châu Á đạt hơn 100 tỷ USD, ước tính kết thúc năm là 200 tỷ USD. Trong đó, người dùng ở Việt Nam chi 2 tỷ USD mua sắm điện thoại.

So với cùng kỳ năm ngoái, thị trường smartphone Việt giảm 23%, tuy nhiên phân khúc smartphone cao cấp từ 800 USD có tăng trưởng tốt. Điện thoại đắt tiền ngày càng đóng góp tỷ trong lớn, từ 5% vào năm 2019 dự kiến tăng lên 12% vào năm 2024. Con số này cao hơn Indonesia (3%), Philippines (6%), Ấn Độ (4%), nhưng thấp hơn Thái Lan (13%), Trung Quốc (21%), Singapore (42%), New Zealand (44%).

- Google trả 26,3 tỉ USD để là công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt và smartphone năm 2021

Google đã trả 26,3 tỉ USD để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên smartphone và trình duyệt web vào năm 2021, theo một slide được công bố hôm 27.10 trong phiên tòa chống độc quyền liên bang Mỹ chống lại công ty này.

Theo CNBC, con số này mang đến cái nhìn chi tiết hơn về số tiền Google trả cho các đối tác, gồm cả Apple, để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên các sản phẩm của họ.

Bộ Tư pháp Mỹ và liên minh các tổng chưởng lý tiểu bang Mỹ đã lập luận trong vụ án rằng Google đã duy trì quyền lực độc quyền một cách bất hợp pháp trong lĩnh vực tìm kiếm bằng cách tận dụng sự thống trị của mình để ngăn đối thủ khỏi các kênh phân phối chính, chẳng hạn trình duyệt web Safari của Apple.

Con số 26,3 tỉ USD không đại diện là khoản thanh toán cho bất kỳ công ty nào, nhưng Apple có thể là hãng nhận nhiều nhất. Ngân hàng Bernstein trước đây ước tính Google có thể trả cho Apple tới 19 tỉ USD trong năm 2023 cho vị trí mặc định sẵn có trên các thiết bị của hãng này.

“Google trả hàng tỉ USD mỗi năm cho các nhà phân phối, bao gồm các nhà sản xuất thiết bị phổ biến như Apple, LG, Motorola và Samsung; các nhà mạng không dây lớn của Mỹ như AT&T, T-Mobile và Verizon; các nhà phát triển trình duyệt như Mozilla, Opera và UCWeb để đảm bảo trạng thái mặc định cho công cụ tìm kiếm chung của họ. Trong nhiều trường hợp, Google đặc biệt cấm các đối tác giao dịch với các đối thủ cạnh tranh của mình”, trích đơn kiện của Bộ Tư pháp Mỹ.

Google lập luận rằng người dùng vẫn có thể chọn thay đổi công cụ tìm kiếm mặc định của mình chỉ bằng một vài cú nhấp chuột.

- Mạng xã hội X của Elon Musk ra mắt hai gói đăng ký cao cấp mới

Mạng xã hội X của Elon Musk, trước đây gọi là Twitter, đã triển khai hai gói đăng ký mới vào thứ Sáu, trong đó gói Premium+ dành cho những người dùng sẵn sàng trả tiền để có trải nghiệm không kèm quảng cáo.

Công ty cho biết trong một bài đăng trên nền tảng rằng gói Premium+ có giá khoảng 16 USD mỗi tháng, bao gồm tất cả các công cụ và tính năng và không hiện quảng cáo.

Hiện tại gói này có sẵn cho người dùng truy cập nền tảng thông qua trình duyệt web. Gói cơ bản có giá 3 USD mỗi tháng nhưng sẽ hiện quảng cáo.

X cũng đang có kế hoạch kết hợp tính năng gọi video và âm thanh cho một số người dùng nhằm nỗ lực biến nền tảng này thành một siêu ứng dụng.

Musk đã cải tổ, bổ sung một số lựa chọn để gia tăng doanh thu từ nền tảng truyền thông xã hội mà ông đã mua lại với giá 44 tỷ USD vào tháng 10 năm 2022.

- Tính năng bảo mật của Windows 11 lại gây vấn đề với ổ cứng

Tính năng bảo mật trên Windows 11 Pro lại có thể cản trở nghiêm trọng hiệu suất ổ đĩa SSD.

Windows 11 Pro được trang bị tính năng mã hóa BitLocker để bảo vệ dữ liệu và đảm bảo chỉ những cá nhân được ủy quyền mới có thể truy cập được dữ liệu đó. Tuy nhiên, tính năng bảo mật này lại có thể cản trở nghiêm trọng hiệu suất ổ đĩa SSD.

Trang Tom's Hardware gần đây đã tiến hành thử nghiệm để tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của BitLocker đến hiệu suất ổ đĩa SSD.

Bài thử nghiệm của Tom's Hardware tiến hành với 3 trường hợp: không được mã hóa (không có BitLocker), BitLocker phần mềm (mặc định của Windows 11 Pro) và BitLocker dựa trên phần cứng.

Tom's Hardware sử dụng ổ SSD Samsung 990 Pro 4 TB chạy Windows 11 Pro (22H2, đã cài đặt tất cả các bản vá), cùng với Intel Core i9-12900K và 32 GB RAM DDR4.

Trong kiểm tra điểm chuẩn lưu trữ, cấu hình BitLocker hỗ trợ phần mềm có tốc độ chậm hơn 20% so với không có mã hóa và phần cứng.

Nhóm cũng nhận thấy thiết lập BitLocker hỗ trợ phần mềm chậm hơn 11% trong thử nghiệm truyền 50GB của DiskBench.

- Cảnh báo thủ đoạn chiếm đoạt tài khoản ngân hàng

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa có cảnh báo tới khách hàng về hình thức lừa đảo chiếm đoạt thông tin tài khoản bằng cách gửi file nén chứa mã độc.

Theo đó, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng hai thủ đoạn phổ biến là giả mạo Email, số điện thoại của các thương hiệu lớn hoặc gửi báo giá qua mạng xã hội tới nạn nhân. Trong đó, nội dung tin nhắn có file nén chứa mã độc.

Đối với chiêu lừa đảo bằng cách giả mạo email, kẻ lừa đảo giả mạo tiêu đề và nội dung email của ACB (trong nội dung email là địa chỉ email thật của ACB để làm tăng độ tin cậy) gửi sao kê tài khoản, chứng từ giao dịch... dưới dạng file nén.

Hoặc kẻ gian có thể chọn cách gửi file nén báo giá qua mạng xã hội như Facebook, Zalo… nhắm đến những người kinh doanh online hoặc tài khoản có lượt theo dõi lớn.

Khi giải nén, mã độc ẩn trong file sẽ xâm nhập máy tính, điện thoại. Một khi máy tính nhiễm mã độc, người dân có thể bị đối tượng lừa đảo kiểm soát và thực hiện sao chép trạng thái đăng nhập để truy cập các tài khoản nạn nhân như: email, mạng xã hội, tài khoản ngân hàng... Điều này dẫn tới nguy cơ tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân có khả năng bị chiếm đoạt.

Ngoài ra, kẻ lừa đảo có thể mạo danh nạn nhân để lừa bạn bè, người thân trong danh sách bạn bè từ Facebook, Zalo…

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 29/10: 6 tháng, người Việt chi 2 tỷ USD sắm điện thoại, vào top mạnh chi nhất khu vực châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO