- iPad Pro OLED sẽ có thân máy mỏng hơn, màn hình OLED mới
Theo một số nguồn tin, Apple đang lên kế hoạch nâng cấp các dòng iPad Air và iPad Pro và các mẫu iPad Pro mới có thân máy mỏng hơn đáng kể so với thế hệ trước.
Trang 9to5mac trích dẫn một số nguồn biết về kế hoạch của Apple và cho biết phiên bản lớn hơn sẽ mỏng hơn 1mm.
Hiện iPad Pro 12.9 inch có độ dày 6.4 mm còn iPad Pro 11 inch có độ dày 5.9mm, phiên bản cập nhật có thể sở hữu kích thước lớn hơn với độ dày khoảng 5mm (iPad Pro 12.9 inch) và 5,1mm (iPad Pro 11 inch).
Cùng với đó, các mẫu iPad Pro thế hệ mới sẽ được trang bị tấm nền OLED mới (mỏng hơn tấm nền LCD trên các mẫu iPad Pro hiện tại. Theo một số nguồn tin thì Samsung và LG chính là hai nhà sản xuất màn hình OLED cho iPad Pro 11 inch và 12.9 inch.
Được biết, iPad Pro sẽ sử dụng màn hình OLED hai lớp giúp đạt độ sáng cao và bền hơn so với một lớp trên màn hình iPhone. Trong đó, lớp TFT (bóng bán dẫn màng mỏng) bổ sung sẽ hoạt động như một công tác để bật tắt từng điểm ảnh OLED riêng lẻ.
Cùng với đó, iPad Pro dự kiến được trang bị chip M3 (có trên các mẫu MacBook Pro 2023), giúp cải thiện khả năng đồ họa so với thế hệ dùng chip M2. Ngoài ra, bàn phím Magic Keyboard sẽ được thiết kế lại để phù hợp với thân máy.
- Samsung đưa các tính năng AI lên điện thoại cũ
Theo một số nguồn tin, Samsung dự kiến sẽ phát hành One UI 6.1 vào tháng tới, đồng thời đưa một số tính năng AI lên điện thoại cũ, đơn cử như Galaxy S23, Galaxy S23 FE, Galaxy Z Fold 5, Galaxy Z Flip 5 và Galaxy Tab S9.
Dự kiến người dùng điện thoại cũ sẽ có thể trải nghiệm một số tính năng AI như Circle to Search (vẽ để tìm kiếm), Live Translate (dịch trực tiếp), Interpreter (phiên dịch), Chat Assist (hỗ trợ trò chuyện) và Generative Edit (chỉnh sửa sáng tạo).
Việc tận dụng tối đa các tính năng AI trên điện thoại sẽ giúp bạn cải thiện hiệu suất công việc, tiết kiệm thời gian cũng như tăng khả năng sáng tạo.
- Công bố mô hình nguồn mở Gemma và Gemini bản Enterprise cho Google Workspace
Ngày 21 tháng 2, Google Cloud đã công bố hai bước tiến mới trong hành trình AI: (1) Gemma - Bộ mô hình nguồn mở mới trên Vertex AI; (2) Tính năng và trải nghiệm mới trong Gemini for Workspace (trước đây gọi là Duet AI in Workspace).
Gemma được phát triển dựa trên cùng nền tảng nghiên cứu, công nghệ và cơ sở hạ tầng với mô hình Gemini của Google. Gemma cung cấp hiệu suất vượt trội so với các mô hình nguồn mở khác cùng kích thước. Google cho ra mắt hai phiên bản với quy mô khác nhau: Gemma 2B và Gemma 7B. Mỗi phiên bản được phát hành với các biến thể được đào tạo sẵn và điều chỉnh theo hướng dẫn để hỗ trợ cả nghiên cứu và phát triển.
Gemma được ra mắt sau công bố tuần trước về Gemini 1.5 Pro dành cho doanh nghiệp thông qua Vertex AI; qua đó nâng tổng số mô hình của bên thứ nhất và bên thứ ba vượt quá con số 130 trong Vertex AI Model Garden - một trong những kho lưu trữ lớn nhất trong ngành.
Còn Gemini Business: Đây là gói tiện ích mới giúp các tổ chức và đội ngũ thuộc mọi quy mô có thể bắt đầu làm việc với AI tạo sinh trong Workspace.
Một trải nghiệm độc lập mới tại gemini.google.com dành cho khách hàng của Gemini Business và Gemini Enterprise (trước đây gọi là Duet AI for Workspace Enterprise), giúp họ có thể truy cập bằng tài khoản Google Workspace của doanh nghiệp với các biện pháp bảo vệ dữ liệu cấp doanh nghiệp.
- ChatGPT gặp sự cố kéo dài trong nhiều giờ
Nhiều người dùng ChatGPT đã báo cáo về sự cố mà họ gặp phải khi sử dụng công cụ này trong hai ngày 20-21/2 vừa qua.
Trong một diễn đàn thảo luận trên trang web của OpenAI, các nhà phát triển sử dụng ChatGPT cho biết công cụ này đã đưa ra những phản hồi "bất ngờ", đưa ra những từ ngữ không tồn tại, những câu nói chưa hoàn chỉnh hoặc rất chung chung, vô nghĩa khi tương tác với họ.
Đáp lại những thông tin trên, công ty OpenAI cho biết: “Chúng tôi đang điều tra các báo cáo về những phản hồi không mong muốn từ ChatGPT”. Khoảng 16 giờ sau khi nhận được các báo cáo về sự cố của ChatGPT, OpenAI thông báo công cụ này đã trở lại hoạt động bình thường.
Theo New York Times, OpenAI mới đây đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các nhà đầu tư và theo đó có mức định giá trên 80 tỷ USD sau một năm thăng trầm.
Tuy thỏa thuận này chưa được OpenAI xác nhận, nhưng giới truyền thông đánh giá điều đó đồng nghĩa với việc giá trị của công ty đang dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực AI tạo sinh sẽ tăng gần gấp 3 trong vòng chưa đầy 10 tháng.
- Apple nâng cấp iMessage, thách thức mọi công nghệ giải mã tin nhắn
Apple cho biết đây việc nâng cấp iMessage không chỉ thay đổi thuật toán một cách đơn thuần mà là xây dựng lại giao thức mã hóa iMessage nhằm ngăn chặn mọi nguy cơ tấn công.
Giao thức mới, có tên gọi là PQ3, được công bố càng củng cố niềm tin rằng các công ty công nghệ Mỹ đang chuẩn bị cho tình huống những đột phá tương lai trong lĩnh vực máy tính lượng tử có thể khiến các phương thức bảo vệ người dùng hiện nay trở nên lỗi thời.
Trong bài viết đăng trên blog ngày 21/2, Apple cho biết đây không chỉ là việc thay đổi thuật toán hiện có một cách đơn thuần mà là xây dựng lại giao thức mã hóa iMessage từ gốc tới ngọn. Trong năm 2024, Apple sẽ thay thế hoàn toàn giao thức hiện hành trong mọi hội thoại được hỗ trợ.
Nhà sản xuất iPhone có trụ sở tại California khẳng định các thuật toán mã hóa tin nhắn của hãng là tuyệt đỉnh, đến nay chưa có dấu hiệu bị xâm nhập thành công.Tuy nhiên, các quan chức chính phủ và các nhà khoa học vẫn lo ngại khi máy tính lượng tử phát triển lên tầm cao mới, các loại máy móc hiện đại có thể đột ngột làm suy yếu một cách đáng kể những biện pháp bảo vệ này. Nội dung bài đăng trên blog của Apple cho thấy PQ3 sử dụng loạt biện pháp bảo vệ kỹ thuật mới, nhiều tầng lớp nhằm chặn mọi nguy cơ tấn công.