- Một số thông tin mới về Galaxy Z Fold6
Theo một số nguồn tin, Samsung có thể sẽ mang đến khá nhiều thay đổi đáng chú ý về thiết kế cho mẫu smartphone màn hình gập Galaxy Z Fold thế hệ tiếp theo.
Thời gian tới đây, Samsung sẽ cho ra mắt smartphone màn hình gập thế hệ tiếp với tên gọi Galaxy Z Fold6. Theo một số nguồn tin model tương lai sẽ có thân máy mỏng hơn và màn hình rộng hơn so với Galaxy Z Fold5 đặc biệt là khi gập lại.
Theo một báo cáo trước đó khẳng định điện thoại sẽ chỉ mỏng 11mm và đây sẽ là điện thoại màn hình gập mỏng nhất của hãng.
Hiện dòng Galaxy Z Fold của Samsung vẫn còn khá dày so với các đối thủ. Nếu so sánh thì Z Fold5 có độ dày 13.4mm trong khi Huawei Mate X3 là 11.8mm và Xiaomi Mix Fold 3 là 10.9mm
Leaker - Yogesh Brar đã chia sẻ rằng: Màn hình bên ngoài Z Fold6 cố kích thước đường chéo lầ 6.4 inch (tăng 0.2 inch so với màn hình Z Fold5); màn hình ngoài sẽ có tỷ lệ khung hình là 20:9 còn tỷ lệ màn hình bên trong là 1.08:1
Nếu như thông tin trên là đúng thì model mới sẽ có màn hình phụ rộng hơn và tỷ lệ khung hình gần như vuông (tương tự OnePlus Open). Điều này hứa hẹn mang tới trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.
Theo GalaxyClub, Samsung đang thử nghiệm camera chính 50MP cho Z Fold6. Bên cạnh đó thì Samsung có thể sẽ sử dụng máy ảnh siêu rộng 12MP cho Z Fold6. Máy cũng được đồn đại là sở hữu máy ảnh selfie 10 MP ở màn hình phụ, camera 4MP ẩn dưới màn hình chính.
Ngoài ra, máy cũng có khả năng dùng chip Snapdragon 8 Gen 3 và có pin 4600 mAh.
- Google thử nghiệm loại bỏ thanh Tin tức khỏi kết quả tìm kiếm
Theo các báo cáo và xác nhận của Google, thanh Tin tức (tab News) đôi lúc đã biến mất khỏi kết quả tìm kiếm của Google đối với một số người dùng trong tuần này.
Các tổ chức tin tức đang lo lắng về những thay đổi sắp xảy ra với Google Tìm kiếm. Đặc biệt, nội dung do AI tạo ra thay thế các liên kết đã khiến các hãng tin lo lắng về sự sụt giảm lượng truy cập, kèm theo đó là nguồn thu trong bối cảnh báo chí vốn đã rất khó khăn.
Đặc biệt, việc thanh Tin tức đã biến mất khỏi kết quả tìm kiếm của Google đối với một số người dùng trong tuần này càng khiến các tổ chức tin tức trên toàn thế giới phải lo lắng hơn.
Google xác nhận rằng một số người dùng không thấy bộ lọc/thanh Tin tức trong quá trình thử nghiệm đang diễn ra. Người phát ngôn của Google xác nhận qua email: “Chúng tôi đang thử nghiệm các cách khác nhau để hiển thị bộ lọc trên Tìm kiếm và kết quả là một nhóm nhỏ người dùng tạm thời không thể truy cập một số bộ lọc trong số đó”.
Theo Sarah Scire, phó tổng biên tập của Nieman Lab, cho biết: “Tôi sử dụng thanh Tin tức thường xuyên - vài lần một ngày, hàng ngày - và tôi nhận thấy nó biến mất vào thứ Tư”.
Scire nói thêm rằng bà không thấy thanh Tin tức là một tùy chọn cho các tìm kiếm, ngay cả khi đã tìm trong menu. "Tôi đã thử với 'Julian Assange' và một số từ khóa khác. Tuy nhiên, không có tùy chọn nào hiển thị bộ lọc Tin tức".
Theo một số người dùng, việc biến mất này chỉ mang tính thử nghiệm tạm thời và ngẫu nhiên. Có nghĩa, việc mất thanh Tin tức trên Google chỉ tác dụng đối với một số người và sẽ hoạt động trở lại sau đó, có thể là ngay ngày hôm sau.
- Năm 2024, Việt Nam chính thức tuyển sinh chuyên ngành Game
Theo các chuyên gia kinh tế, đến hết năm 2023, doanh thu ngành Game toàn thế giới ước tính đạt 187,7 tỷ USD. Đáng chú ý, doanh thu ngành Game tại khu vực Đông Nam Á đã tăng từ 2,4 tỷ USD (2019) lên hơn 5,3 tỷ USD (2023).
Có thể thấy, Game (trò chơi điện tử) là một trong những mảng công nghệ có sức hút lớn và tạo ra dư địa khai thác cao trên thị trường. Để phát triển ngành Game, giáo dục là một trong những yếu tố cốt lõi. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 100 trường đại học, bao gồm cả những đại học top đầu đang đào tạo ngành này.
Tại Việt Nam, để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Game, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đã đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo mở bộ môn mới chuyên đào tạo nhân lực cho ngành Game. Cụ thể, từ tháng 9/2024, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ chính thức tuyển sinh chuyên ngành về Game với chỉ tiêu 200 sinh viên.
Đây là thông tin được ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại sự kiện công bố các hoạt động trong khuôn khổ Triển lãm Game Quốc tế Vietnam GameVerse 2024.
- Bổ sung gần 1000 kênh nội dung khuyến nghị sử dụng cho hoạt động quảng cáo
Mới đây, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử vừa cập nhật thêm 947 kênh nội dung khuyến nghị sử dụng cho hoạt động quảng cáo.
Như vậy 947 kênh nội dung đã được thêm vào danh sách được xác thực trên mạng (White List) sử dụng cho hoạt động quảng cáo.
White List là danh sách những tài khoản, kênh nội dung, trang và nhóm cộng đồng của các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình cùng các tổ chức, cá nhân mà Bộ TT-TT khuyến nghị các nhãn hàng, doanh nghiệp xem xét lựa chọn để quảng cáo sản phẩm. Qua đó, bảo đảm an toàn thương hiệu và góp phần phát triển hệ sinh thái quảng cáo và nội dung số Việt Nam an toàn, lành mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đưa ra danh sách Black List - tập hợp các website có dấu hiệu vi phạm để người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo nắm được và không hợp tác cùng các trang web này.
- Gemini tạm dừng việc tạo ảnh AI của con người sau phản ứng dữ dội
Hôm thứ Năm (22/2), Google cho biết sẽ tạm dừng tính năng tạo hình ảnh của Gemini sau khi chatbot AI này nhận về nhiều chỉ trích vì tạo ra những hình ảnh không chính xác về thực tế hoặc mặt lịch sử.
"Chúng tôi đang cố gắng giải quyết các vấn đề gần đây của tính năng tạo hình ảnh trên Gemini", Google cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội X. "Trong khi thực hiện việc này, chúng tôi sẽ tạm dừng tính năng tạo hình ảnh về con người và sẽ sớm phát hành lại trong phiên bản cải tiến".
Gemini, tên gọi mới của chatbot Bard, tạo ra hình ảnh dựa trên mô tả của người dùng theo cách tương tự như ChatGPT của OpenAI. Giống như các mô hình khác, Gemini được đào tạo để không đáp lại những lệnh nguy hiểm hoặc thù ghét và đưa sự đa dạng vào kết quả đầu ra.
Tuy nhiên, một số người dùng chỉ trích sự đa dạng này đã vượt quá giới hạn khi tạo ra hình ảnh không chính xác về con người và các nhân vật lịch sử. Chẳng hạn như vị Tổng thống đầu tiên của Mỹ George Washington bị Gemini coi là người da màu.
Các ví dụ khác bao gồm hình ảnh AI một phụ nữ Đông Nam Á mặc trang phục của giáo hoàng, trong khi thực tế, tất cả 266 giáo hoàng trong suốt lịch sử đều là đàn ông da trắng.
Gemini thậm chí còn tạo ra những hình ảnh "đa dạng" về lính Đức thời Đức Quốc xã, bao gồm một phụ nữ châu Á và một người đàn ông da đen mặc trang phục quân đội năm 1943.