- MacBook Pro M3 chưa kịp hạ nhiệt, Apple đã rục rịch trình làng MacBook Pro M4
Sau khi MacBook Pro M3 gặt hái thành công vang dội trên thị trường, Apple không ngủ quên trên chiến thắng mà đang âm thầm ấp ủ kế hoạch cho thế hệ MacBook Pro tiếp theo.
Sự ra mắt của chip Apple Silicon thế hệ thứ 4 trên mẫu MacBook Pro mới đang được giới công nghệ mong chờ, bởi chip M4 hứa hẹn mang đến hiệu năng đột phá và những tính năng tiên tiến nhất. Theo tiết lộ từ cây bút Mark Gurman của Bloomberg, Apple đang âm thầm phát triển sản phẩm được trang bị con chip mạnh mẽ này.
Tuy nhiên, thông tin chi tiết về sản phẩm MacBook Pro này vẫn được Apple giữ bí mật, khiến cho người yêu công nghệ càng thêm tò mò và háo hức. Theo dự đoán, Apple có thể mất ít nhất một năm nữa để ra mắt mẫu máy Mac đầu tiên sử dụng chip M4.
Chip M4 được đồn đoán sẽ phát triển dựa trên chip xử lý A18 dành cho iPhone ra mắt trong năm nay. Cả hai con chip này được kỳ vọng sở hữu nhiều nhân Neural Engine hơn để xử lý các tác vụ liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) - một yếu tố quan trọng trong hệ điều hành iOS 18 và macOS 15 sắp tới. Neural Engine trên chip A17 Pro hiện có khả năng xử lý tới 35 nghìn tỷ phép toán mỗi giây, hứa hẹn mang đến trải nghiệm mượt mà và hiệu quả cho các tác vụ AI trên các thiết bị Apple.
- Tập đoàn Foxconn công bố lãi ròng quý IV/2023 tăng 33%
Tập đoàn công nghệ Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc) ngày 14/3 thông báo lãi ròng trong quý IV/2023 tăng 33%, đánh dấu tăng trưởng quý thứ 2 liên tiếp.
Foxconn có tên chính thức là Hon Hai Precision Industry, là nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới và lắp ráp thiết bị cho một số công ty, đặc biệt là iPhone của tập đoàn Apple.
Foxconn thông báo lãi ròng của hãng trong quý từ tháng 10 - 12/2023 đạt 53,1 tỉ Tw (1,6 tỉ USD). Trước đó, Foxconn cũng thông báo lãi trong quý III cao hơn dự kiến nhờ nhu cầu gia tăng trước mùa nghỉ lễ.
Mức tăng trưởng này đạt được sau 2 quý thua lỗ liên tiếp, trong đó quý I Foxconn ghi nhận lỗ 56% và quý II lỗ 1%.
Foxconn là công ty tư nhân lớn nhất của Trung Quốc với hơn 1 triệu nhân viên trên cả nước. Tuy nhiên tập đoàn đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất sau khi chứng kiến sản xuất bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 ở Trung Quốc và căng thẳng ngoại giao với Mỹ.
Foxconn cũng có tham vọng bước ra ngoài lĩnh vực lắp ráp điện tử để đi vào thị trường xe điện cũng như chuyển đầu tư sang công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Hồi tháng 10/2023, Foxconn và tập đoàn sản xuất chip Nvidia của Mỹ cho biết sẽ hợp tác tạo ra các nhà máy AI là các trung tâm xử lý dữ liệu mạnh sẽ thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thế hệ mới.
Tuy nhiên trong tương lai Foxconn có thể đối mặt với các thách thức, trong bối cảnh báo cáo của Counterpoint Research mới đây cho biết doanh số iPhone tại Trung Quốc giảm gần 1/4 trong 6 tuần đầu năm 2024.
- Ứng dụng Telegram đạt gần một tỷ người dùng
Ứng dụng Telegram đã thu hút hơn 900 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, nằm trong top 5 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất toàn cầu.
Theo FT, CEO Telegram Pavel Durov mới đây cho biết, ứng dụng nhắn tin mã hóa đã có hơn 900 triệu người dùng và đang tính đến việc IPO, hy vọng có lãi vào năm tới.
Telegram ra đời năm 2013, đặt trụ sở tại Dubai (UAE). Sau 10 năm hoạt động, nền tảng đã thu hút hơn 900 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, tăng từ 500 triệu của năm 2021.
Công ty hiện có doanh thu hàng trăm triệu USD sau khi giới thiệu tính năng quảng cáo và đăng ký gói trả tiền vào năm 2022.
Năm 2022, nền tảng này đã phát triển theo cấp số nhân sau khi WhatsApp thay đổi cài đặt quyền riêng tư. Telegram nằm trong top 5 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên toàn thế giới và chiếm gần 9% lưu lượng dữ liệu di động ở Nga.
Cũng theo CEO Durov, Telegram đang được định giá hơn 30 tỷ USD từ các nhà đầu tư tiềm năng.
Durov cho biết vì muốn duy trì sự độc lập, ông sẽ loại trừ việc bán nền tảng nhưng đang cân nhắc IPO.
- Người dùng iPhone ở châu Âu vừa có được 'đặc quyền'
Theo Apple, các nhà phát triển phần mềm ở EU có thể phân phối trực tiếp ứng dụng từ web đến người tiêu dùng châu Âu, thay vì phải phân phối qua App Store.
Theo thông báo ngày 12/3 trên trang hỗ trợ lập trình viên, Apple sẽ cho phép người dùng iOS ở châu Âu tải ứng dụng trực tiếp từ website của nhà phát triển, bên cạnh lựa chọn tải từ App Store hoặc kho ứng dụng bên thứ ba.
Đây được xem là sự nhượng bộ lớn trong trong cuộc chiến bảo vệ vị thế độc quyền của kho ứng dụng App Store trên iPhone và các thiết bị khác.
Mặc dù vậy, ứng dụng vẫn cần trải qua quy trình giám sát chất lượng của Apple. Ngoài ra, tên miền website cũng cần đăng ký trên hệ thống App Store Connect.
Về quá trình cài ứng dụng lên thiết bị của Apple, người dùng tại châu Âu cần cấp quyền cho nhà phát triển trong phần cài đặt, màn hình sẽ hiển thị bảng thông tin gồm tên app, giới thiệu, ảnh chụp màn hình và phân loại độ tuổi.
Một số điều kiện không hề dễ nữa là nhà phát triển phân phối app qua web cần tham gia chương trình Apple Developer Program dưới tư cách tổ chức đăng ký, hoặc có pháp nhân tại Liên minh châu Âu (EU); có uy tín cao trong 2 năm liên tiếp và từng có ứng dụng đạt 1 triệu lượt tải đầu tiên tại Liên minh châu Âu.
Táo khuyết cho biết, người dùng iPhone và các thiết bị chạy hệ điều hành iOS từ phiên bản 17.4 trở đi sẽ có thể cài đặt các ứng dụng từ kho ứng dụng của các nhà phát triển khác ngoài App Store.
- TikTok nhận tin dữ từ Ý trong bối cảnh có thể bị EU phạt nặng và phải tách khỏi ByteDance ở Mỹ
Cơ quan quản lý chống độc quyền Ý hôm 14.3 cho biết đã phạt ba đơn vị thuộc TikTok tổng cộng 10 triệu euro (10,94 triệu USD) vì không kiểm tra đầy đủ nội dung trên nền tảng của mình.
Cơ quan này tuyên bố: “TikTok không thực hiện các biện pháp đầy đủ để ngăn chặn việc lan truyền nội dung như vậy và chưa tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn mà công ty đã ban hành, đảm bảo cho khách hàng rằng nền tảng là một không gian an toàn”.
Cơ quan quản lý chống độc quyền Ý nói thêm rằng một số nội dung nhất định của TikTok, đặc biệt là những nội dung được gọi là thử thách, có thể gây nguy hiểm cho trẻ vị thành niên hoặc những người dễ bị tổn thương.
Cơ quan quản lý chống độc quyền Ý vừa phạt ba đơn vị thuộc TikTok tổng cộng 10 triệu euro vì không kiểm tra đầy đủ nội dung trên nền tảng của mình - Ảnh: Internet
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã điều tra xem liệu TikTok của tập đoàn ByteDance (chủ sở hữu Trung Quốc) có vi phạm các quy tắc nội dung trực tuyến nhằm bảo vệ trẻ em và đảm bảo tính minh bạch trong quảng cáo hay không, khiến nền tảng truyền thông xã hội này có nguy cơ bị phạt nặng, theo hãng tin Reuters.