Điểm tin công nghệ 27/7: Apple đối mặt với rắc rối pháp lý tại Anh và Pháp

Việt Báo (Tổng hợp)| 27/07/2023 06:00

Đổi tên Twitter thành X, Elon Musk bắt đầu hiện thực hóa tham vọng siêu ứng dụng; “Cơn sốt” AI giúp kinh doanh của các ông lớn công nghệ khởi sắc

wvtvm2tczrinvl4fei5zolvxae.jpg

- Apple đối mặt với rắc rối pháp lý tại Anh và Pháp

Apple đang là mục tiêu của vụ kiện tập thể khi các nhà phát triển ứng dụng của Anh đòi bồi thường thiệt hại 785 triệu bảng Anh (1 tỷ USD) liên quan đến khoản phí họ phải trả cho ứng dụng App Store.

Vụ kiện được Giáo sư Sean Ennis tại Trung tâm Chính sách Cạnh tranh thuộc Đại học East Anglia, thay mặt cho 1.566 nhà phát triển ứng dụng tại Vương quốc Anh, đệ trình lên Tòa Phúc thẩm về vấn đề cạnh tranh.

Tuyên bố được Đại học East Anglia nêu rõ: "Apple đã lạm dụng vị thế thống trị thị trường của mình bằng cách tính phí 'hoa hồng' quá cao - thường là 30% - đối với các ứng dụng và giao dịch mua nội dung kỹ thuật số trong ứng dụng".

Các khoản phí này không công bằng và liên quan tới việc Apple lạm dụng vị thế để đưa ra mức phí cao. Điều này không chỉ gây hại cho các nhà phát triển ứng dụng mà còn tác động tới cả người mua ứng dụng.

Apple đã phải đối mặt với sự giám sát ở Mỹ và châu Âu liên quan đến việc nắm giữ App Store và các nhà phát triển không thể bán trực tiếp ứng dụng cho khách hàng của tập đoàn công nghệ này.

Theo Giáo sư Ennis, Apple sở hữu vị trí thống trị trên thị trường phân phối ứng dụng trên thiết bị iOS, vì App Store là kênh duy nhất có sẵn để phân phối ứng dụng cho người dùng thiết bị này.

Về phần mình, Apple cho biết các nhà phát triển có thể cung cấp ứng dụng cho người dùng thông qua mọi trình duyệt web mà không cần thông qua App Store. Tập đoàn này cũng khẳng định rằng phần lớn các nhà phát triển không trả tiền hoa hồng cho Apple và hầu hết các ứng dụng chỉ phải chịu khoản phí 15%, đặc biệt là nhờ các trường hợp miễn trừ dành cho các doanh nghiệp nhỏ.

Không chỉ đối mặt với vụ kiện tập thể ở Anh, Apple cũng đang gặp rắc rối ở Pháp khi Cơ quan Giám sát chống độc quyền của Pháp ngày 25/7 đưa ra tuyên bố phản đối vì lo ngại công ty công nghệ Mỹ này có thể đã dùng “các điều kiện phân biệt đối xử và không minh bạch” để sử dụng dữ liệu của người dùng cho mục đích quảng cáo trên iPhone.

Theo cơ quan trên, tuyên bố này kích hoạt một tiến trình chống độc quyền phù hợp, trong đó Apple sẽ có thể bày tỏ quan điểm của mình.

- “Cơn sốt” AI giúp kinh doanh của các ông lớn công nghệ khởi sắc

Từ tháng 4-6/2023, Microsoft đã đạt lợi nhuận ròng 20,1 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó mảng kinh doanh điện toán đám mây, vốn chủ yếu dựa vào AI, chiếm hơn một nửa doanh thu.

Các “gã khổng lồ” công nghệ Google và Microsoft đã thông báo lợi nhuận tốt hơn dự kiến, trong bối cảnh “cơn sốt” trí tuệ nhân tạo (AI) đã khơi dậy sự phấn khích của nhà đầu tư và thổi một luồng sinh khí mới vào lĩnh vực này.

Trong hai quý liên tiếp, Microsoft chứng kiến lợi nhuận và doanh thu tăng vọt lên mức cao nhất chưa từng thấy đối với công ty 48 tuổi do Bill Gates đồng sáng lập.

Trong khoảng thời gian từ tháng 4-6/2023, Microsoft đã đạt lợi nhuận ròng 20,1 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022 và cao hơn kỳ vọng. Cùng kỳ, doanh thu của hãng đạt 56,2 tỷ USD.

Hiện nhà sản xuất Windows vẫn là công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn thứ hai thế giới, ở mức 2.600 tỷ USD, chỉ sau Apple.

Mảng kinh doanh điện toán đám mây, vốn chủ yếu dựa vào AI, một lần nữa góp phần thúc đẩy doanh thu trong quý vừa qua và hiện chiếm hơn một nửa doanh thu của Microsoft.

Doanh thu của mảng này tăng 21% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn một chút so với mức tăng 22% của quý trước đó.

Cổ phiếu của Microsoft đã lên giá vào tuần trước sau khi hãng này cho biết sẽ tính thêm 30 USD cho mỗi người dùng để nâng cấp sản phẩm Microsoft 365, bao gồm Word, Excel và Teams, nhờ sức mạnh AI.

Công ty mẹ của Google, Alphabet, ngày 25/7 cũng báo cáo lợi nhuận vượt dự báo của thị trường khi doanh thu quảng cáo kỹ thuật số phục hồi và hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây phát triển.

“Gã khổng lồ” công cụ tìm kiếm đã báo cáo thu nhập ròng đạt 18,7 tỷ USD trên doanh thu 74,6 tỷ USD trong quý vừa qua.

Cổ phiếu của Alphabet đã tăng giá hơn 6% lên 129,88 USD sau khi thị trường nhận được thông tin trên.

Microsoft đã nhanh chóng tăng cường công cụ tìm kiếm Bing với công nghệ AI, nhưng Google vẫn chưa nhận thấy mối đe dọa từ động thái này, bởi công cụ của Google vẫn chiếm khoảng 90% thị trường thế giới.

- Đồng Nai triển khai mini app hành chính công phục vụ người dân trên Zalo

Theo đó, mini app “Đồng Nai Smart City” dự kiến sẽ sớm được ra mắt trên nền tảng Zalo. Khi hoàn thiện, ứng dụng nhỏ này sẽ phục vụ người dùng các tính năng như: Góp ý - phản ánh, Tra cứu hồ sơ, Đặt lịch làm việc, Thông tin hướng dẫn, Xem truyền hình trực tuyến, Radio trực tuyến,... Đồng nghĩa, chỉ cần sở hữu điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng Zalo, người dân tỉnh Đồng Nai sẽ được tiếp cận các dịch vụ công một cách dễ dàng, thuận tiện.

Ông Tạ Quang Trường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Nai nhận định mini app trên Zalo sẽ giúp tỉnh Đồng Nai giải quyết được câu chuyện “tương tác 2 chiều”. Thông qua mini app, chính quyền có thể lắng nghe những nhu cầu, mong muốn của người dân một cách trực tiếp, sâu sát hơn. “Đồng Nai kỳ vọng Zalo mini app sẽ góp phần giúp tỉnh theo kịp công nghệ số hiện đại, và xa hơn là trở thành địa phương tiên phong trong việc ứng dụng hiệu quả công nghệ để phục vụ người dân” - ông Tạ Quang Trường nhấn mạnh.

Được biết, từ năm 2022-2025 là giai đoạn tỉnh Đồng Nai tích cực đầu tư vào các công tác chuyển đổi số. Trong đó năm 2023, tỉnh tập trung vào các kế hoạch nhằm tăng tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt hơn 40%, thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn bằng trực tuyến hơn 30%. Trong đó, việc xây dựng mini app “Đồng Nai Smart City” trên nền tảng Zalo được xem là cách làm phù hợp để góp phần đạt được mục tiêu trên.

- Intel và Ericsson hợp tác phát triển chip cho thiết bị mạng 5G

Hãng công nghệ Intel Corp ngày 25/7 cho biết sẽ hợp tác với Ericsson của Thụy Điển để sản xuất chip dành cho thiết bị mạng 5G của Ericsson, sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến nhất của Intel.

Theo chiến lược hợp tác này, Intel sẽ sử dụng công nghệ sản xuất “18A” để phát triển chip mới của Ericsson. Việc hợp tác này đánh dấu một trong những trường hợp đầu tiên mà Intel áp dụng công nghệ nói trên cho chip của một đối tác bên ngoài.

Intel và Ericsson không cung cấp thông tin chi tiết về thời điểm đưa sản phẩm chip này ra thị trường, nhưng Intel đã từng nói rằng công nghệ sản xuất 18A của hãng này sẵn sàng để đi vào hoạt động trước năm 2025.

Kế hoạch hợp tác nói trên của Intel và Ericsson là một nỗ lực đáng ghi nhận trong việc tăng cường năng lực của thiết bị mạng 5G thông qua việc kết hợp các quy trình sản xuất tiên tiến.

Intel đã để mất vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm bán dẫn với kích thước nhỏ nhất và hiệu suất năng lượng cao nhất vào tay các đối thủ như tập đoàn Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) của Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

- Đổi tên Twitter thành X, Elon Musk bắt đầu hiện thực hóa tham vọng siêu ứng dụng

Khi mua Twitter tháng 10/2022, Elon Musk cho biết quyết định nhằm đẩy nhanh việc thành lập X, 'ứng dụng cho mọi thứ', tương tự siêu ứng dụng WeChat của Tencent (Trung Quốc).

Ngày 24/7, Musk chính thức đổi biểu tượng “chim xanh” nổi tiếng sang “X”, đánh dấu tham vọng biến Twitter thành một thứ lớn hơn mạng xã hội. Tỷ phú cho biết trong các tháng tiếp theo, công ty sẽ bổ sung chức năng liên lạc toàn diện và tài chính.

Trong khi đó, tân CEO Linda Yaccarino gọi X là tương lai của tương tác không giới hạn mà trọng tâm là âm thanh, video, nhắn tin, thanh toán/ngân hàng, tạo ra một chợ toàn cầu của các ý tưởng, hàng hóa, dịch vụ, cơ hội.

Những mục tiêu mà Musk và Yaccarino nêu lên rất giống với ý tưởng của một siêu ứng dụng, vốn tiên phong từ Trung Quốc và lan rộng khắp châu Á. Siêu ứng dụng cho phép mọi người làm mọi thứ mà không cần phải thoát ra. Chẳng hạn, WeChat có chức năng mạng xã hội, thanh toán, đặt phòng, mua vé máy bay, gọi taxi.

WeChat là siêu ứng dụng lớn nhất thế giới với hơn 1,3 tỷ người dùng. Về cơ bản, đây là ứng dụng nhắn tin tức thời nhưng có thêm chức năng thanh toán, thương mại điện tử, ngân hàng. Tại châu Á, các siêu ứng dụng khác có thể kể đến là Grab (Singapore), Kakao (Hàn Quốc).

Năm ngoái, Musk khen WeChat “tuyệt vời” và nhận xét không có ứng dụng nào tương đương WeChat bên ngoài Trung Quốc. Ông nhìn thấy cơ hội thực sự để làm điều này.

- Đón thêm hàng chục tỷ USD, cạnh tranh công nghệ bán dẫn thêm khốc liệt

Đức có kế hoạch đầu tư khoảng 20 tỷ EUR (tương đương 22,15 tỷ USD) vào ngành công nghiệp bán dẫn trong những năm tới.

Kế hoạch trên được Bộ Kinh tế Đức đề cập ngày 25/7 trong bối cảnh ngày càng có nhiều báo động về sự mong manh của chuỗi cung ứng và sự phụ thuộc vào chip bán dẫn của Hàn Quốc và Đài Loan.

Bộ Kinh tế Đức cho hay, số tiền đầu tư 20 tỷ EUR sẽ được trích từ Quỹ Chuyển đổi và Khí hậu từ năm 2024 trở đi. Đồng thời, cơ quan này chỉ có thể tài trợ cho các dự án riêng lẻ sau khi được Ủy ban châu Âu (EC) chấp thuận.

Tháng trước, Berlin đã đồng ý trợ cấp gần 10 tỷ EUR cho nhà sản xuất chip Intel của Mỹ để xây dựng hai cơ sở sản xuất ở thành phố Magdeburg.

Theo Reuters, hãng chip Đài Loan TSMC đang quan tâm đến việc đầu tư vào một cơ sở sản xuất chất bán dẫn ở Đức và Bộ Kinh tế Đức đã phối hợp chặt chẽ với hãng chip về ý định đầu tư này.

Cùng ngày 25/7, TSMC cũng công bố kế hoạch đầu tư gần 90 tỷ Đài tệ (tương đương 2,87 tỷ USD) vào một nhà máy đóng gói chip tiên tiến ở phía bắc Đài Loan.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 27/7: Apple đối mặt với rắc rối pháp lý tại Anh và Pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO