Điểm tin công nghệ 24/6: Apple vá lỗ hổng gián điệp trên iPhone

Việt Báo (Tổng hợp)| 24/06/2023 06:00

Doanh thu iPhone trên các sàn TMĐT Việt Nam sụt giảm, bắt đầu xếp sau Samsung; Singapore quản lý SIM trả trước bằng ID, mỗi người dân sử dụng tối đa 10 SIM

iphone-virus.jpg

- Doanh thu iPhone trên các sàn TMĐT Việt Nam sụt giảm, bắt đầu xếp sau Samsung

Tính riêng trong tháng 5, model iPhone 14 Pro Max vẫn là sản phẩm có tổng GMV cao nhất trên ba sàn TMĐT lớn là Shopee, Lazada và Tiki, song đã giảm 1% so với kỳ trước đó. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến tổng doanh thu iPhone trên các sàn TMĐT sụt giảm.

Vừa qua, công ty phân tích YouNet ECI đã công bố số liệu tổng hợp từ hơn 24.000 gian hàng thương mại điện tử (TMĐT) liên quan tới một số mặt hàng, trong đó có ngành hàng điện thoại.

Theo đó, tổng quy mô thị trường TMĐT ngành hàng điện thoại trên ba sàn TMĐT hàng đầu tại Việt Nam là Shopee, Lazada và Tiki đạt mức hơn 500 tỷ đồng trong tháng 5, tăng 5% so với tháng liền trước.

Trong cơ cấu bán hàng của cả ba sàn TMĐT, doanh thu từ các gian hàng chính thức tương đối cân bằng với gian hàng không chính thức, chiếm tỷ lệ lần lượt 44,4% (221,6 tỷ đồng) và 55,7% (279,1 tỷ đồng).

Báo cáo của YouNet ECI chỉ ra rằng quy mô thị trường TMĐT của ngành hàng điện thoại cũng lớn nhất so với các ngành hàng khác được thống kê. Xếp ngay sau ngành hàng điện thoại lần lượt là chăm sóc trẻ em (135,9 tỷ đồng), sữa bột (125,4 tỷ đồng), sữa rửa mặt (110,5 tỷ đồng) hay kem dưỡng thể (47,2 tỷ đồng).

Trong số 10 nhãn hàng có doanh số trên các sàn TMĐT cao nhất trong tháng, Samsung đã tăng một bậc để trở thành nhãn hàng số một. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Apple (iPhone), Oppo, Xiaomi, Vivo, LG, Redmi, Sony, POCO và Realme.

Trong khi đó, 10 dòng sản phẩm (model) có doanh thu cao nhất trên ba sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam trong tháng qua có tới hơn nửa là các model đến từ hai ông lớn Samsung và Apple.

- Apple vá lỗ hổng gián điệp trên iPhone

Theo TechCrunch, trong thông báo ngày 22/6, Apple phát hành bản cập nhật iOS 16.5.1 cho người dùng để vá các lỗ hổng zero-day trong phần mềm gián điệp Triangulation trên iPhone.

Trước đó, công ty bảo mật Kaspersky của Nga báo cáo, một lỗ hổng trong iMessage trên những chiếc iPhone đang chạy iOS 15.7 trở về trước có nguy cơ bị hacker khai thác để gửi mã độc và đánh cắp dữ liệu người dùng.

Theo Kaspersky, lỗ hổng được phát hiện sau khi iPhone của một số nhân viên chạy chậm bất thường và không thể cập nhật iOS mới. Ngay sau đó, công ty đã tạo các bản sao lưu dữ liệu ngoại tuyến của thiết bị nghi nhiễm virus và tìm thấy bằng chứng về sự xâm nhập phần mềm độc hại. Kaspersky gọi lỗ hổng này là "chiến dịch tam giác".

Tội phạm mạng sẽ lợi dụng iMessage để gửi tin nhắn đính kèm mã độc nhằm xâm nhập vào bên trong iOS mà người dùng không hay biết. Sau khi cài đặt mã độc thành công, chúng sẽ nghe lệnh của tin tặc từ xa mỗi khi thiết bị kết nối Internet.

Khi khai thác lỗ hổng, mã độc sẽ được cấp quyền truy cập vào iPhone và chạy một loạt lệnh để thu thập dữ liệu cá nhân như bản ghi âm, hình ảnh từ iMessage. Thậm chí, các tin nhắn đã bị xóa cũng có thể được khôi phục. Sau khi đánh cắp dữ liệu, phần mềm sẽ tự động xóa dấu vết, do đó người dùng khó phát hiện iPhone của mình bị nhiễm mã độc.

Kaspersky cho rằng, các mẫu iPhone đang chạy iOS 15.7 trở về trước dễ bị tấn công. Trong tuần này, đã có hơn 80% người dùng iPhone đã cập nhật lên iOS 16. Như vậy với hơn 1,36 tỷ chiếc iPhone đang hoạt động, vẫn còn 258 triệu chiếc iPhone có nguy cơ dính mã độc.

Ngoài ra, Apple còn vá lỗ hổng zero-day WebKit mà kẻ tấn công tiến hành thực thi mã tùy ý trên các thiết bị chưa được vá.

- Doanh thu nhà bán hàng đa kênh tăng hơn 68% trong năm qua

Theo khảo sát của Sapo, năm qua, hơn 57% người kinh doanh tại Việt Nam có ít nhất 2 kênh bán hàng gồm cửa hàng vật lý và kênh trực tuyến. Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu của những nhà bán hàng đa kênh là hơn 68%.

TTXVN thông tin, kết quả khảo sát khoảng 15.000 nhà bán lẻ là khách hàng trên toàn quốc về tình hình kinh doanh năm vừa qua của Sapo cho biết, hơn 57% người kinh doanh tại Việt Nam có ít nhất 2 kênh bán hàng gồm cửa hàng vật lý và kênh trực tuyến. Đồng thời, tỷ lệ người chỉ bán tại cửa hàng khoảng 13% và người chỉ bán hàng trực tuyến là hơn 17%.

Xét về doanh thu, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu của những nhà bán hàng đa kênh là hơn 68%, trong khi đó, con số này đối với những thương hiệu chỉ bán hàng trực tuyến hoặc chỉ bán ở cửa hàng lần lượt là 16,9% và 15,07%. Như vậy, nhà bán hàng đa kênh đang chiếm ưu thế khi kết hợp những hình thức vừa bán trực tiếp vừa trực tuyến.

Cũng theo bản tin trên, thống kê của Metric cho biết, thương mại điện tử quí 1-2023 tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Trước đó, năm 2022, đây cũng là hình thức bán hàng được ưa chuộng với tỷ trọng là 49,69%. Trong đó, tính năng mua sắm mới xuất hiện từ năm 2022 là TikTok Shop đang chiếm 1,24% thị phần chung.

Dự kiến, năm nay, nền tảng TikTok Shop này sẽ còn phát triển khi người tiêu dùng đang có xu hướng vừa được mua sắm vừa được giải trí. Theo báo cáo Future of Commerce 2022 của TikTok, thị trường mua sắm giải trí dự kiến sẽ đạt 100 tỉ đô la trong khu vực APAC (châu Á – Thái Bình Dương) vào năm 2025.

Liên quan đến mua sắm trực tuyến, theo báo cáo thường niên Repota 2023 về chuyển dịch xu hướng marketing vừa được công bố của công ty Adsota, hình thức Omni shopper (người mua sắm đa kênh) được nhiều người tiêu dùng bình chọn, TTXVN cho biết.

Cụ thể, người dùng mua sắm qua kênh website thương mại điện tử chiếm tỷ trọng nhiều nhất với 78%, tiếp theo là mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo với tỷ trọng là 42%.

- Singapore quản lý SIM trả trước bằng ID, mỗi người dân sử dụng tối đa 10 SIM

Động lực điều chỉnh quản lý thẻ SIM trả trước ở Singapore nổi lên sau vụ tấn công 11/9/2001 ở Mỹ, khi những kẻ khủng bố sử dụng để liên lạc ẩn danh.

Tính đến năm 2022, cơ quan quản lý thông tin truyền thông (IMDA) Singapore cho biết, SIM trả trước chiếm gần 1/4 tổng số thuê bao di động tại đây. Các loại SIM này vẫn được sử dụng một cách hợp pháp để liên lạc và tiết kiệm chi phí. Do đó, nhà chức trách cần tìm cách cân bằng giữa bảo mật và tính linh hoạt.

Năm 2005, IMDA (lúc này là Bộ Nội vụ) đưa ra quy định giới hạn mỗi người dân chỉ được sử dụng tối đa 10 thẻ SIM trả trước.

“IMDA yêu cầu tất cả đăng ký SIM trả trước phải được kiểm tra dựa trên cơ sở dữ liệu trung tâm. Điều này đảm bảo không có thuê bao nào có thể đăng ký nhiều thẻ hơn hạn mức cho phép”, trích thông báo cơ quan quản lý vào thời điểm đó.

Đến năm 2014, IMDA giảm số lượng thẻ tối đa xuống còn ba. Lúc này, các nhà bán lẻ tại Singapore sử dụng thiết bị độc lập để tự nhập thông tin khách hàng sau khi yêu cầu giấy tờ tuỳ thân của họ.

Song cơ quan quản lý cho hay, một số đại lý bán lẻ đã lạm dụng quy trình này, chẳng hạn tạo một bản sao ID khách hàng khi họ không để ý, hoặc sử dụng những thông tin có sẵn để đăng ký trước nhiều thẻ SIM mà khách hàng không hề biết.

“Sau khi giao dịch kết thúc, đại lý sẽ có thêm thẻ SIM được kích hoạt để bán ra mà không cần thêm thông tin chi tiết nào”, một chủ cửa hàng bán điện thoại di động ở phố Orchard cho hay. “Việc truy tìm khách hàng càng trở nên khó khăn nếu như họ là khách du lịch và đã rời khỏi đất nước. Đó là lý do một số chủ cửa hàng sẵn sàng lách luật”.

Gần đây nhất, vào tháng 11/2021, IMDA thắt chặt hơn nữa quy trình đăng ký thông tin SIM trả trước bằng cách không cho phép nhập thông tin khách hàng theo cách thủ công, yêu cầu các nhà mạng cũng như đại lý bán lẻ phải quét và tải lên hình ảnh ID, đồng thời mỗi đăng ký chỉ được gắn với một thẻ SIM.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 24/6: Apple vá lỗ hổng gián điệp trên iPhone
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO