- Tin tặc ‘Mustang Panda’ tấn công nhằm vào Việt Nam
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa phát cảnh báo về các chiến dịch tấn công mới của nhóm ‘Mustang Panda’ nhằm vào Việt Nam.
Cụ thể, Cục An toàn thông tin cho biết, trong quá trình giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng, thời gian gần đây Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia – NCSC thuộc Cục đã phát hiện và ghi nhận các hành vi tấn công trái phép của nhóm ‘Mustang Panda’ trong các chiến dịch nhằm vào tổ chức tại Việt Nam.
Chiến dịch tấn công mới của nhóm ‘Mustang Panda’ sử dụng những ‘mồi nhử’ xoay quanh lĩnh vực giáo dục và thuế, áp dụng nhiều góc tiếp cận, và lợi dụng các công cụ như ‘forfiles.exe’ để thực thi file độc hại được lưu ở máy chủ C&C. Mục tiêu mà nhóm hướng tới là các tổ chức chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức giáo dục…
Phân tích của các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, hai chiến dịch tấn công của nhóm ‘Mustang Panda’ được ghi nhận trong các tháng 4 và 5 nhằm vào tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam đã sử dụng file văn bản có nội dung liên quan tới cơ quan thuế và tổ chức giáo dục. Cả hai chiến dịch đều có điểm chung là bắt nguồn từ các email lừa đảo có đính kèm file độc hại.
Báo cáo tình hình an toàn thông tin Việt Nam quý I/2024 do Viettel Cyber Security thực hiện đã đánh giá Mustang Panda là 1 trong 4 nhóm tấn công APT có ảnh hưởng lớn tới các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam. Các chuyên gia Viettel Cyber Security cũng nhận xét, tuy số lượng mã độc do ‘Mustang Panda’ phát tán giảm đi nhưng lại có mức độ tinh vi hơn, nhóm này đã thay đổi và cải tiến nhiều kĩ thuật để gây khó khăn trong việc phát hiện và điều tra tấn công.
- Doanh nghiệp cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục thông báo website thương mại điện tử với Bộ Công Thương
Bộ Công Thương cho cho hay từ lâu, trong các văn bản pháp luật đã yêu cầu tất cả các website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng đều phải thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu và có nhận thức rõ ràng về việc phải thực hiện thông báo, đăng ký website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng với Bộ Công Thương. Vì vậy, gần đây khi lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, chủ sở hữu các website, ứng dụng thương mại điện tử này đều lúng túng và thừa nhận chưa nhận thức rõ ràng cần phải tuân thủ quy định này.
Danh nghiệp cần xác định rõ mô hình hoạt động website của mình thuộc diện phải thông báo hay đăng ký với Bộ Công Thương để chuẩn bị hồ sơ và thực hiện cho đúng. Đối với các website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng (là website thương mại điện tử thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của chính mình) thì doanh nghiệp phải làm thủ tục thông báo.
Việc thông báo, đăng ký website⁄ứng dụng thương mại điện tử với Bộ Công Thương là điều kiện cần thiết đối với doanh nghiệp, tránh những hậu quả pháp lý không đáng có, đồng thời nâng cao uy tín của doanh nghiệp, xây dựng niềm tin với khách hàng.
- Số hóa hồ sơ hiệu quả với hệ thống VNPT eDiG
Hiện trạng lưu trữ hồ sơ giấy ở các tổ chức/doanh nghiệp cho thấy, công việc tìm kiếm lại thông tin mỗi khi cần thường gặp khó khăn. Hơn nữa, hồ sơ giấy nếu bảo quản không tốt sẽ xuống cấp, hư hỏng, ẩm mốc gây ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe con người, ô nhiễm môi trường. Đó là chưa nói đến tốn kém về nhân sự, cũng như lãng phí không gian cho việc lưu trữ. Nếu áp dụng công nghệ vào quản lý sẽ giải quyết được các bất cập này; đồng thời giúp cải thiện mặt bằng cho các đơn vị sử dụng.
Đáp ứng yêu cầu đó của các tổ chức/doanh nghiệp, nền tảng số hóa hồ sơ lưu trữ trực tuyến VNPT eDiG của Tập đoàn BCVT Việt Nam là một giải pháp hữu hiệu, với nhiều lợi ích đem lại như: Tiết kiệm không gian lưu trữ văn bản, tài liệu; Giúp việc lưu trữ, truy xuất thông tin mọi lúc mọi nơi; Khả năng chỉnh sửa và tái sử dụng dữ liệu; Có bản sao dự phòng các rủi ro xảy ra; Khắc phục sự xuống cấp của các tài liệu gốc; Đảm bảo an ninh và toàn vẹn của dữ liệu.
VNPT eDiG là hệ thống phần mềm giúp khách hàng chuyển đổi dữ liệu từ dạng hồ sơ giấy thành dữ liệu dạng tín hiệu số, được máy tính hiểu, đọc và lưu trữ vào kho CSLD của đơn vị. Hệ thống này được triển khai linh hoạt; dễ dàng tích hợp trên cơ sở hiện trạng của khách hàng; giúp tạo nên CSDL mở, dễ dàng tìm kiếm, truy cập và khai thác; các đơn vị có thể lập báo cáo thống kê hồ sơ, tổng hợp số liệu cực kỳ nhanh chóng. Quá trình phát triển sản phẩm tuân thủ quy trình sản xuất phần mềm, được xây dựng theo các yêu cầu của hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm TCVN ISO 9001:2022 và Tiêu chuẩn về An toàn bảo mật thông tin theo TCVN ISO 27001:2015.
- Hé lộ mức giá của Samsung Galaxy Watch 7 và Galaxy Watch Ultra
Theo đó, các nguồn tin rò rỉ thông tin về giá bán và màu sắc của hai sản phẩm này đã được hé lộ. Cụ thể, về thiết kế và màu sắc thì Galaxy Watch 7 sẽ giữ nguyên thiết kế của Watch6 với 3 tùy chọn màu sắc: Marble Gray, Cream White và Forest Green. Còn Galaxy Watch Ultra chỉ có một tùy chọn màu sắc duy nhất là Titanium Gray. Chất liệu khung được cho là titan cấp 4, mang lại độ bền cao cấp.
Trong khi đó, về giá bán thì Galaxy Watch 7 phiên bản 40mm có giá từ 299 USD đến 310 USD (khoảng 7.61 triệu đến 7.89 triệu đồng).
Còn với Galaxy Watch Ultra sẽ có giá cao hơn, dao động từ 699 USD đến 710 USD (khoảng 17.79 triệu đến 18.07 triệu đồng). Với mức giá này sẽ biến nó thành chiếc Galaxy Watch đắt nhất từ trước đến nay của Samsung.
Bên cạnh đó, một số thông tin khác cũng được hé lộ khi Galaxy Watch Ultra được đồn đoán sẽ sở hữu màn hình Sapphire Crystal cao cấp và đạt chuẩn chống bụi, nước IP68. Cả hai mẫu đồng hồ đều dự kiến ra mắt vào tháng 7 tại sự kiện Galaxy Unpacked.
- Mỹ dùng trí tuệ nhân tạo phân biệt bẫy cá và chất nổ dưới đáy đại dương
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết hải quân nước này đang tăng cường ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo phát hiện mục tiêu sau khi thử nghiệm thành công các mẫu phương tiện không người lái dưới nước.
Đại diện của Đơn vị Đổi mới Quốc phòng (DIU) thuộc Lầu Năm Góc cho hay, nỗ lực đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) thương mại vào quân đội đã giúp giảm một nửa thời gian rà phá bom, mìn dưới đáy đại dương.
Tiếp đó, hải quân Mỹ có kế hoạch mở rộng ứng dụng công nghệ AI trên các phương tiện lặn không người lái, drone dưới nước nhằm phát hiện, xác định tàu bè, máy bay địch và các mối đe dọa khác.
Theo Nick Ksiazek, thiếu tá Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, sỹ quan tại DIU chuyên trách vấn đề AI, Mỹ đã thử nghiệm các thuật toán học máy dựa trên cảm biến siêu âm để phát hiện hình dạng dưới nước cũng như giám sát lòng biển từ hai năm trước.
Các phương tiện không người lái tích hợp AI đã thay thế hầu hết con người trong các tác vụ tốn nhiều thời gian, chẳng hạn như phân tích cảnh quay để phân biệt bẫy cá hay thuốc nổ.