- Rò rỉ màu sắc iPhone 16, có đen titan đậm đẹp nhất từ trước đến nay
iPhone 16 được cho là sẽ có 5 màu - trong đó có màu trắng mới hoàn toàn so với iPhone 15, theo hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội X của chuyên gia Sonny Dickson.
Hình ảnh mô phỏng iPhone 16 và iPhone 16 Plus có 5 màu trắng, đen, xanh lam, xanh lục và hồng.
Trong đó, 4 màu trùng lặp với iPhone 15 và iPhone 15 Plus gồm đen, xanh lam, xanh lục và hồng, song bảng màu của iPhone 16 có thể đậm hơn.
Riêng màu vàng của iPhone 15 được thay thế bằng màu trắng ở iPhone 16.
Hình ảnh này cũng cho thấy thiết kế cụm camera gồm camera chính và ống kính góc siêu rộng được đặt theo chiều dọc giống iPhone X, thay vì chéo như hiện nay. Theo trang 9to5mac, thay đổi này dự kiến nhằm hỗ trợ quay video không gian - tính năng hiện chỉ có trên iPhone 15 Pro và iPhone 15 Pro Max.
Cùng với iPhone 16 và iPhone 16 Plus, tháng 9 tới, Apple cũng chính thức ra mắt iPhone 16 Pro, iPhone 16 Pro Max và phần cứng Apple Watch mới.
Đáng chú ý, mạng xã hội còn rò rỉ hình ảnh về màu sắc của iPhone 16 Pro, bao gồm màu titan tự nhiên, trắng titan và đen titan. Trong đó, màu đen titan lần này được cho là có sắc tối hơn đáng kể so với bản iPhone 15 Pro.
Trước đó, nhiều nguồn tin xác nhận iPhone 16 Pro và iPhone 16 Pro Max sẽ có 4 màu: titan tự nhiên, hồng titan, trắng titan và đen titan. Trong khi đó, một nguồn tin trên Weibo cho rằng 3 màu sắc được thiết kế cho iPhone 16 Pro và 16 Pro Max là hồng titan, titan tự nhiên và đen titan.
Như vậy, chỉ riêng bản màu hồng titan - màu được mong chờ nhất bởi hứa hẹn sẽ khác biệt hoàn toàn với các phiên bản màu hồng trước đó - là chưa lộ diện hình ảnh.
Nhiều ý kiến đánh giá bảng màu của iPhone 16 có thể sánh ngang những bản đẹp nhất trong các phiên bản đã ra mắt trong nhiều năm qua.
- Xiaomi trở lại đường đua cùng Apple và Samsung
Sau một thời gian vắng bóng, Xiaomi đã quay trở lại đường đua cạnh tranh với Apple và Samsung trong danh sách những smartphone bán chạy nhất toàn cầu…
Theo dữ liệu mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, Apple và Samsung tiếp tục duy trì vị thế thống trị trong danh sách 10 smartphone bán chạy nhất toàn cầu trong quý 2/2024.
Cả hai thương hiệu này đã chiếm đến 9 vị trí trong danh sách, chứng tỏ sự ảnh hưởng mạnh mẽ và sự yêu thích của người tiêu dùng đối với các sản phẩm của họ.
Sau hai quý liên tiếp Apple và Samsung chiếm toàn bộ danh sách, quý 2/2024 đã chứng kiến sự trở lại ấn tượng của Xiaomi. Mẫu điện thoại Redmi 13C 4G của hãng đã xuất hiện trong danh sách này, đứng ở vị trí thứ 8. Trước đó, thiết bị tiền nhiệm của Redmi 13C là Redmi 12C cũng đã từng lọt vào danh sách này.
Redmi C được xem là phiên bản nâng cấp của dòng A, mang đến nhiều cải tiến về hiệu suất và tính năng. Dòng máy này không chỉ được phân phối tại các quốc gia truyền thống ở châu Á, Trung Đông và châu Phi, mà còn mở rộng ra các thị trường mới như Caribbe và Mỹ Latin, cho thấy sự chiến lược mở rộng toàn cầu của hãng.
Trong quý 2/2024, ba vị trí đứng đầu danh sách 10 smartphone bán chạy nhất toàn cầu đều thuộc về các mẫu iPhone 15 của Apple, gồm iPhone 15, iPhone 15 Pro Max và iPhone 15 Pro.
Tuy nhiên, thứ hạng của các mẫu iPhone đã giảm so với cùng kỳ năm trước, khi bốn mẫu iPhone chiếm ưu thế trong bảng xếp hạng, bao gồm ba mẫu iPhone 14 và một mẫu iPhone 13.
Đặc biệt, mẫu iPhone 14 thường năm nay chỉ đạt vị trí thứ 6, cho thấy sự thay đổi trong sự lựa chọn của người tiêu dùng.
- Nhà mạng Viettel thực hiện dừng sóng 2G ‘sớm’ tại một huyện ở Đồng Nai
Viettel Đồng Nai sẽ thử nghiệm dừng mạng 2G tại huyện Thống Nhất trong tháng 8, khoảng 9.000 thuê bao sử dụng điện thoại “cục gạch” cần đổi sang thiết bị sử dụng công nghệ 4G.
Ngày 1/8, Viettel Đồng Nai đã thông báo về việc tạm dừng công nghệ di động 2G tại huyện Thống Nhất trong hai giai đoạn: từ ngày 9-11/8 và từ ngày 26-28/8. Đây là một phần trong kế hoạch lớn của nhà mạng dần loại bỏ công nghệ cũ, hướng tới việc cung cấp dịch vụ 4G, 5G chất lượng cao.
Trong thời gian này, các thuê bao sử dụng thiết bị di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G sẽ gặp tình trạng tạm dừng chức năng gọi đi. Tuy nhiên, các thuê bao này vẫn có thể nhận cuộc gọi đến, nhận và gửi tin nhắn, cũng như truy cập vào dịch vụ dữ liệu mạng bình thường.
- Mỹ xem xét quy định mới nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận chip nhớ AI
Mỹ đang cân nhắc hạn chế đơn phương quyền tiếp cận chip nhớ AI và thiết bị sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc ngay trong tháng này, một động thái sẽ làm leo thang xung đột công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Quy định mới nhằm ngăn nhà sản xuất bộ nhớ máy tính Mỹ Micron Technology và các nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu của Hàn Quốc là SK Hynix và Samsung Electronics cung cấp cho các công ty Trung Quốc cái gọi là chip nhớ băng thông cao (chip HBM), theo nguồn thạo tin của Bloomberg.
Cần lưu ý rằng ba công ty được nêu tên đang thống trị thị trường chip HBM toàn cầu.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thực hiện một số biện pháp hạn chế với mục đích ngăn cản các nhà sản xuất Trung Quốc tiếp cận các công nghệ quan trọng của Washington, bao gồm cả hạn chế bán thiết bị sản xuất chip. Quy định mới sẽ đặt ra một loạt hạn chế mới đối với chip nhớ dành cho trí tuệ nhân tạo (chip AI), một lĩnh vực cạnh tranh mới giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nếu được ban hành, quy định mới sẽ áp dụng cho dòng chip HBM2 và các chip tiên tiến hơn bao gồm những chip nhớ AI tiên tiến nhất hiện đang được sản xuất như HBM3 và HBM3E, cùng với các thiết bị cần thiết để sản xuất chúng. Chip HBM là linh kiện không thể thiếu trong AI Accelerator do hai công ty bán dẫn Mỹ Nvidia và AMD sản xuất. AI Accelerator được hiểu là phần cứng máy tính xử lý các yêu cầu cụ thể của AI.
Micron phần lớn sẽ không bị ảnh hưởng khi Mỹ ban hành quy định mới, bởi lẽ nhà sản xuất chip này đã kiềm chế không bán các chip HBM của mình cho Trung Quốc sau khi Bắc Kinh cấm chip nhớ của họ khỏi cơ sở hạ tầng quan trọng vào năm 2023, nguồn tin của Bloomber cho hay.
- Gia tăng hành vi lừa đảo “ăn theo” sự cố sập dịch vụ đám mây của Microsoft
Sự cố sập dịch vụ lưu trữ đám mây của "gã khổng lồ" Microsoft hôm 19/7 đã khiến hoạt động của nhiều cơ quan, doanh nghiệp bị gián đoạn, đặc biệt tại các sân bay và bệnh viện. Gần 2 tuần sau vụ việc, làn sóng lừa đảo “ăn theo” vẫn chưa dừng lại.
Các chuyên gia đã xác định nguyên nhân gây ra sự cố là do lỗi phần mềm Crowd Strike Falcon và để khắc phục, chỉ cần gỡ bỏ file gây lỗi. Tuy nhiên, việc này phải thực hiện thủ công trên từng máy, khiến việc khôi phục mất nhiều thời gian hơn. “Ăn theo” sự cố, nhiều kẻ lừa đảo đã mạo danh các công ty uy tín, gọi điện cho nạn nhân đề nghị được khắc phục sự cố, sau đó chiếm quyền kiểm soát máy tính và khai thác thông tin nhạy cảm.
Các cơ quan an ninh mạng và chống lừa đảo của nhiều nước, trong đó có Mỹ, Anh và Australia đã đồng loạt cảnh báo người dân cảnh giác với các vụ lừa đảo trong thời gian này.
Bộ trưởng Nội vụ Australia Clare O'Neil nhấn mạnh: “Có một điều quan trọng mà tôi muốn yêu cầu người dân Australia thực hiện ngày hôm nay, đó là phải thực sự cẩn thận và cảnh giác với những nỗ lực lợi dụng sự cố để lừa đảo người dân Australia và các doanh nghiệp nhỏ. Chúng ta đã nhận được báo cáo của một số doanh nghiệp và cá nhận nhận được email giả mạo Crowd Strike Falcon hoặc Microsoft và yêu cầu bạn nhập thông tin cá nhân để khởi động lại thiết bị.”
Chính Giám đốc điều hành của Crowd Strike, ông George Kurtz cũng phải lên tiếng cảnh báo về thực trạng này. Crowd Strike đồng thời liệt kê một loạt thủ đoạn của những kẻ lừa đảo như giả mạo tên miền, phầm mềm độc hại hay lừa đảo qua giọng nói.