Điểm tin công nghệ 13/11: Mã độc của Lazarus tấn công nhiều tổ chức trên toàn thế giới

Việt Báo (Tổng hợp)| 13/11/2023 06:00

WhatsApp lên kế hoạch hiển thị quảng cáo để tăng doanh thu; Google kêu gọi EU buộc Apple mở iMessage

north_korea_hacker.jpg

- Mã độc của Lazarus tấn công nhiều tổ chức trên toàn thế giới

Nhóm Nghiên cứu và Phân tích toàn cầu (GReAT) của Hãng Kaspersky đã phát hiện chiến dịch tấn công mã độc mới của nhóm tin tặc khét tiếng Lazarus nhắm vào các tổ chức trên toàn thế giới.

Đã có một chuỗi cuộc tấn công mạng, trong đó các mục tiêu bị lây nhiễm qua phần mềm độc hại giả dạng phần mềm hợp pháp, được thiết kế để mã hóa lưu lượng truy cập web bằng chứng thư số (digital certificate).

Theo kết quả của nhóm GReAT công bố, những kẻ tấn công mạng kiểm soát nạn nhân bằng phần mềm độc hại SIGNBT và sử dụng những kỹ thuật lẩn trốn tinh vi để tránh bị phát hiện.

Ngoài việc đóng vai trò là điểm lây nhiễm đầu tiên, phần mềm độc hại này còn thu thập thông tin nhằm lập hồ sơ nạn nhân.

Trưởng bộ phận nghiên cứu bảo mật thuộc GReAT tại Kaspersky cho biết: Các cuộc điều tra sâu hơn tiết lộ phần mềm độc hại của nhóm Lazarus nhiều lần nhắm đến nhà cung cấp phần mềm.

Tần suất các cuộc tấn công diễn ra liên tục cho thấy động cơ phá vỡ chuỗi cung ứng phần mềm và quyết tâm đánh cắp mã nguồn quan trọng của công ty của nhóm tin tặc này.

“Các cuộc tấn công liên tục của nhóm tin tặc Lazarus là minh chứng cho việc thay đổi chiến thuật và nỗ lực tấn công của tội phạm mạng. Chúng hoạt động trên quy mô toàn cầu, nhắm mục tiêu vào nhiều ngành công nghiệp với nhiều phương thức hoạt động tinh vi.

Điều này cho thấy mối đe dọa vẫn còn hiện hữu và đòi hỏi mọi người sự cảnh giác cao độ”.

Dù đã phát hiện ra nguy hiểm nhưng các tổ chức trên toàn thế giới vẫn tiếp tục sử dụng phiên bản phần mềm bị trục trặc do chưa có phần mềm khác tối ưu hơn. Điều này tạo cơ hội cho nhóm Lazarus ngang nhiên thực hiện hành vi tấn công mạng.

 - WhatsApp lên kế hoạch hiển thị quảng cáo để tăng doanh thu

WhatsApp - ứng dụng nhắn tin phổ biến, đang chuẩn bị thực hiện một cuộc cách mạng về mô hình kinh doanh của mình.

Theo đó, WhatsApp sẽ hiển thị quảng cáo nhằm tăng cường doanh thu, tuy nhiên, điều quan trọng là quảng cáo sẽ không xuất hiện trong cuộc trò chuyện của người dùng.

Hiện nay, WhatsApp là một ứng dụng hoàn toàn miễn phí và không có quảng cáo. Mặc dù có các tính năng trả phí, nhưng việc sử dụng ứng dụng không bắt buộc người dùng mua hoặc đăng ký các tính năng đó. Điều này có thể thay đổi với việc hiển thị quảng cáo trong một số phần của ứng dụng, mặc dù thông tin này vẫn chưa được xác nhận.

Trước đó, từ năm 2018, WhatsApp đã tiến hành thử nghiệm hiển thị quảng cáo khi người dùng xem "Trạng thái" của một ai đó. Tuy nhiên, do lo ngại về phản ứng của người dùng và vấn đề bảo vệ quyền riêng tư, kế hoạch này sau đó đã bị trì hoãn.

- Google kêu gọi EU buộc Apple mở iMessage

CNET đưa tin ngày 12/11, Google và một nhóm các nhà mạng lớn của châu Âu đã ký lá thư gửi lên Ủy ban châu Âu với nội dung iMessage của Apple nên được quản lý như một dịch vụ nền tảng theo Đạo luật Thị trường kỹ thuật số.

Trong bức thư, Google và các nhà mạng lập luận rằng, iMessage đáp ứng đủ các điều kiện của một dịch vụ nền tảng cốt lõi theo Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA). Tính năng này của Apple được ít nhất 10.000 người dùng hoạt động hằng tháng ở Liên minh châu Âu và được điều hành bởi một công ty có doanh thu hằng năm trên 8 tỷ USD.

"iMessage đóng vai trò là một cửa ngõ quan trọng giữa người dùng doanh nghiệp và khách hàng, nên được quy định như một dịch vụ cốt lõi theo Đạo luật Thị trường kỹ thuật số mới của Liên minh châu Âu. Nếu nhà chức trách chỉ định iMessage là dịch vụ nền tảng cốt lõi, Apple phải mở cửa iMessage để nó tương tác được với các dịch vụ nhắn tin khác như RCS (dịch vụ giao tiếp đa dạng)", bức thư nêu rõ.

Việc được xem là dịch vụ nền tảng của DMA sẽ khiến Apple phải tuân theo các nghĩa vụ gồm mở cho người dùng Android một số tính năng hiện chỉ dành cho người dùng iOS, giúp iMessage có thể tương tác với các dịch vụ nhắn tin khác và áp dụng dịch vụ RCS, nhằm đảm bảo thị trường công bằng và cạnh tranh, nếu không sẽ phải đối mặt với các khoản phạt ở Liên minh châu Âu.

Google từ lâu đã mong muốn Apple hỗ trợ dịch vụ RCS. RCS cung cấp các tính năng thường thấy trong các ứng dụng nhắn tin như thông báo đang gõ văn bản, xác nhận đã xem, chia sẻ ảnh và video có độ phân giải cao và nhắn tin nhóm. Được hỗ trợ bởi các nhà mạng và nhà sản xuất, RCS được tích hợp vào ứng dụng nhắn tin gốc của smartphone.

Tuy nhiên, những tính năng nâng cao đó của iMessage chỉ độc quyền trong hệ sinh thái của Apple. Tin nhắn giữa những người dùng cùng sử dụng hệ điều hành iOS của Apple có màu xanh dương, còn với người sử dụng hệ điều hành khác như Android hiển thị là màu xanh lá cây.

- Indonesia thu 1 tỷ USD thuế thương mại điện tử

Tổng cục thuế (DJP) thuộc Bộ Tài chính Indonesia cho biết đã thu 15.680 tỷ rupiah (1 tỷ USD) thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 161 công ty thương mại điện tử tính đến hết tháng 10/2023.

Người phát ngôn DJP, bà Dwi Astuti cho biết, con số trên được tích lũy từ năm 2020 đến năm 2023, trong đó 731,4 tỷ rupiah vào năm 2020, 3.900 tỷ rupiah năm 2021, 5.510 tỷ rupiah năm 2022, và 5.540 tỷ rupiah trong 10 tháng của năm 2023.

Trong một tuyên bố bằng văn bản, bà Dwi cho biết, tính đến hết tháng 10/2023, Indonesia có 161 công ty thương mại điện tử được chỉ định thu hộ thuế VAT, tương đương với tháng trước do không có thêm doanh nghiệp được bổ sung vào danh sách.

Để thúc đẩy sân chơi bình đẳng giữa các sàn thương mại điện tử và các công ty kinh doanh truyền thống, Chính phủ Indonesia đã ra quy định mới theo đó buộc các công ty thương mại điện tử thu hộ thuế VAT từ các khách hàng của mình.

Theo quy định mới, các công ty thương mại điện tử được chỉ định có nghĩa vụ thu 11% VAT đối với các sản phẩm kỹ thuật số nước ngoài được bán ở Indonesia và có nghĩa vụ cung cấp chứng từ cho các cơ quan thuế dưới dạng hóa đơn bán hàng, biên lai đặt hàng hoặc các tài liệu tương tự khác.

Tiêu chí đối với các công ty thương mại điện tử được Chính phủ Indonesia chỉ định thu hộ thuế VAT bao gồm doanh thu từ 600 triệu rupiah mỗi năm và có hơn 12.000 lượt truy cập mỗi năm.

Trong thời gian gần đây, giới chức Indonesia đã tìm cách siết chặt quản lý thương mại điện tử. Hồi tháng 6/2022, Indonesia đã áp dụng thu thuế đối với các giao dịch mua sắm trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số bằng cách bắt buộc những người kinh doanh phải dán tem trị giá 10.000 rupiah lên các mặt hàng.

- Máy tính bảng Xiaomi Pad 7 Pro lộ diện cấu hình

Một nguồn tin rò rỉ vừa tiết lộ máy tính bảng sắp tới của Xiaomi sẽ có chip xử lý mạnh mẽ của nhà Qualcomm.

Theo Gadget360, máy tính bảng Xiaomi Pad 6 Pro được trang bị chip Qualcomm Snapdragon 8+ Gen 1 đã được ra mắt vào tháng 4 năm nay. Giờ đây, thương hiệu công nghệ Trung Quốc được cho là đang phát triển Xiaomi Pad 7 Pro như một sản phẩm kế nhiệm đầy tiềm năng.

Không có thông tin chính thức về thời điểm thiết bị được ra mắt, nhưng thông số kỹ thuật của nó gần đây đã xuất hiện trên mạng xã hội. Theo đó, tài khoản cung cấp thông tin rò rỉ nổi tiếng Digital Chat Station trên mạng Weibo vừa đăng tải rằng Xiaomi Pad 7 Pro sẽ có màn hình LCD với tần số quét 144Hz.

Ngoài ra, máy tính bảng mới được cho là sẽ chạy trên chipset Snapdragon 8 Gen 2 mạnh mẽ của Qualcomm, đây sẽ là một bản nâng cấp so với Xiaomi Pad 6 Pro. Hơn nữa, Xiaomi Pad 7 Pro sắp ra mắt dự kiến sẽ được trang bị mô-đun máy ảnh hình vuông được bố trí ở góc trên cùng bên trái của mặt sau.

Trước đây, Xiaomi Pad 6 Pro từng ra mắt với nền tảng MIUI 14 dựa trên Android 13 và có màn hình LCD 11 inch 2,8K với tần số quét lên tới 144Hz. Máy có thiết lập camera kép phía sau với cảm biến chính 50MP và cảm biến độ sâu 2MP, mặt trước máy tính bảng sở hữu cảm biến 20MP.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 13/11: Mã độc của Lazarus tấn công nhiều tổ chức trên toàn thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO