Điểm tin công nghệ 14/7: MacBook Air 15 inch bán chính hãng tại Việt Nam từ 32 triệu đồng

Việt Báo (Tổng hợp)| 14/07/2023 06:00

Ngân hàng cảnh báo hình thức lừa đảo giả mạo thương hiệu; Intel và Nvidia "lách luật" để cung cấp chip AI cho thị trường Trung Quốc

351474174_705382678024729_6769621427367744044_n.jpg

- MacBook Air 15 inch bán chính hãng tại Việt Nam từ 32 triệu đồng

MacBook Air 15 inch sử dụng chip xử lý M2 là sản phẩm mới nhất trong dòng máy tính xách tay của Apple được hãng ra mắt tháng trước.

Macbook Air 15 inch được xem là sự bổ sung cần thiết của Apple để lấp đầy nhu cầu về một chiếc laptop có màn hình đủ rộng, nhẹ và mức giá "mềm" hơn so với các phiên bản MacBook Pro màn hình lớn. Model sử dụng cùng chip với mức độ hỗ trợ tương đương về bộ nhớ, có cân nặng nhỉnh hơn so với Macbook Pro 13 inch M2, phù hợp khách hàng có nhu cầu di động, trình chiếu hoặc không quá chuyên sâu về đồ hoạ hay các tác vụ nặng.

Ra mắt tại WWDC 2023 hồi tháng 6, tuy nhiên đến nay sản phẩm mới chính thức có mặt qua đường phân phối chính hãng tại Việt Nam. Mức giá tham khảo từ 31,99 triệu đồng áp dụng cho phiên bản tiêu chuẩn (8 GB/256 GB), tăng thêm tới 6 triệu đồng nếu người dùng chọn dung lượng bộ nhớ trong 512 GB và bằng với tiền mua model 16 GB/256 GB (cùng 37,99 triệu đồng).

Đắt nhất là phiên bản 16 GB/512 GB với giá niêm yết 42,99 triệu đồng. Người mua sẽ được áp dụng giảm giá khoảng 2 triệu đồng hoặc hơn, tùy chương trình của nhà bán hàng trong nước.

- Ngân hàng cảnh báo hình thức lừa đảo giả mạo thương hiệu

Mới đây, ngân hàng Agribank và HSBC đã lên tiếng cảnh báo về hình thức lừa đảo giả mạo thương hiệu nhằm đánh cắp tiền của người dùng.

Mặc dù các phương tiện truyền thông, báo chí… liên tục cảnh báo hình thức lừa đảo giả mạo thương hiệu từ cuối năm 2020 nhưng vẫn có nhiều người trở thành nạn nhân của kẻ gian.

Theo đó, kẻ gian sẽ mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện/nhắn tin cho bạn, sau đó yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, điện thoại, mật khẩu… với lý do để bảo mật tài khoản, nhận quà tặng hoặc phục vụ việc điều tra.

Khi nhấp vào link (liên kết) được gửi kèm trong tin nhắn, bạn sẽ bị chuyển hướng đến một trang web giả mạo có giao diện tương tự như website chính thức của ngân hàng. Nếu bạn nhẹ dạ và điền thông tin đăng nhập, tiền trong tài khoản sẽ nhanh chóng bị “bốc hơi”.

Khác với những chiêu trò lừa đảo trước đó, hình thức giả mạo thương hiệu (Brandname) khiến bạn rất dễ bị mắc bẫy vì tên tin nhắn là tên ngân hàng. Do đó, nhiều người sẽ không mảy may nghi ngờ và đăng nhập tài khoản, trở thành nạn nhân của kẻ gian.

Theo cơ chế quản lý tin nhắn trên Android, các tin nhắn có cùng tên (thương hiệu) sẽ được gom chung lại một nhóm, dẫn đến việc người dùng khó phân biệt được đâu là tin nhắn thật và tin nhắn lừa đảo.

- Huawei sắp quay lại thị trường điện thoại 5G

Reuters dẫn lời 3 công ty nghiên cứu công nghệ chuyên theo dõi ngành điện thoại thông minh Trung Quốc cho biết tập đoàn Huawei đang lên kế hoạch quay lại thị trường điện thoại 5G vào cuối năm nay.

1 trong 3 công ty nói rằng Huawei dự kiến sử dụng quy trình sản xuất N+1 của SMIC (hãng sản xuất hàng bán dẫn số 1 Trung Quốc) mặc dù tỷ lệ năng suất chip sử dụng được có khả năng chỉ dưới 50%, số chip 5G chế tạo chỉ khoảng 2 triệu - 4 triệu đơn vị. Công ty thứ hai đưa ra con số khả quan hơn: 10 triệu đơn vị.

Hãng phân tích Canalys ghi nhận Huawei từng lập kỷ lục giao đến 240,6 triệu chiếc điện thoại thông minh trên toàn cầu vào năm 2019. Tờ Chứng khoán Trung Quốc vừa đưa tin Huawei nâng mục tiêu doanh số điện thoại năm 2023 từ 30 triệu chiếc lên 40 triệu chiếc, nhưng không đề cập gì đến điện thoại 5G.

3 công ty lưu ý đến thông báo đạt được đột phá trong phát triển phần mềm thiết kế điện tử tự động (EDA, công cụ tạo bản thiết kế chip trước khi tiến hành sản xuất hàng loạt) mà Huawei đưa ra tháng 3. Họ tin rằng phần mềm EDA tự phát triển kết hợp với quy trình N+1 sẽ cho ra đời chip 7 nm dùng trong điện thoại 5G.

SMIC hiện không thể mua máy in thạch bản cực tím (EUV) do công ty Hà Lan ASML độc quyền sản xuất – thiết bị rất quan trọng với nỗ lực sản xuất chip 7 nm. Tuy nhiên giới phân tích nhận thấy vài dấu hiệu chỉ ra SMIC có thể cho ra chip 7 nm bằng cách cải tiến máy quang khắc thế hệ cũ (DUV).

- Google bị kiện vì sử dụng dữ liệu không được phép để đào tạo AI của mình

Số lượng các vụ kiện về dữ liệu được sử dụng để đào tạo các mô hình AI khác nhau đang tăng lên nhanh chóng và lần này Google đang "ở trong tầm ngắm".

Số lượng các vụ kiện về dữ liệu được sử dụng để đào tạo các mô hình AI khác nhau đang tăng lên nhanh chóng và lần này Google đang ở trong tầm ngắm. Công ty đã gặp phải một vụ kiện nhắm vào việc sử dụng dữ liệu có sẵn công khai trên internet để đào tạo các mô hình AI.

DeepMind, công ty đã được mua lại bởi Google vào nhiều năm trước và được tích hợp với nhóm Google Brain vào tháng 4, cũng là một phần của vụ kiện.

Những người khởi kiện tuyên bố rằng Google "đã bí mật đánh cắp mọi thứ từng được tạo và chia sẻ trên internet" để sử dụng với mục đích huấn luyện chatbot AI.

Tin tức này xuất hiện chỉ vài ngày sau khi OpenAI vướng phải một vụ kiện liên quan đến các mô hình ngôn ngữ mà họ đào tạo, cụ thể là GPT-3.5 và GPT-4. Diễn viên Sarah Silverman đã cáo buộc OpenAI vi phạm bản quyền sách của cô bằng cách đưa chúng vào dữ liệu đào tạo mà không được phép. Hơn nữa, vụ kiện cũng cho biết nhiều khả năng OpenAI đang sử dụng những nguồn sách lậu để đào tạo AI.

- Intel và Nvidia "lách luật" để cung cấp chip AI cho thị trường Trung Quốc

Tập đoàn Intel đã mang bộ vi xử lý mới nhất được sử dụng trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) đến Trung Quốc, bất chấp lệnh cấm xuất khẩu chip của chính phủ Mỹ.

Tại một cuộc họp báo diễn ra ở Bắc Kinh hôm 12/7, các giám đốc điều hành của Intel đã giới thiệu bộ xử lý Gaudi2 của công ty - con chip không bị hạn chế xuất khẩu của Hoa Kỳ. Bộ xử lý này được xem là đối thủ cạnh tranh của GPU A100 cao cấp của Nvidia, được sử dụng rộng rãi để đào tạo các hệ thống AI.

Sản phẩm mới nhất của Intel – đã tạo ra 27% tổng doanh thu năm 2022 tại Trung Quốc, theo báo cáo thường niên mới nhất – nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với các nhà cung cấp công nghệ bán dẫn của Mỹ, bất chấp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Washington.

Intel đã học tập các nỗ lực của Nvidia vào đầu năm nay nhằm thúc đẩy các phiên bản sửa đổi của GPU A100 và H100 hàng đầu của họ ở Trung Quốc để tuân thủ các hạn chế của Hoa Kỳ và vẫn giữ được các khách hàng tiềm năng tại Trung Quốc, nơi các dự án phát triển AI mới đã phát triển mạnh mẽ để tạo ra các dịch vụ tương tự như ChatGPT của OpenAI.

Vào tháng 8 năm ngoái, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh cấm Nvidia và Advanced Micro Devices (AMD) bán một số chip tiên tiến cho Trung Quốc. Nvidia được hướng dẫn ngừng bán GPU A100 và H100, trong khi AMD bị ngăn xuất khẩu chip MI250 sang Trung Quốc.

Các lệnh cấm này khiến các công ty phát triển AI của Trung Quốc phải tranh giành để mua nguồn cung cấp chip tiên tiến hạn chế từ Nvidia, công ty gần như độc quyền về GPU được sử dụng để đào tạo các hệ thống AI.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 14/7: MacBook Air 15 inch bán chính hãng tại Việt Nam từ 32 triệu đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO