- iPhone 14 Pro tiếp tục nguy cơ thiếu hàng
Trước làn sóng Covid-19 lan rộng tại Trung Quốc, sản lượng iPhone đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do căng thẳng ở Foxconn Trịnh Châu, nhà máy iPhone lớn nhất thế giới, từ cuối tháng 10 và đến nay vẫn chưa kết thúc. Theo ngân hàng UBS, nếu mua iPhone 14 Pro hay 14 Pro Max, khách hàng tại Mỹ phải đợi 23 ngày.
Reuters cho hay sản lượng iPhone tại nhà máy đã giảm 30% kể từ khi sự cố xảy ra. Trong tháng 10, Foxconn Trịnh Châu đã xuất xưởng 8,4 triệu iPhone, giảm 16,9% so với tháng trước đó. Trong khi đó, sản lượng từ tỉnh Giang Tô, nơi đặt các nhà máy khác của Foxconn, tăng 31% khi đối tác của Apple phải tìm cách chuyển năng lực sản xuất sang các cơ sở này.
Trước làn sóng Covid-19 đang bùng phát dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động tại các nhà máy linh kiện hay lắp ráp trên toàn quốc. Bindiya Vakil, CEO hãng theo dõi linh kiện Resilinc, nhận định sẽ có nhiều hoạt động bị ảnh hưởng do thiếu hụt lao động, không chỉ tại nhà máy mà còn nhà kho, trung tâm phân phối, logistics, vận tải.
- Pi Network được một sàn giao dịch “tiền mã hoá” xem xét niêm yết
Cụ thể, trong một thông báo trên website chính thức, sàn giao dịch tiền mã hóa Houbi cho biết, trước đề xuất tích cực của cộng đồng Pi Network, Huobi sẽ theo sát các bản cập nhật của mạng lưới này.
Theo Houbi, sau khi Pi Network mainnet thành công, đồng nghĩa với việc mạng lưới chính thức đi vào hoạt động, sàn giao dịch này sẽ xem xét để niêm yết đồng Pi trong thời gian sớm nhất.
Pi Network là dự án Blockchain từng gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng tiền mã hóa suốt nhiều năm qua. Pi Network là tên gọi của ứng dụng đào “tiền ảo” Pi. Để nhận được Pi, người dùng chỉ cần duy trì việc vào ứng dụng Pi Network điểm danh mỗi ngày.
Được quảng cáo là “đào” miễn phí và có thể thay thế Bitcoin trong tương lai, Pi Network đã thu hút được lượng người dùng đông đảo không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Theo công bố của Pi Network, tính đến tháng 8/2022, lượng người sở hữu Pi đã lên tới 35 triệu người. Mặc dù vậy, tính ứng dụng của đồng Pi cũng như Pi Network đến nay vẫn chưa rõ.
- Thêm 1 tuyến cáp quang biển gặp sự cố
Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, hơn 4h sáng nay, tuyến cáp quang biển quốc tế APG lại gặp sự cố.
Đây là lần thứ tư trong năm nay, APG gặp sự cố. Trước đó, vào các tháng 4,7 và 9, tuyến cáp này bị “trục trặc”. Trong đó, sự cố xảy ra giữa tháng 9/2022 trên nhánh S9 hướng kết nối đến Singapore mới được sửa xong vào ngày 14-11.
Sự cố lần này của APG xảy ra trên phân đoạn S6 gần HongKong (Trung Quốc). Hiện các nhà mạng tại Việt Nam chưa được thông báo từ đơn vị quản lý tuyến cáp về nguyên nhân cũng như kế hoạch xử lý, khắc phục sự cố lần này.
Như vậy, hiện tại, cùng với APG còn có 2 tuyến cáp quang biển cũng đang bị lỗi là AAG và AAE-1. Sự cố trên 2 tuyến cáp này hiện vẫn chưa được khắc phục xong.
- VinBigData giới thiệu nền tảng trí tuệ nhân tạo đa nhận thức VinBase
Công ty Cổ phần VinBigData (thuộc Tập đoàn Vingroup) cho hay đã ra mắt nền tảng trí tuệ nhân tạo đa nhận thức toàn diện VinBase, hỗ trợ doanh nghiệp Việt ứng dụng các giải pháp AI và Big Data vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là một trong những nền tảng đưa trợ lý ảo tới gần hơn với các doanh nghiệp, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Ứng dụng VinBase, doanh nghiệp có thể dễ dàng tạo lập và quản lý các Trợ lý ảo trên nhiều kênh giao tiếp như: Trợ lý ảo kênh văn bản (VinBase Chatbot), Trợ lý ảo kênh tổng đài (VinBase Callbot), Trợ lý ảo toàn diện cho doanh nghiệp (VinBase Virtual Assistant - Trợ lý ảo ViVi) hay các APIs tùy chỉnh (VinBase APIs) bao gồm: Nhận dạng tiếng nói tự động (ASR), Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), Tổng hợp giọng nói (TTS), Sinh trắc học giọng nói (Voice Biometrics) và Phân tích quan điểm (Sentiment Analysis)…
Điểm nổi bật của VinBase là được phát triển dựa trên những công nghệ giọng nói thế hệ mới nhất như Sinh trắc học giọng nói, Phân tích quan điểm, Công nghệ khử nhiễu, Chuyển đổi giọng nói cùng hệ tri thức được xây dựng từ hơn 100 lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.
- Tấn công bằng mã độc tống tiền sẽ tiếp diễn trong năm 2023
Các chuyên gia bảo mật dự báo, phương thức tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware) sẽ trở nên phổ biến hơn vào năm 2023 nên các cơ quan, tổ chức cần có giải pháp bảo mật phù hợp.
Fortinet- Công ty chuyên về các giải pháp an ninh mạng cho biết, chỉ trong nửa đầu năm 2022, số lượng các biến thể mã độc tống tiền mới do Fortinet xác định được đã tăng gần 100% so với khoảng thời gian 6 tháng trước đó.
Đội ngũ nghiên cứu an ninh mạng và mối đe dọa toàn cầu của FortiGuard Labs đã ghi nhận 10.666 biến thể mã độc tống tiền mới trong 6 tháng đầu năm 2022 so với con số 5.400 biến thể trong nửa cuối năm 2021. Sự gia tăng đột biến các biến thể mã độc tống tiền mới này chủ yếu là do ngày càng nhiều kẻ tấn công lợi dụng phương thức RaaS trên web đen (Ransomware-as-a-Service – dùng dịch vụ mã độc tống tiền). Tuy nhiên, kỹ thuật mà những kẻ xấu sử dụng để phát tán ransomware phần lớn vẫn giống nhau.