Điểm tin công nghệ 23/5: Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về số lượng ứng dụng gian lận bị Apple gỡ bỏ

Việt Báo (Tổng hợp)| 23/05/2023 06:00

MoMo nắm giữ 68% thị phần Fintech Việt Nam, theo sau là ZaloPay, ViettelPay, ShopeePay, VNPay, Moca; Cảnh báo tấn công mạng từ 8 lỗ hổng bảo mật mới

- Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về số lượng ứng dụng gian lận bị Apple gỡ bỏ

Theo thống kê mới nhất, Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới trong năm 2022 về số ứng dụng bị gỡ khỏi App Store của Apple với lý do gian lận.

Apple lần đầu công bố Báo cáo minh bạch của App Store, tiết lộ nhiều thông tin về hoạt động trong năm 2022 của kho ứng dụng này. Trong đó, việc việc gỡ bỏ ứng dụng vi phạm quy định nền tảng hoặc do chính phủ các nước yêu cầu là một trong những thông tin được đề cập nhiều nhất.

Theo đó, trong năm qua có 186.195 ứng dụng trong khoảng 1,78 triệu ứng dụng trong kho của Apple bị gỡ, phần lớn thuộc loại Trò chơi (38.883 ứng dụng) và Công cụ tiện ích (20.045 ứng dụng).

Việt Nam nằm trong nhóm nước có số ứng dụng bị Apple gỡ nhiều nhất thế giới với 8.462 app bị xóa vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng lý do nhiều nhất là gian lận với 3.626 ứng dụng, đứng thứ hai thế giới, lý do vi phạm nguyên tắc thiết kế với 4.657 ứng dụng, đứng thứ sáu thế giới.

Báo cáo của Apple cho thấy, Việt Nam nằm trong top 10 nước về số nhà phát triển khiếu nại sau khi bị gỡ ứng dụng, với 416 lượt và có 11 ứng dụng được Apple xem xét đưa trở lại.

Với hơn 41 nghìn ứng dụng, Trung Quốc là thị trường có số ứng dụng bị gỡ khỏi App Store cao nhất đồng thời cũng là nước có số ứng dụng bị xóa nhiều nhất liên quan đến gian lận và quy tắc ứng xử của nhà phát triển. Đứng thứ hai là Mỹ hơn 32 nghìn nhưng lại đứng đầu về vi phạm trong thiết kế và spam, và tiếp theo là Ấn Độ hơn 10 nghìn.

Việc Apple lần đầu công bố Báo cáo minh bạch của App Store xuất phát việc Apple phải cung cấp thống kê liên quan đến kho ứng dụng của hãng sau vụ kiện cáo buộc Apple lấy hoa hồng 30% từ quá lớn của các nhà phát triển.

Ở thời điểm hiện tại, App Store có gần 37 triệu nhà phát triển đăng ký. Mỗi tuần, kho ứng dụng của hệ điều hành iOs lại có hơn 656 triệu người truy cập, với 747 triệu lượt tải. Apple cũng đã khóa 282 triệu tài khoản người dùng, ngăn chặn 2,2 tỷ USD giao dịch gian lận từ trên nền tảng ứng dụng của mình.

- MoMo nắm giữ 68% thị phần Fintech Việt Nam, theo sau là ZaloPay, ViettelPay, ShopeePay, VNPay, Moca

MoMo chiếm 68% thị phần ví điện tử trong quý I/2023 và là Fintech được ưa chuộng nhất tại Việt Nam, trong khi các thương hiệu khác như ZaloPay, ViettelPay, ShopeePay,... đều đang giảm thị phần.

Thông tin vừa được công bố tại báo cáo “Người tiêu dùng số - The Connected Consumer". Báo cáo tập trung thói quen trực tuyến của người tiêu dùng, bao gồm việc sử dụng mạng xã hội, giải trí (âm nhạc, phim ảnh, và video trực tuyến) cũng như mua sắm trực tuyến, thanh toán điện tử.

Đường đua ví điện tử đang chứng kiến 40 đơn vị tham gia nhưng nổi bật là 6 “ông lớn”, gồm Momo, Moca, ZaloPay, ShopeePay (AirPay), ViettelPay và ShopeePay.

Trong đó, kỳ lân MoMo vẫn đang chiếm ưu thế với 68% thị phần, kế đến là ZaloPay 53%. 4 ví điện tử còn lại có biểu hiện hụt hơi: ViettelPay - nắm giữ 27%, ShopeePay với 25%, VNPay với 16% và Moca - chỉ 7%.

Báo cáo cũng chỉ ra MoMo của CTCP Dịch vụ di động trực tuyến (viết tắt: M_Service) là Fintech được yêu thích nhất tại Việt Nam. Cả 3 thế hệ Gen Z (từ 16-25 tuổi) và Gen Y (từ 26-41 tuổi), Gen X (nhóm từ 42-62 tuổi) chuộng nền tảng ví điện tử này.

- Cảnh báo tấn công mạng từ 8 lỗ hổng bảo mật mới

Theo Cục An toàn thông tin, trong 8 lỗ hổng bảo mật mới được phát hiện, 4 lỗ hổng đã bị khai thác rộng rãi trên Internet.

Lỗ hổng bảo mật được nhận định là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các cuộc tấn công mạng nhắm vào hệ thống thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam. Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), thống kê toàn cầu cho thấy, có khoảng 40 điểm yếu, lỗ hổng được phát hiện mỗi ngày.

Với 8 lỗ hổng mới được phát hiện đã 4 lỗ hổng đã bị khai thác thực tế, công bố rộng rãi trên Internet.

Cụ thể, lỗ hổng bảo mật CVE-2023-24955 trong Microsoft SharePoint Server được các chuyên gia Cục An toàn thông tin đặc biệt lưu ý với các đơn vị. Sở dĩ như vậy, bởi đây là lỗ hổng bảo mật cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa.

Hơn thế, theo phân tích của chuyên gia Cục An toàn thông tin, trong tháng 1/2023, đã có 2 lỗ hổng được công bố với mã là CVE-2023-21744, CVE-2023-21742 liên quan đến Microsoft SharePoint Server. Những lỗ hổng này cũng cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa, đã được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin cảnh báo.

Cùng với lỗ hổng CVE-2023-24955 tồn tại trong Microsoft SharePoint Server, các chuyên gia Cục An toàn thông tin còn cảnh báo về 7 lỗ hổng bảo mật khác trong các sản phẩm của Microsoft, có thể bị các nhóm tin tặc lợi dụng để tấn công vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam.

Trong đó, 2 lỗ hổng có mã CVE-2023-29336, CVE-2023-24902 trong Win32k cho phép đối tượng tấn công thực hiện tấn công nâng cao đặc quyền. Đặc biệt, lỗ hổng này đang bị khai thác trong thực tế.

Lỗ hổng CVE-2023-24932 tồn tại trong Secure Boot cho phép đối tượng tấn công thực hiện tấn công vượt qua cơ chế bảo mật. Lỗ hổng này đã được công bố rộng rãi trên Internet.

Các lỗ hổng CVE-2023-29325 trong Windows OLE, CVE-2023-24941 trong Windows Network File System, CVE-2023-29344 trong Microsoft Office và CVE-2023-24953 trong Microsoft Excel đều cho phép các đối tượng tấn công thực thi mã từ xa. Trong đó, lỗ hổng CVE-2023-29325 trong Windows OLE cũng đã được công bố rộng rãi trên Internet.

- Trung Quốc yêu cầu các nhà sản xuất trong nước ngừng mua chip của Micron

Trong nỗ lực tăng cường cạnh tranh với Mỹ về công nghệ, chính phủ Trung Quốc hôm 21/5 đã yêu cầu các nhà sản xuất ngừng mua sản phẩm của Micron Technology Corp, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất của Mỹ.

Ngày 21/5, Văn phòng quản lý mạng quốc gia Trung Quốc (Cyberspace Administration of China, CAC) còn được gọi là “Cục quản lý không gian mạng” đã thông báo trên website chính thức rằng các sản phẩm của Micron có "rủi ro an ninh mạng nghiêm trọng" không được nêu rõ, gây nguy hiểm cho cơ sở hạ tầng thông tin của Trung Quốc và gây nguy hại cho an ninh quốc gia. Tuy nhiên tuyên bố gồm 6 điểm của cơ quan này không cung cấp chi tiết cụ thể. CAC nhấn mạnh: “Các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc cần ngừng mua sản phẩm của Micron”.

Mỹ, châu Âu và Nhật Bản hiện đang tìm cách giảm cơ hội tiếp cận của Trung Quốc đối với chip tiên tiến và các công nghệ khác mà họ cho rằng có thể được sử dụng cho vũ khí.

Giới chức Trung Quốc dường như đang nỗ lực tìm biện pháp trả đũa mà không làm tổn hại đến nỗ lực của các nhà sản xuất điện thoại thông minh và các ngành công nghiệp trong nước, đồng thời phát triển các nhà cung cấp chip của riêng họ.

Vào ngày 4/4, chỉ vài giờ sau khi Nhật Bản cùng với Mỹ chỉ ra lý do an ninh để áp đặt các hạn chế đối với việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ để sản xuất chip xử lý, Trung Quốc đã công bố đánh giá chính thức về Micron Technology Corp. căn cứ theo theo luật an ninh thông tin ngày càng nghiêm ngặt của họ.

- Instagram gặp sự cố, hàng chục nghìn người dùng bị ảnh hưởng

Ngày 21/5, mạng xã hội Instagram đã gặp sự cố kỹ thuật gây ra tình trạng gián đoạn ảnh hưởng đến hàng chục nghìn người dùng trên toàn cầu. Tuy nhiên, sự cố đã nhanh chóng được khắc phục.

Người phát ngôn Meta - công ty sở hữu Instagram, xác nhận đã xác nhận xảy ra sự cố kỹ thuật khiến nhiều người gặp vấn đề khi truy cập Instagram.

Người phát ngôn cho biết công ty đã nhanh chóng khắc phục sự cố sớm nhất có thể để giảm thiểu những ảnh hưởng đối với người dùng.

Meta không công bố số lượng người dùng bị ảnh hưởng, song theo trang Downdetector.com, sự cố này đã ảnh hưởng đến hơn 100.000 người tại Mỹ, 24.000 người tại Canada và hơn 56.000 người tại Anh.

Hơn 180.000 người dùng đã báo cáo sự cố khi truy cập Instagram vào thời điểm đỉnh điểm của sự cố ngừng hoạt động.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 23/5: Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về số lượng ứng dụng gian lận bị Apple gỡ bỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO