Điểm tin công nghệ 18/8: Tốc độ của cổng USB-C trên iPhone 15 sẽ... ‘không phải dạng vừa’

Việt Báo (Tổng hợp)| 18/08/2023 06:00

Thành phố New York cấm TikTok trên thiết bị công; Lộ diện "đại gia" ngoại đứng sau CMC Telecom

15-pro-max-14-pro-max.jpg

- Tốc độ của cổng USB-C trên iPhone 15 sẽ... ‘không phải dạng vừa’

Cổng USB-C mới của iPhone 15 có thể cung cấp tốc độ truyền tải đáng kinh ngạc của chuẩn Thunderbolt.

Theo iMore, mặc dù Apple vẫn chưa chính thức xác nhận, nhưng hầu như ai cũng biết rằng công ty sẽ từ bỏ cổng Lightning để chuyển sang USB-C trên các mẫu iPhone 15 sắp ra mắt. Nhưng có thể sẽ có nhiều điều đáng kinh ngạc hơn là chỉ thay đổi chuẩn kết nối.

Khi nói đến việc chuyển sang USB-C, nhiều người đã hy vọng rằng Apple cũng sẽ tăng tốc độ truyền dữ liệu của iPhone và giờ đây, một báo cáo mới cho thấy đó chính xác là điều sẽ xảy ra.

Nếu tin đồn là sự thật, những ai sở hữu mẫu iPhone mới của Apple có thể nhận được tốc độ truyền tải vượt trội so với các sản phẩm trước đây, với tốc độ chuẩn Thunderbolt lên tới 40Gbps. Hơn nữa, tốc độ đáng chú ý này sẽ không độc quyền trên phiên bản cao cấp của iPhone 15, mà còn có ở những phiên bản tiêu chuẩn.

Tin tức rò rỉ được đưa ra bởi ChargerLAB, với báo cáo rằng dựa trên hình ảnh của các đầu nối và cáp USB-C bị rò rỉ trước đây, gợi ý đến việc Apple đã tích hợp một thành phần đáng chú ý trên linh kiện, mang đến tốc độ truyền dữ liệu cực nhanh.

Cụ thể, ChargerLAB chỉ ra rằng các hình ảnh đã hiển thị về chip Retimer nằm bên cạnh cổng USB-C. Khả năng của chip này sẽ giúp cải thiện độ ổn định của việc truyền tín hiệu cho các cổng dữ liệu băng thông cao, cho phép khoảng cách truyền tải được dài hơn. Ngoài ra, báo cáo cũng lưu ý rằng chip Retimer này sẽ được tích hợp với ít nhất ba mẫu iPhone 15, mang đến tính năng truyền dữ liệu tốc độ cao 40Gbps của Thunderbolt/USB4.

- Thành phố New York cấm TikTok trên thiết bị công

Trong thông báo ngày 16/8, ông Eric Adams, Thị trưởng thành phố New York của Mỹ ban hành lệnh cấm sử dụng ứng dụng TikTok trên tất cả thiết bị công vụ do các mối lo ngại về an ninh.

Theo Reuters, Thị trưởng Eric Adams nêu rõ: "TikTok đặt ra mối đe doạ an ninh đối với các mạng lưới kỹ thuật của thành phố". Sau khi lệnh cấm được ban hành, các cơ quan công vụ của thành phố New York phải gỡ bỏ ứng dụng trong vòng 30 ngày. Cùng với đó, các nhân viên sẽ không truy cập được ứng dụng và trang web TikTok trên các thiết bị công và mạng lưới kỹ thuật của thành phố.

Trước đó, bang New York đã ban hành lệnh cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị di động do chính quyền bang cấp. Hiện có hơn 150 triệu người Mỹ đang sử dụng TikTok, ứng dụng thuộc sở hữu của công ty ByteDance (Trung Quốc).

Các lệnh cấm và hạn chế đối với TikTok nói riêng và các trang mạng xã hội nói chung ngày càng gia tăng tại Mỹ và châu Âu do những lo ngại về quyền riêng tư, an ninh quốc gia và an toàn cho trẻ em.

Hồi tháng 4/2023, các nhà lập pháp của bang Montana, Mỹ cũng thông qua dự luật cấm TikTok được cung cấp tại bang này từ năm sau. Hay như 3 cơ quan hàng đầu của Liên minh châu Âu là Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu cũng thông báo áp dụng lệnh cấm cài đặt ứng dụng TikTok trên các thiết bị công kể từ giữa tháng 3 vừa qua.

Nguyên nhân chủ yếu là do các nước lo ngại về vấn đề quyền riêng tư và tính bảo mật thông tin của người sử dụng, cũng như nguy cơ truyền bá những nội dung xấu độc, có thể đe dọa đến an ninh quốc gia.

- VNG và SCTV hợp tác liên kết dịch vụ số

Công ty Cổ phần VNG (VNG) và Công ty TNHH Truyền hình cáp SCTV (SCTV) vừa chính thức ký kết hợp tác chiến lược về công nghệ thông tin và viễn thông, nhằm đem đến dịch vụ số chất lượng hơn cho người dùng.

Trong khuôn khổ hợp tác, VNG Cloud - đơn vị cung cấp giải pháp điện toán đám mây thuộc VNG, sẽ đảm nhiệm việc cung cấp hạ tầng CDN và các dịch vụ liên quan đến lưu trữ dữ liệu, điện toán đám mây cho đối tác SCTV, từ đó nâng cao năng lực chuyển đổi số trong ngành truyền hình, công nghệ thông tin và viễn thông cho SCTV.

Phía SCTV, với hạ tầng mạng viễn thông rộng khắp Việt Nam của mình, sẽ cung cấp băng thông nội địa và quốc tế, hạ tầng mạng truyền dẫn Internet, các kênh truyền dẫn điểm - điểm (MPLS, VPN)... để tăng cường khả năng truyền dẫn cho dịch vụ điện toán đám mây của VNG Cloud.

Theo đó, kiến trúc đám mây có thể mở rộng của VNG Cloud kết hợp với các kênh truyền dẫn đa dạng của SCTV sẽ giúp mở rộng băng tần linh hoạt theo nhu cầu của khách hàng. Đơn cử, VNG Cloud sẽ tiến hành triển khai nâng cấp và đảm bảo hạ tầng CNTT của SCTV trước khi giải đấu La Liga chính thức khai màn để đáp ứng được lượng người xem tăng cao đột biến.

VNG và hệ sinh thái sản phẩm đa dạng của mình cũng sẽ cung cấp nội dung giải trí số đa dạng bao gồm: eSports, nhạc số và các dịch vụ liên quan trên các kênh của đối tác, qua đó góp phần nâng cao năng lực chuyển đổi số và đảm bảo vị thế tiên phong về nội dung số của SCTV.

- Oppo Watch 4 Pro sẽ ra mắt cùng lúc với Oppo Find N3?

Oppo đang lên kế hoạch trình làng mẫu smartwatch tiếp theo của hãng vào cuối tháng này mang tên OPPO Watch 4 Pro.

Theo DCS, OPPO Watch 4 Pro sắp ra mắt sẽ là một chiếc smartwatch cao cấp có eSIM. Đồng hồ sẽ được trang bị chip Snapdragon W5 Gen 1 được xây dựng trên tiến trình 4nm tiên tiến. Chiếc smartwatch này sẽ có pin 570 mAh mang đến thời gian sử dụng lên tới 5 ngày ở chế độ thông minh.

Ngoài ra, OPPO Watch 4 Pro sẽ có vỏ ngoài chuyển từ chất liệu hợp kim nhôm sang thép không gỉ 316, trong khi mặt dưới làm từ gốm. Cải tiến này dự kiến ​​sẽ cải thiện đáng kể kết cấu tổng thể và tính thẩm mỹ của đồng hồ.

Bên cạnh đó, thiết bị cũng sẽ sở hữu màn hình AMOLED với lớp kính cong. Và nó cũng sẽ cung cấp một loạt tính năng hữu ích như theo dõi nhịp tim, theo dõi SpO2, GPS và NFC để người dùng không cần thanh toán trực tiếp.

Hiện tại vẫn chưa có ngày chính xác cho việc Oppo Watch 4 Pro ra mắt và mức giá của nó vẫn còn là ẩn số. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Watch 3 Pro từng ra mắt với mức giá 280 USD, vậy có thể thế hệ đồng hồ tiếp theo của Oppo cũng sẽ dao động khoảng tầm giá này.

Oppo Watch 4 Pro có khả năng ​​sẽ ra mắt trong tháng này cùng Oppo Find N3.

- Lộ diện "đại gia" ngoại đứng sau CMC Telecom

Là tập đoàn viễn thông tư nhân hàng đầu Malaysia, Time dotCom gây dấu ấn tại Việt Nam khi là nhà mạng “ngoại” hiếm hoi có thương vụ đầu tư thành công khi rót vốn hàng chục triệu USD vào CMC Telecom.

Năm 2015, Time chính thức thâu tóm 25% cổ phần của CMC Telecom với tổng trị giá 12 triệu USD. Với thương vụ này, đại gia ngành viễn thông của Malaysia lần đầu tiên bước chân vào dải đất hình chữ S.

Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên, một công ty hạ tầng viễn thông của Việt Nam bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài.

Chia sẻ về lý do Time lựa chọn đầu tư vào CMC Telecom tại thị trường Việt Nam, đại diện CMC Telecom cho biết, hai đơn vị đều là doanh nghiệp tư nhân, hiểu được thách thức của thị trường viễn thông khu vực. Ngay từ khi thành lập, hai công ty cùng hướng tới đối tượng khách hàng cao cấp, đặc biệt là nhóm khách hàng tài chính – ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế quốc gia.

Thị trường khi đó không hiếm các thương vụ đầu tư của nhà mạng nước ngoài, từ như KDDI, Mitsui (Nhật), SK Telecom (Hàn Quốc), Hutchison Telecom - HongKong (Trung Quốc) hay Chunghwa Telecom - Đài Loan( Trung Quốc) vào nhà mạng Việt, nhưng đều không gặt hái được “quả ngọt" và phải sớm rời đi. Tuy nhiên, sự đồng điệu về mặt chiến lược đã mang lại thành công cho sự hợp tác của Time và CMC Telecom.

- Indonesia, Singapore bắt đầu thử nghiệm liên kết mã thanh toán QR Code

Indonesia cùng các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đã sử dụng mã QR xuyên biên giới từ năm 2022 nhằm tăng cường kết nối thương mại trong các nước thành viên ASEAN.

Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) ngày 17/8 thông báo nước này đã bắt đầu thử nghiệm thanh toán bằng mã QR xuyên biên giới với đối tác Singapore.

Theo kế hoạch, hai Ngân hàng Trung ương Indonesia và Singapore sẽ thiết lập hệ thống thanh toàn toàn diện vào cuối năm 2023.

Indonesia thúc đẩy mã thanh toán QR ASEAN nhằm tăng cường kết nối thương mại trong các nước thành viên ASEAN.

Indonesia cùng các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đã sử dụng mã QR xuyên biên giới từ năm 2022.

Mới đây, Campuchia và Philippines cũng bắt đầu sử dụng mã QR.

Hiện Indonesia đang hỗ trợ Lào, Myanmar, cũng như Timor-Leste áp dụng hình thức thanh toán này.

Trước đó, Indonesia và Malaysia đã chính thức triển khai giao dịch xuyên biên giới thông qua thanh toán bằng Mã phản hồi nhanh tiêu chuẩn (QRIS).

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 18/8: Tốc độ của cổng USB-C trên iPhone 15 sẽ... ‘không phải dạng vừa’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO