- iPhone mới có thể thêm tính năng chống xước, không cần ốp bảo vệ
Sau nhiều năm phải bọc kín chiếc điện thoại iPhone đẹp đẽ trong lớp ốp bảo vệ bằng nhựa, Apple có thể sẽ thỏa mãn người dùng bằng một dòng điện thoại hoàn toàn mới.
Theo tờ Daily Mail, Apple có thể tung ra thị trường một chiếc điện thoại không cần ốp lưng. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ này đã được trao bằng sáng chế thiết kế cho loại bề mặt “chống mài mòn”, giúp điện thoại ít bị trầy xước hơn và không cần ốp bảo vệ.
Các hình ảnh trong tài liệu cấp bằng sáng chế cho thấy mặt sau của iPhone “mọc lên” một dải hạt siêu bền, kích thước nhỏ hơn đầu bút chì, phủ kín phần lưng thiết bị.
Apple đề xuất các hạt “chống mài mòn” này có thể làm bằng kim loại, thủy tinh, gốm sứ hoặc các vật liệu phù hợp khác.
Chúng cũng có thể được nhúng trong vật liệu nhựa tương tự polycarbonate giống như các mẫu iPhone giá rẻ trước đây là 5S và 5C được phát hành vào năm 2013. Theo đó, những hạt này nằm trải dài trên bề mặt trên cùng của vật liệu nhựa.
Tập đoàn “Quả táo cắn dở” nộp bằng sáng chế 11678445 vào ngày 26/9/2017, nhưng mới được Văn phòng Bằng sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ cấp phép và công bố vào tuần trước.
- Hãng ô tô đầu tiên tích hợp ChatGPT
Từ ngày 16/6, các khách hàng tại Mỹ sở hữu những mẫu xe Mercerdes-Benz có trang bị hệ thống giải trí MBUX có thể tải ChatGPT thông qua một ứng dụng của Mercedes hoặc ra lệnh bằng giọng nói.
Theo CNN, khoảng 900.000 xe hạng sang của Mercedes-Benz tại Mỹ sẽ tham gia chương trình thử nghiệm kéo dài 3 tháng. Trong thời gian này, nhà sản xuất xe của Đức sẽ đánh giá cách thức khách hàng sử dụng công nghệ ChatGPT.
Việc tích hợp ChatGPT hứa hẹn đưa trợ lý giọng nói "Hey Mercedes" của hãng lên một tầm cao mới. Thay vì chỉ trả lời các lệnh đơn giản và được lập trình sẵn, hệ thống điều hành của Mercedes có thể phản hồi nhiều yêu cầu đa dạng hơn bao gồm cả những câu hỏi không liên quan đến xe. Chẳng hạn như câu hỏi về công thức nấu ăn hoặc thời điểm phù hợp trong năm để đi du lịch.
Ngoài ra, Mercedes-Benz đang nỗ lực mở rộng chức năng ChatGPT, hỗ trợ thêm tác vụ tiện ích như đặt chỗ nhà hàng hoặc đặt vé xem phim ngay trên xe.
Về bảo mật, hãng xe Đức này khẳng định, nội dung những cuộc trò chuyện của người dùng sẽ được lưu trữ trong hạ tầng điện toán đám mây thông minh riêng và ẩn danh hoàn toàn. Tuy nhiên, những dữ liệu này sẽ vẫn được sử dụng cho việc phân tích và cải thiện dịch vụ.
- Viettel hợp tác cùng Microsoft về điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo
Vừa qua, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) - một đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Công ty Microsoft Việt Nam đã chính thức ký thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm thúc đẩy ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 như Cloud, Data và AI trên nhiều lĩnh vực, đẩy mạnh các dịch vụ số tại Việt Nam.
Theo thỏa thuận được ký, Viettel và Microsoft sẽ cùng triển khai công nghệ điện toán đám mây trong đó kết hợp hạ tầng Viettel Cloud và nền tảng Microsoft Azure Cloud (1 trong 4 hệ sinh thái cloud lớn nhất thế giới thuộc Microsoft) để cải tiến sản phẩm, Việt hóa các ứng dụng của Microsoft và phân phối trong nước.
Ngược lại, về phía Microsoft, việc sử dụng hạ tầng data center cũng như am hiểu về thị trường nội địa của Viettel Cloud sẽ giúp Azure Cloud có thể giải quyết các bài toán của khách hàng thuộc phân khúc hành chính công. Với hệ sinh thái Azure Cloud cũng như các dịch vụ về dữ liệu và trí tuệ nhân tạo như Azure Machine Learning, Azure OpenAI, Viettel sẽ có nhiều cơ hội để hợp tác cùng đồng hành, phát triển giải pháp và khám phá thêm tiềm năng kinh doanh ở các dịch vụ đang phát triển mạnh mẽ như Speech Technology, OpenAI, Chat GPT…
- Mã độc gây nguy hiểm cho 1,5 triệu máy tính tại Việt Nam
Chiến dịch tấn công bằng mã độc có tên SPECTRALVIPER lây nhiễm thông qua lỗ hổng bảo mật SMB, tồn tại trên khoảng 10% máy tính tại Việt Nam.
Theo cảnh báo của công ty an ninh mạng Elastic Security Labs, chiến dịch tấn công bằng mã độc có tên SPECTRALVIPER đang nhắm vào hàng triệu máy tính hoạt động tại Việt Nam.
Dữ liệu cho thấy chiến dịch tấn công gây ra bởi REF2754, mã tham chiếu trùng khớp với nhóm tin tặc của Việt Nam có tên APT32, còn gọi là Canvas Cyclone, Cobalt Kitty và OceanLotus.
Đại diện Elastic cho biết SPECTRALVIPER là cửa hậu (backdoor) chưa từng tiết lộ trên kiến trúc x64, dùng kỹ thuật xáo trộn mã (obfuscated) với khả năng đưa dữ liệu độc hại vào hệ thống.
Trong một đợt lây nhiễm do Elastic phát hiện, công cụ ProcDump bị lợi dụng để đưa file DLL chứa DONUTLOADER được cài đặt để chèn SPECTRALVIPER và các mã độc khác vào hệ thống như P8LOADER, POWERSEAL.
SPECTRALVIPER duy trì kết nối với máy chủ do tin tặc kiểm soát. Khi nhận lệnh kích hoạt, mã độc này có thể tiếp cận để chèn dữ liệu độc hại, truy cập tài nguyên nhạy cảm, chỉnh sửa tệp và thư mục trên hệ thống.
P8LOADER được viết bằng ngôn ngữ C++, có khả năng kích hoạt gói dữ liệu độc hại từ file hoặc bộ nhớ. Trong khi đó, POWERSEAL có thể chạy lệnh trong PowerShell mà không cần sự cho phép của người dùng.
SPECTRALVIPER lây nhiễm vào máy tính thông qua lỗ hổng SMB. Theo thống kê của Bkav, 1/10 máy tính tại Việt Nam tồn tại lỗ hổng SMB, nguy cơ bị nhiễm SPECTRALVIPER.
- 'Gã khổng lồ' ngành chip nhớ Mỹ đầu tư 603 triệu USD vào Trung Quốc
Nhà sản xuất chip nhớ Mỹ, Micron, ngày 16/6 cho biết sẽ duy trì kết nối với Trung Quốc và cam kết đầu tư 603 triệu USD trong những năm tới vào nhà máy lắp ráp tại quốc gia này.
"Khoản đầu tư 603 triệu USD cho thấy cam kết không thể lay chuyển của Micron đối với hoạt động kinh doanh và đội ngũ của chúng tôi tại Trung Quốc", Reuters dẫn tuyên bố của giám đốc điều hành Micron, Sanjay Mehrotra, trên mạng xã hội WeChat.
Doanh nghiệp sản xuất chip nhớ lớn nhất của Mỹ vào tháng 5 đã trở thành mục tiêu của cơ quan kiểm soát an ninh mạng Trung Quốc. Cơ quan này cho biết Micron đã thất bại trong một cuộc kiểm tra an ninh, ra lệnh cấm các nhà vận hành cơ sở hạ tầng thiết yếu tại Trung Quốc mua sản phẩm của doanh nghiệp Mỹ.
Micron không đề cập đến quyết định của chính quyền Trung Quốc trong tuyên bố ngày 16/6.
Khoản đầu tư của tập đoàn công nghệ Mỹ bao gồm việc mua bổ sung thiết bị lắp ráp từ một công ty có trụ sở ở thành phố Tây An, thuộc sở hữu của tập đoàn Powertech Technology tại Đài Loan (Trung Quốc). Các thiết bị trên đã được Micron sử dụng kể từ năm 2016.
Micron cũng mở thêm một dây chuyền mới tại nhà máy của hãng ở Trung Quốc - sản xuất các linh kiện máy tính như DRAM, NAND và SSD, đồng thời cải thiện khả năng lắp ráp và thử nghiệm chip của cơ sở này.