Điểm tin công nghệ 22/5: ‘Dọn kho', Apple xóa hơn 5.000 ứng dụng có nguồn gốc từ Việt Nam

Việt Báo (Tổng hợp)| 22/05/2024 06:00

Hàng loạt máy tính trí tuệ nhân tạo "đổ bộ" nhân dịp Microsoft Build 2024; Intel công bố lộ trình xuất hiện của siêu vi xử lý AI Lunar Lake

gsmarena_000-1-.jpg

- Hàng loạt máy tính trí tuệ nhân tạo "đổ bộ" nhân dịp Microsoft Build 2024

Rạng sáng 21-5 (giờ Việt Nam), sự kiện toàn cầu Microsoft Build 2024 đã khởi động đúng hẹn qua hình thức trực tiếp và gián tiếp từ Seattle (Mỹ), chứng kiến sự ra đời của hàng loạt máy tính trí tuệ nhân tạo (AI PC) thế hệ mới.

Điểm nhấn trong chuỗi hoạt động kéo dài 3 ngày của năm nay chính là sự xuất hiện của hàng loạt các loại máy tính với năng lực trí tuệ nhân tạo (AI), với phần cứng tối ưu cho công cụ AI Copilot tích hợp trong Windows 11, mà Microsoft gọi tên là nền tảng Copilot+.

Copilot+ là sáng kiến mới của hãng công nghệ Mỹ. Để đủ điều kiện dán nhãn Copilot+, một chiếc máy tính cá nhân phải đủ năng lực xử lý tối thiểu 40.000 tỷ tác vụ AI mỗi giây (TOPS - đơn vị sử dụng để so sánh năng lực tính toán trí tuệ nhân tạo), tức nhanh hơn 4 lần so với mặt bằng chung các máy tính có chức năng AI hiện nay.

Cùng với đó, máy tính phải có tối thiểu 16GB RAM và 256GB dung lượng lưu trữ. Cấu hình này nhằm đảm bảo máy tính có thể chạy các tác vụ AI ngay tại chỗ mà không cần tới sự hỗ trợ của hạ tầng đám mây.

Dĩ nhiên, Windows 11 là yếu tố bắt buộc. Microsoft cũng cho biết đã tái cấu trúc hệ điều hành này để hỗ trợ tốt hơn các phần cứng và công cụ AI trên nền tảng vi xử lý ARM.

Với yêu cầu cao như vậy, bộ xử lý Snapdragon X của Qualcomm (gồm 2 biến thể chính là Plus và Elite) lúc này là lựa chọn hiếm hoi “đạt chuẩn” Copilot+. Microsoft thậm chí lạc quan, hiệu năng Snapdragon X Elite có thể cao gấp đôi Macbook Air và Macbook Pro của Apple.

Để đảm bảo tính tương thích với các ứng dụng truyền thống trên bộ xử lý Intel và AMD, cha đẻ Windows cũng phát triển trình giả lập có tên "Prism" để cho phép các dòng máy này chạy ứng dụng x86 và x64, với hứa hẹn hiệu năng nhanh hơn 20% so với các ứng dụng giả lập tương tự trước đó.

Sự xuất hiện của nền tảng mới được đánh dấu bằng nhiều sản phẩm thương mại, hầu hết đều xuất hiện ngay trong sự kiện Microsoft Build 2024, với tiên phong chính là dải sản phẩm Surface mới của cha đẻ Windows.

Trong đó, máy tính xách tay Surface Pro (giá từ 1.000 USD, mở bán từ ngày 18-6-2024) là điểm nhấn, với hai biến thể 13,8 inch và 15 inch, đều sử dụng Snapdragon X Elite, cho hiệu năng nhanh hơn 58% so với vi xử lý M3 của Apple, trong khi vẫn có thời lượng pin lên tới 14 giờ. Máy sử dụng màn hình OLED 13 inch, tích hợp RAM 16GB, bộ nhớ trong 256GB và đi kèm bàn phím rời Flex Keyboard.

Về phần mình, Lenovo cũng mang tới sự kiện lần này 2 mẫu máy mới, gồm ThinkPad T14s Gen6 và Yoga Slim 7x. Trong khi đó, Acer có Swift 14a, ASUS có Vivobook S15.

Dell cũng mang tới sự kiện 5 sản phẩm Copilot+, trong đó có XPS 13 ở nhóm cao cấp, Latitude 5455 (14 inch) và 7455 (thiết kế màn hình xoay 2 trong 1) dành cho khối doanh nghiệp. HP cũng có PC OmniBook Copilot +.

Với các máy tính trên, người dùng sẽ có thể tận dụng được hàng loạt tính năng AI mới trên Windows 11. Một ví dụ là Recall – hơi giống với Timeline của Windows 10, cho phép người dùng tìm một nội dung hay ứng dụng nào đó mà họ đã tương tác trong quá khứ bằng cách ra khẩu lệnh như: “Hãy mở tài liệu tôi soạn thảo lúc 13 giờ hôm qua” hay "tìm lại bức ảnh ô tô mà tôi đã xem khoảng 21 giờ hôm kia".

Nhiều ứng dụng truyền thống giờ đây cũng được gia tăng sức mạnh nhờ AI, như Microsoft Paint đã có thể điều chỉnh biểu cảm khuôn mặt nhân vật trong các bức ảnh, hay Windows Photos có thể phân loại ảnh thông minh, gia tăng độ phân giải hình ảnh…

- iOS 17.5.1 được phát hành

Mới đây, Apple đã phát hành iOS 17.5.1 và iPadOS 17.5.1 để sửa một số lỗi nhỏ của bản cập nhật iOS 17.5/iPadOS 17.5.

Bản cập nhật được tung ra sau một tuần kể từ khi Apple phát hành iOS 17.5 và iPadOS 17.5 để mang tới một số tính năng mới cho người dùng.

Trước đó, người dùng iPad phản ánh việc sau khi cập nhật phần mềm iPadOS 17.5 thì xuất hiện những bức ảnh cũ của người dùng trước đó (đã được xóa theo hướng dẫn của Apple trước khi bán lại) xuất hiện trong ứng dụng Photo.

Có những bức ảnh bị xóa từ năm 2010 vẫn xuất hiện trở lại khiến người dùng lo lắng về quyền riêng tư và Apple cho biết đó là sự cố hỏng dữ liệu.

Theo thông tin được đưa ra từ phía Apple thì các bản cập nhật mới nhất bao gồm bản sửa lỗi sự cố có thể khiến hình ảnh xuất hiện lại trong thư viện Photo ngay cả sau khi bị xóa.

- ‘Dọn kho, Apple xóa hơn 5.000 ứng dụng có nguồn gốc từ Việt Nam

Theo Apple, có hàng chục lý do dẫn đến việc ứng dụng bị xóa. Trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là vi phạm hướng dẫn thiết kế và vi phạm thỏa thuận do gian lận.

Trong báo cáo minh bạch App Store 2023, Apple cho biết, trong năm ngoái hãng đã gỡ bỏ hơn 116.000 ứng dụng vi phạm chính sách hoặc do yêu cầu từ các chính phủ.

Trong số này, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Anh là những quốc gia có nhiều ứng dụng bị gỡ nhất, với số lượng lần lượt là hơn 22.200, 17.700, 5.800, 5.100. Việt Nam tiếp tục đứng vị trí thứ 5 trong danh sách với 5.064 ứng dụng bị xóa trong năm qua.

Con số kể trên của Việt Nam đã giảm 40%, từ con số 8.462 trong năm 2022, nhưng vẫn thuộc nhóm đầu về việc bị xóa ứng dụng do gian lận.

Theo Apple, có hàng chục lý do dẫn đến việc ứng dụng có thể bị xóa. Trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là vi phạm hướng dẫn thiết kế (Guideline 4.0 - Design) và vi phạm thỏa thuận do gian lận (DPLA 3.2(f) - Fraud).

Năm nay, lượng ứng dụng bị xóa vì lỗi thiết kế giảm từ 4.600 xuống 1.300, trong khi ứng dụng gian lận chỉ giảm nhẹ từ 3.600 xuống 3.500. Kết quả này đưa Việt Nam đứng thứ hai về số lượng ứng dụng gian lận bị gỡ bỏ, sau Trung Quốc.

Được biết, game là loại ứng dụng tại Việt Nam bị xóa nhiều nhất với 1.294, tiếp đến là các app tiện ích, giải trí, giáo dục, kinh doanh. Ngoài ra, có một ứng dụng bị gỡ do yêu cầu từ Bộ TT&TT Việt Nam, liên quan đến nghị định 72 và luật An ninh mạng.

huawei-watch-fit-3-dial-1.jpg

- Intel công bố lộ trình xuất hiện của siêu vi xử lý AI Lunar Lake

Lunar Lake của Intel chuẩn bị được trang bị bên trong 80 mẫu laptop mới đến từ 20 nhà sản xuất thiết bị gốc.

Intel vừa phát đi thông tin cho biết, bắt đầu từ quý III/2024, thế hệ vi xử lý dành cho máy tính cá nhân sắp ra mắt (tên mã là Lunar Lake) của họ sẽ được trang bị bên trong 80 mẫu laptop mới đến từ 20 nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM), qua đó mang đến hiệu năng xử lý AI (trí tuệ nhân tạo) cho các máy tính cá nhân (PC).

Lunar Lake sẽ được cập nhật những tính năng AI của Copilot+, như tính năng Recall (tìm lại các nội dung mới truy cập gần đây), thông qua bản cập nhật khi ứng dụng này chính thức ra mắt. Với sự thành công từ các vi xử lý Intel Core Ultra và sự xuất hiện của vi xử lý Lunar Lake mới, Intel dự tính sẽ xuất xưởng hơn 40 triệu vi xử lý cho AI PC trong năm nay.

AI PC là những mẫu máy tính được trang bị một bộ xử lý trung tâm (CPU), một bộ xử lý đồ họa (GPU), và một bộ xử lý thần kinh (NPU). Mỗi bộ xử lý này đều có khả năng tăng tốc xử lý AI chuyên biệt. NPU là một bộ gia tốc chuyên biệt để xử lý các ứng dụng về AI và máy học (machine learing, viết tắt ML) ngay trên PC của người dùng thay vì phải gửi dữ liệu lên đám mây để xử lý. AI PC ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn bởi nhu cầu tăng cao của người dùng về việc tự động hóa, sắp xếp và tối ưu các ứng dụng trên PC.

Intel kỳ vọng Lunar Lake trở thành vi xử lý di động mang đến sự đột phá cho các AI PC, khi cung cấp hiệu năng AI nhanh hơn 3 lần so với thế hệ trước. Với NPU có khả năng tính toán hơn 40.000 tỷ phép tính mỗi giây (TOPS), thế hệ vi xử lý mới của Intel cung cấp sức mạnh cần thiết để người dùng có thể trải nghiệm Copilot+. Ngoài ra, Lunar Lake cũng được trang bị GPU với khả năng tính toán hơn 60 TOPS, nhờ vậy, khả năng tính toán tổng thể của bộ vi xử lý này đạt hơn 100 TOPS.

- Châu Âu tài trợ 2,7 tỷ USD cho các phòng thí nghiệm bán dẫn

Các đơn vị nghiên cứu hàng đầu châu Âu sẽ nhận được khoản tài trợ 2,5 tỷ EUR (2,72 tỷ USD) theo Đạo luật chip châu Âu, trung tâm nghiên cứu hàng đầu nước Bỉ IMEC cho biết.

Khoản tài trợ trên sẽ dùng để thiết lập một dây chuyền thí điểm nhằm phát triển và thử nghiệm các thế hệ chip máy tính tiên tiến trong tương lai, IMEC cho biết thêm.

Đạo luật chip được Liên minh châu Âu được công bố vào năm 2023 với nguồn tài trợ 43 tỷ EUR nhằm khuyến khích hoạt động sản xuất chip ở lục địa này. Đây được xem là đối trọng với các kế hoạch của Trung Quốc, Mỹ và các chính phủ khác, nhằm củng cố các ngành công nghiệp của riêng mình sau tình trạng thiếu hụt do đại dịch Covid-19.

Theo kế hoạch, IMEC có trụ sở tại thành phố Leuven, Bỉ, sẽ chủ trì thiết lập dây chuyền thí điểm các dòng chip dưới 2 nanomet nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn châu Âu, hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu và công ty khởi nghiệp tiếp cận công nghệ sản xuất chip đắt đỏ.

Động thái của châu Âu diễn ra trong bối cảnh các hãng chip hàng đầu thế giới như TSMC (Đài Loan), Intel (Mỹ) và Samsung (Hàn Quốc) đang tăng tốc cho ra mắt dòng chip 2 nanomet trong năm nay và năm tới tại các nhà máy thương mại hoặc phòng nghiên cứu với chi phí lên tới 20 tỷ EUR.

Dây chuyền R&D bán dẫn của châu Âu sẽ giúp phát triển các thế hệ chip tiên tiến hơn nữa trong tương lai và sẽ được trang bị các thiết bị do các công ty vật liệu và thiết bị châu Âu và toàn cầu cung cấp.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 22/5: ‘Dọn kho', Apple xóa hơn 5.000 ứng dụng có nguồn gốc từ Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO