- Giá iPhone 12 tiếp tục giảm sâu tại Việt Nam
Khảo sát tại nhiều hệ thống bán lẻ lớn ở Việt Nam cho thấy giá iPhone 12 đã liên tục giảm sâu trong thời gian qua.
Cụ thể, iPhone 12 đang được một số đại lý chào bán với mức giá 14 triệu đồng cho phiên bản 64GB, giảm 1 triệu đồng so với giai đoạn cuối tháng 6. Trong khi đó, phiên bản 128GB cũng được điều chỉnh về mức giá khoảng 15,2 triệu đồng.
Đây cũng là mức giá thấp nhất của iPhone 12 kể từ khi ra mắt tại thị trường Việt Nam. Lưu ý, mức giá trên có thể chênh lệch vài trăm nghìn đồng tùy theo chính sách bán hàng của mỗi đại lý.
Hiện tại, iPhone 12 đang phải chịu sức ép lớn từ chính "gà nhà". Cụ thể, iPhone 11 đã được điều chỉnh giảm giá sâu về mức giá khoảng 10 triệu đồng và trở thành sản phẩm bán chạy nhất của Apple trong phân khúc giá trung cấp.
Theo nhận định từ các chuyên gia, để có thể hoàn toàn thay thế vị trí của iPhone 11, iPhone 12 sẽ phải đợi tới ngày Apple ngừng kinh doanh mẫu máy này tại thị trường Việt Nam.
- Huawei định phí bản quyền cho các bằng sáng chế, thúc đẩy quyền sở hữu trí tuệ
Huawei công bố mức phí bản quyền đối với chương trình cấp phép bằng sáng chế của các thiết bị cầm tay, Wi-Fi và IoT.
Tại sự kiện thường niên về đổi mới sáng tạo và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Huawei – Bridging Horizons Of Innovations 2023, Huawei cam kết cấp phép các bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn (Standard Essential Patents – SEP) theo nguyên tắc công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử (FRAND).
Đồng thời, Huawei cũng công bố mức phí bản quyền cho tất cả lĩnh vực mà công ty đang sở hữu, bao gồm thiết bị cầm tay 4G và 5G, thiết bị Wi-Fi 6 và các sản phẩm IoT. Cụ thể, mỗi thiết bị cầm tay 4G và 5G sẽ có mức phí bản quyền tối đa lần lượt là 1,5 USD và 2,5 USD. Mỗi thiết bị người dùng Wi-Fi 6 sẽ có phí bản quyền là 0,5 USD. Với mỗi thiết bị IoT Centric sẽ có phí bản quyền là 1% trên giá bán thực tế, giới hạn ở mức 0,75 USD; còn phí cho mỗi thiết bị IoT nâng cao sẽ dao động trong khoảng 0,3-1 USD.
Ông Alan Fan – Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Bộ phận Quyền Sở hữu Trí tuệ của Huawei, cho biết thêm, tính đến nay, Huawei đã ký gần 200 giấy phép bằng sáng chế song phương. Ngoài ra, hơn 350 công ty đã nhận được giấy phép sử dụng bằng sáng chế của Huawei thông qua mô hình liên kết thương mại hóa sáng chế. Thông qua các bằng sáng chế, tổng số tiền bản quyền mà Huawei thanh toán gấp khoảng 3 lần tổng số tiền bản quyền thu được; doanh thu giấy phép năm 2022 của Huawei lên tới 560 triệu USD.
Cũng tại sự kiện, Huawei chính thức giới thiệu website cung cấp thông tin chi tiết về các chương trình cấp phép song phương, từ thiết bị cầm tay di động đến Wi-Fi và kết nối cảm biến IoT.
- Khởi động Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN 2023
Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN (AOSD) năm 2023 sẽ diễn từ ngày 8 - 22/8/2023 tại 10 nước trong khu vực.
Chương trình năm 2023 dự kiến sẽ có thay đổi nhằm tăng trải nghiệm của người tiêu dùng và đẩy mạnh mua sắm trực tuyến giữa các quốc gia trong ASEAN.
Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN (AOSD) là sự kiện có quy mô lớn nhất ASEAN trong lĩnh vực thương mại điện tử, với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động trong thương mại điện tử nói riêng và quá trình chuyển đổi số của khu vực nói chung.
Theo đó, Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN năm 2023 diễn ra cùng lúc tại 10 nước thành viên thuộc khối ASEAN từ ngày 8/8/2023 đến ngày 22/8/2023. Trong khuôn khổ thời gian diễn ra chương trình, người tiêu dùng trong khu vực ASEAN có thể mua sắm trên các nền tảng số của doanh nghiệp, các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước với những ưu đãi dành riêng cho sự kiện.
- Meta bị phạt 100.000 USD mỗi ngày tại Na Uy do vi phạm luật bảo mật dữ liệu
Meta Platforms sẽ bị cơ quan chức năng Na Uy phạt 100.000 USD/ngày, bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 11/2023.
Cơ quan bảo vệ dữ liệu Na Uy cho biết Meta Platforms, công ty sở hữu Facebook và Instagram sẽ bị phạt 100.000 USD/ngày cho đến khi đưa ra biện pháp khắc phục những vi phạm về quyền riêng tư.
Theo thông báo đưa ra vào ngày 17/7, cơ quan Datatilsynet chịu trách nhiệm giám sát dữ liệu tại quốc gia Bắc Âu sẽ “tính tiền phạt” theo từng ngày, bắt đầu từ ngày 4/8 cho đến ngày 3/11 nếu Meta không có giải pháp chấn chỉnh.
Nhà chức trách nói rằng Meta không được thu thập dữ liệu người dùng tại Na Uy, bao gồm dữ liệu vị trí địa lý và sử dụng quảng cáo nhắm đối tượng, một hoạt động kinh doanh thường thấy của các gã khổng lồ công nghệ.
“Điều này là bất hợp pháp, chúng tôi buộc phải can thiệp ngay bây giờ và ngay lập tức. Cơ quan chức năng không thể chờ đợi lâu hơn nữa”, Tobias Judin, người đứng đầu bộ phận quốc tế của Datatilsynet nói.
- Ngân hàng cảnh báo lừa đảo qua cài đặt ứng dụng thuế giả mạo
Agribank vừa cảnh báo về chiêu thức lừa đảo mới thông qua cài đặt ứng dụng giả mạo cơ quan thuế nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt tài sản của người dùng.
Để lừa đảo người dùng, kẻ gian mạo danh cán bộ thuế liên hệ với người dùng qua nhiều hình thức như gọi điện, nhắn tin hoặc kết bạn qua các mạng xã hội với các lý do hỗ trợ quyết toán thuế, đề nghị cập nhật thông tin khai thuế, hỗ trợ thủ tục hoàn thuế... và cung cấp các đường link tải ứng dụng thuế giả mạo và đề nghị người dùng cài đặt ứng dụng.
Sau khi người dùng cài đặt, các ứng dụng thuế giả mạo chứa mã độc trên nhiều hệ thống khác nhau sẽ “bẫy” người dùng cung cấp quyền trợ năng (accessibility) yêu cầu cho phép truy cập vào các thiết bị (như xem màn hình, hành động, dữ liệu nhập, điều khiển màn hình…) để thu thập thông tin thao tác trên điện thoại; Thu thập thông tin mã xác thực giao dịch ngân hàng được gửi đến trên điện thoại (OTP/ Smart OTP…); chiếm quyền điều khiển thiết bị truy cập các ứng dụng ngân hàng.
Với các thông tin thu thập được, kẻ gian có thể sử dụng để chiếm đoạt tiền trên tài khoản ngân hàng của người dùng.