Điểm tin công nghệ 19/5: Apple giới thiệu các tính năng mới hỗ trợ người dùng khuyết tật

Việt Báo (Tổng hợp)| 19/05/2023 06:00

Ấn Độ chi 2 tỷ USD mời gọi các hãng sản xuất điện tử; Meta đối mặt với án phạt kỷ lục về quyền riêng tư của EU

- Apple ra mắt Apple Store trực tuyến cho thị trường Việt Nam

Hôm 18/5, Apple chính thức mở rộng Apple Store trực tuyến đến thị trường Việt Nam, khách hàng trên khắp cả nước nay đã có thể mua sắm trực tiếp với Apple.

Thông qua Apple Store trực tuyến và ứng dụng Apple Store, khách hàng có thể khám phá và mua dòng sản phẩm iPhone 14. Khách hàng cũng có thể kết nối với đội ngũ chuyên gia của Apple để được trợ giúp tìm kiếm sản phẩm phù hợp với mình, Apple cho hay.

Nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia trực tuyến, giờ đây khách hàng có thể sử dụng nhiều dịch vụ bán lẻ của Apple, bao gồm Apple Trade In, chuyển dữ liệu an toàn và chuyển sang sử dụng iOS, giúp khách hàng dễ dàng chuyển dữ liệu từ thiết bị cũ sang thiết bị mới một cách an toàn và bảo mật.

Nhờ chương trình Apple Trade In, khách hàng tại Việt Nam có thể đổi thiết bị cũ của mình để lấy điểm tín dụng khi mua thiết bị mới. Nếu thiết bị cũ không đủ điều kiện để đổi điểm tín dụng, Apple sẽ tái chế thiết bị đó miễn phí, tránh đưa rác thải điện tử đến các bãi chôn lấp và tiết kiệm nhiều nguyên liệu quý giá.

Apple Store trực tuyến cung cấp nhiều phương án thanh toán, bao gồm hỗ trợ tài chính lên đến 24 tháng cho iPhone, máy Mac, iPad và Apple Watch với MoMo. Ngoài ra, học sinh, sinh viên có thể mua máy Mac hoặc iPad với mức giá đặc biệt và được giảm giá khi mua phụ kiện và chương trình AppleCare+.

- Ấn Độ chi 2 tỷ USD mời gọi các hãng sản xuất điện tử

Kế hoạch mới trị giá 170 tỷ rupee (2,1 tỷ USD) của Ấn Độ nhằm thu hút các nhà sản xuất laptop, máy tính bảng và phần cứng khác đến với quốc gia Nam Á.

Theo Bloomberg, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ nói về thành công của Apple khi lắp ráp trong nước để giới thiệu quốc gia như điểm đến sản xuất đáng tin cậy. Sản lượng iPhone làm ra trong nước chiếm khoảng 7% sản lượng toàn cầu. New Delhi mong muốn đưa nhiều hoạt động sản xuất công nghệ hơn nữa đến với nước này sau khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như chính sách Zero-Covid buộc nhiều doanh nghiệp phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Apple vẫn chưa tiến hành sản xuất iPad hay MacBook tại Ấn Độ, tuy nhiên, Bloomberg nhận xét “đại gia” Mỹ có thể cân nhắc trước những ưu đãi mới. Các nhà sản xuất khác như Dell, HP, Asustek cũng nằm trong danh sách được hưởng lợi.

Trong buổi họp báo ngày 17/5, Bộ trưởng Công nghệ Ashwini Vaishnaw chia sẻ, Ấn Độ đã vượt qua cột mốc quan trọng khi xuất khẩu 11 tỷ USD điện thoại di động năm ngoái. Ông muốn tiếp tục đà tăng này.

Kế hoạch đề xuất hoàn tiền 5% cho các công ty trên mức giá xuất xưởng (FGP). Mua linh kiện trong nước sẽ mang đến lợi ích tài chính cao hơn cho doanh nghiệp.

- VinES và Marubeni hợp tác thúc đẩy sử dụng hệ thống pin lưu trữ năng lượng tại Việt Nam

VinES (thuộc Tập đoàn Vingroup) và Marubeni Green Power Việt Nam (thuộc Tập đoàn Marubeni) cho hay sẽ hợp tác cùng nhau để thúc đẩy việc sử dụng hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) tại Việt Nam.

Theo thỏa thuận hợp tác, Marubeni sẽ tiến hành khảo sát đánh giá cùng VinES, sau đó sẽ đầu tư, lắp đặt và vận hành BESS tại nhiều địa điểm kinh doanh của các công ty thuộc Tập đoàn Vingroup, nhằm cung cấp các giải pháp tiết kiệm năng lượng, cân bằng phụ tải và quản lý điện năng thông minh. Hệ thống BESS cũng có khả năng được mở rộng để tích hợp cùng các hệ thống năng lượng tái tạo, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch của Vingroup.

Với thế mạnh là nhà sản xuất hệ thống BESS duy nhất tại Việt Nam, cung cấp các giải pháp trọn gói, an toàn, hiệu quả và kinh tế, cùng năng lực sản xuất ở quy mô GWh, VinES sẽ là nhà sản xuất và cung cấp giải pháp BESS cho Marubeni để thực hiện dự án này.

Dự kiến, Marubeni sẽ đầu tư lên đến hàng chục MWh công suất cho các hệ thống BESS trong giai đoạn đầu và mở rộng quy mô trong các giai đoạn tiếp theo.

- Meta đối mặt với án phạt kỷ lục về quyền riêng tư của EU

Mức án phạt nhằm vào Meta, công ty mẹ của Facebook, dự kiến sẽ cao hơn khoản phạt kỷ lục cũ 746 triệu euro (821,20 triệu USD) đối với Amazon trước đó.

Hai nguồn tin thân cận cho biết tập đoàn Meta Platforms Inc đang đối mặt với mức phạt kỷ lục về quyền riêng tư của Liên minh châu Âu (EU) khi việc chuyển dữ liệu người dùng Facebook tại EU sang máy chủ ở Mỹ không tuân thủ cảnh báo của tòa án hàng đầu EU.

Theo các nguồn tin, mức phạt đối với Meta sẽ cao hơn án phạt kỷ lục cũ 746 triệu euro (821,20 triệu USD) đối với Amazon.com. Meta, Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ailen (DPC) và Ủy ban châu Âu (EC) vẫn chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.

Các cơ quan châu Âu đang lo ngại các cơ quan tình báo Mỹ có thể truy cập dữ liệu người dùng Facebook tại châu Âu.

Vào tháng Tư, các quan chức cho biết DPC có một tháng để thực hiện yêu cầu chặn việc chuyển dữ liệu xuyên Đại Tây Dương của Facebook. Lệnh cấm có thể áp dụng vào giữa tháng Năm.

- Apple giới thiệu các tính năng mới hỗ trợ người dùng khuyết tật

Apple đã giới thiệu các tính năng phần mềm tích hợp trên các thiết bị của họ nhằm hỗ trợ người khiếm thị, khiếm thính, thiếu khả năng nhận thức và vận động, bên cạnh các công cụ dành cho những người gặp khó khăn trong việc giao tiếp bằng lời nói.

Những thông tin này được đưa ra ngay trước thềm Ngày nâng cao nhận thức về khả năng tiếp cận toàn cầu (Global Accessibility Awareness Day) lần thứ 12. Ngày này được tổ chức vào thứ Năm tuần thứ ba của tháng Năm với mục tiêu là nâng cao khả năng tiếp cận kỹ thuật số cho mọi đối tượng.

Trong thông báo, Apple cho hay họ đã hợp tác với các nhóm cộng đồng đại diện cho người dùng khuyết tật để phát triển các tính năng trên. Các bản cập nhật cũng được dựa trên những tiến bộ về phần cứng và phần mềm, bao gồm cả máy học (machine learning) trên thiết bị để đảm bảo quyền riêng tư của người dùng.

Dự kiến vào cuối năm nay, người dùng bị khuyết thiếu khả năng nhận thức có thể sử dụng iPhone và iPad một cách dễ dàng và độc lập hơn với tính năng Assistive Access.

- Montana trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ “cấm cửa” TikTok

Thống đốc Montana Greg Gianforte hôm 17/5 đã ký luật cấm TikTok hoạt động tại bang này, khiến Montana trở thành bang đầu tiên của Mỹ cấm ứng dụng video ngắn phổ biến.

Montana sẽ quy định việc các cửa hàng ứng dụng của Google và Apple cung cấp ứng dụng TikTok trong biên giới bang này là bất hợp pháp. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Montana cho biết TikTok có thể bị phạt cho mỗi lần vi phạm và phạt thêm 10.000 USD mỗi ngày nếu vi phạm lệnh cấm. Ngoài ra, Apple và Google cũng có thể bị phạt 10.000 USD mỗi lần vi phạm mỗi ngày nếu của hàng ứng dụng trực tuyến của họ vi phạm lệnh cấm.

Ông Gianforte cũng muốn cấm sử dụng tất cả các ứng dụng truyền thông xã hội thu thập, cung cấp thông tin hoặc dữ liệu cá nhân cho các đối thủ nước ngoài trên các thiết bị do chính phủ cấp.

Sau thông tin trên, TikTok – ứng dụng thuộc sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance – đã ra thông báo cho biết dự luật "vi phạm quyền của Tu chính án thứ nhất của người dân Montana bằng cách cấm TikTok một cách bất hợp pháp". Đồng thời, TikTok khẳng định "sẽ bảo vệ quyền của người dùng bên trong và bên ngoài Montana”.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 19/5: Apple giới thiệu các tính năng mới hỗ trợ người dùng khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO