- EU thông qua dự luật kiểm soát trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới
Các nhà lập pháp EU đã thông qua một đạo luật mang tính bước ngoặt về quản lý trí tuệ nhân tạo đã giúp liên minh vượt qua Mỹ về quy định đối với một công nghệ quan trọng và đột phá.
Châu Âu đã tiến gần hơn đến việc áp dụng các quy tắc trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên trên thế giới khi các nhà lập pháp EU nhất trí về một thỏa thuận tạm thời đối với công nghệ đang được sử dụng phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp cũng như cuộc sống hàng ngày.
Sau 3 năm ấp ủ, Đạo luật AI ra đời khi các hệ thống AI tạo sinh (generative AI) như ChatGPT của OpenAI được Microsoft hỗ trợ và chatbot Gemini của Google trở nên phổ biến hơn, làm dấy lên mối lo ngại về thông tin sai lệch và tin giả.
Việc các nhà lập pháp EU thông qua một đạo luật mang tính bước ngoặt về quản lý AI đã giúp khối này vượt qua Mỹ về việc đưa ra quy định đối với một công nghệ quan trọng và đột phá. Đạo luật này sẽ quản lý các mô hình AI có mục đích chung, có tác động cao và các hệ thống AI có rủi ro cao sẽ phải tuân thủ các nghĩa vụ minh bạch cụ thể và luật bản quyền của EU.
"Tôi hoan nghênh sự ủng hộ của Nghị viện Châu Âu đối với Đạo luật AI, khuôn khổ ràng buộc toàn diện đầu tiên trên thế giới dành cho trí tuệ nhân tạo. Châu Âu hiện là lãnh thổ đầu tiên thiết lập tiêu chuẩn về AI”, Ủy viên châu Âu Thierry Breton cho biết.
Tổng cộng có 523 nhà lập pháp EU đã bỏ phiếu ủng hộ đạo luật này trong khi 46 người phản đối và 49 người bỏ phiếu trắng.
Các nước EU dự kiến sẽ chính thức đồng ý với thỏa thuận trong tháng 5. Theo đó, luật dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu năm tới và chính thức áp dụng vào năm 2026.
- Hướng dẫn 4 bước phòng tránh lừa đảo cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo
Chiều 16-3, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, thời gian gần đây, nhiều người dân bị lừa cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo để các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại nhằm chiếm đoạt tài sản.
Để tránh sập bẫy chiêu lừa đảo như trên, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân 4 bước phòng tránh:
1. Cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn lạ, đặc biệt là liên quan tới cán bộ của các cơ quan Nhà nước. Không làm việc, không cung cấp thông tin cá nhân và cũng không làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại. Đồng thời, liên hệ với các cơ quan chức năng, có thẩm quyền để xác minh về người gọi điện.
2. Cảnh giác với những yêu cầu cài đặt phần mềm. Tuyệt đối không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link hoặc file Apk.
3. Không nên lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên các phần mềm ứng dụng của điện thoại.
4. Thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền cho người thân, mọi người xung quanh phòng ngừa.
- Apple lại 'đau đầu' vì thiết bị nhỏ bé này
Apple chuẩn bị phải đối mặt với vụ kiện tập thể cáo buộc thiết bị AirTags đóng vai trò như 'vũ khí' của những kẻ theo dõi.
Theo Bloomberg, Apple đã thất bại trong nỗ lực bác bỏ vụ kiện cáo buộc các thiết bị AirTag của hãng đóng vai trò như "vũ khí" của những kẻ xấu sử dụng để theo dõi, thu thập vị trí của người khác.
Ngày 15/3, Thẩm phán quận Vince Chhabria ở San Francisco ra phán quyết 3 nguyên đơn đã đưa ra đầy đủ yêu cầu bồi thường về sự sơ suất và trách nhiệm pháp lý của Apple đối với thiết bị theo dõi.
Đây là một phần trong vụ kiện tập thể 37 người chống lại Apple từ năm 2022. Lauren Hughes, một nạn nhân tham gia vụ kiện, cho biết bạn trai cũ đã gắn một chiếc AirTag bên trong bánh xe hơi để tìm vị trí, khách sạn và nhà mới của cô.
AirTag là thiết bị nhỏ có khả năng theo dõi vị trí được Apple bán ra đầu năm 2021. Sở hữu ưu điểm lớn với khả năng định vị chính xác, nhưng AirTag cũng không ít lần nhận chỉ trích vì bị kẻ xấu sử dụng để theo dõi, thu thập vị trí của người khác.
Chính Apple cũng thừa nhận AirTag tích hợp một số tính năng bảo mật, tuy nhiên ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy thiết bị được sử dụng với mục đích xấu.
- Các trang web độc hại “hết đất sống” với tính năng mới của Google Chrome
Trình duyệt Google Chrome đã được tích hợp khả năng phát hiện trang web độc hại theo thời gian thực.
Việc màn hình cảnh báo trên Chrome xuất hiện khi truy cập vào một trang web tiềm ẩn nguy hiểm là tình huống không hiếm gặp. Giờ đây, Google đang nỗ lực cải thiện tính năng “Safe Browsing” nhằm phát hiện và ngăn chặn các website độc hại hiệu quả hơn.
Theo bài đăng trên blog của Google, tính năng Safe Browsing hiện tại có khả năng "đánh giá hơn 10 tỷ địa chỉ trang web và file mỗi ngày, hiển thị hơn 3 triệu cảnh báo cho người dùng về các mối đe dọa tiềm ẩn".
Tuy nhiên, quá trình quét website độc hại của Chrome lại diễn ra không thường xuyên. Trình duyệt lưu trữ một danh sách các trang web nguy hiểm được cập nhật theo giờ. Google thừa nhận cách thức này không đủ hiệu quả vì hầu hết các trang web độc hại có thể chỉ tồn tại trong khoảng 10 phút.
Trước đây, chế độ bảo vệ Standard của Safe Browsing sử dụng danh sách lưu trữ trên thiết bị để kiểm tra xem trang web hoặc file có thuộc danh sách đen hay không. Danh sách này được cập nhật 30-60 phút một lần, nhưng thực tế, các website độc hại thường chỉ hoạt động trong thời gian rất ngắn.
Điều này tạo ra kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng trước khi Google kịp phát hiện và cập nhật danh sách cảnh báo. Nhằm khắc phục vấn đề này, Google đã thay đổi cách thức hoạt động của Safe Browsing.
Theo đó, kể từ bây giờ, Chrome sẽ kiểm tra các trang web theo thời gian thực bằng cách đối chiếu với danh sách được lưu trữ trên server của Google. Điều này giúp loại bỏ khoảng thời gian chờ, giúp ngăn chặn các trang web độc hại có cơ hội hoạt động. Nếu nghi ngờ một trang web gây rủi ro cho người dùng hoặc thiết bị, Chrome sẽ hiển thị cảnh báo kèm thông tin chi tiết. Bằng cách kiểm tra theo thời gian thực, Google dự kiến có thể chặn được hơn 25% các nỗ lực lừa đảo (phishing).
Đáng chú ý, Google cũng đảm bảo tính riêng tư của người dùng trong quá trình áp dụng tính năng mới. Theo công ty, khả năng này sử dụng mã hóa và các kỹ thuật nâng cao quyền riêng tư khác để đảm bảo không ai, kể cả Google, biết được trang web mà bạn đang truy cập. Tính năng cũng sẽ có mặt trên Android vào cuối tháng này.
- Peru cân nhắc áp dụng 'thuế Netflix'
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 15/3, Cơ quan Quản lý thuế (Sunat) của Peru đề xuất đánh thuế các nền tảng giải trí trực tuyến như Netflix, trên cơ sở doanh thu được tạo ra tại quốc gia Nam Mỹ này.
Người đứng đầu Sunat, Gerardo López cho biết đề xuất “Thuế Netflix” này sẽ được áp dụng cho các ứng dụng giải trí trực tuyến tương tự, chẳng hạn như Spotify, Disney+. Các nền tảng này hiện tính phí từ xa và không phải nộp thuế ở Peru. Ông López nhấn mạnh “Thuế Netflix” là một phần trong chiến lược phát triển hệ thống thuế của Peru, đồng thời khẳng định Sunat đang đợi Bộ Kinh tế và Tài chính “bật đèn xanh” để áp dụng sắc thuế mới này.
Tại Mỹ Latinh, Netflix ghi nhận 38 triệu lượt đăng ký và là nền tảng video theo yêu cầu có phạm vi tiếp cận cao nhất tại khu vực này. Trong năm 2020, Netflix đã phá kỷ lục về doanh thu phát trực tuyến tại Mỹ Latinh, với doanh thu trung bình khoảng 785 triệu USD/quý.
Trong khi đó, Disney+ ra mắt tại Mỹ Latinh vào cuối năm 2020 và nhanh chóng bùng nổ tại các quốc gia trong khu vực. Dự báo đến cuối năm 2026, Disney+ sẽ vượt qua các đối thủ mạnh như Amazon Prime Video và HBO Max để trở thành nền tảng video theo yêu cầu được đăng ký nhiều thứ hai ở Mỹ Latinh, chỉ sau Netflix.
Một số quốc gia Mỹ Latinh đang lên kế hoạch áp dụng các mức thuế tương tự “Thuế Netflix” để bù đắp các nguồn thu bị mất của các đài truyền hình truyền thống.