Điểm tin công nghệ 28/11: Apple được cấp bằng sáng chế 'cấm nhìn trộm' iPhone

Việt Báo (Tổng hợp)| 28/11/2023 06:00

Công an TP.HCM cảnh báo thủ đoạn lừa đảo người xin việc của các nhóm tội phạm công nghệ cao; 18 quốc gia nhất trí quản lý trí tuệ nhân tạo từ khâu thiết kế

iphone-15-blue-2.jpg

- Apple được cấp bằng sáng chế 'cấm nhìn trộm' iPhone

Bảo vệ quyền riêng tư của người dùng luôn là ưu tiên hàng đầu của Apple khi công ty thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để bảo vệ dữ liệu nhạy cảm.

Mới đây, Apple đã được cấp bằng sáng chế về “màn hình riêng tư” nhằm tái khẳng định cam kết của công ty trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Trước đó, iOS cũng đã có các biện pháp kiểm soát quyền riêng tư mạnh mẽ và các thiết bị của công ty cũng tích hợp các tính năng bảo mật cấp phần cứng, chẳng hạn như Secure Enclave.

Hệ thống mới trong bằng sáng chế được mô tả trong bằng sáng chế sử dụng sự kết hợp giữa phần cứng và phần mềm để theo dõi ánh nhìn của người dùng và ẩn có chọn lọc nội dung màn hình.

Thành phần phần cứng, có thể là camera hồng ngoại hoặc một loại cảm biến theo dõi mắt khác, sẽ theo dõi mắt người dùng và xác định nơi họ đang nhìn trên màn hình. Thành phần phần mềm sẽ ẩn nội dung của màn hình theo cách mà chỉ khu vực mà người dùng đang nhìn mới hiển thị được. Phần còn lại của màn hình vẫn bị ẩn và người dùng hoặc bất kỳ ai khác xung quanh sẽ không nhìn thấy được.

Tính năng màn hình riêng tư mang lại lợi ích để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, đặc biệt trong những tình huống lo ngại về việc người khác nhìn thấy nội dung trên màn hình. Điều này có thể đặc biệt hữu ích trong môi trường công cộng, chẳng hạn như trên phương tiện giao thông công cộng hoặc trong không gian làm việc mở.

Bằng sáng chế của Apple về tính năng “màn hình riêng tư” thể hiện một bước tiến đáng kể trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng trên iPhone. Bằng cách sử dụng công nghệ phát hiện ánh mắt để che khuất nội dung có chọn lọc, Apple tìm cách ngăn chặn những cá nhân không được phép truy cập thông tin nhạy cảm.

- Chớp thời cơ đối thủ OpenAI khủng hoảng, Anthropic ra mắt chatbot Claude phiên bản cải tiến

OpenAI đang rơi vào trạng thái khủng hoảng khi cố tình thay đổi bộ máy lãnh đạo. Tận dụng thời cơ đó, Anthropic, công ty khởi nghiệp AI được Google hậu thuẫn, đã phát hành bản cập nhật chatbot mới…

Phiên bản cập nhật Claude 2.1, được thiết kế cho người dùng chuyên nghiệp và có khả năng xử lý tới 200.000 token, tương đương với hơn 500 trang nội dung.

Anthropic tuyên bố Claude 2.1 có thể xử lý nhiều thông tin và tạo ra phản hồi chính xác hơn so với người anh em tiền nhiệm. Ngoài ra, chatbot đã tích hợp các API (giao diện lập trình ứng dụng) dành riêng cho nhà phát triển, tăng cường khả năng tương thích với nhiều cơ sở hạ tầng công nghệ khác nhau, theo Tech Wire Asia.

- Sân bay Changi thử nghiệm AI tăng tốc phát hiện vật dụng bị cấm trong hành lý xách tay

Việc kiểm tra an ninh với hành khách bay khỏi sân bay Changi (Singapore) có thể nhanh hơn 50% nếu thử nghiệm tự động phát hiện các vật dụng bị cấm trong hành lý xách tay được triển khai.

Changi Airport Group (CAG) đang thử nghiệm hệ thống sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy tại Nhà ga số 3 để sàng lọc, giải mã hình ảnh từ các máy X-quang được dùng để kiểm tra hành lý xách tay tại cổng lên máy bay.

Nhà điều hành sân bay Changi cho biết điều này giúp giảm thời gian cần thiết để xử lý những hình ảnh này và giảm khả năng xảy ra sai sót của con người.

CAG nói các kết quả ban đầu rất hứa hẹn, với hệ thống hỗ trợ AI mới hoạt động tốt hoặc thậm chí tốt hơn những người kiểm tra an ninh trong việc phát hiện một số mặt hàng bị cấm mà nó từng được đào tạo để nhận diện.

Những vật dụng không được phép mang theo trong hành lý xách tay gồm các chất nguy hiểm như thuốc trừ sâu, bật lửa và các vật sắc nhọn (chẳng hạn dao bỏ túi).

CAG từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết về cuộc thử nghiệm khi được hỏi với lý do bảo mật.

Các báo cáo cho thấy hình ảnh X-quang từ máy quét túi có thể được sàng lọc nhanh hơn người vận hành tới 5 lần bằng thuật toán AI. Theo tạp chí Airport World, nhiều thử nghiệm về thuật toán AI như vậy đang được tiến hành ở những nơi như Trung Quốc, Hà Lan và Mỹ.

- Công an TP.HCM cảnh báo thủ đoạn lừa đảo người xin việc của các nhóm tội phạm công nghệ cao

Các nhóm lừa đảo dùng công nghệ để lập các trang web, mạng xã hội có tên miền, logo, hình ảnh giống với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để dẫn dụ, chiếm đoạt tài sản, lấy cắp thông tin cá nhân người đi xin việc…

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Phòng PA05), Công an TP.HCM vừa có cảnh báo thủ đoạn tội phạm lập các trang web, hội nhóm mạng xã hội giống các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước để lừa đảo người đi xin việc.

Theo Phòng PA05, Công an TP.HCM, các đối tượng tạo lập các website (có tên miền gần giống), trang mạng xã hội giả mạo (sử dụng logo, hình ảnh, mã số thuế, địa chỉ …) các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước để dẫn dụ nạn nhân “sập bẫy”.

Sau đó, các đối tượng sẽ sử dụng hình ảnh giả mạo, được cắt ghép chỉnh sửa thành các “hợp đồng tuyển dụng, bản cam kết việc làm” và hứa hẹn mức thu nhập hấp dẫn. Các nạn nhân lầm tưởng đang xin việc, thỏa thuận việc làm với doanh nghiệp thật, công việc thật.

Công An TP.HCM cho biết với hình thức này các nhóm tội phạm không chỉ lừa tiền giữ chỗ của nạn nhân mà còn thu thập trái phép dữ liệu cá nhân như: CCCD, số điện thoại, tài khoản ngân hàng… Nhóm tội phạm dùng dữ liệu cá nhân của các nạn nhân để thực hiện các hình thức lừa đảo tiếp theo. Trong quá trình này, các đối tượng có thể sử dụng thông tin này để đi vay tiền trên app và dụ dỗ nạn nhân xác thực khoản vay.

Theo PA05, các đối tượng sẽ dụ dỗ nạn nhân chuyển khoản, đóng tiền ký quỹ để được nhận việc tại doanh nghiệp, tập đoàn; lừa đảo sẽ được làm việc trực tuyến tại nhà, thông qua việc nhiệm vụ và nhận tiền công (like, share, giật đơn hàng ảo, đánh giá ảo, xem phim, nghe nhạc…); nhiều bị hại khi phát hiện bị lừa vẫn lầm tưởng đang bị chính công ty, doanh nghiệp bị mạo danh lừa đảo.

Công an khuyến cáo mỗi cá nhân có nhu cầu tìm việc nên liên hệ trực tiếp các công ty, doanh nghiệp trên các kênh chính thức, trực tiếp đến công ty xác nhận để đảm bảo an toàn.

Đồng thời, các công ty, doanh nghiệp bị mạo danh cần kịp thời ra thông báo cảnh báo hành vi giả mạo, báo cáo công an về hành vi giả mạo lừa đảo trên để đấu tranh, xử lý theo quy định.

- 18 quốc gia nhất trí quản lý trí tuệ nhân tạo từ khâu thiết kế

Reuters đưa tin ngày 27/11, 18 quốc gia đã ký kết một thỏa thuận thúc đẩy doanh nghiệp tạo ra các hệ thống trí tuệ nhân tạo an toàn ngay từ khâu thiết kế trước nguy cơ bị lạm dụng.

Các quốc gia tham gia ký thỏa thuận mới bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Italy, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Australia, Chile, Singapore, Israel, Nigeria, Estonia... Những nước này đồng ý rằng các công ty thiết kế và sử dụng AI cần phát triển và triển khai công nghệ tiên tiến này theo cách giúp khách hàng và công chúng được an toàn, không bị lạm dụng.

Đây là thỏa thuận không mang tính ràng buộc và chủ yếu đưa ra các khuyến nghị chung như giám sát các hệ thống AI, bảo vệ dữ liệu trước việc bị giả mạo và kiểm tra nhà cung cấp phần mềm.

Theo bà Jen Easterly, Giám đốc cơ quan an ninh mạng và an ninh hạ tầng Mỹ, điều quan trọng là rất nhiều quốc gia đã nhất trí với ý tưởng rằng các hệ thống AI cần đặt sự an toàn lên hàng đầu.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 28/11: Apple được cấp bằng sáng chế 'cấm nhìn trộm' iPhone
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO